Phía sau tấm bằng khen

  • Cập nhật: Thứ tư, 16/4/2014 | 8:58:03 AM

YBĐT - Sau mỗi vụ án thành công, mỗi đường dây ma túy được bóc gỡ, mỗi lần vinh dự được được đứng lên bục khen thưởng cho thành tích của cá nhân, tập thể, thì họ - những người lính trên mặt trận đấu tranh chống ma túy lại trở về với chính mình và nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền như những cột trụ bình thường khác trong các gia đình bé nhỏ của xã hội.

Cán bộ, chiến sĩ  lực lượng chức năng Công an tỉnh kiểm nghiệm tang vật của một vụ án ma túy.
Cán bộ, chiến sĩ lực lượng chức năng Công an tỉnh kiểm nghiệm tang vật của một vụ án ma túy.

Nếu như tội phạm kinh tế là những kẻ gian hùng, tinh vi, xảo quyệt, tội phạm hình sự liều lĩnh, manh động và hung hãn thì tội phạm ma túy là tổng hợp của tất cả những yếu tố trên. Vì thế, đánh án ma túy ngoài lòng nhiệt tình, yêu nghề, trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, đòi hỏi những cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (CSĐTTPVMT) phải dũng mãnh, khôn ngoan trong đấu trí, kiên trì, quyết tâm trong "bám, bắt" đối tượng và đặc biệt là phải có bản lĩnh vững vàng trước mọi cám dỗ vật chất mà tội phạm ma túy sẵn sàng đánh đổi bằng mọi giá...

Chiến công trong gian nan

Đồng chí Phạm Song Tùng - Phó trưởng Phòng CSĐTTPVMT Công an tỉnh Yên Bái - người có 30 năm công tác trên các lĩnh vực: hình sự, kinh tế, ma túy đã tâm sự rất thật về những vất vả, khó khăn cũng như những hiểm nguy mà các anh phải đối mặt hàng ngày để kìm chế và từng bước đẩy lùi tội phạm ma túy trên địa bàn.

Năm 2002, từ Công an huyện Lục Yên chuyển về, cùng đồng đội tham gia phá rất nhiều vụ án, bóc gỡ nhiều đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, Phạm Song Tùng vô cùng xót xa trước cảnh những đứa trẻ người Mông nhếch nhác, mắt tròn xoe, ngơ ngác nép vào góc nhà nhìn bố mẹ bị công an bắt. Chúng còn quá nhỏ để hiểu vì sao những người sinh ra mình bị bắt cũng như vì sao họ bị kẻ xấu lợi dụng đi gieo rắc “cái chết trắng” cho đồng loại.

Nói như anh em trong đơn vị là khi "Phòng đã bắt thì án hầu hết đều từ 15 năm trở lên". Vì vậy, các anh đã phải mời chính quyền địa phương, anh em họ hàng của đối tượng lên nhờ quản lý, chăm sóc đám trẻ khi không còn chỗ dựa. Có lẽ đó cũng là động lực mạnh mẽ nhất thôi thúc các anh trên con đường đấu tranh loại bỏ “cái chết trắng” trong cộng đồng.

Sau mỗi vụ án thành công, mỗi đường dây ma túy được bóc gỡ, mỗi lần vinh dự được được đứng lên bục khen thưởng cho thành tích của cá nhân, tập thể, thì họ - những người lính trên mặt trận đấu tranh chống ma túy lại trở về với chính mình và nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền như những cột trụ bình thường khác trong các gia đình bé nhỏ của xã hội. Dù vẫn còn nhiều khó khăn thiếu thốn nhưng ở trong tập thể dũng mãnh ấy ít nhất cũng đã có hàng chục lượt CBCS hơn một lần đứng trước những cám dỗ vật chất của đối tượng mua chuộc mà không hề nao núng, gục ngã.

Ngoài nguyên nhân số người nghiện ma túy ở vùng cao đông còn có những nguyên nhân khác như: địa hình của Yên Bái phần lớn là rừng núi hiểm trở, nằm trên tuyến trọng điểm về ma túy vùng Tây Bắc, tiếp giáp với các tỉnh: Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên... lại có tuyến đường sắt, đường bộ, đường thủy thuận lợi là địa bàn lý tưởng để các đối tượng buôn bán ma túy xâm nhập. Chúng sẵn sàng "giao hàng chịu" cho người dân vùng cao, vùng sâu với giá trung bình 100 triệu đồng/bánh, chuyển về bán được khoảng 300 triệu đồng, thậm chí nếu bán lẻ, số lãi có thể tăng gấp 3-4 lần.

Không những lợi dụng đồng bào dân tộc Mông ở vùng cao, trình độ văn hóa thấp, các đối tượng còn táng tận lương tâm lôi kéo cả người già, phụ nữ có thai và trẻ em vào đường dây mua bán, vận chuyển ma túy và sẵn sàng dùng "vũ khí nóng" chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, bắt giữ, gây khó khăn cho công tác điều tra.

Với phương châm "Nắm chắc tình hình, diễn biến tội phạm ma túy để có phương án tấn công, trấn áp hiệu quả", từ năm 2013 đến hết quý I/2014, CBCS Phòng CSĐTTPVMT Công an tỉnh đã bắt giữ 57 vụ/120 đối tượng (tăng 12 vụ/35 đối tượng so với cùng kỳ). Trong đó, Phòng đã khám phá thành công 11 chuyên án, bắt 28 đối tượng và thu giữ 2.774 gam hêrôin (tương đương với 8 bánh), 1.959 gam thuốc phiện, 79 gam ma túy tổng hợp dạng đá, 72 điện thoại di động, 27 xe máy, 1 ô tô và 55kg quả thuốc phiện tươi.

Điển hình là những chiến công trong đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Ngày 16/1/2014, tại xã Lang Thíp (Văn Yên), anh em trinh sát của Phòng đã phá Chuyên án 114-T, bắt 2 đối tượng Nguyễn Văn Lập sinh năm 1971, trú tại thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường (Lai Châu) và Đoàn Văn Nội sinh năm 1967, trú tại Nghĩa Thịnh, Nghĩa Hưng (Nam Định) về hành vi mua bán trái phép chất ma túy, thu giữ 1 bánh hêrôin.

Hai ngày sau tại xã Nậm Khắt (Mù Cang Chải), Phòng lập công phá Chuyên án 214-L, bắt 2 đối tượng: Vàng Bả Ly sinh năm 1984, trú tại Mường Cai và Mùa A Thái sinh năm 1990, trú tại Nậm Thi cùng ở huyện Sông Mã (Sơn La) về hành vi mua bán trái phép chất ma túy, thu giữ 3 bánh hêrôin.

Đây là những chiến công đầu năm mà Phòng đã được UBND tỉnh cũng như Ban Giám đốc Công an tỉnh khen thưởng đột xuất. Song, đằng sau những tấm giấy khen, những phần thưởng cao quý đó là biết bao công sức, vất vả với khoảng thời gian phá án phải tính bằng quý, bằng năm các anh mới thực hiện được.

 

Cán bộ, chiến sỹ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh triển khai nhiệm vụ.

Từng giờ đối mặt hiểm nguy

Cũng giống như những đơn vị chống ma túy khác trên cả nước, mặc dù chưa có hy sinh nhưng anh em chiến sĩ của Phòng đã có những tổn thương rất lớn cả về thể xác cũng như tinh thần mà nếu không có bản lĩnh vững vàng khó ai có thể trụ vững. Đó là những tai nạn khó tránh khỏi như bị đối tượng nhiễm HIV cắn, bị dính máu đối tượng trong quá trình khống chế nên bị phơi nhiễm. Bởi lúc vào cuộc anh em đều rất quyết tâm, đối tượng thì phải tháo chạy bằng mọi giá.

Trưởng phòng CSĐTTPVMT Vũ Hồng Quảng chia sẻ: "Phát lệnh cho anh em lên đường, cán bộ lãnh đạo và Ban Giám đốc cũng mất ăn, mất ngủ theo anh em. Bởi bắt được đối tượng phạm tội về ma túy đã khó nhưng để đưa chúng về cho pháp luật trừng trị còn khó khăn hơn rất nhiều lần. Đặc biệt, mục tiêu lớn nhất của chuyên án thành công là CBCS phải được đảm bảo an toàn tính mạng".

Để làm được điều đó không chỉ đòi hỏi mỗi chiến sĩ trinh sát ma túy ngoài lòng nhiệt tình, trung thành, biết chịu đựng vất vả còn phải sẵn sàng chấp nhận cả hy sinh.

Trên thực tế, CBCS trong Phòng đã có tới 4 đồng chí bị phơi nhiễm HIV, riêng Phó phòng Phạm Song Tùng có tới 2 lần bị phơi nhiễm. Lần thứ nhất vào năm 2005 khi anh tham gia bắt một đối tượng ở Văn Chấn, sau đó, tên này vào tù được 2 năm thì chết vì HIV/AIDS. Năm 2006, trong một lần vây bắt đối tượng khác cũng ở địa bàn Văn Chấn anh đã bị thương rất nặng ở đầu. Lần thứ hai phát hiện bị phơi nhiễm là năm 2007 bắt đối tượng ma túy ở tổ 1, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái (một điểm "nóng" mà các đối tượng nghiện ma túy vẫn quen gọi là xóm bụi).

3 năm liên tục "đen đủi" như vậy khiến tâm lý của anh cũng như gia đình, vợ con rất lo, thậm chí đã có lần vợ anh trực tiếp đến gặp lãnh đạo ngành xin cho chồng được chuyển công tác. Song với bản lĩnh nghề nghiệp cùng sự động viên, chia sẻ của đồng đội và Ban Giám đốc, anh lại tiếp tục vào trận liên tiếp cùng đồng đội lập chiến công.

Mỗi ngày, cuộc chiến dành riêng cho những chiến sĩ công an không mặc sắc phục này lại thêm nhiều cam go và thách thức bởi tội phạm ma túy là loại tội phạm với đường dây, ổ nhóm được khép kín, hoạt động ngày càng tinh vi hơn nhờ sự liên kết với các đối tượng ngoại tỉnh. Do áp lực công việc quá lớn, lực lượng chiến đấu lại mỏng nên hàng năm đơn vị giao chỉ tiêu xuống từng đội, đội tiếp tục giao cho trinh sát để thực hiện kế hoạch.

Trong khi chế độ công tác phí của anh em cũng chỉ duy trì 50 ngàn đồng/ngày thì việc tính toán lên kế hoạch cho từng khâu từ phát hiện, theo dõi, bám đuổi, mật phục, bắt quả tang cho đến hóa trang thành mọi tầng lớp trong xã hội, ăn uống sinh hoạt trong điều kiện đêm hôm… đều được đảm bảo tính chính xác tuyệt đối và thật tiết kiệm để "làm sao vừa đánh án thắng lợi vừa không ảnh hưởng đến đồng lương cho gia đình, vợ con".

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Phó đội trưởng Đội 2, Phòng CSĐTTPVMT Công an tỉnh chân thành: "Nhiệm vụ của từng đội, từng trinh sát đều được lên kế hoạch cụ thể, khoán chi tiêu, cứ ví như người đi buôn phải làm sao cho có lãi".

Rồi anh kể chuyện đội mình đánh án ở vùng cao phải nằm phục cả buổi trong rừng nhưng không thể bỏ vị trí mật phục để đi mua đồ ăn vì rất dễ bị lộ. Thậm chí phải cải trang thành người dân để nhờ bà con mua nước giúp.

Mới đây nhất, vào lúc 2h sáng, ngày 29/3, tại Quảng trường 19/8, thành phố Yên Bái, trinh sát Đội 2 của các anh đã mai phục, theo dõi gần 10 tháng và bắt thành công đối tượng Bùi Văn Hà sinh năm 1971, trú tại thôn Văn Hội, xã Văn Bình, huyện Thường Tín (Hà Nội) thu giữ 1/2 bánh hêrôin khi hắn đang trên đường vận chuyển lên Yên Bái tiêu thụ.

Sáng ngời bản lĩnh

Có lẽ nguy hiểm nhất trong đánh án ma túy là phần lớn các đối tượng bị mắc bệnh xã hội nên nguy cơ phơi nhiễm của trinh sát luôn tiềm ẩn. Trong khi các chế độ chính sách đặc thù dành cho họ vẫn chưa có, khi cuộc sống của gần chục hộ gia đình chiến sĩ vẫn còn khó khăn, chưa có nhà riêng, thậm chí có nhiều hộ phải đi thuê nhà trọ thì một lần nữa bản lĩnh của những trinh sát ma túy lại được tỏa sáng.

Đó là tấm gương của trinh sát dân tộc Mông Sùng A Chinh sinh năm 1989 mới cưới vợ được 1 năm. Do vợ không có việc làm nên hai vợ chồng chỉ sống bằng suất lương của anh. Sau khi đứa con mới sinh bị mất, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã tạo điều kiện giúp vợ anh được làm cấp dưỡng cho một đơn vị công an phường khiến A Chinh rất cảm động, yên tâm công tác và hoàn thành tốt công việc được giao. Vào công tác trong phòng từ năm 2010 đến nay, mỗi năm A Chinh góp sức cùng cả đội hoàn thành hàng chục vụ án ma túy. Năm 2014, đội của anh được Phòng giao 11 vụ, 3 chuyên án, Đội lại giao nhiệm vụ cho trinh sát cao hơn với 6 chuyên án.

Ngay trong quý I/2014, A chinh đã cùng anh em trong đội đã xác lập 5 chuyên án, triệt phá thành công 4 chuyên án, 4 vụ án, trong đó có một chuyên án điển hình tại xã Nậm Khắt (Mù Cang Chải) trung tuần tháng 1 vừa qua. Khi bị bắt với 3 bánh hêrôin, hai đối tượng người Mông ở Sơn La đã lập tức thực hiện hành vi mua chuộc các chiến sĩ trinh sát với giá hơn 1 tỷ đồng, nhưng A Chinh cũng như các đồng nghiệp có mặt trong buổi vây bắt hôm ấy không khuất phục trước đề nghị đê hèn đó.

Đặc biệt, với những vụ án mà đối tượng là người dân tộc Mông, ngoài nhiệm vụ trinh sát, tham gia vây bắt tội phạm, A Chinh còn được giao làm phiên dịch, đồng thời tuyên truyền, vận động bà con đồng bào dân tộc không tàng trữ, buôn bán, sử dụng, vận chuyển trái phép chất ma túy. Còn gì thiết thực hơn khi chiến sĩ công an là người của bản, là con em đồng bào dân tộc trực tiếp đứng ra tuyên truyền, vận động. Mỗi lần như vậy đồng bào lại hiểu biết thêm về pháp luật, về tội danh sẽ phải chịu khi "dính vào ma túy" hay nghe kẻ xấu tái trồng cây thuốc phiện trong rừng sâu.

Sau mỗi vụ án thành công, mỗi đường dây ma túy được bóc gỡ, mỗi lần vinh dự được được đứng lên bục khen thưởng cho thành tích của cá nhân, tập thể, thì họ - những người lính trên mặt trận đấu tranh chống ma túy lại trở về với chính mình và nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền như những cột trụ bình thường khác trong các gia đình bé nhỏ của xã hội.

Dù vẫn còn nhiều khó khăn thiếu thốn nhưng ở trong tập thể dũng mãnh ấy ít nhất cũng đã có hàng chục lượt CBCS hơn một lần đứng trước những cám dỗ vật chất của đối tượng mua chuộc mà không hề nao núng, gục ngã. Bởi ở họ luôn khắc ghi những lời dạy của Bác, những lời thề  danh dự và những kỷ luật nghiêm trước khi đặt chân vào ngành. Hơn thế, trong mỗi cán bộ trinh sát đánh án ma túy ấy còn ngời sáng bản lĩnh vững vàng của đơn vị đạt danh hiệu “Quyết thắng” trong lực lượng công an Yên Bái.               

   Hà Thanh

Các tin khác
Xe trọng tải lớn thực hiện cân kiểm tra tại trạm cân lưu động của lực lượng liên ngành.

YBĐT - Những ngày qua, câu chuyện về xe quá tải trở thành chủ đề “nóng” khi ngành giao thông vận tải đồng loạt ra quân cân tải trọng xe trên các tuyến quốc lộ chính tại hầu khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Và xung quanh chủ đề xe quá tải đang có rất nhiều chuyện đáng bàn!

Bộ đội cùng đồng bào các dân tộc Tây Bắc xẻ núi, làm đường vào trận địa.

Đã 60 năm trôi qua nhưng cụ Nguyễn Đình Thường, 83 tuổi ở phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên) không thể quên những ngày tháng hào hùng của cuộc chiến đấu 56 ngày đêm chiến dịch Điện Biên Phủ.

Xe thư viện lưu động đạt hiệu quả tích cực trong việc đưa sách về cơ sở.

YBĐT - Cuộc sống hiện đại đã mang theo nhiều sự thay đổi trong đó có văn hóa đọc. Nâng cao văn hóa đọc không chỉ là nâng cao tri thức mà còn nâng cao tính giáo dục. Phải làm gì để phát huy văn hóa đọc bên cạnh văn hóa nghe nhìn của thời buổi công nghệ thay đổi từng ngày quả không phải điều dễ dàng.

Di tích Căng - Đồn Nghĩa Lộ đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau.

YBĐT - Đến với thị xã miền Tây trong những ngày chuẩn bị kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi không khỏi xúc động khi thắp nén tâm nhang trên Căng - Đồn Nghĩa Lộ, cùng nhau ôn lại những năm tháng hào hùng, oanh liệt và cả những mất mát, hy sinh khó nói hết bằng lời... để thấy yêu hơn mảnh đất, con người Nghĩa Lộ, thấm hơn khúc tráng ca còn vang mãi giữa miền ban trắng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục