Hè về chữ lại lên non

  • Cập nhật: Thứ năm, 13/6/2019 | 8:11:27 AM

YênBái - Tháng 6, khi những chú ve hòa tấu bản giao hưởng của tự nhiên, học sinh đã nghỉ hè thì những lớp học xóa mù chữ lại vào thời kỳ cao điểm, bắt đầu tăng giờ, tăng buổi. Từ những lớp học này, mỗi năm lại có thêm hàng nghìn người biết chữ, góp phần quan trọng vào việc nâng cao trình độ dân trí cho người dân vùng cao Mù Cang Chải.

Hè đến các lớp xóa mù chữ ở huyện Mù Cang Chải lại tăng giờ, tăng buổi.
Hè đến các lớp xóa mù chữ ở huyện Mù Cang Chải lại tăng giờ, tăng buổi.

Năm nay, cô giáo Cứ Thị Dung đã bước sang tuổi 53, tuy đã thuộc thế hệ "cây đa cây đề” trong nghề "gõ đầu trẻ” nhưng chị vẫn rất vui khi được Ban Giám hiệu Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Khao Mang phân công dạy lớp xóa mù chữ cho bà con bản Háng Cháng Lừ. 

Từ ngày nhận được quyết định này chị cũng dành nhiều thời gian hơn để đọc và tìm hiểu các tài liệu về xóa mù chữ bởi chị hiểu rằng đối tượng học sinh của mình không phải là những cô, cậu học trò lên sáu, lên bảy mà là những người nhiều tuổi thậm chí đã lên chức ông, chức bà. Chị phải học thêm tiếng Thái, tiếng Mông của dân bản để những giờ lên lớp hiệu quả hơn. 

Tuy công việc có vất vả, nhưng hơn 20 năm đứng trên bục giảng và 3 năm được giảng dạy xóa mù chữ lớp 1 đây mới là những ngày trải nghiệm đáng nhớ nhất của chị. Và ở đây, chị cảm nhận được niềm vui của bà con khi biết đọc, biết viết...

Bản Háng Cháng Lừ nằm ở nơi xa xôi của xã Khao Mang, một bên giáp xã Mồ Dề, quãng đường từ trung tâm xã vào đến bản tuy không xa, chỉ chừng gần 10 km nhưng chúng tôi cũng phải chật vật lắm mới vào đến bản. 

Cô giáo Nguyễn Thị Hòa - Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT TH&THCS Khao Mang chia sẻ: "Cuộc sống của bà con xã Khao Mang đỡ vất vả và khổ cực khi đã có đường từ trung tâm xã đến các bản. Còn trước đây, phần vì đường đi cách trở, phải qua suối nên bà con ở các bản thuộc vùng sâu vùng xa đều không được tới trường. Vào đến Háng Cháng Lừ mới hiểu rõ hơn về những khó khăn của bà con nơi đây. Chị Giàng Thị Rùa, 43 tuổi, là một người trong số đó. Chị cho biết: "Vì kinh tế khó khăn nên chị em người Mông chỉ biết đến công việc. Sáng sớm, khi con gà còn chưa cất tiếng gáy đã phải vác cuốc lên rừng, khi về thì ông trời đã đi ngủ. Ăn còn chưa được no nên nói gì đến học hành. Cực khổ thế nên trong gia đình chị chỉ có vài người biết cái chữ”. 

Còn anh Mùa Chang Páo thành viên cao tuổi trong lớp thì chia sẻ: "Không biết chữ khổ lắm, thiệt thòi lắm. Tham gia lớp học mình biết đọc, biết viết, từ đó mở mang ra nhiều điều. Đơn giản nhất là xuống bệnh viện đọc cái chỉ dẫn còn biết đường mà đi...”. 

Từ ngày mở lớp xóa mù chữ ở bản Háng Cháng Lừ, cứ 2 - 3 ngày, Phó Chủ tịch UBND xã Khao Mang Giàng A Dình lại đến lớp để động viên các thành viên cố gắng học chữ. Nói về ý nghĩa của công tác xóa mù chữ, anh cho rằng, địa phương đang thực hiện chương xây dựng nông thôn mới, chú trọng phát triển kinh tế hộ gia đình do đó có rất nhiều chương trình hỗ trợ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho bà con, nhưng vì tỷ lệ người dân chưa biết chữ còn đông nên hiệu quả của các chương trình giảm nghèo không cao. Hơn thế, không biết chữ, bà con mỗi khi lên xã ký giấy tờ chỉ biết điểm chỉ nên rất phiền phức. Muốn vay vốn ngân hàng để làm kinh tế cũng khó khăn. 

Xóa mù chữ là một trong những giải pháp để nâng cao dân trí và giúp người dân tiếp thu được kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp. Tuy đây là việc làm hết sức cần thiết nhưng đến nay công tác xóa mù chữ ở tỉnh ta còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là hiệu quả công tác tuyên truyền. 

Như ở huyện Mù Cang Chải, theo dõi mảng xóa mù chữ nhiều năm nay, chị Nguyễn Thị Chín - chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: "Để dạy chữ cho bà con, các thầy giáo, cô giáo ở đây không bao giờ ngại khó, ngại khổ mà chỉ lo không vận động được bà con theo học. Vì thế, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải năm nào cũng vận động mở được khoảng 10 lớp xóa mù chữ đã xem là thành công rồi. Chỉ cần có lớp thì học sinh yêu cầu sáng, trưa hay tối giáo viên đều sẵn sàng đứng lớp, không nề hà vất vả. 

Hôm chúng tôi vào bản Nậm Pằng, xã Nậm Có, thấy lớp học xóa mù chữ của bản được dạy từ 19h30 phút. Chưa tới nơi, chúng tôi đã nghe tiếng đánh vần dù còn ngọng nghịu của các học viên, phá vỡ không gian tĩnh lặng của vùng cao về đêm. Trong lớp học xóa mù chữ ấy, chúng tôi thật sự ấn tượng, nể phục khi thấy một chị địu trên lưng đứa con nhỏ, đứa lớn hơn thì ngồi bên cạnh, cả mẹ và con đều chăm chú khi nghe thầy giáo dạy cách phát âm, chỉ bảo cách viết. 

Theo quan sát, thì tất cả học viên tại lớp xóa mù đều là lao động chính trong các gia đình. Ban ngày, các chị lên nương lao động sản xuất, tối về lo cơm nước cho chồng con, rồi lại tranh thủ đến lớp để học chữ. Nhìn bàn tay chai sần vì cầm cuốc, vụng về cầm bút nắn nót viết từng chữ, chúng tôi hết sức xúc động, càng thêm khâm phục ý chí quyết tâm của những "học sinh” đặc biệt này.



Nhiều bà mẹ người Mông vừa trông con nhỏ vừa tham gia lớp học xóa mù.  

Trò chuyện với cô giáo Trương Nữ Thu Hằng - Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT TH&THCS Nậm Có, chị cho biết: "Học viên của lớp xóa mù chữ vì đã quá nhiều tuổi nên việc định hình chữ cái rất khó. Muốn học sinh tiếp thu bài nhanh, giáo viên vừa phải kết hợp chương trình công nghệ mới vừa phải thường xuyên tổ chức các trò chơi, phải đặt những câu hỏi gắn liền với thực tế...  

Bên cạnh đó, việc vận động chủ yếu mới chỉ dừng lại ở đối tượng nữ giới. Còn các học viên nam đa phần vì mặc cảm nên chưa hào hứng với việc đến lớp. Cũng rất may là dù việc nhận thức có nhiều hạn chế nhưng khi đã đi học thì các chị học rất say sưa, cố gắng để hoàn thành hết chương trình xóa mù. 

Hiện ở tỉnh ta vẫn còn nhiều bà con người dân tộc thiểu số ở độ tuổi từ 15- 60 chưa biết chữ. Trong khi đó, đối tượng này một phần do phong tục tập quán, một phần do ở rải rác, không có nhu cầu học chữ và cập nhật kiến thức sau khi biết chữ nên gặp nhiều khó khăn trong vận động duy trì tổ chức các lớp học. 

Để khắc phục tình trạng này, hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn chỉ đạo các đơn vị điều tra, thống kê số lượng người mù chữ và tái mù chữ trong độ tuổi. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu mở các lớp học xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ để giảm số người mù chữ và tái mù chữ trong độ tuổi nâng cao tiêu chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học xóa mù chữ trên địa bàn, nhất là tập trung ở các xã vùng cao vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Về phía các địa phương, ban chỉ đạo các cấp cần phát huy tốt vai trò của các tổ chức: Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Khuyến học, các già làng trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng nhằm vận động con em trong độ tuổi đến trường, duy trì sĩ số các lớp phổ cập. Bên cạnh đó, các tổ chức hội còn lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, giúp các học viên xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Theo thống kê, năm 2018, huyện Mù Cang Chải đã mở được 10 lớp xóa mù chữ cho hơn 300 học viên; năm 2019, mở 14 lớp xóa mù chữ cho 420 học viên. 

Đánh giá về công tác xóa mù chữ của địa phương hiện nay ông Hoàng Văn Đồng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải cho biết: "Những lớp học xóa mù chữ có ý nghĩa nhân văn rất lớn, cái chữ đã giúp các học viên tự tin hơn trong cuộc sống, tích cực tham gia các hoạt động xã hội và giúp cho các địa phương thuận tiện hơn trong công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao hiểu biết đồng thời cũng là góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào”. 

Quang Thiều

Tags Mù Cang Chải lớp học xóa mù chữ

Các tin khác
Cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Trạm Tấu xuống cơ sở nắm bắt nhu cầu cần được hỗ trợ của hộ nghèo.

Những ngày đầu tháng 6, chúng tôi có dịp trở lại huyện vùng cao Trạm Tấu, đến đâu cũng thấy cán bộ từ huyện đến các xã, thị trấn và người dân nói về chuyện chung tay giúp hộ nghèo, giảm nghèo bền vững năm 2019. Năm nay, cùng với các nguồn lực đầu tư của Trung ương, của địa phương thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo, các hộ nghèo ở Trạm Tấu đang tích cực thi đua lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nữ sinh viên Thào Thanh Dung (thứ ba từ phải sang) tại Lễ bảo vệ Khóa luận tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

Xinh xắn, hiền lành, thông minh và tràn đầy năng lượng là những điều dễ dàng cảm nhận về cô gái Thào Thanh Dung, sinh năm 1995, dân tộc Mông ở huyện Mù Cang Chải.

Quả sơn tra đã và đang góp phần xóa đói giảm nghèo ở vùng cao.

Sự phát triển mạnh, nhất là sản xuất theo mô hình hàng hóa và thị trường, nhưng thực tế cho thấy Yên Bái mới chú trọng về số lượng để hình thành vùng nguyên liệu còn chất lượng sản phẩm hàng hóa, giá trị sản phẩm còn thấp.

Vùng Mường Lò, rất nhiều cơ sở, hộ kinh doanh đã đầu tư máy móc hiện đại để sản xuất, kinh doanh lúa gạo.

Được công nhận thương hiệu hàng hóa có chỉ dẫn địa lý đã hơn một năm mà gạo sản xuất chuẩn thương hiệu mới được 3 tấn. Tuy vậy, hiện nay, trên thị trường, loại sản phẩm gạo đóng mác “Gạo Mường Lò” đang được bán tràn ngập.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục