Yên Bái: Nhiều mối lo từ cây sắn

  • Cập nhật: Thứ năm, 24/7/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Vài năm trở lại đây, giá nguyên liệu sắn tăng cao, khiến nhiều hộ nông dân từ vùng thấp đến vùng cao ồ ạt trồng sắn. Thậm chí có nhiều hộ dân còn phá bỏ chè, quế, rừng để trồng sắn không theo quy hoạch của huyện, ngành nông nghiệp - PTNT. Rõ ràng việc trồng và phát triển cây sắn như hiện nay chỉ đem lại lợi ích trước mắt nhưng về mặt lâu dài sẽ là vấn đề đáng lo ngại nếu không có sự điều chỉnh kịp thời!

Nhân dân xã Quang Minh (Văn Yên) thu hoạch sắn.
Nhân dân xã Quang Minh (Văn Yên) thu hoạch sắn.

Giá nguyên liệu sắn đang lên cao khiến nhiều hộ nông dân đua nhau lên đồi trồng sắn. Năm 2006 giá nguyên liệu sắn mới chỉ 500-600 đồng/kg nhưng năm 2007 đã tăng lên 800 đồng/kg và có thời điểm giá tăng trên 1.000 đồng/kg. Theo tính toán của nông dân thì trồng 1ha sắn chỉ cần đạt năng suất 30 tấn bán với giá 900đồng/kg, trừ mọi khoản chi phí cũng lãi trên 10 triệu đồng. Đó là lợi nhuận khá hấp dẫn đối với nông dân miền núi như Yên Bái hiện nay và họ không dễ dàng bỏ qua.

Xét về hiệu quả kinh tế thì cây sắn không thua kém bất cứ một loại cây trồng nào vào thời điểm hiện nay. Ngoài ra, cây sắn còn dễ trồng, tiền đầu tư lẫn công chăm sóc lại không quá lớn, bất cứ hộ dân nào có đất cùng với sự cần cù là làm được. Tuy nhiên, tốc độ phát triển diện tích như một hai năm gần đây thì quả là một vấn đề đáng lo ngại.

Hiện nay, cây sắn vẫn được xác định là cây thế mạnh trong phát triển kinh tế của nhiều địa phương. Vì thế, trong năm 2008, toàn tỉnh trồng mới trên 14 ngàn ha sắn tập trung chủ yếu ở các huyện Văn Yên, Yên Bình, Văn Chấn, Lục Yên.  Đây là con số theo báo cáo của ngành nông nghiệp - PTNT và các huyện thị, còn trên thực tế thì lớn hơn rất nhiều và dường như các cấp chính quyền và ngành nông nghiệp cũng chưa kiểm soát nổi.

Có nhiều ý kiến cho rằng, nhân dân phát triển cây sắn quá mức đã vượt quá quy hoạch dẫn đến phá vỡ quy hoạch. Cây sắn đã lấn át nhiều tập đoàn cây công nghiệp ngắn ngày khác như: đậu tương, lạc, mía và thậm chí nhiều nơi chặt chè, quế, phá rừng để chuyển sang trồng sắn. Không những thế, để có đất trồng sắn, không ít hộ dân huyện Văn Yên, Yên Bình, Văn Chấn, Trạm Tấu… còn lấn vào đất trồng rừng khoanh nuôi tái sinh, rừng phòng hộ. Việc lấn đất cũng khá tinh vi, mỗi năm một thửa nương chỉ lấn chiếm vài mét đến vài chục mét vuông và nếu có bị phát hiện thì cũng chỉ nhắc nhở và cùng lắm là phạt hành chính. Cứ như thế, diện tích đất rừng đang bị thu hẹp qua từng năm.

Huyện Văn Yên là một trong những huyện có diện tích trồng sắn lớn nhất tỉnh và dường như không thể kiểm soát được. Hiện nay, Văn Yên có hai cơ sở chế biến tinh bột sắn đặt tại xã Đông Cuông và một cơ sở mới được xây dựng, đã trở thành lực hút vô cùng lớn đối với nông dân trồng sắn, vì đầu ra thuận lợi, giá sắn lại lên cao ổn định.

 Cây sắn lên ngôi đã làm diện tích đậu tương giảm 16ha, lạc giảm 45,6ha và một số xã có diện tích mía giảm cũng do nhân dân đã chuyển sang trồng sắn. Tình trạng phá rừng làm nương sắn cũng có chiều hướng gia tăng. Theo Hạt Kiểm lâm huyện Văn Yên thì 5 tháng đầu năm 2008, trên địa bàn huyện xảy ra gần 70 vụ phá rừng làm nương rẫy, làm thiệt hại hàng chục ha rừng khoanh nuôi tái sinh, rừng phòng hộ. Người dân ở xã Đông An, Châu Quế Thượng phá bỏ dứa trồng sắn hoặc trồng xen sắn vào diện tích quy hoạch dứa.

Từ đầu 2008 đến nay, toàn huyện trồng mới trên 6.644 ha sắn và đó chỉ là những con số thống kê của các xã báo cáo, còn trên thực tế thì diện tích sắn lớn hơn nhiều. Cây sắn không chỉ được trồng ở 6 xã vùng quy hoạch là: Đông Cuông, Yên Thái, Yên Hưng, Mậu Đông… nhưng giờ thì hầu hết ở các xã kể cả xã vùng cao, vùng sâu từ Quang Minh, Lâm Giang, Lang Thíp đến Tân Hợp, Phong Dụ Thượng, Phong Dụ Hạ…

Một vấn đề đáng lo ngại nữa là, việc phát triển sắn một cách ồ ạt đã phá vỡ hệ thống cơ cấu kinh tế cây trồng, gây thiệt hại cho sản xuất và môi trường. Người dân canh tác sắn không đúng kỹ thuật, trong khi sắn là loại cây trồng làm cho đất cạn kiệt chất dinh dưỡng. Cây sắn đưa lên đồi không những làm thoái hoá đất mà còn dễ rửa trôi đất do mưa lũ. Vì vậy, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần nhanh chóng vào cuộc tìm ra giải pháp hạn chế việc phát triển cây sắn một cách  tự phát như hiện nay, đừng vì cái lợi trước mắt mà đua nhau trồng sắn để rồi vài năm sau đất đai cạn kiệt. 

Các huyện cần tăng cường công tác khuyến nông, hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác sắn bền vững, đặc biệt áp dụng các giống mới năng suất chất lượng cao như giống KM60, KM94, HN124; thực hiện các biện pháp như trồng xen canh, luân canh với các cây họ đậu, bón phân hữu cơ, phân vi sinh nhằm cải tạo tăng độ phì cho đất tạo năng suất cao.

Đặc biệt, cần quan tâm đến việc thu hoạch và sau thu hoạch để bảo vệ đất đai và môi trường. Bên cạnh đó cần chỉ đạo quản lý diện tích, cơ cấu cây trồng trên địa bàn theo quy hoạch đã duyệt, đồng thời có cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu cây công nghiệp; tuyệt đối không phá rừng để trồng lấn, mở rộng thêm diện tích sắn ngoài quy hoạch với các cây trồng khác làm xáo trộn cơ cấu cây trồng, phá vỡ cơ cấu kinh tế và môi trường.

Các huyện cần kiểm tra rà soát diện tích quy hoạch của từng loại cây trồng trên địa bàn, đồng thời cần có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy hoạch như phá rừng, xâm lấn đất rừng, phá bỏ các cây trồng đã quy hoạch, ổn định diện tích sắn đã quy hoạch...

Văn Thông

Các tin khác

YBĐT - Quyết định 80/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nói rõ mối quan hệ mật thiết "bốn nhà", trong đó, quan hệ giữa doanh nghiệp với nông dân là chủ yếu, quan trọng. Tuy nhiên, việc thực hiện liên kết "bốn nhà" thời gian qua rất lỏng lẻo. Bên cạnh một số doanh nghiệp coi trọng liên kết với nông dân, vẫn còn những doanh nghiệp coi nông dân là người phục vụ, chưa coi là đối tác bình đẳng để làm ăn.

Nước hồ xuống thấp, kéo theo việc nuôi trồng thủy sản gặp khó khăn, nhiều hoạt động KT-XH bị ảnh hưởng. (Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Hồ Thác Bà là nơi cung cấp nước để phát điện cho Nhà máy Thủy điện Thác Bà, nay thuộc Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà. Với 3 tổ máy (108 MW), mỗi năm, Công ty đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 20 tỷ đồng tiền thuế tài nguyên nước. Với người dân Yên Bái, nhà máy thủy điện là công trình vĩ đại của ý Đảng, lòng dân.

YBĐT - Những năm gần đây, giao lưu thương mại ngày càng được mở rộng và cuộc sống của người dân Yên Bái được cải thiện rõ rệt… Song, bên cạnh những mặt tích cực trên thì mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng phát sinh nhiều tiêu cực, đặc biệt là nạn buôn lậu và gian lận thương mại.

Trạm y tế xã La Pán Tẩn (Mù Cang Chải) được đầu tư xây dựng đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân vùng cao.

YBĐT - Cùng với con người, cơ sở vật chất là một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng khám, chữa bệnh của của các cơ sở y tế. Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng thực tế hiện nay, cơ sở vật chất của các trạm y tế ở Yên Bái đa số chưa đáp ứng được nhu cầu. Cùng với tiêu chuẩn môi trường, cơ sở vật chất là chuẩn thứ hai đạt thấp theo chuẩn y tế quốc gia.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục