Nhưng rồi, thoắt cái mà đã mấy chục năm vùn vụt, kéo theo bao hình ảnh những bản làng thân thuộc dần dần chỉ còn trong ký ức, bởi những nếp nhà sàn thân thuộc cứ thưa dần. Bao cánh rừng tự nhiên cũng lùi xa mãi bởi trồng rừng kinh tế. Những con suối sâu trong vắt đầy tôm cá và từng ôm ấp niềm vui của bao thế hệ con người mỗi ngày bên bến tắm, giờ đã cạn kiệt và ô nhiễm.
Tuy vậy, đến với Lục Yên và về miền quê Lâm Thượng, những người hoài cổ như tôi như thêm phần an ủi. Cả xã nằm trong một thung lũng len lỏi giữa trùng trùng những núi đá vôi. Dân ở đây hầu hết là người Tày và rặt chỉ có nhà sàn lợp bằng lá cọ, mà giữa nhà nọ, nhà kia có khi chỉ phân định bằng một hàng rào cây xanh.
Đường thôn đều đã bê tông hóa, nên đi dạo bằng ô tô, xe máy đều tiện cả. Nhưng với tôi, thích đi dạo bằng xe đạp. Chỉ hơn một tiếng thôi, thong dong vừa đi vừa ngắm cảnh, hỏi han, thế mà cũng đi khắp được các thôn: Tông Pắng, Tông Pình Cại, Thâm Pất, Bản Chỏi, Bản Khéo, Nà Kèn. Nhiều người ở Lâm Thượng bảo rằng, không ít nơi đã bỏ đi tên của làng bản cổ và thay vào đó bằng tên thôn gọi theo con số. Còn ở Lâm Thượng thì cứ phải giữ, để sau này con cháu có còn biết đến tích xưa.
Ví như, nói đến thôn Tông Pình Cại là sẽ nhớ về vùng đất này xưa kia có nhiều cây vải lớn… Bà con ở Lâm Thượng mộc mạc, chân tình và hiếu khách, nên gặp người lạ vào làng đều chào hỏi nhau như chỗ thân quen.
Nhớ mãi hôm dừng chân bên thôn Nà Kèn ngắm bầy chim tíu tít trên cây Bjook mạ đang phủ hoa vàng rực. Thấy bóng người, con thì vút lên ngọn cây trám già, con sà xuống lùm cây ngõa.
Một ông già người Tày cất tiếng mời tôi lên nhà uống nước. Tôi ngồi xuống tấm liếp lóng đôi đan bằng cật cây giang đã lên nước màu cánh gián, mà như ông cụ nói đã dùng từ lúc ông còn tấm bé. Thứ nước rễ cây ông mời tôi, vừa ngụm vào có vị chan chát, nhưng uống rồi lại ngọt đượm nơi cổ họng, tan biến mồ hôi trong mùa nắng "rám trái bòng”. Ông cụ lại quài tay với bình nhựa có thứ nước đen nâu và bảo:
- Làm một chén nhé. Sâm xuyên đá đấy!
Thuốc rễ cây, sâm xuyên đá, ông cụ đều tự đi lấy ở cánh rừng ngay sát bên nhà. Rượu ngấm. Gió hắt nhẹ. Cơ thể khoan thai. Tôi buông mắt nhìn xuống mặt ao sát với sân nhà. Nước trong có thể đếm từng con cá bỗng. Bầy vịt bầu cổ xanh thảnh thơi rỉa lông, nằm ẹp bên bờ mương nước dập dềnh vạt cỏ. Bỗng vẳng nghe tiếng họa mi thánh thót. Tôi hỏi:
- Mi nuôi à bố?
- Ở rừng đấy! Người Tày gọi là Nọoc san hò. Trước đây, nó bị bẫy hết, nhưng mấy năm nay lại thấy nó về.
Trong lành, thanh bình quá! Chả trách, ông cụ đã ngoài tám mươi mà tráng kiện lắm. Hàm răng màu hạt na đều nhinh nhích. Ông nói cười rổn rảng và vẫn thường leo núi như một thú vui.
Thấy tôi muốn chia tay, ông bảo:
- Hay ở lại tý nữa các cháu về bắt con cá bỗng để nộm nhé!
Tôi cảm ơn ông vì đoàn đã đặt cơm ở một homestay trong xã. Hơn thế, tôi còn muốn rong ruổi thêm nhiều nơi nữa. Cái nắng xiên qua chóp đỉnh dãy Nà Kèn, phả vang rưng rưng lên màu lúa chín. Thấp thoáng những bóng áo chàm nghiêng nón bên bờ lúa. Hỏi thăm và được biết, đêm nay, các chị được mời đi hát mừng nhà mới. Con đường bê tông dọc theo trung tâm xã giờ này tấp nập người xe.
Hóa ra, các chàng trai, cô gái từ thị trấn Yên Thế và các xã lân cận kéo nhau đổ về Khuổi Luông, Khuổi Nọi (suối lớn, suối bé) rồi tỏa ra các bến tắm như thác Xả Tràn, thác Bằng Hai, thác Nà Kèn; mó nước Bản Khéo... Còn tôi, hòa theo dòng người ngược lên thác Nặm Chắn. Suối nước trong xanh, bồng bềnh giấu nõn nà bờ vai sơn nữ giữa hoang sơ sơn cùng thủy tận.
Bữa cơm chiều ở homestay, rặt những món ăn của người miền núi: thịt lợn nướng, cá bỗng nướng và nộm gỏi, vịt luộc, gà nấu măng chua, canh đắng cam kìa, rau dớn nộm, xôi ngũ sắc gói lá dong và uống thứ rượu men lá ngâm cây thuốc. Những cô gái Tày khéo léo mời rượu rồi ngâm nga câu khắp cọoi réo rắt, bổng trầm cùng tính tẩu.
Đêm về khuya. Nhà sàn thoáng rộng. Trải đệm xuống là đầy chỗ ngủ. Màn đêm tĩnh lặng. Chỉ còn rỉ rả tiếng côn trùng và vẳng xa tiếng chim queng quý khắc khoải tìm bạn trong đêm. Tôi miên man nghĩ về buổi sáng nay leo lên đỉnh Khau Chảu vút cao nhìn ra bốn phía. Núi đá lớp lớp uốn lượn hình rồng và nhiều chỗ thì hệt những bàn chông khổng lồ.
Thật hùng vĩ của vùng đất phên dậu nước Đại Việt xưa có tên là Lâm Trường Thượng. Dạo bước trên dãy Pù Lung Chạng mênh mang một thảo nguyên tím hoa và mơn man gió với bầy gia súc nhởn nhơ gặm cỏ. Lại nhớ về mình một thuở chăn trâu. Rồi lại thoáng se sắt câu khắp cọoi níu lòng lữ khách mà cô gái Tày nâng ly rượu hát tặng tôi lúc chia tay sau bữa cơm chiều: "Trăng lặn tháng sau trăng lại mọc/Người xa người biết gặp lại khi nao”.
Chợt nhớ về lần trước, trò chuyện với chị Hoàng Thị Thế - Phó Bí thư Đảng ủy xã, chị bảo rằng, người Lâm Thượng giữ được nhà sàn là bởi không thể quen nhà đất. Giữ được hát then và khắp coọi không chỉ vì lời ca, giai điệu trữ tình mà nó còn là dân ca trong nghi lễ dân gian như cưới hỏi hay lễ kết bạn tồng... Hơn cả thế, khắp cọoi còn chứa đựng nhiều giá trị luân lý nuôi dưỡng tâm hồn, đạo đức và lối sống con người.
Tự vấn: Có phải người Lâm Thượng từ lâu đã ý thức được vẻ đẹp nguyên sơ của núi rừng, một không gian văn hóa đầy bản sắc của quê hương, nên nhiều nhà đã cho con theo học ngành du lịch và trở về quê hành nghề rất thành công? Sống trong một môi trường đậm chất cổ xưa như thế mà Lâm Thượng vẫn là xã kinh tế khá của huyện? Là nơi có mặt bằng dân trí cao? Là nơi có nhiều cán bộ chủ chốt của huyện Lục Yên và tỉnh Yên Bái, Lào Cai...? Và nữa, nơi này bởi sao tự xa xưa được ví là miền gái đẹp…? Miên man mãi rồi ngủ lịm.
Sáng hôm sau, trên đường về, qua chợ phiên Lâm Thượng. Lại một không gian chợ xưa hiển hữu. Nhớ câu chuyện hôm nào với anh Nông Mạnh Tường, khi ấy anh là Bí thư, Chủ tịch UBND xã. Anh bảo:
- Chợ phiên là dịp để bà con trưng diện những bộ váy áo chàm đẹp nhất và đi chợ chỉ mua chứ không bán.
Nghe có vẻ lạ. Nhưng mà đúng là như thế. Dân ra chợ chỉ mua vải vóc, mắm muối và nhu yếu phẩm. Còn nếu bán thì chỉ bán những thứ lâm thổ sản như mật ong, lá cam kìa, vỏ rễ ăn trầu, thuốc nam đủ loại và bán cả những chiếc nón Tày khum khum dân bản tự làm.
Nói vậy, chắc nhiều người cũng đặt câu hỏi như tôi:
- Vậy, tiền đâu mà bà con đi chợ chỉ mua, không bán?
Tôi đã được anh Tường cắt nghĩa. Măng mai - sản phẩm OCOP; vịt bầu Lâm Thượng được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu; cá bỗng đặc sản; gà da giòn, quế vỏ… là những nông sản mang lại cho rất nhiều hộ nguồn thu hàng trăm triệu mỗi năm, đều được thương lái lùng mua đến tận nhà.
Thế đấy! Cuộc sống ở Lâm Thượng còn nhiều điều lạ lắm! Tôi sẽ còn đến đây nhiều nữa. Và có thể, đó là dịp xuân Quý Mão - mùa lễ hội, mùa thiên nhiên khoe sắc ở Lâm Thượng và cả huyện Lục Yên.
Hoàng Nhâm