Mù Cang Chải chuyển mình - Bài cuối: Chính sách phù hợp - kinh tế bứt phá

  • Cập nhật: Thứ tư, 12/7/2023 | 3:12:35 PM

YênBái - Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.



Với quyết tâm biến khó khăn thành lợi thế để đột phá trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Đảng bộ, chính quyền huyện Mù Cang Chải luôn xác định phải gần dân, bám sát nhân dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để từ đó có những chính sách, việc làm thiết thực giúp đỡ người dân phát triển kinh tế. Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp cũng chính là tạo ra động lực và cơ hội để thu hút các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. 


Những ngày tháng 7, Hồ Bốn nắng như chảo lửa. "Vùng này nóng nhất ở Mù Cang Chải đấy” - Bí thư Đảng ủy xã Hồ Bốn Phạm Việt Cường khẳng định. Cũng bởi điều kiện tự nhiên khá đặc biệt mà ở Hồ Bốn hình thành những vùng đất phù hợp với nhiều loại cây trồng. Hồ Bốn có 5 thôn, bản, mỗi thôn đang phát triển một loại cây trồng đặc trưng đem lại hiệu quả kinh tế cao. 

Đơn cử như bản Háng Á trồng được 3 ha dưa Mông, giá trị kinh tế đạt 150 triệu đồng/ha; cây su su, gừng trồng được 5 ha tại bản Háng Đề Chu; chuối 3 ha, mía 5 ha tại bản Trống Là; mận đỏ 5 ha tại bản Trống Trở…; các loại cây trồng này có giá trị kinh tế từ 120-150 triệu đồng/ha. 



Theo lý giải của Bí thư Đảng ủy xã, các loại cây trồng trên đều có thể trồng tại cả 5 thôn, bản. Tuy nhiên, có những loại cây đặc thù chỉ thích hợp trồng ở một bản, như dưa Mông trồng ở Háng Á ngọt hơn, mía hoặc chuối lại chỉ thích hợp trồng ở bản Trống Là. Hồ Bốn cũng là địa phương duy nhất ở Mù Cang Chải có thể trồng được một số loại cây trồng khác như: mận đỏ, lạc đỏ, ngô tí hon đem lại giá trị kinh tế cao góp phần xóa đói giảm nghèo. 

Ông Giàng A Hồng - Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Trống Là cho biết: "Trống Là có 145 hộ, có trên 50% hộ nghèo. Đời sống tuy còn nhiều khó khăn nhưng Chi bộ xác định muốn xóa đói giảm nghèo cho người dân thì cần phải phát triển các loại cây trồng đặc sản phù hợp với điều kiện của bản. Hiện nay, Trống Là đang có 5 ha mía, 3 ha chuối tiêu, 10 ha ngô nếp tí hon, 26 ha lúa Séng cù. Ngoài ra, còn có 15 mô hình chăn nuôi theo Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh. Đây là những thế mạnh trong phát triển kinh tế mà Chi bộ sẽ tiếp tục vận động nhân dân thực hiện trong thời gian tới”. 

Nhờ những chính sách thiết thực, cuộc sống của người dân vùng cao Mù Cang Chải từng bước được nâng lên. Các mô hình phát triển kinh tế, nhất là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế tạo các sản phẩm OCOP mang thương hiệu riêng của huyện Mù Cang Chải, giúp người dân khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo thu nhập ổn định. 



Thực hiện Đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025 và các nghị quyết, chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình hành động số 09 ngày 12/10/2021 về phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị tăng gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững huyện, giai đoạn 2021 - 2025; Đề án phát triển cây ăn quả huyện giai đoạn 2021 - 2025, Đề án phát triển vùng dược liệu huyện giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chủ lực địa phương như: gà đen, mật ong, sơn tra... và thực hiện tốt chương trình Mỗi xã một sản phẩm. 

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống mới vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất của người dân, dần hình thành các vùng sản xuất tập trung như vùng sản xuất hoa hồng và rau màu hàng hóa tại xã Nậm Khắt với diện tích trên 55 ha; vùng sản xuất gạo nếp Tan tại xã Nậm Có, Cao Phạ với diện tích trên 400 ha; vùng sản xuất gạo Séng cù tại xã Khao Mang, Lao Chải với diện tích trên 300 ha… 


Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có 10 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh. Trong đó, có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, 8 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao và 4 sản phẩm có gắn tem nhãn truy xuất nguồn gốc lên sàn thương mại điện tử; triển khai thực hiện 3 dự án liên kết trồng mới và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả ôn đới trong giai đoạn 2022 - 2025; hỗ trợ cho 298 cơ sở chăn nuôi theo hướng hàng hóa hoặc đặc sản hữu cơ theo Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh với tổng kinh phí là 20,8 tỷ đồng. 

Các giải pháp triển khai đồng bộ ấy đã góp phần đưa giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản của vùng cao Mù Cang Chải tăng cao so với đầu nhiệm kỳ với 570,5 tỷ đồng, tăng 70,5 tỷ đồng và đạt 92,02% nghị quyết Đại hội; tổng diện tích cây trồng chính đạt 11.783,5 ha, tăng 183,5 ha; tổng sản lượng lương thực có hạt 46.881 tấn, tăng 1.523 tấn; tổng đàn gia súc chính 86.790 con, tăng 10.470 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại 4.300 tấn, tăng 718 tấn; diện tích nuôi trồng thủy sản 14,4 ha, sản lượng thủy sản 88 tấn, tăng 13 tấn. 



Thực hiện Nghị quyết số 29 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp tỉnh theo hướng bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường giai đoạn 2021 - 2025, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 44 về phát triển công nghiệp huyện theo hướng bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường giai đoạn 2021 - 2025. 

Mù Cang Chải xây dựng Kế hoạch phát triển công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025; tập trung phát triển các dự án thủy điện, khai thác khoáng sản bảo tồn, duy trì và phát triển quy mô các làng nghề truyền thống, phát triển cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp...

Chỉ đạo làm tốt công tác quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trên địa bàn; quản lý hiệu quả các dự án đầu tư phát triển thủy điện, khai thác khoáng sản trên địa bàn, vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội vừa giữ gìn môi trường sinh thái. 

Đồng thời, bảo tồn, duy trì và phát triển quy mô các làng nghề truyền thống: làng nghề dệt thổ cẩm bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha; làng nghề nấu rượu thóc bản La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn; nghề truyền thống chế tác Khèn Mông các xã Nậm Khắt, Púng Luông, La Pán Tẩn, Dế Xu Phình, Mồ Dề; nghề truyền thống rèn, đúc các xã Nậm Khắt, Dế Xu Phình, Chế Cu Nha, Kim Nọi; tuyên truyền, khuyến khích các cơ sở sản xuất mở rộng, đa dạng hóa các sản phẩm (dệt, may, thêu thổ cẩm, sản phẩm đan lát truyền thống địa phương...).

Đến nay, trên địa bàn huyện có trên 246 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, trong đó có 6 nhà máy thủy điện, với công suất lắp máy là 95,5 MW, tương đương với 340 triệu kWh/năm, còn lại là các cơ sở sản xuất, chế biến và khai thác quy mô nhỏ. Giá trị sản lượng sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến cuối năm 2022 đạt 470 tỷ đồng, tăng 110 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ và đạt 78,33% mục tiêu nghị quyết Đại hội. 

Nửa đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện Mù Cang Chải đã đạt được những kết quả vượt bậc trong phát triển kinh tế nhưng không thể chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đã đạt được. Cần thẳng thắn nhìn nhận: Mù Cang Chải là một huyện vùng cao đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí không đồng đều, hệ thống cơ sở hạ tầng còn thiếu đồng bộ, trong khi nguồn lực đầu tư còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được yêu cầu. 

Bên cạnh đó, thường xuyên chịu sự tác động của biến đổi khí hậu, giá cả thị trường một số mặt hàng thiết yếu tăng cao… đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. 

Năng lực, chất lượng của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức ở một số cơ quan, đơn vị, nhất là ở các xã, thị trấn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nhất là những nhiệm vụ mới, việc khó… 

Tư duy về phát triển kinh tế, phương thức sản xuất, sinh hoạt còn nhiều lạc hậu, chậm đổi mới; một bộ phận người dân còn nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nhà nước. Đây chính là những vấn đề mà Ban Thường vụ Huyện ủy Mù Cang Chải cần tiếp tục có giải pháp hiệu quả để khắc phục.

Bài, ảnh: Anh Dũng - Thiên Cầm
Đồ họa: Thành Trung

Tags Mù Cang Chải kinh tế Nghị quyết số 69 xóa đói giảm nghèo sản phẩm OCOP cán bộ công chức viên chức

Các tin khác

Là một trong những huyện nghèo của cả nước, dựa trên tình hình thực tế và điều kiện đặc thù của địa phương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mù Cang Chải lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định mục tiêu "quyết tâm xây dựng Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch - là điểm đến "bản sắc, an toàn, thân thiện”, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn là huyện nghèo, đến năm 2030 không còn là huyện nghèo”.

Mù Cang Chải - một trong 63 huyện nghèo nhất cả nước đang có cuộc cải cách toàn diện và hội nhập mạnh mẽ với những cơ hội phát triển mở ra cho người dân vùng cao, nhờ phát huy vai trò hạt nhân của tổ chức Đảng, của người đứng đầu cấp ủy.

Công an xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải thường xuyên nắm bắt thông tin từ cơ sở

Trong 6 tháng đầu năm, Công an huyện Mù Cang Chải đã phát hiện, xử lý 19 vụ với 39 đối tượng, thu giữ 1.172,6g hêrôin; 648g ma túy tổng hợp, khởi tố 19 vụ/27 bị can; trong đó, phá 3 vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Đặc biệt, 27 đối tượng bị khởi tố đều là người dân tộc Mông.

Toàn cảnh bản làng Cu Vai trong mây.

Dạo bước trong bản Cu Vai, tôi cảm nhận rõ một cuộc sống mới no ấm đang hiện hữu. Những ngôi nhà sạch đẹp, hoa trồng hai bên đường rực rỡ khoe sắc trong nắng mới, đường trong bản đang được Nhà nước đầu tư bê tông hóa, các hộ mở rộng chăn nuôi, trồng trọt… Có được kết quả đó là nhờ những năm qua, cùng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, huyện Trạm Tấu đã có nhiều giải pháp để thúc đẩy phong trào dân vận khéo đi vào thiết thực, hiệu quả làm cho đồng bào Mông nơi đây đổi thay tư duy, chăm chỉ, nhạy bén trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Bản làng trở nên khang trang, sạch đẹp, đời sống bà con vùng cao được cải thiện rõ nét nhờ dân vận khéo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục