Trường Sa ký sự (Kỳ 2: Trường Sa trong mắt tôi)

  • Cập nhật: Thứ ba, 17/4/2007 | 12:00:00 AM

Tôi may mắn ở cùng một phòng trên tàu và nhờ vậy được tiếp xúc với "hồi ký miệng" về biển của thượng uý hải quân Trường Sa - Đồng Minh Sĩ và nhà báo Phan Tô Hoài của chuyên mục Biển đảo Việt Nam - Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh.

Kỳ 1: Nhật ký hải trình

Tôi cũng ghi nhớ ngay lập tức lời phát biểu của Chuẩn Đô đốc Lê Văn Đạo khi vừa khởi hành: Biên giới tổ quốc trên đất liền rất dễ nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng biên cương trên biển thì phải nhìn bằng cả tâm hồn, lòng yêu nước. Và tôi - một gã nhà quê ven biển miền Trung - khi ra tít tận khơi xa, mới hay mình yêu biển quê hương nhiều đến nhường nào!

Sự lãng mạn biển đảo

Dẫu lắm sóng nhiều gió, nhưng với hầu hết những người trong đoàn công tác vốn lần đầu đến với Trường Sa, biển đảo cực đông tổ quốc vẫn lắm vẻ quyến rũ. Nhiều người cố nén cơn say sóng, vẫn mỗi ban mai và đêm đêm lên boong tàu, để nhìn thấy vầng trăng mùa rằm mọc lên từ biển dát vàng sóng nước và vầng thái dương cũng nhô lên ngay trên biển chia làm hai màu xanh mặt biển bởi nơi lấp lánh ánh san hô phản chiếu xanh lục nhạt khác với vùng xanh thẳm tận đáy đại dương.

Rất nhiều người lặng mình trước doi cát vàng tuyệt đẹp, vẽ nên trước đảo Trường Sa Đông một nét cong vút thon thả mường tượng như eo lưng thiếu nữ xinh xắn. Đại Hoàng Sa, Bãi Cát Vàng - những cái tên trong thư tịch cổ Việt Nam, gọi chung Trường Sa và Hoàng Sa xuất phát từ cái nhìn phát hiện của cha ông thuở trước về vẻ đẹp này đây.

Và giữa vẻ kỳ vĩ của thiên nhiên đại dương, những ngôi nhà giàn, nhà lâu bền sừng sững đứng canh là kỳ quan nhiều ấn tượng nhất, gợi khí phách hiên ngang và hào hùng đầy ngưỡng mộ trong lòng tôi, trong lòng những người trẻ tuổi đến với biển đảo.

Đảo Tốc Tan vững chãi giữa biển.

Chuyến hải hành sóng gió khiến tôi không thể trải nghiệm hết những thú vị "nhiều như... biển" qua câu chuyện đường dài của thượng uý Đồng Minh Sĩ, nhà báo Phan Tô Hoài cũng như nhiều chiến sĩ hải quân. Những lúc tàu neo lại giữa biển, đoàn công tác tổ chức câu cá. Dây nhợ và mồi câu trên tàu luôn luôn sẵn.

Nhà báo Phan Tô Hoài là một tay câu "rất chuyên nghiệp", với bộ cần câu không bị quên mang theo giữa đống đồ nghề vốn lỉnh kỉnh của dân báo hình. Anh cũng mang theo cả đồ lặn, và trong khoảng thời gian ngắn ngủi hiếm hoi gần đảo Đá Tây, cuộc thám hiểm chớp nhoáng nhưng độc nhất vô nhị này đã làm "lé mắt" cả đoàn.

Chỉ tiếc, các tay câu lão luyện nhất trên tàu đều chỉ biết tiếc rẻ mãi về những con cá to - vốn chẳng xuất hiện chứ chưa nói đến chuyện sổng mất. Tôi cũng tiếc mình không được chứng kiến cảnh cá heo từng đàn chạy theo tàu. Nhưng dẫu sao, cảnh tượng những chú cá chuồn bay vèo vèo trên sóng cũng khiến đôi mắt nhiều vị khách vui cười.

Khi lên đảo Trường Sa Đông, vô tình, tôi vừa hỏi chuyện chiến sĩ đầu tiên trên đảo đã "vớ" ngay một đồng hương "Quảng Nôm" - trung uý Huỳnh Quốc Trưởng, quê Tam Thái, TP.Tam Kỳ. Trưởng chỉ kịp vừa đi vừa trò chuyện, tạm dừng lại dưới bóng cây xanh để tôi nháy vài kiểu hình gửi về nhà và tự "chú thích" luôn là "làm nhiệm vụ trên đảo", rồi nói "anh thông cảm, em làm công tác Đoàn" thế rồi vội đến ngay với cuộc giao lưu văn nghệ.

Các em văn công vừa đặt chân đến đảo, chưa kịp tỉnh sóng trên bờ đã lập tức say sưa lao vào cuộc hát đàn, phục vụ mấy anh lính đảo, và nhận về mình quà tặng là "hoa của đảo" - những vỏ sò vỏ ốc đủ màu sắc - món quà mà sau đó tôi được mấy cô nhà báo đem ra khoe.

Tôi cũng kịp nhìn thấy những anh lính đảo "thiếu nhạy bén" vội "sửa sai" bằng cách nhảy ngay xuống vạt hoa muống biển để "lấy quà tặng". Tôi yêu biết bao những chàng binh nhất bình nhì vô tư mà tôi được ngủ cùng phòng ở đảo Trường Sa Lớn, như Phạm Thanh Nông, Mạc Trung Hiếu, Trần Văn Cường, Lê Quốc Đạt... Tôi yêu họ ở cái vẻ bẽn lẽn trước những cô nàng ca sĩ TP.Hồ Chí Minh vốn "hiểu thấu" khát khao tình cảm của lính đảo nên vừa biểu diễn vừa chủ động "triệt tiêu khoảng cách" giữa nghệ sĩ và người nghe...

Võ Thị Dương Liễu, cô Bí thư Đoàn TNCS HCM của Cục Hải quan TPHCM lúc vừa rời đi cứ chong mắt đỏ hoe vẫy tay về phía đảo Trường Sa Lớn, nhưng cô cũng khoe ra cuốn sổ kịp đầy những dòng nhắn gửi thắm thiết của những chàng lính đảo hiên ngang, mà tôi liếc sơ qua trong ấy cũng "thống kê" được ngay những cụm từ được dùng nhiều nhất là "biển đảo" và "đất liền"...

Tôi dùng từ "đất nước"!

Thượng uý Đồng Minh Sĩ tâm sự: Đã rất nhiều lần ra đảo, nhưng mỗi lần đi đều thấy mới lạ, thấy đẹp, thấy thêm yêu biển đảo Trường Sa. Trước chuyến hải trình, tôi cũng may mắn được đọc và đặc biệt là được nghe hồi ức và kiến văn của một nhà văn - nhà báo bậc thầy, về cụm từ "đất nước". Việt Nam không chỉ là sông với núi - "sơn hà", mà rộng hơn, là đất nước - đất liền, sông suối và biển đảo.

Từ biển xa xa nhìn vào đảo Trường Sa Lớn như "một chấm xanh" - màu xanh mát dịu hoà nhã từ cây cối, ngạc nhiên thay, lại nổi bật hẳn lên trên nền xanh thẫm của nước biển. Một đêm trên đảo, nghe tâm sự "lãng mạn thượng thừa" về những em gái miền quê của những anh lính binh nhất binh nhì giữa tiếng sóng ầm ào tạt vào bờ đảo. Sáng ra, lại hứng lấy những gàu nước mát lạnh chảy ra từ mạch ngầm lòng đất giữa biển, tôi càng thấm thía về cụm từ "đất nước".

Càng cảm phục thế hệ cha ông ngày trước đã có cái nhìn chiến lược hướng biển rõ rệt, về vùng biển đã và vẫn đang là một trong hai tuyến đường vận tải biển lớn nhất thế giới này. Phủ biên tạp lục của học giả Lê Quý Đôn viết năm 1776 kể rất rõ về đội Hoàng Sa và đội Trường Sa thường xuyên ra đây để khai thác hoá vật của tàu đắm và hải sản, và bao thế hệ người Việt đến bây giờ đang hiện hữu, làm những "đảo chủ" thực sự của nơi này.

Huyện đảo Trường Sa bây giờ không còn cảnh khó khăn như hồi ức của những người từng đến đây khoảng mươi năm về trước. Từ năm 1998 đến nay thôi, cũng đã khác. Chủ tịch HĐND huyện đảo Trường Sa - ông Biện Xuân Khương - "tóm lược": "Nhiều đảo đã phủ xanh bóng mát các loại cây trồng. Rau đậu ngày càng nhiều, nhờ áp dụng các biện pháp chăm bón hiệu quả, đáp ứng tương đối nhu cầu tại chỗ.

Heo, bò được chăn nuôi trên một số đảo. Nước ngọt không còn thiếu. Nhiều dự án kinh tế - xã hội đầy triển vọng cũng đã và đang được nghiên cứu, triển khai. Đặc biệt, sự hỗ trợ từ đất liền ngày càng có chiến lược, phát huy hiệu quả thực sự trong quá trình đưa đời sống huyện đảo đi lên".

Tôi không chỉ một lần có cảm giác khó tả khi nhìn lá cờ tổ quốc phấp phới bay ở nóc cao nhất những nhà giàn, in dấu trên nền màu xanh trong bầu trời và vươn lên cao giữa bao la màu xanh sẫm đại dương, và lạ thay, mỗi khi như vậy tôi lại thấy bồi hồi, nhớ nhà cồn cào. Bài phát biểu của ông Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thành uỷ TPHCM - không chỉ một lần chân thành bày tỏ trước các chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa, rằng chúng tôi - những người đang ở đất liền phải cảm ơn biết mấy những người đang canh giữ và xây dựng biển đảo quê hương.

"Biển không chỉ là lá chắn giúp đất liền có thành tựu, mà biển còn cung cấp, hỗ trợ rất nhiều cho đất liền, và là hướng mở, là lối ra rộng lớn của đất liền. Việc tiến ra biển, khai thác và làm chủ vùng biển của tổ quốc ngày càng có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Phải làm cho biển thật sự bình yên, cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội biển đảo mang lại hiệu quả to lớn, để một thời gian không xa Việt Nam trở thành một quốc gia "mạnh lên từ biển, giàu lên từ biển" như mục tiêu Nghị quyết Trung ương 4 về chiến lược biển mà Đảng đã vạch ra"...

...Trường Sa, trong mắt tôi, chính là đất nước. Chắc chắn từ đây về sau, tôi sẽ dùng cụm từ "đất nước", thay vì "sông núi", để tả tổ quốc mình.

(Theo Lao Động)

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục