Mũ bảo hiểm: Làm thế nào để biết thật - giả?
- Cập nhật: Thứ sáu, 14/9/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tương Chính phủ về việc tăng cường kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm mô tô, xe máy, vào lúc 11 giờ ngày 7/9/2007, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Yên Bái bất ngờ kiểm tra cửa hàng Hường Ngọc (số nhà 29, đường Trần Hưng Đạo, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái).
|
Quá trình kiểm tra đã phát hiện và tạm giữ 90 chiếc mũ bảo hiểm mô tô, xe máy giả, nhái, kém chất lượng và không rõ nguồn gốc. Trong khi đội công tác của Chi cục Quản lý thị trường làm việc với cửa hàng kinh doanh Hường Ngọc thì tại nhiều cửa hàng mũ bảo hiểm khác xuất hiện tình trạng tẩu tán mặt hàng này. Điều đó cho thấy tình hình khá phức tạp, có một lượng đáng kể mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng, giả, nhái đã và đang được bày bán trên thị trường. Kiểm tra chặt chẽ mặt hàng mũ bảo hiểm cả trong quá trình lưu thông và kinh doanh buôn bán sẽ là việc làm thường xuyên của lực lượng quản lý thị trường trong thời gian này.
Cùng có mặt tại buổi kiểm tra cửa hàng Hường Ngọc với lực lượng quản lý thị trường mới thấy, để nhận biết đâu là mũ thật, đâu là mũ giả là điều hết sức khó. Sự đa dạng về chủng loại, kiểu dáng, màu sắc và giá cả... khiến người có nhu cầu mua một chiếc mũ để bảo vệ cái đầu như lọt vào ma trận. Có những chiếc giống nhau về kiểu dáng nhưng lại mang nhãn mác khác nhau. Ngay như cái tem đảm bảo chất lượng cũng khó biết đâu là tem hợp chuẩn, đâu là tem giả, đâu là tem dán vào để đánh lừa người tiêu dùng.
Để giúp người tiêu dùng nhận biết được đâu là chiếc mũ đảm bảo chất lượng, có tem nhãn hợp chuẩn, chúng tôi đã có có cuộc phỏng vấn với ông Cù Huy Đức - Tổ trưởng Tổ chống hàng giả Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái.
PV: Xin ông cho biết mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng là loại mũ như thế nào?
Ông Cù Huy Đức: Mũ bảo hiểm dùng cho người đi xe máy là mặt hàng Nhà nước quản lý về chất lượng. Về mặt xuất xứ, mũ bảo hiểm có hai loại, gồm: sản xuất trong nước và nhập khẩu. Đối với mũ sản xuất trong nước, các cơ sở buộc phải đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN 5756 – 2001 và phải dán tem hợp chuẩn trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Đối với mũ bảo hiểm nhập khẩu cũng phải đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn như đối với sản xuất trong nước và phải được in hoặc dán tem chứng nhận hoặc lô gô của tổ chức chứng nhận/phòng thử nghiệm được chỉ định trước khi nhập khẩu vào Việt Nam.
PV: Cách để giúp người tiêu dùng nhận biết đâu là “Tem hợp chuẩn”?
Ông Cù Huy Đức: Tem hợp chuẩn có hai chữ C và S (CS). Hai chữ C và S lấy theo phông chữ ABC, kiểu chữ VnBahamasB ( như hình dưới đây). Ký hiệu và số hiệu tiêu chuẩn lấy theo phông chữ ABC, kiểu chữ VnArialH và nằm trên trục đối xứng của CS. Chiều rộng L của ký hiệu và số hiệu tiêu chuẩn không vượt quá chiều rộng của biểu tượng (CS). Dấu XXXXXX trên tem ghi tiêu chuẩn 5756 - 2001.
PV: Vấn đề mũ bảo hiểm và việc làm thế nào để mua được mũ chính hiệu đang được mọi người quan tâm. Ông có lời khuyên gì đối với người kinh doanh mũ bảo hiểm và người tiêu dùng?
Ông Cù Huy Đức: Mũ bảo hiểm là phương tiện để bảo đảm an toàn tính mạng và sức khoẻ cho người đi mô tô, xe máy. Sản xuất, kinh doanh mũ phải đảm bảo các yêu cầu mà pháp luật quy định. Người dân cần xem xét kỹ lưỡng trong khi mua, nhất là nhãn hiệu, tem bảo đảm... Chiếc tem dán trên mũ phải đúng như đã nói ở trên. Đối với các tổ chức kinh doanh phải nhập hàng có hoá đơn thuyết minh nguồn gốc rõ ràng. Phải có tem hợp chuẩn hoặc chứng nhận kiểm định như đã nói ở trên. Đồng thời phải lấy bản sao chứng nhận hợp chuẩn của lô mũ đó. Trong thời gian này, lực lượng quản lý thị trường và các ngành chức năng đang tăng cường kiểm tra mặt hàng mũ bảo hiểm, những trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
PV: Xin cảm ơn ông!
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ngày càng phổ biến. Ước tính trung bình một vụ lúa, nông dân sử dụng thuốc BVTV 2,5 lần, mỗi lần 1 kg/ha. Đối với hoa màu, tuỳ theo loại cây trồng thường sử dụng từ 2,5 đến 3,5 lần. Tuy nhiên, người nông dân vẫn chưa ý thức đầy đủ về bảo vệ sức khoẻ và môi trường sống khi sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất. Tình trạng mất vệ sinh an toàn lao động ở nông thôn đang là một thực trạng đáng lo ngại.
YBĐT - Năm 2002, qua khảo sát, tỉnh Yên Bái còn tới 12.000 phụ nữ mù chữ trong độ tuổi từ 18 - 40. Số đối tượng này tập trung nhiều nhất ở huyện Mù Cang Chải, chiếm tới gần một nửa toàn tỉnh, tiếp đến là huyện Trạm Tấu, Văn Chấn.
YBĐT - Cây gỗ sưa (gỗ hoàng đàn, trắc thối, huê mộc vàng...) có tên khoa học là Dalbergia tonkinensis thuộc nhóm IA, vì vậy đã được Nhà nước cấm khai thác trên phạm vi toàn quốc. Gần đây, do gỗ sưa có giá bán rất cao (khoảng 500.000 - 700.000 đồng/kg gỗ lõi) nên nó đã trở thành mục tiêu săn lùng của những kẻ hám lời. Chính vì vậy cần có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ cây sưa.
YBĐT - Đã thành thông lệ cứ vào đầu mùa khô hàng năm, ban chỉ đạo phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) từ huyện đến các xã, thị trấn của huyện Yên Bình (Yên Bái) triển khai đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý bảo vệ rừng và PCCCR cho nhân dân học tập, ký cam kết không vi phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng và PCCCR. Song tình trạng phát rừng làm nương làm rẫy trái phép gây ra cháy rừng vẫn xảy ra khá phổ biến ở một số xã trong huyện.