Tiệc trà xuân giữa đại ngàn sương mây

  • Cập nhật: Thứ hai, 23/1/2023 | 6:30:00 AM

YênBái - Khi đất trời lan tỏa những tinh khôi nhựa sống, lòng người ngập tràn xúc cảm kỳ diệu, là lúc mỗi người lại chọn cho mình một cách riêng trên nẻo đường du xuân. Và tôi lên với đại ngàn sương mây Suối Giàng để được một lần chạm tay, để chìm đắm, phiêu du trong bảng lảng mây trời mê hoặc lòng người...

Đồng chí Trần Quốc Vượng - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cùng các đồng chí lãnh đạo thưởng trà tại không gian tiệc trà Suối Giàng.
Đồng chí Trần Quốc Vượng - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cùng các đồng chí lãnh đạo thưởng trà tại không gian tiệc trà Suối Giàng.

Suối Giàng ngày xuân đẹp kỳ bí và cuốn hút. Trong khí xuân se lạnh, sương trắng bồng bềnh trên đỉnh núi, đắm mình trong không gian văn hóa trà trải rộng hơn 7.000 m2 thưởng trà quả là thi vị. Tiệc trà Suối Giàng ngày xuân thu hút hàng ngàn du khách, ai cũng muốn được thưởng trà với nét văn hóa rất riêng nơi "cõi mơ” này.
 
Trải nghiệm không gian tiệc trà, tôi cũng như các vị du khách vừa được thưởng thức trà ngon, vừa được nghe các nghệ nhân chia sẻ những câu chuyện xoay quanh thứ trà đặc sản và văn hóa thưởng trà. Sự hoàn hảo của nghệ thuật pha trà được thể hiện trong các yếu tố "nhất thủy, nhì trà, tam pha, tứ ấm, ngũ quần anh”. 

Trà Suối Giàng ngon là do nơi đây có nguồn nước chảy từ rừng nguyên sinh Tập Lăng xuống các thôn, bản. Nguồn nước này dùng pha trà giúp trà giữ được hương vị rất lâu. Với yếu tố "nhì trà”, trà để pha ở đây là những búp trà ngậm sương được tinh chọn "một tôm - hai lá” từ những cây trà Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi, hút dưỡng chất từ đất, chắt lọc tinh túy của trời với hàm lượng IGCG, có tác dụng chống lão hóa và phòng ngừa ung thư cao gấp 100 lần so với các loại chè thông thường khác. 

Qua bàn tay của người dân bản địa nâng niu chăm sóc, thu hái và chế biến, các nghệ nhân gửi gắm tâm tình vào từng búp chè để làm nên những sản phẩm "Đệ nhất danh trà”. Tách trà có đạt được hương vị chuẩn còn phụ thuộc vào kỹ thuật pha, ấm pha trà và chén uống trà. Đặc biệt, thưởng trà ngon không thể thiếu những người bạn tri kỷ. 

Nước trà màu xanh non sóng sánh trong chén với những đường vân óng ánh, khi nhấp một ngụm trà nóng, cảm nhận được vị thơm, vị chát nhẹ của trà lướt nhanh qua miệng, đủ kích thích để nhấp thêm một ngụm nhỏ nữa, rồi từ từ cảm nhận vị ngọt thanh nhẹ dậy lên nơi cuối vòm họng làm thành dư vị khó tả. 

Cũng là trà, nhưng với tôi lần uống trà này thật lạ và cảm giác thú vị khó tả! Tay nâng niu tách trà nóng, chuyện trò cùng đôi ba người bạn mới quen cùng sở thích uống trà, thấy thật may mắn. Bởi, không chỉ được thưởng trà quý, mà quý ở cái duyên, cái tình, giống như những lá chè khô sau khi hãm ủ vừa đủ thì bung nở và hòa vị vào dòng nước ngọt trong.

Đó chính là sự thi vị rất riêng của tiệc trà Suối Giàng, khiến nhiều du khách không khỏi thốt lên: "Thật kỳ diệu!”. Rồi các nghệ nhân pha trà cũng "bật mí” cho du khách kinh nghiệm pha trà ngon. Trà phải qua đủ 3 lần nước, là đánh thức trà, hãm trà và thưởng trà. Sự đặc biệt của trà Suối Giàng chính là sự bền nước, bởi có thể pha được 10 - 15 lần nước trong một ấm trà. Và văn hóa thưởng trà cũng có nghệ thuật với phong cách "Tam long giá ngọc”, tức ba ngón tay chụm lại để nâng ly trà; khi đưa lên môi thì quay cổ tay ra che miệng thật ý nhị… 

Tinh túy của đất trời

"Giá trị sản phẩm của trà Suối Giàng không chỉ dừng lại ở hương vị đặc biệt của đồ uống mà mang theo cả dư vị của thời gian, cả tinh tuý của đất, của người Mông nơi đây, cho nên càng uống càng đắm, càng ngấm càng say cái hương cái tình, cái hồn núi rừng Suối Giàng, Yên Bái… Vùng đất này xin được nỗ lực mỗi ngày để đưa trà Shan tuyết cổ thụ thành đặc sản, thành thương hiệu quốc gia. Mong rằng, trà Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng sẽ chăm sóc sức khỏe và tinh thần của mọi người” - đó là lời tựa được trân trọng gửi kèm trong từng sản phẩm, là những dòng tin nhắn thân tình mà Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận được từ Đào Đức Hiếu - người mang thương hiệu chè Suối Giàng bay xa và cùng với cộng đồng người Mông tạo ra không gian văn hoá trà nơi đỉnh núi mờ sương, với mong muốn phát triển giá trị của trà Suối Giàng gắn với xuất khẩu, phát triển du lịch, gia tăng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho bà con người Mông nơi đây. 


Anh Đào Đức Hiếu - Giám đốc Hợp tác xã Du lịch hệ sinh thái Suối Giàng giới thiệu những chiếc hộp đựng 4 loại trà ngon nhất được hái từ những cây chè Shan tuyết cổ thụ trên đỉnh Suối Giàng.

Trong không gian văn hóa trà, Hiếu cẩn thận nâng niu chiếc hộp sơn mài đen có đựng 4 loại trà ngon nhất được hái từ những cây trà Shan tuyết cổ thụ trên đỉnh Suối Giàng, gồm: Bạch trà, Diệp trà, Hoàng trà và Hồng trà để giới thiệu với Bộ trưởng. Bạch trà là loại chè chế biến từ các búp chè màu bạc, được chọn kỹ lưỡng, sau đó được hấp chín và sấy khô. Chứa nhiều chất dinh dưỡng, là loại trà có lợi cho sức khỏe nhất. 

Phương thức sao tay kỳ công của các nghệ nhân tạo ra một thứ trà mang hương vị đặc biệt như Diệp trà, Hoàng trà, Hồng trà Suối Giàng được ủ từ những lá chè tươi quý giá, sau khi vò làm trà biến màu từ xanh lục thành màu sậm hơn. Đây là một trong "tứ đại danh trà” nổi tiếng quý hiếm. 

Theo anh Hiếu, đồng bào Mông ở Suối Giàng coi chè Shan tuyết cổ thụ không đơn thuần là một loại thức uống mà đó còn là bài thuốc quý, giúp họ xua tan mệt mỏi sau một ngày lao động vất vả. Bây giờ, chè cổ thụ Suối Giàng không chỉ làm thức uống mà còn là sản vật thiên nhiên ban tặng, được chế biến thành những món ngon độc, lạ, khó cưỡng khi được thưởng thức. Những búp chè tôm non tơ được chế biến chiên giòn, ngon tựa món "tôm bay” của đồng bào Thái; cá kho niêu hay thịt lợn rừng hấp với vài lá chè cổ thụ tươi đang thì con gái… 

Chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng không cao về năng suất, không nhiều về sản lượng, song được khai thác, chăm sóc, nâng niu và trở thành thức quà quý để dành tặng cho những bạn thân quý nhất được in tên lên từng sản phẩm một cách trân trọng. Không chỉ riêng chè Suối Giàng, Yên Bái đang hướng đến mục tiêu xây dựng các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ không chỉ tiếp cận ở góc độ sản lượng hay sản vật thông thường mà phải tiếp cận các sản phẩm đó mang yếu tố về văn hóa, nhất là văn hóa mang tính chất cộng đồng, văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số. 

Với chè Suối Giàng, mỗi sản phẩm không chỉ là giá trị về dinh dưỡng, an toàn cho sức khỏe mà hàm chứa thông điệp về giá trị văn hóa bản sắc của đồng bào Mông đã chăm chút, nâng niu để tạo ra sản phẩm chè Suối Giàng nức tiếng gần xa. Đây cũng là phương thức để quảng bá hình ảnh của con người, vùng đất và văn hóa bản sắc của chính mình ra thế giới. Đồng thời giới thiệu, mời gọi du khách quốc tế, mời gọi các tập đoàn, doanh nghiệp đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, đến với các vùng miền để vừa sản xuất, kinh doanh, nâng tầm giá trị các giá trị văn hóa nơi sản phẩm đó được tạo ra.




Câu chuyện về trà, về nghệ thuật pha và uống trà tại không gian tiệc trà được nhiều du khách thích thú tìm hiểu. "Đến với tiệc trà, tôi không chỉ được tìm hiểu về nghệ thuật pha trà, những điều khác biệt của cây trà "năm cực”, cảm nhận được sự tinh túy của đất, trời, mây, gió trong chén trà đặc sản với không gian thưởng trà ấn tượng mà còn được tìm hiểu về văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông. Đây là những trải nghiệm tuyệt vời, đáng nhớ trong hành trình du xuân của tôi”. "Cuộc sống ngày một hối hả, người ta dường như càng ít dành thời gian cho bản thân. Với tiệc trà Suối Giàng là cơ hội tuyệt vời để tôi được thả hồn theo mây gió, một chút cảm xúc và một góc lãng đãng cho chính mình”. "Những chén trà quý của Suối Giàng đã đưa những trái tim vốn xa lạ xích lại gần nhau hơn”… là những cảm nhận rất thật, rất nên thơ của những du khách có mặt trong tiệc trà xuân trên đỉnh núi mờ sương...

Thanh Chi - Mạnh Cường

Tags Suối Giàng tiệc trà du lịch du khách xóa đói giảm nghèo Văn Chấn Yên Bái nông nghiệp hữu cơ

Các tin khác

Những ngày giáp tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, khi những nụ hoa mai, hoa mận, hoa đào, ở vùng thấp, hoa tớ dảy ở vùng cao đang bung nở khoe sắc, chúng tôi về thị tứ Ngã Ba Khe, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn - thủ phủ của ba ba gai để chung vui đón xuân mới với những triệu phú làng...

Lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Trạm Tấu kiểm tra cây giống phục vụ công tác trồng rừng vụ xuân năm 2023 của đơn vị.

Đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp đầu xuân, những cán bộ Ban Quản lý Rừng (BQLR) phòng hộ huyện Trạm Tấu lại tất bật về cơ sở để chuẩn bị công tác trồng rừng.

Nét quê Lâm Thượng.

Quê tôi cũng miền rừng núi. Nơi có làng bản nhà sàn êm đềm bên những cánh đồng xanh và suối mát trong. Lên Yên Bái công tác, được đi khắp đó đây, tôi thấy thật ấm lòng khi có biết bao làng bản của người dân tộc cũng tựa như ở quê mình.

Toàn cảnh thi công cầu Giới Phiên.

Không khí đón xuân đang náo nức khắp nơi, nhưng đội ngũ kỹ sư và công nhân trên công trình cầu Giới Phiên vẫn đang hăng say lao động. Những người thợ đang ngày đêm cần mẫn để nối đôi bờ sông Hồng bằng những nhịp cầu, để mang lại niềm vui cho biết bao người, vì tương lai phát triển của thành phố trẻ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục