Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật:

Nông dân chưa ý thức đầy đủ

  • Cập nhật: Thứ năm, 13/9/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ngày càng phổ biến. Ước tính trung bình một vụ lúa, nông dân sử dụng thuốc BVTV 2,5 lần, mỗi lần 1 kg/ha. Đối với hoa màu, tuỳ theo loại cây trồng thường sử dụng từ 2,5 đến 3,5 lần. Tuy nhiên, người nông dân vẫn chưa ý thức đầy đủ về bảo vệ sức khoẻ và môi trường sống khi sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất. Tình trạng mất vệ sinh an toàn lao động ở nông thôn đang là một thực trạng đáng lo ngại.

Đã đến lúc cần báo động về an toàn lao động ở nông thôn.
Đã đến lúc cần báo động về an toàn lao động ở nông thôn.

 Trên cánh đồng xã Thạch Lương huyện Văn Chấn (Yên Bái), chúng tôi nhìn thấy một bác nông dân dùng tay xé bao thuốc trừ sâu, rồi búng tay vào đó, làn bột trắng trong bao bốc thẳng lên mặt. Ông nhăn mặt vì không đeo khẩu trang, rồi đổ vội nước vào bình bơm… Lúc đó, trên cánh đồng này một vài nông dân khác cũng đang phun thuốc trừ sâu cho rau màu, tất cả không dùng khẩu trang che mặt và cũng chẳng đeo găng tay khi xé bao thuốc…

Một bác nông dân khi được hỏi vì sao khi phun thuốc trừ sâu mà không đeo khẩu trang che mặt và găng tay, câu trả lời của bác thật đơn giản: “Quen rồi! Mùa nào chẳng phun thuốc”. Mỗi khi phun thuốc, cách mà người nông dân áp dụng là đứng ở đầu gió. Tuy nhiên, họ không hề để ý rằng, những đám ruộng phía trên mình, nhiều người khác cũng đang làm như họ. Không chỉ riêng ở Thạch Lương mà đến nhiều cánh đồng khác có thể thấy những bao bì đựng thuốc BVTV, thuốc diệt cỏ nằm rải rác khắp trên bờ ruộng, lối đi, dưới mương máng, giữa đồng và cách thức phun thuốc thì đều giống nhau.

Nhiều nông dân vẫn xem đó là loại rác thông thường như bao loại rác thải khác mà không lường hết được hậu quả nguy hiểm do tính độc hại với môi trường của các loại thuốc trừ sâu còn sót lại trong bao bì. Khi được hỏi về tác hại của thuốc trừ sâu đối với con người và môi trường, nhiều nông dân đều trả lời thẳng thừng: “Nói đến thuốc trừ sâu ai trả biết độc hại, nhưng độc hại đến đâu và như thế nào thì nông dân chúng tôi làm sao biết hết được. Sâu bọ gây hại cho mùa màng thì phải phun thuốc diệt thôi…”.

Điều đáng lo ngại nữa hiện nay cơ sở hạ tầng để cất giữ các loại thuốc BVTV ở nông thôn, vùng cao còn thiếu và không được coi trọng. Có những lần đi cơ sở vùng cao, chúng tôi thường thấy thuốc BVTV được xã nhận về chưa kịp cấp phát nên để luôn trong trụ sở xã, rất ảnh hưởng tới sức khoẻ, môi trường làm việc.

Thêm nữa, phải có tới 50% số cửa hàng bán buôn, bán lẻ thuốc BVTV không có kho chuyên dụng, thậm chí được cất giữ, bày bán ngay tại nơi sinh hoạt của gia đình. Một thực tế khác cũng rất đáng lo ngại là việc sử dụng các loại máy móc trong sản xuất nông nghiệp đang có xu hướng tăng nhanh. Đây là nét mới đáng phấn khởi trong sản xuất, tuy nhiên, ở góc độ an toàn lao động thì còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Khi vận hành máy móc, đa số nông dân đều không sử dụng các dụng cụ bảo hộ tối thiểu. Mỗi khi thay dầu nhớt hay đổ thêm xăng, dầu cho động cơ, nhiều người vẫn vô tư đổ chất thải ra môi trường xung quanh…

Môi trường độc hại, ô nhiễm ảnh hưởng trước tiên đến sức khoẻ người nông dân. Tuy chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng theo một số nhà chuyên môn, hiện nay, có tới 30% số lao động làm nông nghiệp bị mắc các bệnh về da, 35% mắc các bệnh về đường hô hấp, xương khớp, đường ruột, mắt, bệnh ung thư ở vùng nông thôn có xu hướng tăng nhiều so với mấy chục năm về trước…

Trong điều kiện làm việc và tốc độ phát triển nông nghiệp như hiện nay, thì cứ 100.000 lao động có khoảng 1.700 người bị ảnh hưởng sức khoẻ do dùng thuốc BVTV không đúng quy định.

Nguyên nhân trực tiếp của tình trạng trên là nông dân chưa ý thức đầy đủ tác hại của việc sử dụng thuốc BVTV không đúng cách. Trong khi đó ngành chức năng ngoài việc hướng dẫn ra thì chưa có biện pháp hữu hiệu nào nhằm kiểm soát triệt để nâng cao ý thức của người dân trong việc tự bảo vệ mình, cũng như bảo vệ môi trường sống.

Hiện nay, công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định, quy phạm về an toàn, vệ sinh lao động ở nông thôn vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền cơ sở trong tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nông dân, đồng thời tích cực kiểm tra để sớm có giải pháp đồng bộ, khả thi nhằm kiểm soát tình hình trên.  Nhưng điều quan trọng trước tiên là phải làm sao cho mọi người dân đều có ý thức và trách nhiệm hơn trong việc tự bảo vệ sức khoẻ cho mình và cả cộng đồng.

Huy Văn

Các tin khác
Phụ nữ xã Nghĩa Lợi tham gia lớp học xóa mù chữ do Hội Phụ nữ thị xã Nghĩa Lộ tổ chức.

YBĐT - Năm 2002, qua khảo sát, tỉnh Yên Bái còn tới 12.000 phụ nữ mù chữ trong độ tuổi từ 18 - 40. Số đối tượng này tập trung nhiều nhất ở huyện Mù Cang Chải, chiếm tới gần một nửa toàn tỉnh, tiếp đến là huyện Trạm Tấu, Văn Chấn.

YBĐT - Cây gỗ sưa (gỗ hoàng đàn, trắc thối, huê mộc vàng...) có tên khoa học là Dalbergia tonkinensis thuộc nhóm IA, vì vậy đã được Nhà nước cấm khai thác trên phạm vi toàn quốc. Gần đây, do gỗ sưa có giá bán rất cao (khoảng 500.000 - 700.000 đồng/kg gỗ lõi) nên nó đã trở thành mục tiêu săn lùng của những kẻ hám lời. Chính vì vậy cần có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ cây sưa.

Chỉ huy diễn tập PCCR tại xã Yên Thành (Yên Bình).

YBĐT - Đã thành thông lệ cứ vào đầu mùa khô hàng năm, ban chỉ đạo phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) từ huyện đến các xã, thị trấn của huyện Yên Bình (Yên Bái) triển khai đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý bảo vệ rừng và PCCCR cho nhân dân học tập, ký cam kết không vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng và PCCCR. Song tình trạng phát rừng làm nương làm rẫy trái phép gây ra cháy rừng vẫn xảy ra khá phổ biến ở một số xã trong huyện.

Khai thác và sản xuất đá trắng ở Công ty Hùng Đại Dương (Lục Yên).

YBĐT - Tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái khá đa dạng và phong phú về chủng loại, là tiềm năng thế mạnh trong phát triển công nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên phần lớn có trữ lượng nhỏ, nằm phân tán, điều tra về địa chất còn hạn chế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục