“Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”

  • Cập nhật: Thứ sáu, 6/4/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Từng đến chót mũi Cà Mau, địa đầu Sa Vĩ - Móng Cái, cửa khẩu Thanh Thuỷ - Hà Giang và bây giờ là nơi “con sông Hồng chảy vào đất Việt”. Cảm phục biết bao nhiêu công ông cha đi mở cõi và giữ đất, mới hiểu giá từng thước đất cũng như chuyện Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo được dân thờ tại đền Thượng thành phố Lao Cai.

Tháng Ba, hoa gạo đỏ rực như lửa. Dọc bờ sông Hồng từ thành phố Lào Cai đến xã A Mú Sung của huyện Bát Xát, ngót bẩy chục cây số những hoa là hoa khiến lòng tôi cứ bồi hồi theo lời bài ca “ Hoa mộc miên” của nhạc sĩ Huy Du: “ Mộc miên hoa ơi! Mỗi khi qua cầu biên giới thấy hoa mộc miên nở lòng thấy bồi hồi..”. Mà không bồi hồi sao được khi đây chính là biên giới, đất chủ quyền của dân tộc từ hàng ngàn năm nay. Cùng ngồi trên xe, anh La Văn Tuất - phóng viên Báo Lào Cai cứ ao ước làm được bộ phim như kiểu Mê Kông ký sự của Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh về con sông Hồng. Đáng lắm chứ, dòng nước đỏ này chẳng đã tạo nên cả một nền văn minh sông Hồng có bề dày cùng với quá trình dựng nước và giữ nước đấy sao! Đi qua Bản Qua, Bản Vược, Trịnh Tường, Cốc Mỳ, A Mú Sung, sông Hồng lúc khuất lấp sau mấy dãy đồi thấp rồi lại hiện ra chạy song song cùng con đường tuần tra biên giới. Thì chính nó là biên giới tự nhiên giữa Việt Nam và nước bạn Trung Hoa mà. Mùa này nước cạn, phía thượng nguồn có chỗ dòng sông co thắt lại tưởng như lội qua được. Nhưng ai biết đâu rằng, sông Hồng cũng nhiều lần cồn lên sóng dữ. Giờ đây thì cả hai dân tộc láng giềng Việt - Hoa đang tích cực xây dựng một đường biên giới hoà bình, hữu nghị để tạo mối quan hệ thân thiện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai.

Tiếp đoàn công tác chúng tôi tại Đồn biên phòng 267 là Trung tá Hoàng Văn Luật, Phó chỉ huy trưởng chính trị. Gặp nhau tay bắt mặt mừng và càng vui hơn khi biết rằng anh là người con của vùng đất Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Tạm vi phạm quy định nội vụ để mà chạm nhau ly rượu theo phong tục truyền thống của dân tộc Tày. Anh cho biết: “Toàn đồn Biên phòng có trên năm chục cán bộ, chiến sĩ và hầu hết là người dưới xuôi lên công tác, người sớm một hai năm, người nhiều cũng có thâm niên hàng chục năm. Tuyến biên giới Đồn được giao bảo vệ có chiều dài 27 km, nhiều sông suối và núi cao nên việc tuần tra, bảo vệ vô cùng khó khăn. Thực hiện khẩu hiệu “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, bà con các dân tộc vùng biên cương là anh em ruột thịt”, cán bộ, chiến sĩ của đồn thường xuyên bám dân, xây dựng địa bàn thành tuyến phòng thủ vững chắc”. Thể theo nguyện vọng của chúng tôi, anh cho người đưa đoàn đến thăm trạm biên phòng Lũng Pô. Người dẫn đường lại là Trung úy Hảng A Chung, dân tộc Mông, quê huyện Sa Pa. Chung nói tiếng Việt sõi không kém gì người Việt, hỏi ra mới biết anh theo học trường dân tộc nội trú từ tấm bé, cho tới tận khi tốt nghiệp Học viện biên phòng và về chính quê hương công tác.

 

Các nhà báo của tỉnh Yên Bái, Lào Cai với chiến sỹ Trạm biên phòng Lũng Pô (Bát Xát).

Đã từng ở đồn biên phòng Mường Khương, Trịnh Tường và bây giờ là Đội trưởng Đội Công tác quần chúng của Đồn biên phòng 267. Kể về công việc của mình không kém phần hào hứng: “Làm dân vận là phải lấy dân làm gốc, không “bốn cùng” với họ thì không nắm được dân. Cứ nói người lính biên phòng trách nhiệm chính là giữ bình yên biên giới mà không dựa vào dân thì làm sao giữ nổi. Trách nhiệm cao nên phải học để biêt nhiều việc: kỹ thuật gieo trồng cây lương thực, trồng rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, khám chữa bệnh, công tác hoà giải khi nảy sinh mâu thuẫn trong dân, vận động xây dựng nếp sống văn hoá.. Nói không quá, lính biên phòng trở thành anh  vác tù và hàng tổng để dân gọi bất cứ lúc nào”. Và anh thuật lại chuyện lúc tham gia làm công tác dân vận ở bản Tả Suối Câu, xã Cốc Mỳ. Đây là bản người Mông ở xa trung tâm xã, vì vậy kẻ xấu âm mưu truyền đạo trái phép và tuyên truyền nhằm phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân. Suốt 5 tháng cắm bản, cùng dân xuống ruộng, lên rừng, ăn ở cùng và chỉ được phép nói chuyện làm, chuyện ăn chứ nói chuyện tuyên truyền là họ lảng.

Cứ thế, cho đến lúc được coi như người nhà mọi chuyện đơn giản khác gì cầm cày vỡ đất. Hỏi về thu nhập thì Chung cười, lính biên phòng ngoài chế độ Nhà nước chỉ còn bàn tay và khối óc cho công việc. Điều quan trọng là niềm tin của nhân dân các dân tộc trên địa bàn đối với chiến sĩ biên phòng càng được củng cố, nhân lên. Còn về tình cảm riêng, ngay quê nhà vợ con cách mấy chục ki-lô-mét có phải về thăm được thường xuyên đâu. Anh đọc cho nghe bài thơ “Thăm chồng” của một chiến sĩ sáng tác đăng trên báo tường của đơn vị. Bài thơ kể về chuyện người vợ lính biên phòng không quản đường xa đi thăm chồng vào ngày cuối năm. Thông cảm với nỗi gian khổ của chồng và càng thương cho nỗi nhà xa cách: “...Đêm nằm thương nỗi chia xa, Trở mình chạm phải tiếng gà tàn canh”. Nghe bao nhiêu bài ca, đọc bao nhiêu bài báo viết về người lính biên phòng mà bây giờ tôi mới có cảm giác như cầm nắm được sự hy sinh đến cả cái chính đáng nhất là hạnh phúc gia đình.

Xe đến Lũng Pô, trạm nằm trên đồi cao bao quát cả một vùng ngã ba biên giới. Đến đây thì sông Hồng bắt nguồn từ Vân Nam -  Trung Quốc chảy vào Việt Nam và biên giới được hoạch định bởi phân thuỷ của dòng sông cùng suối Lũng Pô. Từng đến chót mũi Cà Mau, địa đầu Sa Vĩ - Mõng Cái, cửa khẩu Thanh Thuỷ - Hà Giang và bây giờ là nơi “con sông Hồng chảy vào đất Việt”.

Cảm phục biết bao nhiêu công ông cha đi mở cõi và giữ đất, mới hiểu giá từng thước đất cũng như chuyện Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo được dân thờ tại Đền Thượng ngoài thành phố Lào Cai. Nơi này đâu cũng vách đá cheo leo, lau lách um tùm, đường tuần tra nhỏ như lối mòn của đàn trâu rẽ cây rừng tìm cỏ. Cái thế núi liền núi, sông liền sông với bao thứ quan hệ thân tộc của người dân chốn biên thùy quả cũng là một trở ngại. Nào đâu cứ phải thăm thân bằng con đường chính tắc, vượt sông suối sang đất bạn, thế là vi phạm. Lại phải tuyên truyền, vận động và làm bao thủ tục xuất nhập cảnh để khỏi ảnh hưởng đến chủ quyền an ninh biên giới. Rồi còn buôn lậu trốn thuế; trộm cắp gia súc bán qua phía bên kia; buôn bán phụ nữ và trẻ em; vận chuyển ma túy..., tất cả đều có thể xảy ra.

Đối mặt với những khó khăn chỉ có 3 anh em, chỉ huy là Thiếu tá Vũ Minh Điệp. Đưa khách thăm một vòng quanh Trạm, chủ nhà mới thong thả báo tin: “ Năm qua, cán bộ chiến sĩ Trạm đã bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia của Tổ quốc và mang lại cuộc sống bình yên cho đồng bào các dân tộc nơi đây. Đồng bào yên ổn làm ăn, cuộc sống ngày càng được nâng cao, tình đoàn kết quân dân ngày càng thắt chặt thông qua chương trình quân dân y kết hợp và vận động quần chúng”.

Nụ cười rạng rỡ nở trên khuôn mặt chưa hết những ưu tư của người cán bộ bộ đội biên phòng vừa qua tuổi bốn mươi. Đưa mắt nhìn xa xăm về phía bên kia biên giới, dòng sông Hồng dưới chân lấp loá trước nắng buổi sớm mai. Trong tôi, tự nhiên cứ bổi hổi, bồi hồi theo dòng cảm xúc của nhà thơ Dương Soái khi viết GỬI EM Ở CUỐI SÔNG HỒNG: “Anh ở biên cương, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”.

Thế Quynh

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục