Hội đồng nhân dân cấp xã, vì sao hoạt động chưa hiệu quả ?
- Cập nhật: Thứ ba, 18/9/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trong cuộc tiếp xúc cử tri gần đây của đại biểu HĐND tỉnh Yên Bái và thành phố Yên Bái tại phường Yên Ninh, hơn một nửa trong số 11 ý kiến của các cử tri cho rằng hoạt động của HĐND phường thời gian qua chưa thực sự đem lại hiệu quả. Đặc biệt Thường trực và đại biểu HĐND phường chưa làm hết trách nhiệm, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát và gần gũi nhân dân.
Đoàn đại biểu Quốc hội khoá XII của tỉnh tiếp xúc cử tri tại huyện Văn Yên.
|
Lý giải về vấn đề này, bà Lê Thị Thành - Chủ tịch HĐND phường cho rằng: HĐND phường làm sao mà có thể chiều hết được lòng dân, thực tế thì nhu cầu của cử tri được giải quyết thỏa đáng các thắc mắc, bức xúc là rất lớn, còn HĐND phường lại không đủ thẩm quyền để giải quyết.
Cũng về vấn đề này, bà Nguyễn Thu Hà - Chủ tịch HĐND phường Hồng Hà - thành phố Yên Bái thì trao đổi: Mặc dù thời gian qua, Thường trực HĐND phường đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong tổ chức hoạt động cũng như đổi mới hình thức tiếp xúc cử tri nhưng thẳng thắn mà nói thì các hoạt động của HĐND phường cũng chỉ là kiểm tra, giám sát, tham mưu đóng góp cho Đảng ủy và UBND chứ cũng chưa thực sự có tiếng nói quyết định giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân. Bà Lê Thị Thành cũng như bà Nguyễn Thu Hà đều cho rằng nếu được tăng thêm thẩm quyền thì hoạt động HĐND các xã, phường chắc chắn sẽ hoạt động hiệu quả hơn.
Những tâm tư của lãnh đạo chủ chốt HĐND 2 phường ở thành phố Yên Bái cũng chính là những băn khoăn, trăn trở của rất nhiều lãnh đạo HĐND cấp xã hiện nay. Bởi thực tế họ còn gặp nhiều khó khăn trong tổ chức hoạt động cũng như quyền hạn và vấn đề đảm bảo các điều kiện cho HĐND hoạt động.
So với nhiệm kỳ trước, hiện nay hoạt động của HĐND các xã, phường, thị trấn của tỉnh Yên Bái đã thuận lợi hơn rất nhiều do hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn chỉnh hơn, quyền hạn của HĐND cấp xã được tăng hơn. Mặt khác, nhận thức của các cấp lãnh đạo, các ban, ngành đoàn thể và cử tri về vai trò của HĐND cấp xã cũng có nhiều thay đổi, được ủng hộ nhiều hơn.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan thì HĐND cấp xã hiện nay hoạt động còn nhiều hạn chế, chưa hiệu quả, hoạt động còn mang tính hình thức, chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Việc tổ chức kỳ họp nhiều nơi chỉ là có và giám sát chỉ để biết chứ chưa có hiệu lực. Thực tế thì hầu hết thường trực HĐND cấp xã đều hoạt động kiêm nhiệm, như chủ tịch HĐND các xã, phường, thị trấn thì đều kiêm nhiệm là phó bí thư thường trực Đảng ủy, hoặc bí thư Đảng ủy, phó chủ tịch HĐND kiêm thường trực Đảng... Đa số cán bộ cấp xã đã thừa nhận rằng, họ phải đảm đương quá nhiều công việc của Đảng ủy, chính quyền nên cũng khó mà có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ người đại biểu nhân dân.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong hoạt động của HĐND cấp xã. Một trong những nguyên nhân cơ bản phải kể đến đó là trình độ, năng lực của đại biểu HĐND gần như chưa đáp ứng yêu cầu ở cơ sở, nhiều khi nặng về cơ cấu dẫn đến năng lực yếu, hoạt động không có hiệu quả.
Thực tế đang diễn ra ở hầu hết các địa phương là nhiều đại biểu HĐND không có ý kiến phát biểu tại các kỳ họp. Khi tiếp xúc, cử tri chất vấn thì đại biểu không biết trả lời hoặc chỉ để cho 1 đại biểu đại diện trả lời tất cả các lĩnh vực mà cử tri quan tâm. Tình trạng này đã dẫn đến việc cử tri thất vọng, mất niềm tin vào người đại biểu mình đã gửi gắm niềm tin.
Bên cạnh đó trong quá trình hoạt động HĐND cấp xã, phường các đại biểu không biết phải giám sát thế nào và giám sát những vấn đề gì. Nhiều khi phải xin ý kiến Đảng ủy, chính quyền rồi mới giám sát thì thật sự không thể có hiệu quả. Đặc biệt trong việc giám sát thu, chi ngân sách, công tác đầu tư xây dựng cơ bản nếu các đại biểu HĐND không có năng lực, trình độ thì không thể giám sát, cũng như không biết vấn đề mình giám sát đúng hay sai.
Chức năng giám sát của HĐND cấp xã là hết sức quan trọng vì nó sẽ giúp cho chính quyền địa phương cũng như HĐND cấp huyện và tỉnh có những quyết định đúng và giải quyết tận gốc các vấn đề nảy sinh ở cơ sở. Nhưng đại biểu HĐND cấp cơ sở lại chưa đáp ứng yêu cầu thì quả đó là một khó khăn, thách thức.
Ngoài những khó khăn kể trên thì hiện nay điều kiện để thực thi quyền lực của HĐND cấp xã cũng còn hạn chế. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất và kinh phí cho hoạt động HĐND cấp xã còn phụ thuộc quá nhiều vào chính quyền UBND, phụ thuộc vào nguồn thu ngân sách của địa phương. Mà việc thu ngân sách của nhiều xã gặp khó khăn nên kinh phí dành cho hoạt động HĐND cũng bị bó hẹp chỉ chi kinh phí cho 2 kỳ họp HĐND là chủ yếu...
Với những khó khăn của HĐND cấp xã ở tỉnh ta hiện nay thì mỗi địa phương khi cơ cấu đại biểu HĐND trước hết phải đáp ứng các tiêu chuẩn về trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực hoạt động, khả năng nắm bắt, xử lý thông tin. Có như vậy thì người đại biểu dân cử mới có thể tuyên truyền vận động, tổ chức quần chúng thực hiện chủ trương đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước tại địa phương và mới có thể đề xuất, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương.
Thường trực HĐND cấp xã cũng rất cần có đội ngũ giúp việc và có các ban (hoạt động kiêm nhiệm) để giúp HĐND thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn. Có như vậy, hoạt động của HĐND các xã, phường, thị trấn mới thiết thực, hiệu quả hơn.
Bích Thu
Các tin khác
YBĐT - Như chúng ta đã biết, thời gian qua, trên địa bàn một vài nơi như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, một số đối tượng lợi dụng người dân đi khiếu kiện để lôi kéo, kích động chống phá chính quyền nhằm mục đích gây ảnh hưởng lớn ra bên ngoài, phục vụ âm mưu đen tối của các thế lực thù địch, bằng nhiều hình thức cho tiền người đi khiếu kiện, vận động tập trung đông người dân đi khiếu kiện tại một số điểm tiếp dân, viết đơn thư nặc danh vu khống, bôi nhọ cán bộ…
YBĐT - Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tương Chính phủ về việc tăng cường kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm mô tô, xe máy, vào lúc 11 giờ ngày 7/9/2007, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Yên Bái bất ngờ kiểm tra cửa hàng Hường Ngọc (số nhà 29, đường Trần Hưng Đạo, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái).
YBĐT - Việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ngày càng phổ biến. Ước tính trung bình một vụ lúa, nông dân sử dụng thuốc BVTV 2,5 lần, mỗi lần 1 kg/ha. Đối với hoa màu, tuỳ theo loại cây trồng thường sử dụng từ 2,5 đến 3,5 lần. Tuy nhiên, người nông dân vẫn chưa ý thức đầy đủ về bảo vệ sức khoẻ và môi trường sống khi sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất. Tình trạng mất vệ sinh an toàn lao động ở nông thôn đang là một thực trạng đáng lo ngại.
YBĐT - Năm 2002, qua khảo sát, tỉnh Yên Bái còn tới 12.000 phụ nữ mù chữ trong độ tuổi từ 18 - 40. Số đối tượng này tập trung nhiều nhất ở huyện Mù Cang Chải, chiếm tới gần một nửa toàn tỉnh, tiếp đến là huyện Trạm Tấu, Văn Chấn.