Khúc hát người thợ cầu

  • Cập nhật: Thứ bảy, 14/1/2023 | 7:58:06 AM

YênBái - Không khí đón xuân đang náo nức khắp nơi, nhưng đội ngũ kỹ sư và công nhân trên công trình cầu Giới Phiên vẫn đang hăng say lao động. Những người thợ đang ngày đêm cần mẫn để nối đôi bờ sông Hồng bằng những nhịp cầu, để mang lại niềm vui cho biết bao người, vì tương lai phát triển của thành phố trẻ.

Toàn cảnh thi công cầu Giới Phiên.
Toàn cảnh thi công cầu Giới Phiên.

"Gió lùa qua vai 
Cơn gió mùa màng mặt sông thơm ngát,
Người thợ cầu chân dấn sâu vào đất
Cáp căng bên tìm gặp giữa tim cầu
Anh ở giữa hai bờ khao khát
Hai nỗi niềm hai phía ngóng trông nhau”… 

Tiếng hát của anh công nhân trẻ đang thi công cầu Giới Phiên, thành phố Yên Bái được phỏng từ bài thơ "Người thợ cầu” của tác giả Thi Hoàng ngân xa, khiến chúng tôi ở bãi đất bên sông - nơi dựng hai dãy lán làm chỗ ở và nơi làm việc của cán bộ và kỹ sư thi công công trình nghe rất rõ.

Ngồi bên ngoài lán chừng mươi phút mà đã thấu cái lạnh trong gió đông phần phật thổi. Anh công nhân trẻ Ngô Trí Đồng, quê ở Nghệ An hào hứng nói với tôi: "Nhà của chúng em tuy đơn sơ, thiếu trang thiết bị sinh hoạt, nhưng lại rất ấm cúng tình anh em”. 

Cuộc sống xa quê, căn lán này chính là nhà của những người thợ cầu. Sau thời gian lao động trên công trường, giờ nghỉ chính là lúc ngồi quây quần bên mâm cơm. Những con người tứ xứ xa quê xích lại gần nhau cùng hàn huyên cho vơi bớt nỗi nhớ nhà hoặc sẻ chia những vất vả, bộn bề lo toan của cuộc sống. 

Trò chuyện với những người công nhân ấy, mới thấy nghề thợ cầu là duyên nghiệp của họ. Có nhiều người đã theo nghề vài chục năm. Cả cuộc đời họ gắn bó với những cây cầu nhiều hơn ở với gia đình. Xa nhà, họ luôn canh cánh trong lòng nỗi niềm nhớ quê, nhớ người thân. Còn với những nam thanh niên trẻ chưa lấy vợ, nhiều khi đơn giản là sự thiệt thòi khi những ngày nghỉ lễ không thể tham gia cuộc vui cùng chúng bạn. 

Ngô Trí Đồng trải lòng: "Mỗi năm có khi chúng em chỉ về quê được vài ngày. Bố mẹ đau ốm cũng không được chăm sóc. Bạn bè cưới hỏi cũng khó mà chung vui. Nhưng bù lại, cái nghề này lại cho cơ hội được đi chu du khắp mọi miền đất nước. Điều đó, khiến nhiều người khi đi thì rất nhớ nhà, nhưng được về nhà dài ngày lại rất nhớ công trường…”. 

Là một trong những người lớn tuổi tại công trường, anh Trần Độ quê ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định vui vẻ tham gia câu chuyện: "Dân công trình có khá nhiều người ở lứa tuổi ngoài bốn mươi và ở Công ty của tôi không ít người vào độ tuổi ấy mới cưới vợ”. 

Anh cũng hào hứng kể cho chúng tôi nghe quãng thời gian trên hai chục năm từ Nam ra Bắc, từ vùng núi Tây Bắc đến Tây Nguyên - những nơi anh từng "chinh chiến” với nghiệp xây cầu. "Mỗi công trình đều để lại những dấu ấn riêng. Khó khăn qua mỗi công trình đều có những nét khác nhau, nhưng công việc qua rồi thì lại thấy bình thường. Đối với người thợ cầu, một năm chỉ có 1 - 2 lần có thể sắp xếp công việc để về thăm gia đình ít ngày. Vì vậy, anh em đều coi công trường là nhà và lấy công việc làm niềm vui”- anh Độ giãi bày.

Dẫn tôi ra thị sát công trường, kỹ sư Chu Tuấn Khoa mới 27 tuổi, quê ở Quảng Ninh làm giám sát an toàn lao động Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính nhắc: "Phải cẩn trọng từng bước đi. Nếu hụt chân sẽ rơi xuống sông thì vô cùng nguy hiểm bởi nước cuốn và ngổn ngang thiết bị. Đối với mỗi thợ cầu, an toàn lao động luôn đặt lên hàng đầu, bởi công việc có lúc phải thực hiện ở độ cao có khi lên đến hàng chục mét, nên chỉ cần sơ ý một chút là nguy hiểm đến tính mạng”. 

Thận trọng từng bước trên bản mặt cầu đang thi công, tôi vẫn không khỏi có cảm giác lo lắng trước những đoạn chưa đổ bê tông, ngổn ngang ray, sắt thép. Nhìn xuống dưới chân là ngầu đục của nước sông Hồng vừa qua cơn lũ trái mùa. Thế mà, giữa trời chiều mùa đông hun hút gió, hàng chục công nhân vẫn cần mẫn thi công thép chờ gối, thép chống xô vòm cầu. Ánh lửa hàn lóe lên như pháo hoa đêm từ tay một tổ công nhân gia công thép ở trụ T2. 


Công nhân gia công sắt dầm cầu Giới Phiên. 

Đứng ở trụ bê tông rộng khoảng 10 mét vuông, Khoa tâm sự: "Ở độ cao này, những người ít kinh nghiệm sẽ không chịu được sức đẩy của gió. Những lúc mưa dông kéo đến, gió rít mạnh từng cơn, ai nấy đều cảm thấy mình đang lắc lư, đung đưa theo từng cơn gió. Đó là chưa kể lúc nhìn xuống dưới, thấy sâu thăm thẳm cứ hệt như đang treo mình giữa lưng trời”. 

Sau khi giải thích tỉ mỉ công đoạn hàn nối các đốt dầm cầu, một công nhân hàn cho biết, hàn trong điều kiện trên cao rất vất vả. Xỉ hàn bắn tung tóe, khói bay mù mịt, khiến người thợ vừa hoa mắt lại rất khó thở. Nhưng khi đã lên giàn thì phải cố làm cho tốt. 

Đến kiểm tra kỹ thuật và chỉ đạo thi công, anh Trần Hưng Lam - Chỉ huy Trưởng công trình cầu Giới Phiên chia sẻ: "Sau một thời gian tập trung nhân lực, xe, máy vào thi công tích cực, đến nay, cán bộ kỹ thuật và công nhân trên công trình đã cơ bản thi công xong phần trụ T5, T6, T7 và T8 ở giữa sông và dự ước đã đạt khoảng 35% khối lượng công việc. Hiện tại, nhà thầu đang tập trung xe, máy vào thi công mố M2 và các trụ từ T1 đến T4 và mố M1 để chuyển sang thi công phần dầm cầu. Đơn vị phấn đấu đến cuối năm 2023 sẽ cơ bản thi công song và thông xe kỹ thuật. Nhờ thực hiện tốt công tác quản lý đầu tư và giám sát thi công, nên các nguyên vật liệu đưa vào thi công đảm bảo chất lượng tốt”. 

Không khí đón xuân đang náo nức khắp nơi, nhưng đội ngũ kỹ sư và công nhân trên công trình cầu Giới Phiên vẫn đang hăng say lao động. Những người thợ đang ngày đêm cần mẫn để nối đôi bờ sông Hồng bằng những nhịp cầu, để mang lại niềm vui cho biết bao người, vì tương lai phát triển của thành phố trẻ. 

Tạm biệt những người thợ cầu trên công trình cầu Giới Phiên, vẫn ngân vọng trong tôi những lời hát trong ca khúc của nhạc sĩ Cát Vận: "Có ai qua cầu mà nhớ tới người thợ cầu. Có ai trên đường mà lại nhớ đến người làm đường...”. Mai đây, khi công trình hoàn thành, họ lại đi và sẽ đến với những miền đất mới để xây những công trình mới. Họ - những người công nhân cầu đường cứ miệt mài nối nhiều bờ vui suốt dặm dài đất nước và lặng lẽ cống hiến những nhịp đời xuân.

Quang Thiều

Các tin khác

Đến nay, cây quế đã có mặt ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Văn Yên với diện tích hơn 52.000 ha và trở thành vùng chuyên canh quế hàng hóa lớn nhất cả nước.

Lãnh đạo xã Quy Mông kiểm tra các vùng sản xuất trọng điểm.

Quy Mông là xã vùng thấp của huyện Trấn Yên, có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 2.000 ha. Toàn xã có 1.425 hộ, hơn 5.400 nhân khẩu, với 2 dân tộc chính là người Kinh và Mường.

Giá trị từ cây quế mỗi năm thu về cho người dân huyện Văn Yên khoảng 500 tỷ đồng. (Ảnh: Thanh Miền)

Gặp dịp “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, xe đưa đoàn văn nghệ sĩ Yên Bái chạy êm ru trên các cung đường mà phía trước, đằng sau, bên phải, bên trái bạt ngàn những quế là quế. Quế trồng ven đường, quế trên đồi, quế trên núi cao, quế trồng ở bờ ngòi, có cây to như cột nhà, cây bằng cổ tay, cây thì bằng ngón chân cái, quế chen chúc nhau dưới nắng trời một màu xanh đậm nhìn thật đã mắt. Thiên thời là trời quang mây tạnh.

Với cách làm bài bản, chặt chẽ và khoa học của Huyện ủy Yên Bình, nhất là sự chung sức đồng lòng của người dân trên địa bàn 7 xã vùng Đông hồ Thác Bà, tuyến đường Vĩnh Kiên - Yên Thế đã được khởi công nâng cấp, mở rộng thuận lợi. Hàng trăm hộ dân tự nguyện hiến đất, di dời nhà cửa, công trình, thu dọn cây cối, hoa màu để giải phóng mặt bằng (GPMB).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục