Tan tác một đàn voi - Kỳ 3: Những vụ án giết voi

  • Cập nhật: Thứ sáu, 11/5/2007 | 12:00:00 AM

Qua một thời bom đạn chiến tranh đe dọa rồi bị săn giết ráo riết, đàn voi Tiên Phước, Trà My (Quảng Nam) được xếp vào danh mục động vật rừng quí hiếm được bảo vệ nghiêm ngặt, những tưởng đàn voi còn lại ít ỏi sẽ được yên thân để dần hồi phục bầy đàn. Nhưng nỗi kinh hoàng và đau xót của những con voi còm cõi còn lại càng tăng lên gấp bội khi nhìn bạn bầy mình gục xuống trước những phát đạn giòn đanh.

Kỳ 1: Voi về làng
Kỳ 2:
Tan hoang rừng voi

Những bộ xương rời rã

Từ hàng trăm con trước đây, đến năm 1987, khi đàn voi bắt đầu “chào thăm” người dân vùng Lãnh - Ngọc - Hiệp cũng như ở các làng sơn cước khác của Trà My, nói theo lời ông Võ Hồng Phong, 70 tuổi, ở làng Nà Thao, xã Tiên Hiệp: “Không biết nó có đi riêng, tách lẻ con nào không, chứ tôi với nhiều người ở đây đều thấy chỉ còn 11 con thôi!”.

Khi đàn voi còn ở sâu trong rừng, chưa về đến gần làng, nhiều người ở Nà Thao đã “kiểm kê” được số lượng của đàn voi này với con số lớn hơn. “Vào năm 1981, tôi và anh em trong xóm đi bứt mây đã trèo lên cây đếm vào lúc xế chiều, thấy rõ ràng đàn voi còn 14 con ở chân núi Dương Nứa”, anh Võ Văn Nhựt ở làng Nà Thao đoan chắc. Vậy là tang tóc tiếp tục giáng xuống những con voi cuối cùng của một cõi đại ngàn Trường Sơn xứ Quảng này.

Vụ án giết voi đầu tiên được ngành kiểm lâm Tiên Phước ghi nhận, sau đó khởi tố là vụ một con voi đực bị giết để lấy ngà ở rừng Tiên Lãnh vào năm 1988. Nhưng đó chỉ là việc làm mang tính thủ tục, vì chỉ với bộ xương đã ngả màu phát hiện giữa rừng sâu thì biết ai để truy tố, trừng trị? Trong nỗi hoảng sợ trước sự gục ngã của bạn bầy, trước giang sơn hùng vĩ bao đời bắt đầu bị tàn phá của mình, năm 1993 đàn voi này lại mất thêm một bạn bầy nữa. Cũng chỉ là bộ xương để lại cho bản “khai tử” và hồ sơ vụ án đơn điệu của ngành chức năng Tiên Phước. Và tiếp đến, năm 1995, lực lượng săn thú lại tước đoạt thêm một mạng sống của đàn voi, hồ sơ vụ án voi Tiên Phước lại dày thêm lên với một bản “khai tử” khác.

“Thấy bầy voi còn có mấy con mà cứ bị bắn lần bắn hồi, dân mình không biết làm gì giúp bảo vệ chúng được”, ông Phan Bá Ngọc ở xã Trà Dương bày tỏ. Đó là khi thông tin về cái chết của một con voi đực khá lớn bị nhóm săn thú bắn hạ ở rừng gần làng Cao Sơn của Bắc Trà My vào năm 1998 được ghi nhận. Cũng chỉ là một bộ xương để lại cho những người ở Cao Sơn bứt mây làm chứng về sự suy mòn thêm nữa của bầy voi. Nhưng vẫn chưa dừng lại...

Chỉ hai tháng sau, Hạt kiểm lâm Tiên Phước lại nhận được thêm một thông tin buồn cho đàn voi: thêm hai voi đực bị săn giết ở lâm phận Tiên Phước, cách chỗ con voi vừa bị bắn ở rừng Bắc Trà My trước đó không xa. Hai bộ xương nằm cách nhau chừng 7m, với hai hộp sọ bị cưa, một có bề ngang dài 60cm, một 57cm, cả hai cùng có dấu đạn xuyên qua. Lần này, lực lượng săn thú đã cưa lấy toàn bộ xương ống chân của cả hai con voi bị bắn mang đi. Vụ việc phát hiện khi thịt da voi đã hoàn toàn bị tiêu hủy, vụ án cũng chỉ dừng lại với hồ sơ  được xếp ở văn phòng ngành chức năng địa phương.

Bên cạnh việc lập hồ sơ “khai tử” cho con voi đã mất khi phát hiện những bộ xương voi bị lực lượng săn thú quí bắn giết bỏ lại giữa rừng, có lẽ có không ít hài cốt voi bị lực lượng săn thú bỏ lại ở rừng chưa được ghi nhận, còn một số voi bị săn giết lọt sổ của ngành chức năng địa phương. Già làng Cadong Trần Xuân Dê - cựu trưởng thôn Cao Sơn (thị trấn Trà My) - cho biết năm 1989 ông trông thấy một bộ xương voi, đầu đã bị đục lấy ngà. Đến năm 1995, cũng tại rừng Cao Sơn, ông lại thấy một bộ xương voi còn đang bốc mùi vì da thịt chưa phân hủy hết, chỗ xương đầu phía trước trống hoác vì đã bị đục lấy ngà..

Trong tận cùng đau đớn

Sau dăm ba năm đàn voi có vẻ được yên ắng, nhiều người tưởng lực lượng săn voi đã nương tay cho mấy con voi còn lại khỏi tuyệt đàn. Vậy mà... Đầu năm 2004, từ vài người bứt mây ở Trà Dương (Bắc Trà My) đưa tin, ngành kiểm lâm Tiên Phước mới hay là con voi đực duy nhất còn lại của đàn đã bị một nhóm săn thú bắn chết vào cuối mùa mưa năm 2003.

Thịt da đã bị tiêu hủy, đầu con vật bị cưa lìa để đục khoét lấy ngà trơ lại dấu đạn xuyên qua. Đây là con voi đực lớn, không tính phần đầu, chỉ đo qua bộ xương nằm trên mặt đất phần thân của nó cũng dài đến khoảng 3,3m, còn xương chân trước dài khoảng 1,5m, chân sau dài 1,6m. “Nơi con voi ngã xuống không có cây cối gãy đổ, có lẽ nó gắng gượng lê đến đây rồi gục xuống chết”, anh Hồ Văn Phước ở Trà Dương - người phát hiện bộ xương voi này - nói. Anh Phước cũng cho biết nhóm săn voi đã lấy trọn chiếc đuôi voi với chỏm lông dài trên đó, không còn đến một chiếc lông đuôi rơi rớt. Điều này cũng xảy ra ở những con voi bị bắn chết lâu nay. Nhiều người ở vùng voi cho hay không ai tìm thấy một chiếc lông đuôi bên bộ xương voi bỏ lại giữa rừng.

Mất đi con voi đực đầu đàn, đàn voi còn lại trơ trọi hơn. Vậy mà tang tóc vẫn chưa dừng lại với chúng. Một cái chết thật thảm thương lại đến với con voi con cuối cùng của đàn. Đó là con voi con đi lạc xuống thị trấn Bắc Trà My vào tháng 10-2005. “Nghe nói loài voi có đi lạc rồi cũng tìm được bầy đàn. Bởi vậy khi thấy con voi đi lạc xuống thị trấn Bắc Trà My trở lại được rừng, ai cũng tin rồi nó sẽ sớm tìm gặp lại đàn. Vậy mà không ngờ”, anh Phan Trung Sỏi - nhân viên Hạt kiểm lâm Bắc Trà My - kể.

Điều đó cũng không ai ngờ, con voi lạc bầy đã vượt sông Trường ở phía trên thị trấn Bắc Trà My rồi đến rừng Trà Tân - một vùng rừng cách trở, không thuộc địa bàn của đàn voi này suốt bao đời nay. Nhưng chưa đến được rừng, con voi chưa hết hoảng hốt này đã lụy bước rồi gục chết bên đường vì đói và kiệt sức. Mọi cứu chữa đã muộn màng, nhân viên kiểm lâm huyện Bắc Trà My chỉ kịp đến để đốt thanh trùng rồi chôn xác con vật.

(Theo TTO)

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục