Để đồng bào tin, nghe và làm theo Đảng

  • Cập nhật: Thứ tư, 19/4/2023 | 7:35:43 AM

YênBái - Thực tiễn và kinh nghiệm ở huyện vùng cao Mù Cang Chải đã khẳng định vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền, vận động, bài học gần dân, sâu sát cơ sở trong việc kịp thời truyền tải, định hướng, đưa chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến gần hơn với đồng bào.

Lãnh đạo, cán bộ huyện Mù Cang Chải tham gia “Ngày cuối tuần cùng dân” khai hoang ruộng bậc thang.
Lãnh đạo, cán bộ huyện Mù Cang Chải tham gia “Ngày cuối tuần cùng dân” khai hoang ruộng bậc thang.

Một khi làm tốt công tác này sẽ tạo được sự đồng thuận, đoàn kết trong nhân dân, một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, không còn "lỗ hổng” cho các thế lực thù địch, phản động lôi kéo, kích động, chia rẽ; từ đó, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Tuyên truyền linh hoạt, phù hợp, hiệu quả

Trong quá trình dẫn dắt nhân dân xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, huyện Mù Cang Chải đã khá thành công trong thực hiện nhiều cuộc vận động như: "3 bỏ” (bỏ trồng; bỏ hút; bỏ tàng trữ, vận chuyển buôn bán trái phép chất ma túy), loại bỏ hủ tục hay sản xuất 2 vụ lúa, ăn chung một tết... với cách thức tuyên truyền, vận động "3 cùng” gồm "cùng ăn, cùng ở, cùng làm” và "cầm tay chỉ việc”. 

Tuy nhiên, những năm gần đây, với mục tiêu sâu xa hơn, bền vững hơn, không chỉ là sự chấp hành trước mắt, công tác tuyên truyền, vận động được huyện thay đổi từ "cầm tay chỉ việc” sang phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức, để nhân dân thực sự trở thành chủ thể trên tinh thần "dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, Nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng, hướng dẫn nhân dân thực hiện. 

Quá trình tuyên truyền được thực hiện xuyên suốt, tranh thủ mọi lúc, mọi nơi nhưng không được gây phiền hà cho cơ sở, cho nhân dân, khác với cách làm "3 cùng” của quá khứ. 

Các nội dung tuyên truyền tập trung vào mọi vấn đề của cuộc sống từ chủ trương phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo, các tiêu chí xây dựng xã, bản nông thôn mới cho đến việc thực hiện nếp sống văn minh, thực hiện nghiêm các hương ước, quy ước của thôn, bản, khu dân cư; không truyền và theo đạo trái phép... 

Các hình thức tuyên truyền cũng được đổi mới, đa dạng từ tổ chức họp bản, tuyên truyền miệng, sân khấu hóa, phát tờ rơi, tài liệu hỏi - đáp cho đến phát huy hệ thống loa truyền thanh, loa tay, xe lưu động... đã cung cấp thông tin hữu ích với nhiều cách tiếp cận, dễ hiểu, dễ nhớ, mọi lúc mọi nơi đến đồng bào. 

Đặc biệt là có sự kết hợp các loại hình tuyên truyền và huy động cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác này. Chẳng hạn như: để phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, huyện Mù Cang Chải đã thành lập hơn 40 mô hình dòng họ tự quản ở các xã thực hiện công tác tuyên truyền, tổ chức cho các gia đình ký cam kết, biểu dương, khen thưởng cũng như xử phạt, kiểm điểm những gia đình vi phạm. 

Trung tâm Truyền thông - Văn hóa cũng tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh, loa di động, xây dựng các tiểu phẩm để tuyên truyền theo hình thức sân khấu hóa. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện còn đưa nội dung giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản vào hoạt động ngoại khóa của nhà trường... 

Với những bản xa trung tâm, giao thông đi lại khó khăn và chưa có điện lưới quốc gia, huyện đã khai thác, sử dụng hiệu quả loa di động (xe máy có gắn loa). Đây cũng là hình thức tuyên truyền đã mang lại hiệu quả cao trong đợt bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 với xấp xỉ 100% cử tri tham gia bầu cử, đạt tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay. 

Hay trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các nội dung tuyên truyền được cụ thể hóa thành các thông điệp "3 tin, 4 dừng, 5 bắt buộc, 6 ở, 9 nên, 10 không” dễ hiểu, dễ nhớ, được tuyên truyền bằng cả tiếng phổ thông và tiếng Mông, góp phần lớn giúp huyện kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn, hạn chế lây lan. 

Đặc biệt, trong thời kỳ bùng nổ thông tin như hiện nay, huyện đã nhanh chóng thành lập và duy trì hoạt động các trang fanpage, zalo chính thống, đưa mạng xã hội trở thành một kênh tuyên truyền hữu ích. 

Các kênh này thường xuyên nắm chắc diễn biến tình hình địa bàn, định hướng tư tưởng, nhận thức, dư luận xã hội trong cán bộ, đảng viên và nhân dân theo phương châm "lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. 

Cùng với đó, là phát huy tối đa vai trò của những cán bộ là người Mông ở cơ sở, những già làng, người có uy tín trong cộng đồng. Họ hiểu phong tục, tập quán và dễ dàng nắm bắt tâm tư, tình cảm của đồng bào. Từ đó, có những cách tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, từng nhà, từng dòng họ.


Một buổi tuyên truyền, ký cam kết xây dựng nông thôn mới tại xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải. 

Bài học gần dân, sâu sát cơ sở

Bài học gần dân, sâu sát cơ sở trong tuyên truyền, vận động luôn có giá trị ở bất kỳ giai đoạn nào, với bất kỳ chủ trương nào. Ông Đồng Gia Nghĩa - Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Huyện ủy Mù Cang Chải chia sẻ: "Ở Mù Cang Chải, đội ngũ làm công tác tuyên truyền không chỉ gói gọn hơn 200 người là những tuyên truyền viên, báo cáo viên cơ sở, cộng tác viên dư luận xã hội mà còn huy động toàn bộ lực lượng và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Trong công tác tuyên truyền, vận động, nếu cán bộ thường xuyên sâu sát cơ sở, tạo được sự gần gũi với dân sẽ dễ hình thành sự tin tưởng trong dân. Bởi vậy, mỗi cán bộ chúng tôi đều lấy đó làm bài học kinh nghiệm khi thực hiện nhiệm vụ”. 

Để thúc đẩy ý thức trách nhiệm, phục vụ nhân dân, sâu sát cơ sở, Huyện ủy Mù Cang Chải đã phát động nhiều phong trào thi đua như "Làm hết việc chứ không hết giờ”, "Mỗi ngày làm thêm một giờ, mỗi tuần làm thêm một ngày” và đặc biệt là mô hình "Ngày cuối tuần cùng dân” sau hơn 3 năm triển khai vẫn duy trì hiệu quả, được đông đảo nhân dân hoan nghênh, được nhiều địa phương nhân rộng, học tập. 

Theo đó, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn huyện dành ít nhất mỗi tháng 2 ngày cuối tuần để xuống xã, bản, từng hộ dân ở địa bàn hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, xóa nhà dột nát, xây dựng các tổ tự quản ở cộng đồng dân cư; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, phòng chống tảo hôn và thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình; bảo vệ môi trường sống, ăn sạch, ở sạch, uống sạch...; tham gia sinh hoạt với đảng ủy cơ sở và chi bộ bản, tổ dân phố và chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở. 
Từ yêu cầu của mô hình, mỗi cán bộ, đảng viên không những phải gần dân, sâu sát cơ sở mà còn phải cởi mở, sẵn sàng đối thoại, lắng nghe dân, trọng dân và học dân, thể hiện bằng những hoạt động cụ thể. 

Hình ảnh người cán bộ trực tiếp cùng dân khai hoang ruộng bậc thang, mở mới, bê tông đường giao thông, khơi thông cống rãnh, vệ sinh môi trường... hay không ngại khó, ngại khổ đi đến những bản xa trung tâm, khó khăn về đường giao thông, chưa có điện lưới, kinh tế - xã hội chậm phát triển để cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống, giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc xảy ra trong cuộc sống rồi động viên, khuyến khích, khơi dậy khát vọng, ý thức tự vươn lên của người dân... đã dần trở nên quen thuộc, góp phần dựng xây hình ảnh đẹp của người cán bộ, đảng viên trong lòng nhân dân. 

Riêng năm 2022, toàn huyện Mù Cang Chải đã tổ chức được 944 buổi "Ngày cuối tuần cùng dân” với trên 50.000 lượt người tham gia; thực hiện tu sửa, mở mới 60 km đường và bê tông hóa 15,3 km đường giao thông; tu sửa, san gạt, khơi thông cống rãnh trên 50 km; xây dựng 10 km đường điện thắp sáng đường quê; trồng 32.000 cây xanh các loại... 

Anh Giàng A Cheo ở bản Cồ Dề Sang B, xã Lao Chải chia sẻ: "Ngày cuối tuần mà có cán bộ về bản cùng dân làm những việc có ý nghĩa khiến đồng bào mình thấy rất gần gũi. Đồng bào mình cũng có thể trực tiếp trao đổi, góp ý với cán bộ về những khó khăn, vướng mắc để kịp thời được khắc phục và xử lý. Đây là việc làm rất ý nghĩa và đồng bào mình rất hoan nghênh khi cán bộ như thế”. 

Khi gần dân, sâu sát cơ sở cũng giúp công tác nắm bắt tình hình tư tưởng nhân dân được thường xuyên, kịp thời phát hiện và xử lý những vấn đề khó khăn, bức xúc ngay tại cơ sở, không để xảy ra điểm nóng về mất an ninh trật tự. Từ đó, góp phần nâng cao cảnh giác trước các luận điệu xuyên tạc, âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, truyền đạo và sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật...

Có thể khẳng định, chủ trương đúng đắn, tuyên truyền hiệu quả, cán bộ gần dân, sâu sát cơ sở ắt sẽ tạo ra những lợi ích lâu dài và có được sự đồng thuận cao. Đây cũng là những nhân tố chính để đồng bào Mông ở Mù Cang Chải tin tưởng, nghe, làm theo sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Khi mà dân tin Đảng, Đảng vì dân thì sự nghiệp cách mạng ắt thành công.

Hoài Anh

Tags Yên Bái Mù Cang Chải dân làm dân kiểm tra dân thụ hưởng tuyên truyền vận động "Dân vận khéo" "Ngày cuối tuần cùng dân”

Các tin khác

Nhạy bén nắm bắt, nhanh chóng chớp thời cơ, những năm qua, Yên Bái đã đưa ra nhiều giải pháp để không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đồng thời tận dụng tối đa những lợi thế, chủ động thích ứng với sự già hóa dân số, không bỏ lỡ cơ hội “vàng” làm nên những thành quả phát triển ấn tượng.

Theo số liệu mới nhất trong kho dữ liệu điện tử của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Yên Bái, ước tính năm 2022, dân số Yên Bái có trên 879.900 người, trong đó gần 535.000 người trong độ tuổi lao động (chiếm gần 60,8%), trên 230.800 người dưới 16 tuổi (chiếm 26,3%), gần 113.600 người cao tuổi (chiếm 12,9%). Trước tiên có thể thấy, cơ hội lớn mà thời kỳ "dân số vàng" đem lại cho Yên Bái chính là lực lượng lao động dồi dào.

Cô Chỉ hướng dẫn học sinh làm bài

Sự khắc nghiệt của vùng đất có cái tên Mù Cang Chải đã trở thành biểu tượng cho sự vượt khó của con người. Và tại Chế Tạo - xã khó khăn nhất huyện Mù Cang Chải, câu chuyện của những người “gieo chữ” được ví như ánh sáng soi đường bắt đầu hành trình vượt khó, đắp xây tương lai tươi sáng cho những đứa trẻ vùng cao.

Các thành viên tham gia Mô hình “Liên gia tự quản không tảo hôn” ở bản Háng Phừ Loa, xã Mồ Dề và cán bộ mặt trận huyện Mù Cang Chải trao đổi nội dung phòng, chống tảo hôn.

Mù Cang Chải - huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của cả nước với 94% đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm 91%. Nơi đây từng là “điểm nóng” về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT). Song nay, tình trạng này đã giảm. Đó là nhờ có những cách làm hay, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, vận động và sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục