Những năm gần đây, Yên Bái trở thành địa bàn trung chuyển và tiêu thụ trái phép chất ma túy lớn. Tuy trên địa bàn tỉnh không có những tụ điểm mua bán và tổ chức sử dụng trái phép các chất ma túy công khai nhưng hoạt động của tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn có những diễn biến khá phức tạp. Một trong những căn nguyên chính đó là tỷ lệ người nghiện ở ngoài cộng đồng còn cao. Vì lợi nhuận nên nhiều đối tượng hình thành đường dây mua bán trái phép chất ma túy.
Các đối tượng tham gia vào đường dây phần lớn là người dân tộc thiểu số ở các huyện vùng cao còn nhiều khó khăn như: Mù Cang Chải, Văn Chấn, Trạm Tấu; đối tượng người Yên Bái di cư đi các địa bàn Sơn La, Điện Biên và Mường Lát (Thanh Hóa), lợi dụng việc thường xuyên đi thăm thân để mua bán, vận chuyển ma túy.
Do vậy, có những chuyên án, cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh phải "cắm bản” cả tháng trời với nhiều vai diễn như: giáo viên, buôn bán hàng rong… để nghiên cứu địa hình, địa vật, tìm hiểu phương thức, thủ đoạn của đối tượng, từ đó xây dựng phương án đấu tranh triệt phá.
Bắt giữ đối tượng Hạng A Kỷ phạm tội tàng trữ, vận chuyển trái phép 20 bánh hêrôin.
"Anh thợ điện” bất đắc dĩ
Đại úy Nguyễn Văn Huệ - Phó Đội trưởng Đội Phòng ngừa, đấu tranh chống sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy - Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh không thể quên Chuyên án 1220S, bắt giữ đối tượng Hảng A Sở, sinh 1984, trú tại bản La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải.
Qua công tác trinh sát, phát hiện đối tượng có dấu hiệu mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy tại địa bàn, Đại úy Nguyễn Văn Huệ đã hóa trang thành thợ điện mang theo đầy đủ trang thiết bị vào nhà 1 người dân có uy tín với bà con trong bản, cách nhà đối tượng Sở khoảng 300 m để nắm bắt tình hình, xác định vị trí bắt giữ đối tượng.
Sau khi dùng bữa cơm đơn giản cùng gia đình với đậu phụ luộc và đĩa rau rừng, Đại úy Huệ quan sát thấy hệ thống điện trong nhà đã xuống cấp và rò điện gây nguy hiểm, nhất là chủ hộ lại có đông con, cháu, anh đã dùng thiết bị mang theo như: dây điện, ổ cắm, cầu chì, bút thử điện… thay mới miễn phí toàn bộ hệ thống điện cho gia đình.
Khi có đủ thông tin cần thiết cho việc phá án, Đại úy Nguyễn Văn Huệ cáo từ ra về với một túi gạo nương và những bắp ngô mới hái do chủ nhà tặng cùng lời cảm ơn chân thành. Vụ án sau đó được triệt xóa thành công với việc bắt giữ 2 đối tượng phạm tội mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy là Hảng A Sở và Hảng Khang Trầu cùng trú tại bản La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải; thu giữ 2 bánh hêrôin có khối lượng 560,8 g cùng 180 triệu đồng và một số tang vật có liên quan.
Thủ đoạn tinh vi
Tìm mọi cách giấu hêrôin hoặc nhận tiền một nơi, chỉ chỗ cho khách lấy "hàng” một nẻo là những tiểu xảo của các đối tượng buôn bán ma túy. Để phát hiện, lật tẩy những chiêu trò đó, lực lượng công an phải âm thầm mật phục, dãi nắng dầm mưa nhiều tuần, nhiều tháng theo dõi hoạt động của các đối tượng.
Các trinh sát Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh cho biết, hiện nay, các đối tượng đang triệt để lợi dụng mạng xã hội làm phương tiện mua bán trái phép chất ma túy. Mới đây nhất, ngày 18/3, tổ công tác Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh tiến hành kiểm tra 1 nam thanh niên đang nhận 1 gói hàng có biểu hiện nghi vấn. Mở gói hàng kiểm tra, tổ công tác phát hiện bên trong có 1 túi nilon màu trắng đựng thân, lá, hạt thực vật nghi là cần sa có trọng lượng 12,6 gam.
Qua đấu tranh, đối tượng khai nhận tên là Trịnh Minh Hiếu, sinh năm 1992, trú tại tổ 4, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình. Gói hàng trên là cần sa được Hiếu đặt mua qua mạng xã hội Facebook từ 1 địa chỉ tại xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn.
Căn cứ kết quả xác minh và tài liệu thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh ra lệnh khám xét khẩn cấp đối với người, chỗ ở 2 vợ chồng Vũ Thành Luân và Hoàng Thị Thảo, cùng sinh năm 1994, trú tại thôn Pom Ban, xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, thu giữ số cần sa có khối lượng hơn 3.875 gam.
Nguy hiểm luôn cận kề
"Đánh” tụ điểm, đường dây ma túy đồng nghĩa với việc các trinh sát trên mặt trận phòng chống ma túy phải đối mặt nguy cơ phơi nhiễm HIV, những đe dọa khủng bố về mặt tinh thần của bọn tội phạm… Thượng tá Phạm Song Tùng - Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh, người có thâm niên gần 40 năm gắn bó với cuộc chiến chống tội phạm ma túy nhớ những ngày bám bản giữa mùa đông lạnh buốt, trèo đèo lội suối lần theo "mối hàng" rồi chuyện bản thân và đồng đội bị đối tượng nhiễm HIV tấn công, phải điều trị chống phơi nhiễm, khiến cả gia đình suy sụp về tinh thần suốt một thời gian dài. Rất may, sau khi kiểm tra lại, tất cả đều âm tính với HIV.
Đấu tranh với tội phạm ma túy là cuộc chiến trường kỳ, gian nan và khắc nghiệt. Nguy hiểm luôn rình rập không chỉ với bản thân các trinh sát mà còn với cả sự an toàn của những người thân.
Không chỉ sẵn sàng chống lại lực lượng chức năng bằng vũ khí, tội phạm còn sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền để hối lộ, mua lấy sự im lặng. Trong khi đó, cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ còn gặp nhiều khó khăn, lương tháng cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống.
Với những người đã có gia đình, kinh tế lại là cả một bài toán khó. Thật lòng, đây là thời điểm nguy hiểm nhất của nghề! Ranh giới giữa lương thiện và đớn hèn khi đó chỉ là một lằn dây mỏng manh. Chỉ cần một giây xao động thôi sẽ có người gục ngã dưới những "viên đạn bọc đường”. Song, thấu hiểu những tác hại ma túy gây ra cho nhân dân, những chiến sĩ cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy đã khước từ những lợi ích trước mắt để lao mình vào cuộc chiến.
Bắt đối tượng phạm tội về ma túy đã khó, bắt đối tượng người dân tộc thiểu số phạm tội lại càng khó khăn hơn do địa bàn đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại hết sức khó khăn. Bên cạnh đó, các đối tượng phạm tội thường kéo theo anh em, họ hàng thân thích tham gia cùng. Để đối phó với công an, chúng cắt cử người luân phiên nhau canh gác nghiêm ngặt, báo động từ xa.
Khi phát hiện có người lạ thâm nhập hoặc chỉ cần thấy có dấu hiệu khả nghi, chúng lập tức báo động cho nhau cùng cảnh giác. Trong trường hợp phát hiện công an, chúng lập tức phi tang tang vật hoặc sẵn sàng chống đối lại lực lượng chức năng để hỗ trợ nhau bỏ trốn nên việc phá án đòi hỏi các trinh sát phải tính toán rất cẩn trọng.
"Đa phần các vụ án ma túy đều liên quan đến một bộ phận người dân tộc Mông, có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Do vậy, sau khi tiến hành bắt giữ, trinh sát đều bỏ tiền túi ra để cho bố mẹ, con cái, những người thân của đối tượng, đồng thời mua quần áo, tư trang gửi vào trại tạm giam cho đối tượng sử dụng” - Thượng tá Phạm Song Tùng trải lòng.
Cuộc chiến chống tội phạm ma túy vẫn còn gian nan nhưng mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm ma túy Công an tỉnh luôn xác định trách nhiệm cao, mưu trí, dũng cảm trong đấu tranh với tội phạm, nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần đem lại cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho nhân dân.
Cảnh Toàn
(Dự thi viết "Vì bình yên cuộc sống và hạnh phúc của Nhân dân”)