Bình yên bên bờ sóng
- Cập nhật: Thứ ba, 10/4/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Lênh đênh hai giờ đồng hồ trên hồ Thác Bà nhấp nhô đảo lớn nhỏ, từ xa, Mông Sơn hiện ra giữa bốn bề sóng nước. Từ trên boong tàu, nhìn vào bờ, nhịp đời sôi động hiện diện trước mắt: những tốp công nhân hối hả bốc đá lên xà lan, lên xe tải; tầu vận tải đá, thuyền đánh cá, tôm... của ngư dân tấp nập.
Công an xã tuần tra khu vực hồ Thác Bà, không để xảy ra mất ANTT
|
Xa xa, bến cảng của Nhà máy xi măng Yên Bình đã định hình với những khối bê tông sừng sững vươn lên trong nắng, đổ bóng dài xuống nền nước hồ xanh thẳm...
Cách trung tâm huyện Yên Bình trên 30 kilômét về phía Bắc, muốn đến xã Mông Sơn có thể đi bằng hai đường: thủy và bộ. Đường thủy đi ca nô trên hồ Thác Bà, đường bộ theo quốc lộ 70. Với diện tích tự nhiên khoảng 4.500 ha, bên hồ Thác, Mông Sơn đẹp như bức tranh sơn thủy, bên là núi đá, bên kia mênh mông sóng nước, chen vào giữa là những cánh đồng lúa mà họa sỹ chỉ dùng độc một mầu xanh. Với 1.864 ha đất nông nghiệp trong đó đất để cấy hai vụ lúa nước vẻn vẹn 74,57 ha-diện tích nhỏ nhoi này nếu chia đều cho trên 3.900 nhân khẩu thì người Mông Sơn ăn chưa đủ chứ không dám nghĩ đến chuyện làm giàu.
Nhưng, thiên nhiên lại ưu ái ban tặng cho nơi đây nguồn tài nguyên có giá trị: đá vôi trắng. "Nếu không có đá trắng thì dân Mông Sơn thật sự khó khăn. Có đến 2.900 lao động của xã chuyển từ lao động nông nghiệp sang làm công nhân khai thác đá, nhiều hộ dân từ đó cũng thoát nghèo, do vậy số hộ nghèo trong xã chỉ chiếm 12% " - Bí thư Đảng ủy xã Lương Hồng Vỹ cho biết. "Kinh tế phát triển nhưng đây cũng là yếu tố ảnh hưởng đến vấn đề an ninh trật tự trên địa bàn!" - Trưởng ban công an xã Nguyễn Hữu Hà tiếp lời.
Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn có núi, có hồ lại tiếp giáp với nhiều địa phương khác, với trên 60% dân số là đồng bào theo đạo Thiên chúa, địa bàn luôn tập trung hàng ngàn lao động ở các địa phương khác tới làm ăn thì quả là một điều không đơn giản. Vì, bên cạnh sự phát triển thì những tệ nạn xã hội như: ma túy, mại dâm, cờ bạc… từ đó cũng xâm nhập. Trao đổi với chúng tôi, Trưởng ban Công an xã Nguyễn Hữu Hà chưa đi sâu vào những công việc cụ thể như: củng cố đội ngũ, quản lý đối tượng, xây dựng các tổ hòa giải tại cơ sở... mà anh đề nghị chúng tôi cùng xuống cơ sở.
Trong tiếng ầm vang của động cơ khai thác đá - Giám đốc mỏ của Hợp tác xã (HTX) khai thác đá Mông Sơn Nguyễn Quốc Cường cho biết: "Mỏ khai thác của HTX chúng tôi thường xuyên tập trung nhiều loại phương tiện và nhiều công nhân. Đây chính là những yếu tố dễ gây nên tình trạng mất trật tự trị an. Nhưng được sự giúp đỡ của Ban công an xã thường xuyên phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, quản lý... mà an ninh trật tự khu khai thác của HTX luôn đảm bảo. Đây chính là yếu tố quan trọng để chúng tôi đã hoạt động có hiệu quả".
Rời bãi khai thác đá của HTX Mông Sơn, chúng tôi đến thăm khu xây dựng dây chuyền vận tải Cảng bến xuất của Nhà máy xi măng Yên Bình. Từ điểm khai thác thuộc địa phận thôn Làng Mới, một băng tải cao hơn so với mặt đất hàng chục mét đưa đá trong mỏ ra tận ngoài hồ để xà lan vào bốc đá được dễ dàng. Giữa bộn bề sắt, thép, ván cốt pha... kỹ sư Mai Văn Đoàn - ở đơn vị đang thi công Cảng bến xuất dừng công việc tiếp chuyện khách. Anh tâm sự: "Làm cán bộ kỹ thuật, thường xuyên phải bám theo các công trình. Với đặc thù phải thi công ngoài trời, nên việc bảo vệ, giữ gìn vật liệu thi công là rất quan trọng. Đến xây dựng công trình tại đây, chúng tôi thực sự yên tâm về tình hình an ninh trật tự. Ngay như cách đây mấy tháng, đơn vị tôi bị mất một số vật liệu xây dựng, nhưng chỉ sau vài ngày, Ban công an xã đã làm rõ vụ việc, đơn vị đã nhận lại được số vật liệu bị mất, do vậy đã đảm bảo tiến độ thi công".
Ban Công an xã Mông Sơn thường xuyên xuống cơ sở nắm tình hình. |
Tìm hiểu tình hình địa phương được biết, khó khăn trong việc giữ gìn trật tự ở Mông Sơn không chỉ dừng lại ở mặt trái của sự phát triển vì nơi đây còn là nơi tập trung đối tượng cai nghiện. Nhiều đối tượng cai nghiện hay bỏ trốn, do vậy, nhiều vụ việc lực lượng công an xã phối hợp với cán bộ Trung tâm cai nghiện đuổi bắt chẳng khác gì trên phim hình sự.
Lương Đình Tiến, công an viên thôn Làng Mới nhớ lại vụ việc 6 đối tượng cai nghiện trốn khỏi trại năm 2003. Lợi dụng đang lao động ngoài bãi đá, 6 đối tượng đã bỏ trốn, 2 chạy lên núi, 4 đối tượng còn lại cướp thuyền đánh cá của dân chạy ra hồ. Nhận được tin báo, lực lượng công an xã nhanh chóng có mặt triển khai phương án truy bắt. Một nhóm trên bộ, một nhóm dùng cole truy đuổi trên hồ. Bị đuổi rát, các đối tượng bỏ thuyền chạy lên đảo, trốn vào rừng cây. Sau vài giờ lùng sục, biết không thoát khỏi sự truy đuổi quyết liệt của lực lượng công an, các đối tượng phải ngoan ngoãn quay trở về Trung tâm.
Về sự phối hợp hiệu quả giữa Ban công an xã và đơn vị, anh Lê Tiến Dũng cán bộ quản lý giáo dục khu C - Trung tâm cai nghiện của tỉnh cho biết: "Để quản lý tốt 200 đối tượng cai nghiện, Trung tâm đã thường xuyên phối hợp với Ban công an xã để giải quyết những vụ việc xảy ra và nhận sự hợp tác rất nhiệt tình. Do vậy, an ninh trật tự tại Trung tâm luôn ổn định, đối tượng bỏ trốn ngày một giảm".
Để có cuộc sống bình yên, phát triển như hôm nay, Mông Sơn cũng đã trải qua bao khó khăn. Bài học về vụ việc "Cây thánh giá" dăm năm trước như vẫn còn hiện rõ trong tâm trí của đại bộ phận người dân và những người có trách nhiệm của địa phương. Từ việc rất nhỏ nhưng không được giải quyết tại cơ sở, vụ việc cứ lớn dần và bùng lên, đến nỗi làm hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền cơ sở hầu như bị tê liệt. Nếu tỉnh và huyện không xắn tay vào giải quyết tình hình hôm nay không biết sẽ ra sao!
Nói như vậy để thấy sự vươn lên của Mông Sơn hôm nay. Rút kinh nghiệm từ đó, bài học "Lấy dân làm gốc" được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm đặc biệt trong phong trào "Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc". Để nội dung phong trào đạt hiệu quả cao, Ban chỉ đạo với nòng cốt là Ban công an xã đã căn cứ vào thực tế khảo sát tình hình an ninh trật tự trên địa bàn để tập trung chỉ đạo và lấy mô hình thôn bản tổ chức tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tập trung học tập. Với phương châm: "Khó khăn việc gì thì tập trung giải quyết dứt điểm việc đó", sau một thời gian triển khai, tất cả các thôn và trường học trong xã đã được tham gia học tập.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đoàn kết lương giáo được tăng cường, tinh thần cảnh giác của của dân được nâng lên. Khi quần chúng là "tai, mắt" thì những phát sinh tại cơ sở được nhanh chóng nắm bắt và xử lý. Chỉ trong thời gian ngắn, nhân dân đã cung cấp cho Ban công an xã 16 nguồn tin, trong đó có 9 nguồn tin có giá trị. Qua nguồn tin của quần chúng mà Ban công an xã đã xác minh 23 đối tượng liên quan, thu giữ trả lại cho người mất 1 ti vi, 2 xe máy, 2 thuyền rọ... với tổng giá trị tài sản 20.000.000 đồng; thu hồi 11 súng kíp tự chế, trên 10 triệu đồng nợ tồn đọng thuế vào ngân sách Nhà nước.
Trong các vụ việc mà Ban công an xã xử lý phải kể đến vụ trộm cắp xe máy của chị Đỗ Thị Hạ đêm 18/7/2006. Ngay sau khi nhận được tin báo, với sự giúp đỡ của quần chúng, Ban công an đã điều tra xác minh đối tượng lấy cắp là Đặng Văn Ba người xã Yên Thành cùng huyện, kịp thời trao trả tài sản cho công dân. Hay vụ trộm cắp xe máy đêm 6/8/2006 tại khu tập thể phân xưởng khai thác đá thuộc Công ty Cổ phần xi măng Yên Bái, Ban công an xã đã cùng với công an các xã lân cận và Công an huyện Yên Bình điều tra làm rõ đối tượng là Nguyễn Văn Hùng công dân xã Bảo Ái...
Chia tay Mông Sơn, chúng tôi ra thăm khu vực mỏ, trên bờ đá trắng đến nhức mắt, mặt hồ Thác xanh đến nao lòng. Những cơn gió từ lòng hồ và phương tiện đi lại tạo nên nhưng đợt sóng vỗ dập dìu vào bờ. Nghe người kể hiền hòa như vậy thôi nhưng những hôm có bão lốc thì phải biết, sóng hồ Thác cũng hung dữ đến bất ngờ, có thể gây tai nạn cho thuyền bè. Bên bờ sóng Mông Sơn hôm nay đã vững vàng. Có lẽ đây chính là điều kiện thuận lợi để nhân dân yên ổn làm ăn, để bộ mặt của địa phương thay da đổi thịt từng ngày, từng giờ với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 12%, số hộ đói nghèo giảm còn 12%, thu nhập bình quân đầu người đạt 4,5 triệu đồng... Một Mông Sơn với thế ổn định và phát triển, trở thành điểm sáng chắc sẽ là tương lai không xa.
Nguyễn Đình
Các tin khác
YBĐT - Từng đến chót mũi Cà Mau, địa đầu Sa Vĩ - Móng Cái, cửa khẩu Thanh Thuỷ - Hà Giang và bây giờ là nơi “con sông Hồng chảy vào đất Việt”. Cảm phục biết bao nhiêu công ông cha đi mở cõi và giữ đất, mới hiểu giá từng thước đất cũng như chuyện Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo được dân thờ tại đền Thượng thành phố Lao Cai.
YBĐT - …Ngột thở. Chiếc khẩu trang dày cộp chẳng giúp gì tôi ngăn những cơn ho sặc sụa trong cái oi nồng, sánh đặc của bãi rác. Những người đàn bà đang thoăn thoắt bới tìm trên "núi" rác ấy thì lắc đầu nhìn tôi ái ngại. Nhưng đấy lại là cái chốn mưu sinh của gần chục con người, hầu hết họ là phụ nữ…
YBĐT - HIV/AIDS - căn bệnh xã hội với tốc độ lây nhiễm chóng mặt đã đem bất hạnh cho nhiều người và toàn xã hội. Vượt qua những nỗi đau, mặc cảm ban đầu, những người có HIV và nhiễm AIDS mà chúng tôi đã gặp đều mong muốn được tham gia vào các nhóm đồng đẳng để cùng sống tốt hơn, sống có ích hơn và có sự đồng cảm, sẻ chia của toàn xã hội…
YBĐT - Với đồng lương hợp đồng 80.000 đồng một tháng, suốt hai năm liền cô chỉ biết lặng lẽ chia đều cho mỗi ngày và chắt chiu cất đi 20.000 đồng, phòng khi thuốc men cho trò, cho cô giữa miền sơn cước này...