Phát huy lợi thế "dân số vàng" vì một Yên Bái phát triển nhanh, bền vững - Bài 1: Cơ hội lớn, thách thức nhiều

  • Cập nhật: Thứ hai, 17/4/2023 | 4:38:00 PM

YênBái - Theo số liệu mới nhất trong kho dữ liệu điện tử của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Yên Bái, ước tính năm 2022, dân số Yên Bái có trên 879.900 người, trong đó gần 535.000 người trong độ tuổi lao động (chiếm gần 60,8%), trên 230.800 người dưới 16 tuổi (chiếm 26,3%), gần 113.600 người cao tuổi (chiếm 12,9%). Trước tiên có thể thấy, cơ hội lớn mà thời kỳ "dân số vàng" đem lại cho Yên Bái chính là lực lượng lao động dồi dào.



Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ "dân số vàng" năm 2007. Chung xu thế của cả nước, Yên Bái bước vào thời kỳ "dân số vàng" ở những năm cuối thập niên đầu tiên của thế kỉ XXI. Tổng điều tra dân số năm 2009 cho thấy, Yên Bái có 33,3% dân số không ở độ tuổi lao động, trong đó người trên 65 tuổi khoảng 9%. 

Như vậy, không chỉ bước vào thời kỳ "dân số vàng" với lực lượng lao động dồi dào, Yên Bái còn đồng thời trải qua quá trình già hóa khi tỷ lệ người cao tuổi trong tổng dân số khá cao. Điều này đem đến nhiều cơ hội thuận lợi để nâng cao hiệu quả lao động, đóng góp vào quá trình tăng trưởng kinh tế nhưng cũng đặt sự phát triển kinh tế - xã hội của một tỉnh miền núi như Yên Bái trước nhiều áp lực lớn, nhất là đối với hệ thống an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.


Theo số liệu mới nhất trong kho dữ liệu điện tử của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Yên Bái, ước tính năm 2022, dân số Yên Bái có trên 879.900 người, trong đó gần 535.000 người trong độ tuổi lao động (chiếm tỷ lệ gần 60,8%), trên 230.800 người dưới 16 tuổi (chiếm 26,3%), gần 113.600 người cao tuổi (chiếm 12,9%). Trước tiên, có thể thấy, cơ hội lớn mà thời kỳ "dân số vàng" đem lại cho Yên Bái chính là lực lượng lao động dồi dào. 

Với trên 535.000 người trong độ tuổi lao động đồng nghĩa với việc năng suất lao động, khối lượng sản phẩm được tạo ra cũng tăng lên, tài sản xã hội và gia đình của nhân dân Yên Bái được đảm bảo trong những năm qua. 

Đặc biệt, năm 2022, dù chịu tác động không nhỏ của đại dịch Covid-19 những tháng đầu năm nhưng nền kinh tế Yên Bái vẫn tiếp tục đà tăng trưởng khá, đạt tốc độ cao nhất trong 5 năm trở lại đây: tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) theo giá so sánh đạt gần 21.323 tỷ đồng, tăng 8,62%, đứng vị trí thứ 3/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc; thu ngân sách Nhà nước đạt trên 4.616,6 tỷ đồng, vượt 78,4% so với dự toán Trung ương giao; giá trị tăng thêm lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt gần 4.916 tỷ đồng, tăng 5,95% so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 5,05%; chỉ số hạnh phúc đạt 62,57%...

Bên cạnh đó, tỷ lệ dân số ở độ tuổi lao động cao, dân số thuộc nhóm 0 - 15 tuổi thấp cũng tạo điều kiện tốt hơn cho công tác phòng chống suy dinh dưỡng, khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, giảm bớt chi phí về y tế, an sinh xã hội. 



Đồng chí Lê Quang Lộc - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho biết: "Nhờ thực hiện hiệu quả chương trình kế hoạch hóa gia đình, phần lớn các cặp vợ chồng chỉ có 1 hoặc 2 con, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc sức khỏe, cho con đến trường, chuyển hướng phát triển giáo dục từ số lượng sang chất lượng. Điều này còn góp phần làm cân bằng giữa tỷ lệ nam và nữ, nâng cao vị thế của phụ nữ, góp phần thực hiện tốt bình đẳng giới. 

Nhìn chung, cơ cấu "dân số vàng" đem lại nhiều cơ hội nhưng cơ hội này không tự động đến. Cơ hội này phải được mỗi người tự giác, có ý thức và quyết tâm giành lấy để sản sinh ra lực lượng lao động vàng, góp phần đưa Yên Bái phát triển nhanh, bền vững. Dự báo theo xu thế chung của cả nước, thời kỳ dân số vàng của tỉnh Yên Bái sẽ chỉ kéo dài khoảng tầm hơn chục năm nữa. Đặc biệt, "dân số vàng" chỉ xuất hiện một lần trong lịch sử nhân khẩu học của mỗi quốc gia. Vì vậy, chúng ta phải tập trung tận dụng cơ hội có một không hai này”.



Dân số vàng không chỉ đem lại những cơ hội màu hồng, thuận lợi cho sự phát triển mà còn đem đến không ít thách thức. Thực tế là lực lượng lao động dồi dào nhưng chất lượng lao động còn hạn chế và chất lượng việc làm chưa cao. Hiện nay, lao động chưa qua đào tạo, không có văn bằng, chứng chỉ của tỉnh Yên Bái vẫn còn khoảng 181.370 người, chiếm 33,9%. Đây chính là rào cản lớn cho việc tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kìm hãm nỗ lực tăng nhanh năng suất, chất lượng lao động. 

Là một lao động chưa qua đào tạo, chị Lương Thùy Linh ở xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên chia sẻ: "Tôi mới học hết cấp 3 nên muốn tìm cho mình một việc làm với mức lương khá, ổn định, phù hợp với hoàn cảnh cũng như sức khỏe của bản thân thật sự không hề dễ. Hai năm nay, tôi đã thay đổi vài công việc. Tháng 12 năm ngoái, tôi xin đi làm công nhân may nhưng không có tay nghề, không quen việc nên lương cũng chưa cao. Tôi vẫn luôn mong muốn sau này có một nghề ổn định, thu nhập ổn định cho cuộc sống đỡ bấp bênh”. 

Không chỉ là khó khăn đối với lao động chưa qua đào tạo, có không ít lao động đã qua đào tạo cũng chẳng dễ dàng để tìm kiếm được việc làm đúng ngành, nghề đã học. Điều đó cho thấy rằng, dân số vàng không đồng nghĩa với mọi thứ đều là cơ hội, là thuận lợi. Tuy nhiên, mỗi người lao động cần phải thấy rõ trách nhiệm của bản thân mình trong vấn đề chung của toàn xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, người lao động cần có ý thức, tích cực tham gia học tập, đào tạo để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, nâng cao tay nghề, nâng cao trình độ. Người lao động cần tạo ra nhiều nhất có thể giá trị tích lũy để đảm bảo cho chính cuộc sống của mình trong tương lai.

Bên cạnh đó, tuy là địa phương đang trong giai đoạn "dân số vàng" nhưng Yên Bái cũng đồng thời trải qua quá trình già hóa dân số khi tỷ lệ người cao tuổi chiếm 12,9% dân số. Tuổi thọ trung bình của người dân Yên Bái tăng dần qua các năm và đến năm 2022 đạt trung bình 73,9 tuổi. 

Đây là mức tuổi thọ cao của một tỉnh miền núi như Yên Bái khi so với tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đạt trên 73 tuổi. Tuổi thọ tăng là một trong những thành tựu, điểm nhấn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy tốc độ già hóa dân số đang diễn ra nhanh và đặt ra nhiều thách thức.
 


Già hóa dân số nhanh dẫn đến dân số trong độ tuổi lao động giảm xuống, gây khủng hoảng nguồn nhân lực cho thị trường lao động trong tương lai; tăng nhanh tỷ lệ dân số phụ thuộc, gây áp lực với hệ thống y tế, lương hưu, hệ thống bảo trợ xã hội đối với công tác chăm sóc người cao tuổi; tăng trưởng kinh tế chịu nhiều áp lực vì không thích ứng kịp bởi gánh nặng với các chương trình an sinh xã hội phục vụ nhu cầu của người cao tuổi, thách thức cho vấn đề đảm bảo đời sống tinh thần, giải quyết mâu thuẫn, xung đột thế hệ trong thời kỳ dân số già. 

Trước thực trạng dân số Yên Bái như hiện nay, cơ hội và thách thức đều là bài toán khó, là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu có tính chất quyết định đến công cuộc xây dựng, phát triển Yên Bái nhanh, bền vững. Lời giải cho bài toán này cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cũng như của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội để tìm ra lời giải khai thác có hiệu quả nguồn lực "vàng” trong thời kỳ dân số vàng. Nếu chậm chân, chúng ta sẽ tụt hậu, đánh mất cơ hội to lớn của chính mình.

Bài: Lê Thương
Ảnh: Lê Thương - Tư liệu
Đồ họa: Thành Trung
Bài 2: Không bỏ lỡ cơ hội "vàng” cho sự phát triển

Tags Phát huy lợi thế dân số vàng Yên Bái phát triển nhanh bền vững cơ hội lớn

Các tin khác
Cô Chỉ hướng dẫn học sinh làm bài

Sự khắc nghiệt của vùng đất có cái tên Mù Cang Chải đã trở thành biểu tượng cho sự vượt khó của con người. Và tại Chế Tạo - xã khó khăn nhất huyện Mù Cang Chải, câu chuyện của những người “gieo chữ” được ví như ánh sáng soi đường bắt đầu hành trình vượt khó, đắp xây tương lai tươi sáng cho những đứa trẻ vùng cao.

Các thành viên tham gia Mô hình “Liên gia tự quản không tảo hôn” ở bản Háng Phừ Loa, xã Mồ Dề và cán bộ mặt trận huyện Mù Cang Chải trao đổi nội dung phòng, chống tảo hôn.

Mù Cang Chải - huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của cả nước với 94% đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm 91%. Nơi đây từng là “điểm nóng” về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT). Song nay, tình trạng này đã giảm. Đó là nhờ có những cách làm hay, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, vận động và sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị.

Bây giờ, đâu đâu cũng nghe người Mông nói chuyện với nhau về những thôn người Mông văn hóa ở Hồng Ca. Những cái tên: Khuôn Bổ, Khe Ron, Khe Tiến, Hồng Lâu dường như đã trở nên quá nổi tiếng trong cộng đồng người Mông Yên Bái. Sự lan tỏa từ nếp nghĩ, cách làm đến cách chia sẻ của những người Mông Hồng Ca đã phần nào giúp vùng cao phát triển, loại bỏ cái lạc hậu...

Có thể nói, việc 4 thôn người Mông ở xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên trở thành khuôn mẫu, tâm điểm để đồng bào người Mông từ nhiều nơi trong tỉnh đến thăm, học hỏi kinh nghiệm hiện không còn là chuyện lạ nữa. Bởi lẽ giờ đây, những gì họ làm được xứng đáng gọi là “đột phá”, là tiên phong cho một phong trào tiến bộ - phong trào thay đổi tư duy về cách làm kinh tế, cách xây dựng đời sống văn hóa.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục