Yên Bình: Đường rộng mở từ "Ý Đảng - lòng dân”

  • Cập nhật: Thứ ba, 1/11/2022 | 7:28:49 AM

YênBái - Với cách làm bài bản, chặt chẽ và khoa học của Huyện ủy Yên Bình, nhất là sự chung sức đồng lòng của người dân trên địa bàn 7 xã vùng Đông hồ Thác Bà, tuyến đường Vĩnh Kiên - Yên Thế đã được khởi công nâng cấp, mở rộng thuận lợi. Hàng trăm hộ dân tự nguyện hiến đất, di dời nhà cửa, công trình, thu dọn cây cối, hoa màu để giải phóng mặt bằng (GPMB).

Công tác tuyên truyền, vận động đi trước một bước

Được đầu tư xây dựng theo phương châm: Nhà nước đầu tư vốn, nhân dân hiến đất, cây cối, di dời nhà cửa, công trình GPMB, tuyến đường Vĩnh Kiên - Yên Thế được thiết kế theo quy mô đường cấp V miền núi, bề rộng nền đường 6,5 m trở lên cùng hệ thống cống, rãnh hoàn chỉnh. Tại các đoạn qua các trung tâm xã thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi.

Để đảm bảo công tác GPMB, các địa phương dọc tuyến đường đã triển khai nghiêm túc công tác rà soát, thống kê, phân loại, lập danh sách các hộ bị ảnh hưởng; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận, tự nguyện trả lại đất, hiến đất, cây cối, hoa màu, vật kiến trúc... để thực hiện Dự án. Nắm rõ chủ trương, tầm quan trọng và lợi ích của tuyến đường mang lại, các địa phương đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của người dân. 


Đảng ủy xã Xuân Lai tổ chức ngày "Cuối tuần cùng dân” di dời vật kiến trúc, cây cối giải phóng mặt bằng cho thi công tuyến đường Yên Thế - Vĩnh Kiên.   

Đồng chí Lý Ánh Dương - Bí thư Đảng ủy xã Yên Thành cho biết: "Chủ trương của Nhà nước làm đường không hỗ trợ đền bù, Đảng ủy xã đã tổ chức tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên, đồng thời chỉ đạo khối dân vận, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cùng tham gia. Đảng ủy xã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo GPMB và tổ chức tuyên truyền, vận động người dân thông qua các buổi họp thôn, loa truyền thanh để nhân dân hiểu rõ lợi ích khi con đường được nâng cấp, mở rộng. Trên cơ sở đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để có hướng hỗ trợ, động viên kịp thời”. 

Nhờ vậy, đã có 34 hộ tự nguyện hiến tổng diện tích trên 1.000 m2 đất cây cối, hoa màu, vật kiến trúc, GPMB để thi công tuyến đường đoạn qua xã dài 7 km. Mặc dù ở vị trí trung tâm xã, toàn bộ diện tích đất đều là hàng quán kinh doanh nhưng gia đình ông Trần Trung Hiếu, thôn Đồng Tha, xã Phúc An đã tình nguyện tháo dỡ diện tích quán, xây dựng lùi vào trong với chi phí trên 100 triệu đồng để GPMB  mở rộng tuyến đường. 

Ông Hiếu chia sẻ: "Phát huy tinh thần đảng viên đi trước, tôi đã bàn bạc với các con, thống nhất chủ động tháo dỡ hàng quán, nhanh chóng GPMB. Chủ trương của Nhà nước đã rõ, gia đình tôi chỉ góp thêm một phần nhỏ để làm. Tôi hiểu con đường được mở rộng, nâng cấp không chỉ đời mình mà con cháu mình cũng được hưởng, nên có phải hiến nhiều hơn nữa chúng tôi cũng sẵn lòng”. 

Từ gia đình ông Trần Trung Hiếu, phong trào hiến đất làm đường đã lan tỏa. Hiện 87 hộ dọc tuyến đường của xã Phúc An đã đồng thuận hiến trên 2.400 m2  đất ở, trên 1.000 m2  công trình, vật kiến trúc và nhiều diện tích hoa màu để nhường đất cho con đường.

Được tuyên truyền, người dân xã Vũ Linh cũng đồng thuận hiến đất, cây cối hoa màu để GPMB. Ông Phạm Văn Dũng - Trưởng thôn Vũ Sơn, xã Vũ Linh cho hay: Bởi trước đây con đường nhỏ hẹp, nhiều đoạn đi lại rất khó khăn nếu gặp tình huống 2 xe tải ngược chiều rất khó khăn và nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông. Con đường được mở rộng, giao thông thuận tiện, hàng hóa nông sản của địa phương vận chuyển đi nơi khác dễ dàng, đời sống người dân được nâng lên. Vì vậy, cả 35 hộ thôn Vũ Sơn đều nhất trí hiến đất”.
 
Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc


Ông Lã Tuấn Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình (thứ 2, phải sang) và lãnh đạo xã Phúc An kiểm tra thực địa hiện trường giải phóng mặt bằng tuyến đường Yên Thế - Vĩnh Kiên. 

Quá trình GPMB để phục vụ việc nâng cấp, mở rộng tuyến đường Vĩnh Kiên - Yên Thế ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân; nhiều diện tích đất nhà ở, đất nông nghiệp, các công trình tháo dỡ, cây cối, hoa màu hay việc di dời nhà cửa, tài sản trên đất, đường điện còn nhiều khó khăn hay còn địa phương chậm vào cuộc... 

Nắm bắt những khó khăn đó ngay tại cơ sở, Bí thư Huyện ủy Yên Bình An Hoàng Linh đã chỉ đạo các xã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; trong đó, chú trọng công tác dân vận, tạo sự đồng thuận của nhân dân. 

Đảng ủy, UBND các xã rà soát kỹ lưỡng các hộ bị ảnh hưởng trong quá trình thực hiện nâng cấp tuyến đường, nhất là đối với các diện tích đất, loại đất, cây cối, hoa mầu, vật kiến trúc của từng hộ; phân loại mức độ ảnh hưởng, đề xuất phương án xử lý đối với các hộ đặc thù, bị ảnh hưởng nặng, bảo đảm rà soát không ảnh hưởng đối với các hộ dân trên toàn đoạn tuyến đi qua địa bàn xã. Phân công đội ngũ công chức, địa chính xã hướng dẫn nhân dân ký các văn bản, hoàn thiện hồ sơ hiến đất, trả lại đất đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định. Xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức ra quân GPMB gắn với hoạt động "Ngày cuối tuần cùng dân" bảo đảm bài bản, tuyệt đối an toàn. 

Các xã thành lập tổ hỗ trợ GPMB do lãnh đạo UBND làm tổ trưởng để kịp thời chỉ đạo hỗ trợ nhân dân thực hiện tháo dỡ công trình, vật kiến trúc và cây cối hoa màu; chuẩn bị chu đáo về lực lượng, phương tiện (ô tô, máy xúc…) để thực hiện GPMB theo phương châm "4 tại chỗ", có phương án phân luồng đảm bảo giao thông, bảo đảm y tế; bố trí vị trí đổ thải hợp lý... 

Phối hợp với các cơ quan chuyên môn, chủ đầu tư, các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, kịp thời báo cáo huyện xem xét, giải quyết đối với các tình huống phát sinh vượt thẩm quyền. 

Đối với xã chậm vào cuộc, huyện cử các phòng chuyên môn hỗ trợ, đồng hành, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc đảm bảo thời gian khởi công Dự án.

Với cách làm chặt chẽ, bài bản của Huyện ủy Yên Bình, ngay trong tuần đầu tháng 10, Đảng ủy xã Xuân Lai đã tổ chức ngày "Cuối tuần cùng dân”. 67 hộ dân của xã đã tự nguyện tháo dỡ nhà cửa, di dời vật kiến trúc, cây cối hoa màu và hiến trên 2.000 m2 đất để GPMB, trong không khí phấn khởi. Đồng loạt các địa phương ra quân GPMB trong tháng 10. 

Triển khai công tác GPMB theo Nghị quyết số 48-NQ/HU ngày 15/9/2022 của Huyện ủy Yên Bình về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò nòng cốt của cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện và vận động nhân dân thực hiện phong trào hiến đất, tài sản trên đất làm đường giao thông và xây dựng các công trình công cộng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM, đô thị văn minh; cán bộ từ xã đến thôn đã luôn tâm huyết, tận tụy, gương mẫu đi đầu "đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Thành quả là người dân cả 7 xã vùng Đông hồ Thác Bà đã đồng thuận tự nguyện trả lại đất, hiến đất, cây cối, hoa màu, vật kiến trúc... để  Dự án thực hiện thuận lợi. 

Tuyến đường Vĩnh Kiên - Yên Thế được nâng cấp, mở rộng thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với người dân vùng thượng huyện Yên Bình, giúp giao thông đi lại thuận tiện, từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần người dân. Quá trình triển khai Dự án ảnh hưởng đến hàng trăm hộ sinh sống dọc tuyến đường, thế nhưng khi "ý Đảng - lòng dân” hòa làm một đã biến việc khó thành việc thuận. Dự án được thực hiện đang và sẽ tạo cơ hội phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông hồ Thác Bà, góp phần tiếp thêm nguồn lực quan trọng để Yên Bình hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM năm 2022, phấn đấu trở thành huyện NTM trước năm 2025.



Minh Huyền

Tags Yên Bình Đông hồ Thác Bà hiến đất giải phóng mặt bằng nông thôn mới "Cuối tuần cùng dân”

Các tin khác
Người dân Bản Hẻo tham gia bê tông hóa đường nông thôn.

Nằm ngay cạnh thị xã Nghĩa Lộ, xuôi theo quốc lộ 32 khoảng 4 km lên phía Bắc là tới Bản Hẻo thuộc thị trấn Nông trường Liên Sơn, huyện Văn Chấn - nơi sinh sống của 134 hộ dân xứ đạo Vĩnh Quang.

Cán bộ kiểm lâm huyện Trấn Yên trao đổi công tác bảo vệ rừng với cán bộ và dân quân xã Tân Đồng.

Vượt qua công trình thủy lợi Đát Lòng Mo, chúng tôi chạm vào đất xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên để đắm mình vào màu xanh miên man của rừng quế, nương dâu.Hương quế quyện trong gió thu tỏa lan khắp vùng. Ở Tân Đồng, mọi câu chuyện như chỉ xoay quanh cây quế.

Người dân thôn Nà Lóng lựa chọn lúa nếp Lào Mu làm cốm.

Dịp tết Khảu mảu (gọi là tết Cốm), nhà nhà lại thi nhau khua vang điệu chày cắc kéng mừng một vụ lúa tốt tươi, lương thực đủ đầy, nhà nhà no ấm. Đây là nét đẹp văn hóa được đồng bào vùng cao Khánh Thiện gìn giữ từ bao đời nay.

Vườn quế giống của gia đình bà Tiến - Hiền ở thôn 2 đã đến kỳ xuất bán nhưng chưa có người mua.

Thấp thỏm có lẽ là tâm trạng lúc này của rất nhiều nông hộ ở vùng quê Báo Đáp, huyện Trấn Yên. Không lo âu sao được khi trồng rừng vụ thu đã đến từ lâu vậy mà khách đến mua quế giống rất ít, những thôn xa mặt đường Yên Bái - Khe Sang nhiều ngày qua chưa có khách đến xem hoặc hỏi mua quế giống.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục