Người đàn bà liều và mười năm “sờ gáy thần chết”

  • Cập nhật: Thứ tư, 13/6/2007 | 12:00:00 AM

Người ta gọi chị là “vua liều” bởi bao năm nay, chị là người phụ nữ hiếm hoi ở đất Tân Minh (Gio Thành, Gio Linh, Quảng Trị) gắn đời mình với việc rà phế liệu, dù chính những thứ “phế liệu” nguy hiểm ấy đã cướp đi người chồng của chị.

 

Chị là Nguyễn Thị Tam, 44 tuổi, góa chồng mười năm nay, một nách nuôi 4 con ăn học. Chị gầy quắt queo, đen nhẻm, rắn rỏi và liều lĩnh. Càng nói chuyện với chị, càng thấy sự liều lĩnh trong con người này thật đáng nể.

 

Câu chuyện của mười năm trước

 

Nhớ lại tai hoạ của 10 năm trước, chị nghẹn ngào: “Hôm ấy tui vừa mới sinh thằng cu Tây (con thứ 4) được tròn 10 ngày, hãy còn đang nằm ôm con trên giường. Lúc đó khoảng 3 giờ chiều, một tiếng nổ rất lớn phát ra ngay cạnh nhà, chạy ra đến nơi thì trời đất như sụp xuống. Chính chỗ đó chồng tôi vừa ngồi tháo đạn, giờ chỉ còn là một cái hố sâu hoắm, xác chồng tôi không còn nguyên vẹn...”.

 

Nói đến đây giọng chị như nghẹn lại, nước mắt lăn dài trên gò má đen xạm: “Số tôi khổ từ tấm bé, cái nghèo đeo đẳng, bốn đứa con lần lượt ra đời mà lần hồi mãi chẳng đủ ăn”. Vùng đất quê chị nghèo xác xơ, nhưng lại “giàu” bom đạn, tàn dư từ thời chiến tranh. Thế là anh chị quyết tâm “bám gáy tử thần” để kiếm sống. Chẳng ngờ chồng chị vì thế mà bỏ mẹ con chị đi sớm.

 

Ngồi trong căn nhà trống tuềnh trống toàng, chị khoe “nhờ ơn trời” nên cách đây 2 năm được một tổ chức phi chính phủ tài trợ cho gần 4 triệu đồng mới xây được cái nhà này, đang xây dở thì hết tiền, mới được phần thô. Trong nhà, ngoài cái giường và một chiếc tủ quần áo bằng tôn, không còn gì đáng giá. Hai cậu con trai phải kê phản ngủ ngoài sân phần vì nhà chật, phần vì nóng quá chúng không chịu nổi. Giữa cái nắng tháng 5 như đổ lửa ở Quảng Trị mà nhà chị không có lấy một cái quạt.

 

Mới 34 tuổi đã góa chồng, không nghề nghiệp, không tài sản, chị thở dài: “Thôi thì cứ gọi bốn đứa con là gia tài chứ miềng (mình) thấy tội cho tụi nhỏ quá; nhiều lúc cũng chẳng hiểu chúng là gia tài của miềng hay chính miềng là “con nợ” của cuộc đời chúng. Nhiều lúc cứ nghĩ cho phắt chúng cho ai nuôi thì nuôi, để chúng được sung sướng. Càng nhìn bốn đứa con càng quẫn chí, nhiều lúc muốn làm liều nhưng nghĩ lại chẳng đành”.

Không còn đường thoát, chị quyết định theo nghề chồng - đi rà sắt vụn. “Cực chẳng đã miềng mới phải đi làm cái nghề này chứ chết mất xác lúc mô nỏ biết”. 

 

“Chết đói hay chết bom mìn có khác gì nhau?”

 

Chị bắt đầu “vào nghề” khi đứa con tròn 3 tháng tuổi. Chị gửi con khắp nơi, gặp được ai gửi người nấy. Có hôm bí quá, gặp ông chăn vịt đầu làng, phải nói dối là chỉ gửi con một lúc, rồi đi biệt đến tối mịt luôn. Lão chăn vịt chạy dáo hỏi khắp làng, chỉ sợ chị khổ quá mà bỏ con đi mất.

 

Hồi đó, trên vùng đất cát Quảng Trị này nhiều mảnh bom, xác pháo lắm, chỉ cần cầm cái quốc khơi khơi mấy nhát là thấy ngay. Và cái chết cũng đến dễ dàng theo từng nhát cuốc, đào trúng kíp nổ là coi như mất xác.

 

“Người chết cũng đã chết rồi, người sống cần phải sống. Mà sống chết cũng có số, chết đói hay chết bom mìn có khác gì nhau?”, chị Tam trầm giọng, như giải thích cho quyết định liều lĩnh của mình.

 

Chị nhớ như in ngày đầu tiên đi làm, chị bán sắt vụn được 30.000 đồng; lâu lắm rồi chị mới được cầm nhiều tiền đến thế; số tiền đó đánh tan trong chị mọi hoang mang, lo lắng: “Nửa đời trồng lúa, chưa khi nào miềng được cầm đồng “tiền tươi” - chị vừa nói vừa gượng gạo cười.

 

Vì nghèo đói, túng quẫn, vì bốn đứa con đang tuổi ăn tuổi học, vì cuộc mưu sinh bươn bả, chị chấp nhận theo cái nghề đã “giết” chết chồng chị. Chị không sợ chết bởi với chị, cái chết có khi là một lối thoát...

 

Kỳ 2: Một ngày đi “sờ gáy thần chết”

 

(Theo Dân Trí)


Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục