Lên Sa Pa tắm thuốc

  • Cập nhật: Thứ năm, 12/4/2007 | 12:00:00 AM

Lắc lư cả đêm trên tàu rồi lại ngồi nghiêng ngả trên ô tô vượt những cung đường đèo dốc, tôi mất đúng 10 tiếng đồng hồ mới tới thị trấn du lịch Sa Pa. Người bải hoải, rệu rã và đau nhức. Thấy cái bộ dạng thiểu não của khách, Phúc - anh bạn người địa phương - tặc lưỡi, gạt phắt lời đề nghị được nghỉ ngơi của tôi. “Ngủ làm gì cho phí”, rồi anh kéo tuột tôi đi giao cho… ông chủ nhà tắm.

Tắm để hồi phục sức khỏe

Vừa đẩy cánh cửa phòng tắm, tôi đã ồ lên thích thú bởi làn hơi nước bốc lên mù mịt và đưa hương ngào ngạt. Chụm một vốc nước màu huyết dụ, sánh như mật ong từ chiếc bồn gỗ pơmu, tôi dấp lên mặt để cảm nhận sự thoải mái từ hơi nóng và mùi thơm ngai ngái; thõng chân, rồi cuối cùng là đằm toàn thân xuống bồn nước thuốc. Mồ hôi rịn trên trán, đầm đìa trên đầu; rồi từng lỗ chân lông nở dần ra để đón lấy cái hương vị ấy thẩm thấu vào từng thớ thịt. Chừng 10 phút sau, tôi cảm nhận rõ cơ thể mình dần hồi phục. Kết thúc cữ ngâm 35 phút, toàn thân tôi nhẹ nhõm, da dẻ hồng hào, đầu óc khoan khoái.

Thuốc được sấy khô và đóng gói, khách hàng có thể mua về nhà tự đun nước tắm.

Bên chén rượu màu nâu đục được chiết từ 36 loài thảo dược, ông chủ cơ sở tắm thuốc nổi tiếng nhất Sa Pa - Lê Văn Minh - hồ hởi kể chuyện: Công tác tại Đoàn nghệ thuật dân tộc nên anh thường xuyên xuống các bản làng để sưu tầm lời ca, điệu múa đặc sắc của bà con. Trong chuyến điền dã tại một bản xa ngái của người Dao đỏ nằm chon von lưng chừng núi, Minh bị cảm nặng, người choáng váng, toàn thân rã rời.

Mấy chàng trai bản dìu anh về nhà nằm nghỉ. Một lát sau, họ đỡ anh xuống bếp và bảo ngồi ngâm người vào một thùng gỗ to, trong đó chứa thứ nước nong nóng màu huyết dụ. Chừng 20 phút sau, anh dần tỉnh táo trở lại. Gặng hỏi mãi, chủ nhà mới tiết lộ rằng đã cho anh tắm thứ thuốc truyền thống đã có của bản làng từ hàng trăm năm nay, tổng hợp từ nhiều loại rễ, thân, vỏ và lá của các loài thảo dược được lấy trên những cánh rừng già xa tít tắp…

Vốn có nghề Đông y, nhà lại nằm ngay trên đường lên khu du lịch Hàm Rồng, nên ý tưởng khai thác bài thuốc tắm cổ truyền của dân tộc Dao để phục vụ khách du lịch lóe lên trong đầu Minh. Cất công đi lại cả chục lần, anh mới thuyết phục được một số gia đình tin cậy chuyển giao bản quyền bài thuốc. Tiếp đến, anh xây 9 phòng tắm (18 bồn) để kinh doanh dịch vụ này từ gần 1 năm nay. Theo truyền thống, người Dao đóng thùng tắm hình tròn, người tắm phải ngồi bó gối mà ngâm nước thảo dược. Nhưng như vậy thì người tắm phải chịu cảnh gò bó nếu ngồi ngâm lâu; thế nên, anh thiết kế bồn tắm hình chữ nhật rồi đặt hàng để đồng bào dân tộc đóng bằng gỗ pơmu, thông hoặc kháo (vốn có nhiều dầu thơm nên khi chứa nước thuốc nóng, dầu thơm tiết ra, quyện với mùi thảo dược thành mùi hương quyến rũ).

Mỗi bài thuốc tắm gồm từ 12 đến 14 vị theo bí quyết của người Dao, anh Minh thêm vào đó 3 vị thuốc gia truyền, rồi tùy theo lượng khách tắm mà bốc lượng thuốc tươi - khô hỗn hợp ấy vào xoong quân dụng, đun liên tục 3-4 giờ để lấy nước cốt. Vừa thoăn thoắt pha nước tắm cho khách, anh Minh vừa giảng giải: “Nước tắm được pha theo tỷ lệ 2%, nhiệt độ phải đạt 30 độ C - 37 độ C thì mới phát huy hết tác dụng. Người khỏe thì ngâm chừng 30-35 phút; người yếu thì chỉ nên ngâm 20-25 phút, nếu không sẽ bị say thuốc, người nôn nao, khó thở. Sau khi ngâm nước thuốc, lại được massage, bấm huyệt thì mọi mỏi mệt đều tan biến và đặc biệt là đến 3 ngày sau, mùi thơm của thuốc vẫn còn giữ được trên da”.

Hiện tại, mỗi ngày, cơ sở của anh Minh đón trung bình 30-70 khách đến tắm thuốc, giá cả cũng khá bình dân: 50.000 đồng/người/lượt. Đáp ứng nhu cầu của đông đảo du khách, anh cũng sấy khô và đóng gói thuốc để bán với giá 20.000 đồng/kg. Trung bình hàng tháng, cơ sở tiêu thụ khoảng 1,5 tạ thuốc.

Đến nhà Lý Mẩy Chạn ở bản văn hóa Sả Xéng (xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, Lào Cai), tôi gặp 4 du khách ngoại quốc vừa bước ra khỏi phòng tắm, cười hả hê, giơ ngón tay cái lên và luôn miệng “Number one”. Gặp người quen, Chạn háo hức khoe ngay: “Mình có khách đến nhà tắm từ gần 5 tháng rồi. Khách đông lắm nên mình đang vận động bà con góp tiền xây dựng khu nhà tắm cộng đồng rộng hơn 100m2 để phục vụ”. Chị và người bạn Chẻo Sử Mấy cũng đang tiến hành thương mại hóa bài thuốc tắm. Khó nhất là trong số những dược liệu chính của bài thuốc, 6 loài có nguy cơ tuyệt chủng nên họ đang tìm cách nhân giống.

Từ ngày cùng với Lý Mẩy Chạn và Lý Mán Mẩy thức thời làm du lịch Homestay mà điểm nhấn là cho du khách tắm thuốc, Phàn Mán Mẩy đã biết thay đổi thói quen sử dụng các loài thảo dược. Ấy là chị cũng đã biết phơi, sấy khô các loại thuốc để khi cần thì có sẵn mà đun nước tắm cho khách hay bán cho họ mang về, thay vì chỉ quen đun nước tắm bằng cây, cỏ tươi như phong tục. Chị khoe, hôm trước vừa cùng người em cơm đùm cơm nắm, lên rừng từ sớm tinh mơ đến tối nhọ mặt người và lấy được 3 bao thuốc, tới 50kg. Với số thuốc ấy, chị giữ lại một nửa để dùng, còn lại thì chằng lên yên xe Minsk rồi hai vợ chồng mang xuống bán cho các cơ sở dưới thị trấn Sa Pa.

Vén màn bí mật

Du khách ngâm mình trong làn nước thuốc nóng tỏa hương ngào ngạt.

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Lào Cai cho biết: “Người Dao rất giỏi nghề thuốc nên không có gì lạ khi họ có bài thuốc tắm kỳ diệu. Bà con có thói quen tắm nước nóng đun các loại thảo dược, bất kể mùa đông hay mùa hè. Những gia đình có “tứ, ngũ đại đồng đường” thì cũng vẫn chung nhau cái thùng nước tắm chứa chừng 20 lít nước ấy. Thế nên khi có chuyện bất hòa, họ thường chép miệng than: “Cùng tắm chung một thùng, sao không chung một bụng?”.

Theo nghiên cứu, bài thuốc tắm độc đáo này ít thì 10, nhiều thì phải có tới 120 loại thảo dược. Nó giúp người tắm lưu thông khí huyết, làm cho da dẻ mịn màng, hỗ trợ điều trị chứng phong thấp, đau nhức xương khớp, đau mỏi cơ, cảm hàn, cảm cúm và trị tiệt các bệnh ngoài da. Để khai thác bài thuốc tắm này như một sản phẩm du lịch độc đáo, nhiều tổ chức đã xắn tay giúp bà con dân tộc Dao.

Tiến sĩ Trần Văn Ơn, Trường Đại học Dược Hà Nội và các cộng sự sau nhiều năm nghiên cứu đã giúp bà con tìm ra công thức bào chế những loại thảo dược: Nẹ nặm, Địa chủn, Đìn gián, Quyền dòi mây, Áp chúa dâu... thành dạng cao hoặc nghiền thành bột để tiện sử dụng. Quỹ Môi trường toàn cầu thì đang triển khai dự án “Khai thác và sử dụng tri thức truyền thống trong bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần phát triển du lịch Sa Pa”, trong đó chú trọng bảo tồn nguồn gen quý của các loài thảo dược, vận động và hướng dẫn kỹ thuật để bà con phát triển cây dược liệu ngay trong vườn nhà.

Hiện nay, trên địa bàn thị trấn Sa Pa có 8 và ở xã Tả Phìn có 3 cơ sở kinh doanh dịch vụ tắm thuốc của người Dao và đều rất đắt khách. Tắm thảo dược đã trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng đất được mệnh danh là Đà Lạt của miền Bắc; hái thảo dược để bán hay tổ chức dịch vụ tắm thuốc là công việc đem lại thu nhập hấp dẫn cho bà con dân tộc Dao. Không chỉ vậy, nhờ sự nhạy bén của anh Lê Văn Minh, chủ cơ sở tắm thuốc tại tổ 5 đường Hàm Rồng, dịch vụ này đã được nhượng quyền kinh doanh cho nhiều cơ sở ở các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Vĩnh Phúc… Những loài thảo dược và bài thuốc tắm độc đáo của người Dao ở Sa Pa đã rời núi rừng thâm u mà tỏa đi muôn ngả. 

(Theo SGGP)

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục