Khát vọng Khe Táu

  • Cập nhật: Thứ hai, 13/6/2022 | 7:58:17 AM

YênBái - Một ngày cuối tuần đầu tháng 6, như thường lệ, người dân thôn Khe Táu, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên lại tập trung về nhà văn hóa thôn để triển khai nội dung của “Ngày thứ Bảy cùng dân”.

Trưởng thôn Lù A Dờ (bên phải) chia sẻ với lãnh đạo xã về khó khăn trong thiếu nước sản xuất.
Trưởng thôn Lù A Dờ (bên phải) chia sẻ với lãnh đạo xã về khó khăn trong thiếu nước sản xuất.

Ngoài việc vệ sinh, phát cỏ đường làng, ngõ xóm, lần này, mọi người sẽ giúp 2 hộ cuối cùng của thôn làm nhà vệ sinh. Đặc biệt, buổi lao động hôm nay có sự tham gia của Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy xã để triển khai một nội dung lần đầu tiên thực hiện ở Khe Táu, đó là, cán bộ "lắng nghe dân nói”.

Không chỉ là hình ảnh người cán bộ gần gũi lao động với dân, không phải chỉ cán bộ nói về những chính sách mới, những kế hoạch của địa phương, những vấn đề về tương lai phát triển... đôi khi nghe có vẻ hơi xa vời với hiểu biết cũng như sự quan tâm của người Mông ở Khe Táu, mà hôm nay, cán bộ xã đã dành cả buổi sáng để lắng nghe ý kiến của nhân dân, cùng bàn bạc những vấn đề trực tiếp liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần và mong muốn cấp thiết nhất của người dân. 

Sau khoảng thời gian cùng lao động, trao đổi về tình hình kinh tế, chuyện nhà cửa, công việc đồng áng, người dân đã cảm thấy tự nhiên, thoải mái hơn khi nói chuyện với cán bộ xã. Bởi thế, sau chút ngập ngừng, anh Tráng A Thầu mạnh dạn nói về mong muốn của bản thân cùng với một số hộ dân Khe Táu. Theo anh, vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là thiếu nước sản xuất. 

Gia đình anh Thầu có 3 sào ruộng chỉ làm được một vụ. Nguồn nước hiện nay của thôn từ nước sinh hoạt đến nước sản xuất đều lấy từ khe Mạn Con. Vì thiếu nước, nên hàng năm cứ vào vụ mới thường hay xảy ra việc tranh chấp nguồn nước và người ruộng cao được lấy trước sẽ khiến nhiều ruộng thấp nước chậm. Đồng thời có khoảnh ruộng không đủ nước sản xuất đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến thời vụ, năng suất.

Tại thôn Khe Táu còn một nguồn nước khá nhiều ở khe Mạn To, nhưng chưa được khai thác vì nguồn nước nằm cách cánh đồng của thôn hơn 6 cây số. Do đó, người dân mong muốn được xã quan tâm đầu tư làm một tuyến mương dẫn nước về ruộng. Khi đó, chắc chắn sẽ khắc phục được tình trạng thiếu nước để có thể sản xuất 2 vụ lúa. 

Một người ngồi cạnh anh Thầu đứng dậy bày tỏ: "Chúng tôi sẵn sàng góp công sức cùng với xã làm tuyến kênh mương này”. 

Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khe Táu - Lù A Dờ trao đổi thêm với lãnh đạo xã: diện tích lúa nước cả thôn là 36 ha và có thể khai hoang thêm 15 ha nữa, vì vẫn còn nhiều đất đai. Nhưng khó lớn nhất là thiếu nước, nên nếu làm thêm được tuyến kênh dẫn nước về sẽ giải quyết tốt các vấn đề như tăng vụ, tăng năng suất, khai hoang ruộng mới, hạn chế tranh chấp nguồn nước, tăng thêm cơ hội phát triển du lịch...”.

Sau khi lắng nghe ý kiến của các hộ dân, Bí thư Đảng ủy xã Lò Văn Mạnh khẳng định: "Xã đã khảo sát nguồn nước ở khe Mạn To và đưa vào kế hoạch làm thủy lợi. Mặc dù chưa có nguồn lực đầu tư, nhưng đây là công trình chắc chắn sẽ phải thực hiện bằng được”.

Từ 17 hộ dân ban đầu di dân từ xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải về đây vào năm 1997, đến nay, Khe Táu có 82 hộ, với 433 nhân khẩu đều là người Mông. Sau 25 năm khai hoang và định cư, người dân đã có được 36 ha ruộng nước, gần 30 ha đất trồng quế, 26 ha đất trồng ngô, 2 ha trồng rau màu. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng cuộc sống của người Mông ở Khe Táu cơ bản đã ấm no. Có được cuộc sống như hôm nay, ai cũng biết rằng, một phần quan trọng là nhờ vào vai trò của Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lù A Dờ. 

Đó là việc khi mới về đây, anh Dờ đã vận động và cùng các hộ dân bỏ ra khoảng thời gian gần 6 tháng để đào được tuyến kênh 3 km dẫn nước từ khe Mạn Con về thôn. 

Sau 3 năm tiếp theo, anh lại tích cực vận động mọi người khai hoang, chuyển đổi toàn bộ diện tích đất nương sang làm lúa nước. 

Anh Dờ chia sẻ: "Khai hoang được khoảnh ruộng thì một người rất khó làm. Vì thế, chúng tôi vận động mỗi ngày làm cho một hộ và có bao nhiêu lao động đều đi làm hết. Cứ như vậy, từ năm 1997 - 2000, chúng tôi đã khai hoang được 16 ha. Từ đó đến nay, mỗi hộ tự dựa vào lực lượng lao động của nhà mình để khai hoang thêm ruộng nước”. 

Trên các thửa ruộng bậc thang, lúa đang vào kỳ chắc hạt. Những bông lúa nặng cong đang hứa hẹn với người Mông ở Khe Táu một mùa vàng bội thu. Anh Dờ cho biết, khi mới bắt đầu làm lúa nước, nhờ cán bộ khuyến nông hướng dẫn rất tận tình. 

Qua nhiều năm, người Mông bây giờ đã quen với khung thời vụ, bỏ thói quen tự để lúa giống cho vụ sau mà mua lúa giống mới về sản xuất nên năng suất lúa hàng năm đạt 52 tạ/ha, chẳng kém gì năng suất ở vùng thấp. 

Mới đây, Chi bộ thôn Khe Táu đã tổ chức thành công Đại hội Chi bộ và một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất nhiệm kỳ 2022 - 2025 đề ra là Khe Táu phải giảm số hộ nghèo từ 98% xuống còn 20%.

Theo Bí thư Lù A Dờ: "Khi có thêm nước sản xuất, chúng tôi sẽ vận động nhân dân tăng vụ, khai hoang thêm để có thể đạt 50 ha ruộng nước và chăm sóc tốt 27 ha quế, 15 ha ngô đồi. Từ đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, hiện thôn có 187 con trâu và có những nhà nuôi 6 - 7 con. Đây là một trong những hướng phát triển kinh tế tốt nhất để đưa người dân thoát nghèo. Ngay sau Đại hội Chi bộ, chúng tôi đã xây dựng chương trình hành động, phân công đảng viên phụ trách khu vực, phụ trách từng hộ dân và trực tiếp vận động, giúp đỡ người dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa. Cùng đó, Chi bộ tiếp tục củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, cải thiện vấn đề môi trường sống, đẩy lùi hủ tục...”.

Hàng tuần, người dân Khe Táu dành một buổi lao động để vệ sinh đường làng ngõ xóm, xử lý các vấn đề môi trường phát sinh. Một thay đổi lớn nhất trong sinh hoạt của người Mông ở Khe Táu hiện tại là nhà nào cũng xây dựng được nhà vệ sinh, nền nhà được đổ xi măng hoặc nền đất nện; trâu, bò có chuồng trại nuôi nhốt xa nhà. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao phát triển; trong đó, đội bóng đá thôn Khe Táu khi tham gia thi đấu ở giải của xã luôn đạt thành tích cao. 

Anh Tráng A Giàng - Bí thư Chi đoàn thôn cho biết: "Chi đoàn hiện có 16 đoàn viên và nhận thức của các bạn trẻ bây giờ đã thay đổi nhiều, nên vấn đề tảo hôn, sinh con thứ 3 ít xuất hiện”. Theo Bí thư Chi bộ Lù A Dờ, để nâng cao sức mạnh của tổ chức đảng, Chi bộ đặc biệt quan tâm bồi dưỡng những quần chúng thực sự có lý tưởng, ý thức tốt, gương mẫu trong mọi phong trào phát triển kinh tế - xã hội của thôn để tạo nguồn và bồi dưỡng kết nạp Đảng”. 

Đứng trên đỉnh Khe Táu, Bí thư Chi bộ Lù A Dờ chỉ cho chúng tôi khoảnh ruộng mâm xôi mới được khai hoang trong "Ngày thứ Bảy cùng dân” hồi tháng 4/2022 là nhờ sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Rồi vẫn nét mặt hân hoan ấy, Bí thư Dờ khẳng định như đang đứng trước cuộc họp với dân hôm nào: "Người Mông ở Khe Táu sẽ luôn đoàn kết, chung sức xây dựng đời sống mới để ngày càng ấm no, hạnh phúc”. 

Với những gì được chứng kiến, tôi vững tin vào những dự định, khát vọng của người dân nơi đây, của Bí thư Lù A Dờ sẽ sớm trở thành hiện thực trong một tương lai thật gần.

Anh Dũng

Tags Văn Yên Phong Dụ Thượng Khe Táu Ngày thứ Bảy cùng dân lắng nghe dân nói

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục