Người đẩy xe thồ ở Điện Biên Phủ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 2/5/2014 | 9:10:43 AM

YBĐT - Người đẩy xe thồ ở Điện Biên Phủ ấy tên là Xuân. Ông có dáng người hơi khác với anh em trong cơ quan, cao to, lộc ngộc thường thấy mặc bộ quần áo ta màu xanh công nhân. Chiếc quần ống voi hơi cộc so với khổ người của ông, chân đi đôi giày vải không tất nên dáng ông lúc nào cũng lộc ngộc, thô thô.

Chiếc xe đạp thồ của ông Ma Văn Thiềng (huyện Thanh Ba, Phú Thọ) đã chuyên chở hàng trăm kg lương thực, thực phẩm tiếp viện cho chiến trường Điện Biên Phủ trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên).
Ảnh: H.N
Chiếc xe đạp thồ của ông Ma Văn Thiềng (huyện Thanh Ba, Phú Thọ) đã chuyên chở hàng trăm kg lương thực, thực phẩm tiếp viện cho chiến trường Điện Biên Phủ trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên). Ảnh: H.N

Học ra trường, được nhận vào cơ quan thông tin Khu Tây Bắc công tác tôi đã thấy ông. Người mà tôi được làm quen đầu tiên và gần gũi hàng ngày là ông vì ông là người cấp dưỡng duy nhất của cơ quan.

Ngay buổi sáng đến cơ quan, anh trưởng phòng bảo tôi: - Cậu phải xuống nhà bếp báo cơm với ông Nguyễn Văn Xuân thì trưa nay mới có cơm mà ăn. Ông ấy là thủ quỹ và là cấp dưỡng của cơ quan.

Tôi biết tên ông là Xuân. Ông có dáng người hơi khác với anh em trong cơ quan, cao to, lộc ngộc thường thấy mặc bộ quần áo ta màu xanh công nhân. Chiếc quần ống voi hơi cộc so với khổ người của ông, chân đi đôi giày vải không tất nên dáng ông lúc nào cũng lộc ngộc, thô thô.

Cơ quan đóng ở nơi khan hiếm nước. Sáng sớm ngày nào cũng vậy từ tinh mơ đã thấy ông thồ 4 thùng nước lấy từ cái giếng nào đó về cơ quan rồi đổ vào thùng lấy nước cho anh chị em đánh răng, rửa mặt và dùng để nấu ăn. Tôi lấy làm lạ cứ đứng ở cổng cơ quan nhìn ông đẩy băng băng xe nước ngược dốc.

Thấy tôi đứng quan sát các vẻ lạ lẫm của người cấp dưỡng mấy anh ở cơ quan bảo tôi:

- Người đẩy xe thồ ở Điện Biên Phủ đấy. Đừng có đùa, ông ấy khỏe và chịu khó lắm.

Chao ôi! May mắn cho tôi, lại được sống cùng người đẩy xe thồ ở chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Từ đấy tôi càng quý trọng và gần gũi ông hơn.

Thường thường hàng ngày cứ sau bữa cơm chiều tôi lại xuống nhà bếp trò chuyện với ông. Có lần xuống nhà thấy ông lau chùi chiếc xe đạp rất cẩn thận. Chiếc xe không còn sơn trơ ra bộ khung sắt, không có nhãn mác, không gác-đờ-bu, không gác-đờ-sen không biết của hãng sản xuất nào mà lực lưỡng, khỏe khoắn đến thế. Ông bảo tôi đây chính là chiếc xe đạp thồ, ông đã thồ không biết bao nhiêu chuyến lên Điện Biên Phủ.

Tôi hỏi mỗi chuyến thồ được bao nhiêu. Ông bảo không cân đong đo đếm gì vì lúc ấy thì giờ đâu mà cân đong, hậu cần người ta giao cho mình mấy bao thì biết ngần ấy bao. Nhưng ước lượng thường thường sáu bao tải như thế phải đến vài tạ. Anh bạn cùng cơ quan nghe ông kể thế hỏi luôn:

- Liệu ba trăm, bốn trăm cân bác có thồ nổi không?

Ông thản nhiên đáp lại:

- Ba trăm cân thì chưa chắc thồ nổi, nhưng ba tạ thì tôi thồ bay đi ấy chứ, nể gì.

Nghe ông trả lời mấy anh em chúng tôi cười toáng lên rất vui. Thì ra lúc còn nhỏ ông ít được học hành. Tuy vậy chữ và sổ sách của ông ghi chép chi tiêu nhà bếp rất nghiêm ngắn, rành rọt, chả có lẫn lộn chút nào.

Khơi lại chuyện của những ngày hào hùng ra mặt trận ông rất hào hứng. Ông bảo thồ gạo ra mặt trận cho bộ đội nó khác xa với thồ nước cho cơ quan bây giờ.

Thồ hàng là thồ ban đêm, có hôm không trăng, không sao, trên trời thì máy bay địch soi mói, tìm kiếm nó mà phát hiện ra thì mệt mà ăn bom, ăn đạn; dưới đất phải đề phòng việt gian, thám báo cho nên phải ngụy trang bằng lá cây rừng từ đầu đến lưng, từ người đến xe. Bảo thồ hàng đi đâu là cứ biết đi không hỏi han đường dài hay ngắn, đi bao nhiêu đêm bao nhiêu ngày vì phải tuyệt đối bí mật. Ban ngày nghỉ trú quân đêm xuống cứ rầm rập xe đạp thồ, ngựa thồ, người gánh quang, gánh sọt.

Ông bảo, ông không còn nhớ mình thồ xe bao nhiêu ngày bao nhiêu đêm chỉ nhớ là thồ hết đợt này đến đợt khác, tháng Tư tháng Năm mới đánh vào Điện Biên Phủ nhưng dân xe thồ thì đi trước đó có tới tháng trời rồi.

Mấy tạ hàng đặt lên chiếc xe đạp đã khó lại phải qua suối, vượt đèo vào đêm hôm, thế mà vẫn đi băng băng, thật là thần kỳ. Ông dắt cái xe đạp không còn sơn nhưng nhẵn bóng ra ngoài hè. Chiếc xe vẫn nguyên xi như ngày thồ hàng ra mặt trận. Bên ghi-đông trái chiếc xe đạp có một đoạn tre đực dài chừng nửa mét được buộc ghì chặt vào bằng một sợi dây cao su cắt ra từ chiếc xăm hỏng. Cái phanh tay được vặn chặt vào đoạn tre vừa tầm với tay bóp mỗi khi xe lao dốc. Ông gọi đây là cái tay ngai - không có cái tay ngai này làm sao mà điều kiển được. Sáng tạo lắm đấy vì mấy bao tải xếp vào đầy ắp khung xe làm sao mà với được ghi-đông.

- Ai đặt ra cái tên của đoạn tre nối dài tay lái chiếc xe đạp là tay ngai?

- Chả biết ai nghĩ ra, nhưng nhìn nó khuỳnh khuỳnh ra như cái tay ngai trên bàn thờ nên gọi nó là tay ngai.

Ông nắm chặt tay vào một đoạn tre đực chắc nịch buộc vào cái cọc yên chắc chắn cũng bằng sợi dây cao su cắt từ cái xăm hỏng ra, rồi giải thích:

- Đây là cái cột xe, cái cọc yên. Hai tạ, ba tạ hay hơn nữa là ở chỗ này đây. Tay trái nắm tay ngai, tay phải nắm cột xe cho vững, cứ thế mà đẩy. Dốc nào cũng chẳng sợ. Gặp phải đèo dốc cao quá thì ghé vai cọc yên này mà đẩy - Ông vừa nói vừa cười - Thằng Tây nó thua mình cũng là thua ở cái xe đạp thồ này đây.

Có thể ngày ngày ông vẫn phải đèo nước về cung cấp cho anh em ở cơ quan nên ông vẫn giữ nguyên cả cái tay ngai lẫn cái cọc yên nối dài bằng tre, phần nữa có thể ông muốn giữ nó làm kỷ vật truyền thống của đời ông.

Tôi ở cơ quan cùng ông cho đến ngày ông nghỉ hưu. Vẫn cứ giản dị, cần cù, chăm lo đời sống cho anh chị em, không hề thấy ông kêu ca phàn nàn cái gì bao giờ. Những ngày ấy kinh tế còn nhiều khó khăn, ông tận dụng cơm thừa, canh cặn chăn nuôi lợn, gà cải thiện bữa ăn hàng ngày cho anh em.

Trong cơ quan có ai ốm đau ông đem cơm, đem cháo đến tận phòng, có khi còn bỏ cả đồng lương ít ỏi của mình ra mua phở hoặc bánh bún cho anh em. Cả cơ quan ai cũng quý mến coi ông như cha, như chú của mình.

Xa ông đã lâu mà nhiều lúc vẫn như nhìn thấy cái bóng dáng cao, to của ông khi thì đèo nước, khi thì gánh đôi thùng đầy nước ngồi chễm chệ trên chiếc xe đạp thồ từ thời Điện Biên như người làm xiếc.

Hoàng Mai

Các tin khác
Gia đình anh Dương Ngọc Chinh ở thôn Đồng Tâm lúc nào cũng đông người đan rọ.

YBĐT - Bằng sự quyết tâm gìn giữ vốn nghề truyền thống của người dân, có một làng nghề vẫn tồn tại và âm thầm phát triển bất chấp những đổi thay của thời gian. Đó là nghề đan rọ tôm của người dân xã Phúc An huyện Yên Bình (Yên Bái).

YBĐT - Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định 193/2006/QĐ – TTg ngày 24/8/2006 được triển khai phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh Yên Bái, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội trên địa bàn, đặc biệt ở các vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai cao. Tuy nhiên, việc thực hiện dự án tại một số địa phương chưa đạt hiệu quả như mong muốn, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực hơn từ chính quyền các cấp.

Ngày mới ở Côn Đảo.

YBĐT - Từng miên man vui với Phú Quốc nhưng không hiểu sao gặp Côn Đảo tôi run rẩy, cảm giác như sắp tan biến vào chốn xa xăm kì bí của ký ức - nơi đương lưu giữ một trăm mười ba năm "địa ngục trần gian" của những người yêu nước thương nòi Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm đơn vị pháo binh trong lễ mừng chiến thắng tại Điện Biên Phủ ngày 13/5/1954.

YBĐT - Thật tình cờ khi tôi gặp được ông - một trong những người lính pháo binh đầu tiên của quân đội Việt Nam khi ông từ Hà Nội về thăm lại bến Âu Lâu lịch sử. Người cựu binh ấy là ông Hoàng Tuấn Việt - nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Hãng phim Ngọc Khánh thuộc Viện Phim Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục