Chuyện gieo chữ trên vùng đất khó Chế Tạo

  • Cập nhật: Thứ tư, 12/4/2023 | 1:41:10 PM

YênBái - Sự khắc nghiệt của vùng đất có cái tên Mù Cang Chải đã trở thành biểu tượng cho sự vượt khó của con người. Và tại Chế Tạo - xã khó khăn nhất huyện Mù Cang Chải, câu chuyện của những người “gieo chữ” được ví như ánh sáng soi đường bắt đầu hành trình vượt khó, đắp xây tương lai tươi sáng cho những đứa trẻ vùng cao.

Cô Chỉ hướng dẫn học sinh làm bài
Cô Chỉ hướng dẫn học sinh làm bài


Chế Tạo cách trung tâm huyện Mù Cang Chải chừng 30 ki-lô-mét đường núi với nhiều con dốc thẳng đứng đến thót tim. Hơn chục năm trước, chuyện nữ giáo viên đầu tiên - cô giáo Hoàng Thị Thanh Chỉ xung phong vào Chế Tạo dạy học khiến ai cũng phải ái ngại, bởi Chế Tạo xa lắm, cao lắm, nằm tít sâu trong những cánh rừng già, là vùng khó nhất của vùng đất khó. 

Cô gái hơn 20 tuổi mang theo thanh xuân và nhiệt huyết của tuổi trẻ đi gieo chữ cho đến tận ngày hôm nay. Chúng tôi đến Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Chế Tạo khi khắp núi rừng Mù Cang Chải đang khoác trên mình "chiếc áo trắng” tinh khôi của hoa táo mèo như cô gái đôi mươi với chiếc áo dài trắng vừa tốt nghiệp. 

Sân trường ngập nắng. Những đứa trẻ ở Chế Tạo rất ngoan, hẳn là chúng đã được dạy bảo cẩn thận. Những lời chào hay hành động sẵn sàng giúp đỡ người khác khiến chúng thật đáng yêu, dễ mến. Đám trẻ ùa theo dẫn chúng tôi đi tìm cô giáo Chỉ. Trong lớp học cũ kỹ, cô Chỉ đang kèm mấy đứa nhỏ đọc còn chậm. Đón chúng tôi cô cười ngượng ngùng nói: "Em có thành tích gì đâu ạ!”. 

Với cô Chỉ những việc mà cô làm cho những đứa trẻ ở Chế Tạo hơn chục năm qua không phải là thành tích mà đó là trách nhiệm, là nỗi niềm đau đáu ngay từ lần đầu cô gặp những đứa trẻ Mông ở đây. 

"Lúc đó tôi không biết Chế Tạo ở đâu, khó khăn như thế nào, chỉ biết đi là đi. Ngày đó không được như bây giờ đâu, cơ sở hạ tầng chỉ toàn là đất: đường đất, sân trường đất, vách lớp cũng đất... điểm chính có 5 lớp tiểu học, 5 lớp THCS. Nhìn học trò ngô nghê chưa biết điều gì, lúc đó thấy chúng đáng yêu, lại đáng thương nữa” - cô Chỉ kể. 

Khi đó khó khăn nhất trước mắt có lẽ là bất đồng ngôn ngữ, bởi vốn tiếng Việt của học sinh ra lớp lúc bấy giờ còn yếu, cô nhanh chóng học tiếng Mông để có thể giao tiếp với học trò. Cô chia sẻ: "Ngày đầu, cô nói trò không hiểu, trò nói gì cô cũng không biết, mình cảm thấy bất lực, tủi thân muốn chảy nước mắt nhưng mình luôn tâm niệm đã nhận công tác, đã nhận nhiệm vụ là phải cố gắng hết sức”. 

Rồi cô tìm hiểu được biết, ở nhà bố mẹ hay nói tiếng Mông nên vốn tiếng Việt của các con càng ít. Mỗi lần phụ huynh đưa con tới trường hoặc đến đón con về, cô Chỉ lại tranh thủ nhắn phụ huynh về nhà thường xuyên dùng tiếng Việt để tăng cường vốn tiếng Việt cho các con, học chữ sẽ nhanh hơn. 

Những ngày cuối tuần không về nhà cô lại đi lên bản, tới nhà học sinh để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, đôi khi chỉ là việc nhắc phụ huynh cùng nói tiếng Việt với con. Sự tận tâm với học trò của cô Chỉ cứ giản dị, mộc mạc như chính con người cô. Cô tâm sự: "Ngày trước ở Chế Tạo chủ yếu là đàn ông mới biết tiếng Việt, còn bây giờ thì nhiều phụ nữ cũng đã biết tiếng phổ thông do được đi học. Không ít phụ nữ còn được đi học cao”. 

Cô giáo Chỉ - nữ giáo viên duy nhất đến thời điểm này ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Chế Tạo đã góp phần không nhỏ tạo thay đổi lớn trong nhận thức về giáo dục của người dân ở Chế Tạo. Được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, học sinh được học bán trú nhiều nên thầy cô ở đây đỡ vất vả hơn, sĩ số được duy trì ổn định là sự an tâm đầu tiên của cô Chỉ, dù tiếp theo đó là hàng loạt những vất vả trước mắt của "người mẹ” duy nhất quán xuyến hàng trăm "đứa con”. 

Cô tâm sự: "Hôm nào cũng phải nhắc nhở học sinh, hướng dẫn các em vệ sinh chỗ ăn, chỗ ở, vệ sinh cá nhân, yêu thương đùm bọc nhau”. Vì cả trường có mỗi cô Chỉ là giáo viên nữ nên không chỉ là lớp bé mà ngay cả các chị lớn có những thắc mắc gì đều đến gặp cô. Và cô Chỉ lúc nào cũng sẵn sàng lắng nghe học trò. 

Cứ thế, cô trở thành "người mẹ” thứ hai của những đứa trẻ vùng cao và những đứa trẻ vùng cao trở thành những "đứa con” đầu tiên trong cuộc đời cô. Cô Chỉ bảo: "Cuối tuần học sinh đến chơi, rủ cô đi hái táo, nhiều em yêu quý mang quả dưa, quả táo đến cho cô. Tết lên, có em mang bánh dày cho cô, bảo: "Mẹ bảo mang sang cho cô”. Trân trọng lắm!”. 

Chính những điều đó đã tiếp thêm động lực cho cô Chỉ ở lại, tiếp tục cống hiến. Lập gia đình, cô phải gửi con về nhờ ông bà ngoại chăm sóc. Chồng cô sau một thời gian làm việc tại Chế Tạo rồi cũng trở về huyện Yên Bình để chăm sóc mẹ già. Chỉ còn cô vẫn bám trụ nơi này, ngày ngày chăm sóc cho học sinh từng bữa ăn giấc ngủ, dạy chúng từng con chữ… và dành quan tâm cho gia đình nhỏ của mình qua màn hình chiếc điện thoại. Sự hy sinh ấy thật đáng nể trọng! 

Còn thầy Sùng A Trừ - đồng nghiệp của cô Chỉ vốn sinh ra trong núi rừng Chế Tạo, hơn ai hết thầy hiểu được những khó khăn của học trò đi tìm cái chữ. Thầy Trừ mong muốn truyền cho những đứa trẻ ở Chế Tạo niềm tin với con chữ thay đổi cuộc sống tươi đẹp hơn. 

Thầy Trừ tận tâm với học trò trong từng tiết dạy.

Có chứng kiến một giờ dạy mới thấy sự tận tâm với công việc của thầy. Thầy Trừ chia sẻ: "Ngày xưa đi học được các thầy cô tận tình chỉ bảo nên giờ trở về quê hương mình cũng muốn truyền cho các em học sinh ngọn lửa ấy, mong muốn các em dù làm bất kỳ việc gì cũng phải thật tận tâm. Rồi các em lại truyền nhiệt huyết cho lớp sau. Cứ thế quê hương của mình mới phát triển được!”. 

Địa hình chia cắt nên việc đi lại ở đây vô cùng vất vả, bản xa nhất đến trường cũng 12 - 13 ki lô mét, học sinh đến trường chủ yếu là phải băng qua rừng, lội qua suối… Dẫu vậy, các thầy cô ở Chế Tạo chưa bao giờ nản lòng, nhất là những chuyến đi tuyên truyền, thậm chí cõng và chở học sinh đến trường. 

Thầy Trừ chia sẻ: "Hình ảnh các em nhỏ phải đi bộ từ 6 - 7 tiếng đồng hồ để đến trường luôn canh cánh trong tôi, nên tôi quyết tâm về đây để dạy các em biết cái chữ, mong các em yêu thích trường lớp và học tập tích cực. Tôi luôn tự nhủ, dẫu khó khăn, vất vả đến mấy thì tôi và các đồng nghiệp vẫn kiên định bám bản, bởi chúng tôi hiểu muốn "gieo chữ” nơi muôn trùng khó khăn này sao tránh khỏi hy sinh, thiệt thòi”. 

Là giáo viên dạy giáo dục thể chất, vừa đảm nhận công tác Đoàn, Đội, thầy Trừ cũng kiêm luôn dạy chữ cho các em ở khu bán trú. Sau mỗi giờ tan lớp, thầy Trừ lại tranh thủ soạn giáo án, chuẩn bị bài giảng, tối đến tập trung hỗ trợ học sinh học tiếng Việt. Sau nhiều gắn bó với công tác giáo dục vùng cao, cũng như đúc rút từ kinh nghiệm bản thân, thầy đã có sáng kiến để các em học sinh lớn kèm các em lớp nhỏ hơn, vừa kèm học vừa giao tiếp bằng tiếng phổ thông để các em bé nhanh chóng tiếp cận tiếng Việt dưới sự hướng dẫn của thầy. 

Bên cạnh đó, để tăng cường tiếng Việt, thầy gắn các biển tên ở chậu hoa, cây cảnh hoặc hướng dẫn các em qua các trò chơi vận động giúp học sinh hứng thú hơn. Rồi thì thầy tổ chức hoạt động trải nghiệm như: gấp chăn màn, các bước rửa tay, vệ sinh cá nhân, tổ chức các trò chơi ngoại khóa để các em thích ở trường, coi trường là nhà. 

Thầy Trừ bộc bạch: "Tôi luôn mong muốn được đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp giáo dục của quê nhà, để thắp lên những "ngọn lửa hy vọng”, những "mầm xanh” tri thức cho các thế hệ học trò nơi đây”.

Giữa muôn vàn khó khăn của sự nghiệp giáo dục vùng cao, để giữ được nhiệt huyết như cô Chỉ, thầy Trừ trong nhiều năm qua thực sự rất nể trọng. Nhận thức và những nếp nghĩ cổ hủ ăn sâu nhiều thế hệ của người dân vùng cao đã không làm vơi đi sức sáng tạo của các thầy cô. Nhìn cách họ cống hiến mỗi ngày qua từng tiết dạy, từng sự hướng dẫn tỷ mỷ với học trò, chúng tôi thực sự khâm phục những nhiệt huyết ấy! 

Có lẽ niềm vui lớn nhất của những giáo viên vùng cao như cô Chỉ, thầy Trừ là nhìn thấy học sinh của mình từng ngày tiến bộ, tương lai thêm rộng mở, hay chỉ đơn giản là thấy các em biết đọc, biết viết để giao tiếp với cộng đồng được dễ dàng hơn. Bởi cũng chính từ những điều giản đơn đó đã "chắp cánh”, đã tạo thêm cơ hội cho các em tiếp cận với những kiến thức mới, chân trời mới…

Thanh Ba

Tags gieo chữ vùng đất khó Chế Tạo Mù Cang Chải giáo dục vùng cao

Các tin khác
Các thành viên tham gia Mô hình “Liên gia tự quản không tảo hôn” ở bản Háng Phừ Loa, xã Mồ Dề và cán bộ mặt trận huyện Mù Cang Chải trao đổi nội dung phòng, chống tảo hôn.

Mù Cang Chải - huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của cả nước với 94% đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm 91%. Nơi đây từng là “điểm nóng” về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT). Song nay, tình trạng này đã giảm. Đó là nhờ có những cách làm hay, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, vận động và sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị.

Bây giờ, đâu đâu cũng nghe người Mông nói chuyện với nhau về những thôn người Mông văn hóa ở Hồng Ca. Những cái tên: Khuôn Bổ, Khe Ron, Khe Tiến, Hồng Lâu dường như đã trở nên quá nổi tiếng trong cộng đồng người Mông Yên Bái. Sự lan tỏa từ nếp nghĩ, cách làm đến cách chia sẻ của những người Mông Hồng Ca đã phần nào giúp vùng cao phát triển, loại bỏ cái lạc hậu...

Có thể nói, việc 4 thôn người Mông ở xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên trở thành khuôn mẫu, tâm điểm để đồng bào người Mông từ nhiều nơi trong tỉnh đến thăm, học hỏi kinh nghiệm hiện không còn là chuyện lạ nữa. Bởi lẽ giờ đây, những gì họ làm được xứng đáng gọi là “đột phá”, là tiên phong cho một phong trào tiến bộ - phong trào thay đổi tư duy về cách làm kinh tế, cách xây dựng đời sống văn hóa.

Tạm gác lại câu chuyện về những người đầu tiên đặt nền móng cho cộng đồng người Mông ở xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên. Công lao của họ là không thể phủ nhận, họ xứng đáng được tặng thưởng và ngợi khen. Giờ đây, thế hệ con, cháu của họ đang đóng vai trò chính trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục