"Thôn Bu Cao, xã Suối Bu, huyện Văn Chấn có hơn 120 hộ đồng bào Mông. Trước đây, bà con sinh sống phân tán trên những triền núi cao. Mỗi khi mùa mưa lũ đến, cả thôn đều lo sợ vì nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, đường hỏng, cầu sập, đói nghèo bủa vây. Lũ trẻ trong thôn gần như thất học không phải vì không có thầy cô giáo mà bởi nhà xa lớp, xa trường. Chúng như cái cây lớn lên giữa núi rừng. Tới tuổi dậy thì dựng vợ, gả chồng mà tương lai không biết thế nào…”- ông Mùa A Chang - Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bu Cao nhắc lại chuyện xưa.
Với người dân Bu Cao, cuộc sống ngày chưa "hạ sơn” được coi là "bài học” cho thế hệ con cháu mai sau phải thật mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm. Việc di dời chuyển đến chỗ ở mới có thể coi là cuộc "cách mạng” với người dân Bu Cao, bởi bao đời nay họ quen làm nhà trên cao để được sống tự do, phóng khoáng nên khi được vận động về nơi ở mới, tất cả đều không mấy mặn mà. Họ lo thiếu nước, thiếu củi đốt, không có chỗ để chăn nuôi gia súc, gia cầm...
Tuy nhiên, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền huyện Văn Chấn đã đầu tư san gạt mặt bằng đất ở, xây dựng đường bê tông, đường điện, làm nhà văn hóa, xây dựng điểm trường mầm non, hỗ trợ bà con về tiền, công chuyển nhà nên đã thuyết phục được người dân Bu Cao đến nơi ở mới.
Bản định cư mới của thôn Bu Cao bây giờ nằm ngay chân núi Hang Dơi - cách quốc lộ 32 chừng 2 km và cách trung tâm huyện Văn Chấn 5 km. Đường vào thôn được bê tông hoàn toàn nên rất thuận lợi giao thương phát triển kinh tế. Bà con Bu Cao không còn phải vất vả, nhọc nhằn gùi hàng xuôi dốc xuống chợ như thuở còn trên núi. Hầu hết các hộ đều trồng chè, lúa, ngô, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Việc đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất đã được bà con rất quan tâm.
"Các hộ đều tự nguyện tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn, hội nghị đầu bờ do Hội Nông dân xã tổ chức. Bởi thế, những tập quán canh tác lạc hậu dần được xóa bỏ, người dân biết đầu tư mua các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế, giảm sức lao động” - Trưởng thôn Mùa A Chang cho biết thêm.
Thay vì trồng giống chè trung du và các giống chè khác, người dân đã chuyển sang trồng chè Shan tuyết chất lượng cao, canh tác theo hướng hữu cơ an toàn, đưa cây chè phát triển thành cây kinh tế mũi nhọn. Thôn hiện có gần 70 ha chè Shan tuyết và tất cả được bán cho Hợp tác xã Chè Shan tuyết xã Suối Bu. Có đầu ra và giá cả ổn định nên đời sống người dân được nâng lên đáng kể.
Anh Mùa A Khư - một trong những hộ đi đầu trồng chè Shan tuyết cho hay: "Năm 2002, gia đình tôi có 2 ha chè Shan tuyết. Lúc ấy chỉ bán lẻ cho thương lái, giá cả bấp bênh, không ổn định nên tôi đã định phá bỏ. Nhờ có sự tư vấn, hỗ trợ kiến thức từ Câu lạc bộ Chè hữu cơ của thôn, tôi đã tích cực chăm sóc, cải tạo và đến nay đã mở rộng diện tích lên 5 ha. Cây chè đã giúp tôi xây dựng được nhà ở khang trang và chăm lo cho con cái học hành".
Được biết, sản phẩm chè của Bu Cao hầu hết được xuất khẩu, nên quy trình trồng, chăm sóc, thu hái được giám sát, kiểm nghiệm khắt khe. Điều này, tạo cho người dân Bu Cao hình thành thói quen làm "chè sạch”, giữ vững uy tín, chất lượng với người tiêu dùng. Trung bình mỗi năm, người dân Bu Cao thu hơn 1 tỷ đồng từ tiền bán chè. Khoản thu nhập này giúp đời sống của bà con nâng lên rất nhiều.
Hàng ngày, thay vì phải đi bộ vài cây số mới lên tới khu sản xuất tại nơi ở cũ thì nay các hộ đều đi bằng xe máy. Nhà nào cũng có ti vi, quạt điện. Nhà khá giả nhất trong thôn như Trưởng thôn Mùa A Chang còn mua được ô tô trị giá gần 700 triệu đồng và xây nhà 2 tầng có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt.
Về nơi ở mới, đất ở tuy không rộng như trước, nhưng bà con lại ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Hộ nào cũng có thùng đựng rác do Câu lạc bộ "Sản phẩm hữu cơ” tài trợ. Chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò trước đây chủ yếu thả rông thì nay đã chuyển sang nuôi nhốt, nuôi bán chăn thả và bắt đầu phát triển theo hướng hàng hóa.
Các hủ tục trong việc cưới, việc tang dần được xóa bỏ và không còn nạn thách cưới cao, không tổ chức ma chay, cưới hỏi linh đình; người chết được đưa vào quan tài và không để trong nhà quá 24 giờ. 100% trẻ em trong thôn đều được tới lớp, tới trường; nhiều em còn học lên đại học, trở thành cán bộ xã, huyện và công tác ở một số ngành trong tỉnh.
Đổi thay ở Bu Cao hôm nay là minh chứng điển hình cho những chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước cho đồng bào các xã vùng cao, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Cuộc sống mới hôm nay sẽ là động lực để người dân thôn Bu Cao tiếp tục vượt khó vươn lên, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng quê hương Văn Chấn ngày càng giàu đẹp.
Hồng Oanh