Cuộc rượt đuổi lương và giá
- Cập nhật: Chủ nhật, 29/7/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Nguồn tin từ Cục Thống kê Yên Bái cho biết: 6 tháng đầu năm nay, chỉ số giá tiêu dùng tăng 5,6% (tăng 4% so với nửa đầu năm 2006). Giá cả leo thang khiến nhiều người lao động lâm vào cảnh khó khăn. Nguy cơ tái nghèo đang hiển hiện trong không ít những gia đình và chưa biết bao giờ tình trạng này mới được khắc phục.
Dù mưa hay nắng, công nhân ngành xây dựng vẫn phải làm việc với mức thu nhập 30 nghìn đồng/ngày.
|
Nhiều người dễ dàng thống kê được những lần tăng lương tối thiểu như: 290 lên 350 rồi 350 lên 450.000 đồng/tháng, nhưng không ai có thể thống kê được giá cả sinh hoạt tăng bao nhiêu lần trong năm, thậm chí trong tháng mà chỉ thấy sáng ra, chiều đến là những thông báo biểu giá mỗi ngày một leo thang từ miệng các bà, các chị: "Khiếp quá thịt mông lên 40 rồi (tức 40.000đồng/kg), thịt bò thì 80, rau muống cũng nghìn đồng một mớ...". Đúng là lương tăng một thì giá đã tăng hai, ba, lương không bù được giá nên mức sống không những không tăng mà còn có chiều hướng giảm.
Cô Hồng Nguyên ở tổ 25, phường Hồng Hà - TP Yên Bái cầm 20 nghìn đồng ra chợ. Qua hàng thịt, thịt lợn giá 40, sang hàng thịt bò, thịt bò giá 80, qua hàng cá, giá cá 27 nghìn. Cô tần ngần một lúc rồi chuyển mua cá tép dầu, mấy bìa đậu và hai mớ rau muống. Bữa chiều nay gia đình cô với hai vợ chồng, hai đứa con và một bà mẹ già tiếp tục một bữa cơm đạm bạc. Lương hưu của chồng cô hơn 700 nghìn đồng một tháng và số lương 26 ngày công được gần một triệu của cô chỉ đủ cầm cự cho những sinh hoạt tối thiểu, lỡ ốm đau, bệnh tật hoặc cưới hỏi gì thì chắc chỉ có cách đi vay.
Một chị công nhân ở Công ty May xuất khẩu Yên Bái cho biết, chị đã làm công nhân được mấy năm. Khéo tay và nhanh nhẹn như chị, làm 27-28 công/tháng, chưa kể thêm giờ mới được trả lương gần triệu đồng/tháng. Số tiền ấy rất tằn tiện mới đủ chi phí cho các sinh hoạt hàng ngày như: ăn, ở, điện, nước. Nhiều chị em cùng tổ, cùng thuê nhà với chị chỉ mong đủ sống ở mức tối thiểu chứ chưa bao giờ có tiền tiết kiệm phòng khi ốm đau, bệnh tật hay mua quà mỗi khi về quê thăm gia đình. Một triệu đồng/tháng để nuôi mình, nuôi con thậm chí cả bố mẹ già đã là thấp nhưng còn được làm trong nhà có quạt, có điện không nắng mưa, không phụ thuộc vào thời tiết, còn với nhiều ngành nghề khác đó vẫn là ...mơ ước!
Chị Đặng Hồng Vân ở Công ty Môi trường đô thị Nghĩa Lộ là một thí dụ. Đi làm đủ 30/30 ngày, công việc quét rác thì ai cũng biết là vất vả và nặng nhọc tới mức nào, nhưng tổng thu nhập của chị chỉ là 485 nghìn đồng/tháng. Người lao động thường có cảm giác, lương tăng, giá tăng theo nên mức sống không tăng, có khi còn giảm, vậy mà những công nhân ở Công ty Môi trường đô thị Nghĩa Lộ đã chịu cảnh giá tăng cao lại còn không được hưởng mức lương tối thiểu như các đơn vị khác (hiện mức lương tối thiểu của công nhân môi trường đô thị Nghĩa Lộ vẫn là 350.000 đồng, không được hưởng 450.000 đồng - PV).
Theo số liệu tổng hợp của Liên đoàn lao động tỉnh Yên Bái tại ba ngành: nông lâm nghiệp, y tế, giao thông vận tải và huyện Yên Bình, có tới 165 hộ nghèo, nhà dột nát; 55 hộ có thu nhập dưới 200 nghìn đồng/người/tháng và 732 hộ chưa có nhà ở. Toàn tỉnh hiện nay chưa có điều kiện tổng hợp nhưng trong số 3,3 vạn công nhân thì phần lớn chỉ đạt mức sống trung bình, trong đó những nghề lao động nặng nhọc lại có tỷ lệ hộ nghèo cao như: quản lý giao thông, xây dựng, môi trường đô thị, lâm trường viên... |
Chủ nhiệm HTX khai thác, vận chuyển đá Mông Sơn,Yên Bình cho biết: "Tuy giá cả có tăng, ảnh hưởng đến cuộc sống của đội ngũ công nhân trong HTX nhưng có thể khẳng định là đại đa số cán bộ, công nhân trong đơn vị vẫn có cuộc sống tạm ổn. Tuyệt đối không có chuyện người lao động kêu ca, phàn nàn về mức lương, mức sống hay có những biểu hiện tiêu cực khác". Giải thích cho những điều mình vừa nói, ông Chủ nhiệm này cho biết: "Lương công nhân trong HTX là 1,5 triệu đồng/người/tháng. Mức lương ấy họ đã đủ sống, phần lớn họ lại có cổ phần trong HTX nên hàng năm được chia cổ tức.
Bên cạnh đó là việc HTX giao khoán đầu việc, phần việc nên CNVC chủ động làm ăn, như lựa chọn phương án, cách làm sao cho tiết kiệm thời gian, vật tư... số tiền tiết kiệm được họ được lấy. Mặt khác là đơn vị cổ phần hóa nên mọi người, trong đóù từng người lao động phải có trách nhiệm góp sức để HTX phát triển, người lao động được lĩnh lương cao, được chia cổ tức nhiều". Rất tiếc số đơn vị sản xuất kinh doanh hiệu quả, lo cho công nhân có cuộc sống ổn định như HTX kể trên lại không nhiều.
Mới đây, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí bên lề kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XII về tình hình lạm phát và giá cả leo thang. Phó thủ tướng khẳng định: Quan trọng nhất là đảm bảo cung - cầu. Nếu những mặt hàng nào sản xuất không đủ thì phải nhập khẩu, tránh tình trạng ''găm'' hàng. kiểm soát giá cả hàng hóa chống đầu cơ và thông qua biện pháp quản lý tiền vào, tiền ra và lãi suất ngân hàng..., Chính phủ chỉ đạo quyết liệt để tốc độ tăng giá thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Cuộc rượt đuổi lương - giá vẫn còn tiếp tục và chưa có dấu hiệu kết thúc. Câu chuyện lương - giá và lương có đủ sống hay không vẫn còn tiếp tục được bàn thảo. Không dễ gì có chuyện tăng lương ngay và ngay cả khi có chuyện tăng lương thì giá đã "kịp thời" chạy trước, còn chuyện kìm chế và đẩy lùi giá cả sinh hoạt thì người dân phải đợi những quyết sách của Chính phủ.
Đúng là "Giá- lương nặng một lời thề/Giá đi, đi mãi không về cùng lương''!
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Từ khi được tách ra theo Quyết định 50/QĐ-UBND ngày 23/01/2006 của UBND tỉnh, thì chỉ một lần Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) được biết thông tin và tiếp cận với 33 người nhiễm HIV qua danh sách từ TTYTDP tỉnh gửi vào quý III/2006 và một số ít đối tượng căn cứ vào kết quả xét nghiệm từ các trại giam, Trung tâm Cai nghiện gửi thông báo để TTYTDP đưa vào diện quản lý tại cơ sở.
YBĐT - Đã một thời, sản xuất kinh doanh chè rất thịnh vượng, nhưng từ khi xoá bỏ cơ chế bao cấp sang nền kinh tế thị trường việc sản xuất, kinh doanh chè không có tính ổn định, bền vững. Các nhà máy chế biến bung ra quá nhiều, vượt quá khả năng cung cấp của vùng nguyên liệu. Không chỉ có vậy, các nhà máy chế biến được đầu tư xây dựng quá lạc hậu, không đáp ứng được thị trường.
YBĐT - 6 người đã tử vong và trên 579 ca phải tiêm phòng trong những tháng qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về bệnh dại. Sau nhiều cố gắng của các ngành chức năng, các cấp chính quyền cũng như người dân, những tưởng bệnh dại chỉ còn là trong dĩ vãng, vậy mà hôm nay nỗi lo về căn bệnh này lại trở về ám ảnh…
YBĐT - Từ đầu năm 2007 trở lại đây, nhiều hộ dân thuộc các huyện: Yên Bình, Văn Yên, Lục Yên, Văn Chấn... thi nhau chặt phá, khai thác hàng trăm ha rừng khoanh nuôi tái sinh, rừng phòng hộ. Nghiêm trọng hơn là xảy ra tình trạng tranh giành, gây rối mất trật tự an ninh địa phương. Các lâm trường vốn là chủ rừng thì cho rằng việc quản lý nay thuộc về UBND huyện và xã, huyện và xã thì đổ cho nông - lâm trường.