Để công tác phòng chống HIV/AIDS ở Yên Bái có kết quả bền vững
- Cập nhật: Thứ hai, 25/2/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Năm 2007, Dự án Phòng chống HIV/AIDS do Ngân hàng thế giới tài trợ tại tỉnh Yên Bái đã có những tác động tích cực đối với cộng đồng trong công tác phòng chống HIV/AIDS.
Lãnh đạo tỉnh Yên Bái thăm tặng quà, động viên người nhiễm HIV/AIDS tại xã Đại Lịch (Văn Chấn). (Ảnh: T.L)
|
Sự phân biệt, kỳ thị đối xử với người nhiễm HIV đã dần được cải thiện, người dân đã được nâng cao về nhận thức từng bước hoà đồng với người có HIV, đã có sự chăm sóc đồng cảm, chia sẻ, giúp đỡ người có HIV/AIDS...
Năm 2008, để các hoạt động phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Yên Bái thật sự đem lại hiệu quả; thực hiện mục tiêu khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng ở dưới mức 0,29%, 100% các địa phương và các đơn vị đưa hoạt động phòng chống HIV/AIDS trở thành một trong các mục tiêu ưu tiên của chương trình phát triển kinh tế-xã hội.
80% nhân dân khu vực thành thị, 60% nhân dân khu vực nông thôn hiểu đúng và biết cách dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, các biện pháp phòng chống lây nhiễm HIV được bao phủ cho 70% các đối tượng có hành vi nguy cơ lây nhiễm cao... thì việc đẩy mạnh các hoạt động, cũng như các kế hoạch triển khai đồng bộ xuống các huyện, thị, thành phố và những nơi đang là “điểm nóng” về HIV/AIDS đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của các cấp, các ngành và mỗi người dân.
Trung tâm Phòng chống HIV/ AIDS của tỉnh và Dự án Phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS do Ngân hàng thế giới tài trợ tại Yên Bái xác định tiếp tục đẩy mạnh các chương trình thông tin, giáo dục, truyền thông, thay đổi hành vi phòng lây nhiễm HIV/AIDS; can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm; chăm sóc, hỗ trợ người có HIV/AIDS; giám sát, tiếp cận điều trị HIV/AIDS; dự phòng lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con; quản lý và điều trị các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục; an toàn truyền máu...
Trong đó, việc phòng chống và giảm lây nhiễm HIV/AIDS đặc biệt quan trọng. Thực tế cho thấy, giảm tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS phụ thuộc vào nhận thức của người dân và quan trọng nhất vẫn là nhận thức của những người có HIV. Việc làm này, không thể nói một sớm một chiều mà là công việc dài hơi, đòi hỏi sự vào cuộc của toàn xã hội.
Trong năm 2006 và 2007, việc kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người có HIV/AIDS đã có nhiều thay đổi, nhiều cá nhân, tổ chức, đặc biệt là những người có HIV/AIDS đã chủ động công khai và tham gia tích cực vào các hoạt động tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS; các nhóm đồng đẳng từ đó đã xuất hiện và góp phần lớn trong công cuộc phòng chống HIV/AIDS.
Vì vậy, để Dự án Phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS luôn là điểm tựa vững chắc cho những người có HIV/AIDS thì việc huy động cộng đồng, khuyến khích các tổ chức tôn giáo, tổ chức xã hội, từ thiện, các nhóm cộng đồng, đặc biệt là bản thân người có HIV/AIDS và gia đình họ tham gia phòng chống HIV/AIDS là rất cần thiết.
Các cấp các ngành, trong đó nòng cốt là ngành y tế, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, đặc biệt là Dự án Phòng chống HIV/AIDS do Ngân hàng thế giới tài trợ tiếp tục lồng ghép hoạt động phòng chống HIV/AIDS với các phong trào quần chúng, như thể thao, văn hóa, văn nghệ tại cộng đồng hay các lớp tập huấn, các buổi nói chuyện...
Bên cạnh đó, sẽ tăng cường huy động các doanh nghiệp tham gia phòng chống HIV/AIDS, quy định cụ thể về các hoạt động triển khai phòng chống HIV/AIDS tại nơi làm việc và nghiêm cấm các doanh nghiệp sa thải người có HIV/AIDS; giáo dục, phát huy việc xây dựng các chuẩn mực đạo đức gia đình, phong tục, tập quán tốt đẹp, duy trì nếp sống văn hóa lành mạnh, nâng cao trách nhiệm của từng cá nhân và gia đình để phòng lây nhiễm HIV/AIDS; bảo đảm sự đồng thuận của các cấp, các ngành trong việc triển khai có hiệu quả các mục tiêu dự án.
Tập trung các can thiệp vào nhóm dễ bị nhiễm HIV, nhóm có hành vi nguy cơ cao, trong đó chú trọng nhóm tiêm chích ma túy, phụ nữ bán dâm, thanh thiếu niên; đầu tư kinh phí mua bơm kim tiêm phục vụ chương trình giảm tác hại, đảm bảo việc cung ứng và bán rộng rãi bao cao su và bơm kim tiêm sạch; nhân rộng mô hình giáo dục đồng đẳng, hỗ trợ thành lập các nhóm đồng đẳng trong dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS; coi gia đình, cộng đồng là yếu tố cơ bản trong chăm sóc, hỗ trợ ngươi có HIV và gia đình họ để họ ổn định cuộc sống, hòa nhập và được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng; tăng cường khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ, tư vấn, xét nghiệm cho người nhiễm HIV/AIDS...
Đẩy lùi HIV/AIDS là một quá trình, đòi hỏi sự chung sức, chung lòng của toàn xã hội với nhiều giải pháp đồng bộ. Thực hiện tốt các giải pháp trên là cơ sở để công tác phòng chống HIV/AIDS năm 2008 đạt được những kết quả toàn diện và bền vững hơn.
Ngọc Sơn
Các tin khác
YBĐT - Năm 2007 khép lại, đánh dấu những thành công bước đầu sau một năm thực hiện Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy và thí điểm tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho người nghiện ma túy sau cai nghiện tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2006 - 2010”.
YBĐT - Yên Bái vốn là vùng đất chứa đựng một nền văn hoá cổ và vùng đất này lại có rất nhiều tộc người cùng chung sống lâu đời. Điều này cũng có nghĩa là Yên Bái còn có một nền văn hoá dân gian đa sắc thái.
YBĐT - Nói đến YTCS là nói đến người dân, những người ít có điều kiện được chăm sóc sức khỏe, ít có kiến thức về sức khỏe để bảo vệ bản thân.
YBĐT - Những năm trước, nhắc đến Nghĩa Tâm, chúng ta thường biết đó là một vùng cam nổi tiếng của huyện Văn Chấn với nhiều loại cam ngon, mẫu mã đẹp được nhiều người ưa chuộng như: cam sành, cam sen, quýt lửa, cam chanh... Cam từ lâu đã trở thành nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân trong xã. Tuy nhiên, cùng với thời gian, tiếng tăm của cam Nghĩa Tâm đang bị phai nhạt dần theo sự thoái hóa, già cỗi cả về năng suất, chất lượng các vườn cam.