Trường Sa ký sự (Kỳ 1: Nhật ký hải trình)

  • Cập nhật: Thứ ba, 17/4/2007 | 12:00:00 AM

Sóng. Đó là kỷ niệm lớn nhất của tôi trong suốt chuyến hải hành đến vùng biển đảo Trường Sa - cực đông tổ quốc. Sóng biển mạnh "kỷ lục" suốt hơn 1.000 hải lý hành trình, vẫn không át nổi sóng tình rung động không ngớt trong lòng mỗi người, dù ở đất liền ra hay ở ngay đảo.

Lính đảo Trường Sa Đông đón các nữ khách quý.
Lính đảo Trường Sa Đông đón các nữ khách quý.

Sóng dậy trên đôi mắt long lanh của các cô ca sĩ hát trong gió đảo, sóng lắc hoài theo nhịp rừng cánh tay nhiệt liệt hưởng ứng của những anh lính đảo... Và tấm tình với biển đảo tổ quốc luôn vượt qua sóng gió gian nan...

Cưỡi sóng đến "quần đảo bão tố"

Tàu HQ 957 khởi hành từ bến cảng Ba Son - TP.Hồ Chí Minh lúc bình minh. Đây là đoàn công tác thứ ba trong 5 đoàn công tác thăm và kiểm tra quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía nam; đoàn bao gồm quân chủng hải quân, TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và một số cơ quan thông tấn báo chí.

Giữa chiều, tàu vừa ra đến biển, tôi lập tức ấn tượng - và suốt hải trình nhiều người cũng đã quen với cách nói đặc trưng trên tàu, phát ra từ loa thông báo: "Toàn tàu chú ý, chú ý toàn tàu, chúng ta đang có mặt tại vùng biển thềm lục địa phía nam của tổ quốc...". Đoàn công tác tổ chức họp báo ngay tại câu lạc bộ chiến sĩ trên tàu, chuẩn đô đốc Lê Văn Đạo - Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân ra "lệnh hành quân": "Toàn tàu quyết tâm, quyết tâm toàn tàu" đi đúng hải trình đến với biển đảo, dẫu áp thấp nhiệt đới đã hình thành trên vùng biển Đông Việt Nam, sóng gió cấp 6, lên đến cấp 7...". Tại đây, tôi "học" bài học đầu tiên trong chuyến hải hành ngay trên biển đảo quê hương, khi hiểu ra sự nhầm lẫn của nhiều bản tin dự báo bão năm 2006 đã vô tình gọi nơi này là vùng biển Nam Hải...

Tàu HQ957 trước giờ khởi hành tại cảng Ba Son

Ngay trước lúc khởi hành, khi "lục lọi" thông tin để bổ sung vào hiểu biết - đáng tiếc, vốn quá ít ỏi của mình về biển đảo, tôi cũng đã đọc tại Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, một đoạn nguyên văn về "quần đảo Trường Sa": "Các bản đồ địa lý Việt Nam cổ ghi nhận Bãi Cát Vàng (được dùng để chỉ chung cả Hoàng Sa và Trường Sa) là lãnh thổ Việt Nam từ đầu thế kỷ 17.

Trong cuốn "Phủ biên tạp lục" của học giả Lê Quý Đôn, Hoàng Sa và Trường Sa được xác định rõ thuộc về tỉnh Quảng Ngãi. Ông miêu tả đó là nơi người ta có thể khai thác các sản phẩm biển và những đồ vật sót lại từ các vụ đắm tàu. Tài liệu ghi chép Việt Nam vào thế kỷ 17 nhắc đến các hoạt động kinh tế được tài trợ của chính phủ dưới triều nhà Lê từ 200 năm trước đó.

Chính phủ Việt Nam đã tiến hành nhiều cuộc nghiên cứu địa lý về các đảo từ thế kỷ 18"...
Ngay đêm ấy vẫn kịp diễn ra trên boong tàu buổi "dạ hội" giao lưu đầu tiên giữa đoàn công tác và các chiến sĩ hải quân tàu 957, mà chủ công là câu lạc bộ sáng tác trẻ của Nhà văn hoá Thanh niên TP.Hồ Chí Minh. Toàn tàu, và lính đảo, đều gọi họ là "các em văn công".

Khuya, sau khi kịp ngắm trăng 16 vằng vặc trên biển, cơn say sóng lần lượt vật ngã "từng em một". Suốt ngày hôm sau, sóng to gió lớn đánh tạt nước biển lên cả boong tàu. Đoàn công tác hầu hết "cố thủ" trong phòng. Tôi cùng nhiều nhà báo trong cơn say sóng vật vờ vẫn cố lên buồng lái, tranh thủ tìm hiểu thêm "chuyện biển" từ các chiến sĩ hải quân. Ngày sau nữa, kế hoạch "đổ bộ" đến thăm các nhà giàn Trạm khoa học kỹ thuật - dịch vụ Ba Kè (thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và đảo Phan Vinh buộc phải "phá sản" bởi "sóng cản mũi". Tàu vẫn neo lại gần đó.

Ống kính máy ảnh zoom đến từng khuôn mặt ngóng chờ, những đôi tay vẫy cao đón chào trên nhà giàn. Nhà giàn ngâm chân trong nước biển, cờ đỏ sao vàng lộng gió vươn trên nền trời thẫm xanh. Và lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh qua bão táp, qua các biến cố để giữ vững thế đứng ấy, diễn ra trên sóng. Hoa tươi từ đất liền mang ra kết thành vòng, thành chuỗi thả xuống biển quê hương...

Tấm tình vượt sóng

Luyện tập bảo vệ đảo

Trường Sa - huyện đảo thuộc tỉnh Khánh Hoà, cách vịnh Cam Ranh khoảng 250 hải lý về phía đông, với hơn 100 đảo, đá và bãi cạn, cấu tạo bởi san hô và vụn san hô, nằm trên một diện tích biển kéo dài từ tây sang đông khoảng 800km và từ bắc xuống nam khoảng 600km - theo Bách khoa toàn thư Việt Nam - còn có tên gọi Spradly - bởi các nhà hàng hải phương Tây khi ngang qua đây từ thế kỷ XVII đã phải gọi là "quần đảo bão tố".

Điều đó quả không ngoa. Đại tá Phạm Huy Tú - Trưởng phòng Dân vận - Quân chủng Hải quân cho biết: "Thời tiết Trường Sa rất khắc nghiệt, là nơi sinh ra các cơn bão biển Đông. Tháng tư là tháng ít gió mạnh nhất, thuận lợi nhất cho việc đi biển, nhưng riêng chuyến đi này thì quả thật là xưa nay hiếm".

Những ngày sau đó, sóng to gió lớn không làm chùn bước những người từ đất liền đặt chân lên đảo. Đảo Tốc Tan - ngôi nhà lâu bền vươn cao trên sóng bạc đầu. Nơi ấy, các chiến sĩ hải quân như chuẩn uý Dương Thành Giang 7 năm qua chắc tay súng bảo vệ biển quê hương.

Đại uý Nguyễn Văn Thịnh đã 25 năm trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió, biết bao lần đón các đoàn công tác từ đất liền ra thăm đảo, mà lần này vẫn rưng rưng: "Cảm động nhất đối với lính đảo là tình cảm của đất liền...". Đảo Trường Sa Đông - đảo nổi chỉ vừa vặn nhô lên khỏi mặt nước biển. Gần như tất cả lính đảo đều ra bến đón đoàn công tác.

Trên tàu, mặc cho sóng gió lảo đảo, ai cũng tranh nhau "một suất" vào đảo, nhưng "mệnh lệnh tình cảm" đã được đưa ra: Ưu tiên các nữ khách, nữ ca sĩ và... một số nhà báo. Tôi "tranh" được một suất cùng "thiểu số may mắn" đặt chân lên đảo, sau chuyến tàu nhỏ đầu tiên vào đảo đã phải quay lại vì sóng gió không tha, gãy cả chân vịt. Mấy cô ca sĩ vừa lên đảo là đàn hát say sưa, như chưa hề nôn thốc tháo...

Ngày hôm ấy, đoàn công tác "thừa thắng xông lên", đến cả 3 đảo. Sau đảo Đá Tây, đêm xuống cũng là lúc tàu đến với đảo Trường Sa Lớn. Một đêm duy nhất trên đảo, đã là niềm hạnh phúc đối với nhiều người trong đoàn. Lễ thăm và kiểm tra chính thức quần đảo Trường Sa diễn ra ngay "quảng trường lớn" trên đảo. Trưởng đoàn, ông Nguyễn Văn Đua - Phó Bí thư Thành uỷ TP.Hồ Chí Minh - xúc động nói: "Chúng tôi vô cùng cảm phục quân và dân huyện đảo Trường Sa đã nêu cao ý chí tự chủ, tự lực tự cường, trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió, bảo vệ và xây dựng biển đảo, thềm lục địa phía nam của tổ quốc".

Chia sẻ, hỗ trợ Trường Sa, các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đóng góp tặng quân và dân huyện đảo tổng cộng gần 1,9 tỉ đồng. Ngoài ra, Cty xe máy Hoalam Kymco và Cty CP vi mạch điện tử còn tặng 50 tivi và 14 bộ pin năng lượng mặt trời trị giá 1 tỉ đồng. Thành đoàn TNCS HCM TP.Hồ Chí Minh tặng bộ đội Trường Sa món quà đầy ý nghĩa, đó là 10 cây đàn ghita, 1.300 cuốn sách, 130 băng đĩa nhạc và 60 quả bóng đá, bóng chuyền... Thời gian còn lại đến nửa đêm là cuộc giao lưu, "hát cho nhau nghe". Tiếng hát át cả tiếng gió tiếng sóng ầm ào ở "quần đảo bão tố"...

Lại sóng. Đến lúc quay trở về, sóng vẫn cấp 6, cao 2-3 mét. Chuẩn đô đốc Lê Văn Đạo kết luận: "Sóng to "đuổi theo" tàu suốt cuộc hải hành hơn 1.000 hải lý, có thể nói là "kỷ lục" trong vô vàn chuyến công tác đến Trường Sa trong 4 năm qua. Nhiều lúc quân số đoàn công tác chỉ còn 30%, thậm chí "toàn tàu say sóng, say sóng toàn tàu", song tình cảm giữa đất liền và biển đảo cực đông tổ quốc, với quân dân huyện đảo Trường Sa vẫn vượt lên trên tất cả"!                                                    (Kỳ 2: Trường Sa trong mắt tôi)

(Theo Lao Động)

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục