Robinson trên đỉnh núi Suối Mạ

  • Cập nhật: Thứ hai, 2/7/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Đêm mưa rào, ngày nắng gắt, vẫn biết mưa thế này đi Suối Mạ sẽ rất khó khăn nhưng tôi vẫn quyết tâm đi, không phải tôi thích môn thể thao leo núi mà mục đích của chuyến đi này là đến thăm cuộc sống và công việc của những bạn đồng nghiệp ở trạm phát lại sóng phát thanh truyền hình Suối Mạ những con người được xem như những Robinson thời hiện đại.

Chị Nguyễn Thu Nga - Trưởng đài truyền thanh- truyền hình Nghĩa Lộ đơn vị quản lý Trạm phát sóng Suối Mạ nhìn tôi tỏ vẻ ái ngại: "Đi Suối Mạ vất vả lắm đó, người khỏe cũng phải ba, bốn tiếng mới tới nơi, đường cực kỳ dốc mà thời tiết lại khắc nghiệt thế này, anh chịu nổi không?". Tôi nguyện vọng với chị và giải thích rằng: các bạn đồng nghiệp nhà mình lên  đó, sống ở đó, làm việc ở đó còn được nữa là mình.

 

Thấy vậy các anh chị ở Đài đồng ý và phân công phóng viên Nguyễn Tùng Dương, một người rất cẩn thận, một cán bộ có kinh nghiệm đã đi đi, về về, đã sống và làm việc trên đỉnh Suối Mạ 6 năm trời. Tùng Dương nhắc tôi chỉ mang những gì thật sự cần thiết và hết sức gọn nhẹ. Dương giải thích: "Leo núi, đường xa cái thắt lưng dù nhỏ mấy đến khi mệt nó bỗng nhiên nặng hàng kg, mũ cũng vậy, đội mũ lá vừa nhẹ vừa dùng làm quạt khi nghỉ giải lao".

 

Đúng 6 giờ sáng tôi và Tùng Dương qua chợ Mường Lò, trong khi tôi chỉ loanh quanh mua chai nước uống, thỏi lương khô, sữa tươi, cả chè sâm đề phòng bị kiệt sức; còn Dương đã mua đến ba bao tải gồm: gạo, thịt, cá khô, cá tươi, tương cà, mắm muối, rau củ quả các loại. Không thể hình dung nổi hành lý trong chuyến đi công tác của cán bộ Đài truyền thanh - truyền hình Nghĩa Lộ lại lắm thứ đến thế. Tôi tròn mắt nhìn Dương và đống hành lý nặng tới 40 kg, Dương liền giải thích: "Công tác bảo đảm cho 15 ngày trên núi đó anh, thực ra từng này cũng chưa đủ nhưng không thể mang hơn mà có mang lên đó cũng không để lâu được".

 

Chiếc xe máy lặc lè đưa tôi và Dương theo quốc lộ 32 rồi rẽ phải vào bản Tủ xã Phúc Sơn huyện Văn Chấn, qua những tán cây xoài, cây nhãn trĩu quả, thấp thoáng nếp nhà sàn và những cô thôn nữ dân tộc Thái với váy lụa, áo coỏm, khăn piêu, cô nào cô nấy cũng đẹp dịu dàng và thanh khiết như đóa hoa rừng vậy.

 

Chúng tôi dừng chân bên nếp nhà nhỏ ngay chân núi, ba thanh niên người Thái lực lưỡng đã đứng bên hiên nhà như đợi chúng tôi từ rất lâu, họ nhanh chóng chuyển hàng xuống và chia đều ra làm ba phần. Thì ra họ là những người gùi hàng chuyên nghiệp từ khi có trạm phát sóng tới nay. Một anh nói tiếng Kinh rất ngọng: "Phải đi luôn, hôm nay nắng lắm" và chúng tôi lên đường.

 

Cuộc chinh phục Suối Mạ của tôi chính thức bắt đầu, đồng hồ chỉ 7 giờ 45 phút, bậc đá  xây dựng đã hơn 10 năm, chỗ còn, chỗ mất, đi được khoảng 200 mét tôi đã hiểu câu nói của lão đồng nghiệp họ Hoàng đã từng đi Suối Mạ: "Suối Mạ không quá cao nhưng cực kỳ dốc và rất khó đi" xin được nhắc lại câu nói của anh cửu vạn để mô tả cho độ cao của dốc "Đi thưa nhau ra không va gót chân vào mặt người sau đó". Và cũng không cần phải nhắc, 5 người chúng tôi đã tách tốp.

 

Một giờ đi bộ chiếc sơ mi đã đẫm mồ hôi, đá dưới chân rất chênh vênh và trơn tuột, chỉ cần sơ xảy là ngã lăn, còn nắng trên đầu đã gay gắt như thách thức sự kiên trì và triệt hạ sức khỏe của tôi. Sau hai giờ chúng tôi đã đến khe Nước đó là một địa điểm dừng chân khá lý tưởng vì còn một khoảng rừng xót lại tỏa bóng và một khe nước trong vắt róc rách chảy từ khe núi. Tôi cúi xuống, chụm tay vục từng vục uống và vã vào mặt, nước ngọt và mát đến lạ kỳ, giờ tôi mới thấy hết được giá trị của nước đối với sự sống con người.

 

Đi thôi anh ơi! - Dương giục tôi lên đường và tỏ vẻ thông cảm cho sự luyến tiếc của tôi. Đang nghỉ mát, được uống nước mát, ngồi trên mỏm đá nhìn xuống ngắm Mường Lò óng ả lúa chín, Liên Sơn xanh thẫm đồi chè và thấp thoáng chợ Mường Lò, nhà thờ Bản Hẻo, xưởng chè Liên Sơn, nhất là dòng Nậm Thia uốn mình thon thả như thân thể cô thiếu nữ trinh nguyên đang ôm ấp ruộng lúa, bãi ngô hay nhìn lên núi cao hùng vĩ bất chợt có những đám mây trắng muốt hạ xuống như đùa giỡn... tiếc tôi miễn cưỡng lên đường.

 

Cố gắng, cố gắng và cố gắng, tôi nghĩ vậy và cố lê đôi chân tội nghiệp lên từng bậc đá, đã nghe thấy tiếng loa phóng thanh trên trạm phát sóng, những bài ca về Trường Sơn thực sự là liều thuốc tinh thần đối với tôi quyết tâm vượt lên. Hai tiếng rưỡi tôi đã bắt đầu vào dốc Tắc Thở đoạn gian nan cuối cùng của cuộc hành trình vượt núi, có lẽ đây là dốc cao nhất, lại ở đoạn cuối, khi mà mọi người chinh phục nó khi đã thấm mệt nên đã đặt cho nó cái tên nghe dựng cả tóc gáy, rất may chưa có ai "tắc" và tôi cũng vượt qua nó để đến trạm sau 1 giờ 30 phút.

 

Do thông tin với nhau bằng mobi nên Lý Thiều Quang - anh bạn trực phát sóng ca trước chạy xuống một đoạn dốc để đón chúng tôi, nụ cười, giọng nói và cử chỉ động tác rất sung sướng của Quang cho thấy tôi là một người khách hết sức "quý hiếm" bởi đơn giản là ở đây làm gì có ai đến chơi bao giờ, hơn nữa khi Dương lên thì Quang sẽ được xuống núi, kết thúc thời gian sống cách ly, biệt lập với xã hội bên ngoài.

 

Đây là trạm Suối Mạ ư? không thể hình dung nổi, ở độ cao 1.253 mét, lại là ngọn núi cao nhất so với các ngọn núi trong vùng nên Suối Mạ rất mát mẻ và thường xuyên có mây bao phủ, hai cột ăng ten, một vi ba của bưu điện tỉnh, một của phát thanh - truyền hình vươn trên đỉnh núi như trạm vào trời xanh, một khu nhà nhỏ vừa đủ để đặt các máy móc thiết bị và hai phòng ở cho nhân viên. Bữa cơm trưa dọn ra, cũng thịt, cũng rau cũng có chén rượu trắng như ở phố mà tôi ăn uống sao ngon đến thế, có lẽ nhậu trong khung cảnh mây bay bảng lảng, tình người gần gũi, mộc mạc, chân thành nên nó thế.

 

Anh Triệu Đức Hưng người của trạm vi ba cho biết: Suối Mạ không phải là trạm cao nhưng là một trong những trạm tiếp sóng có đường đi khó khăn vất vả nhất. Tôi tranh thủ hỏi chuyện Dương và Quang về cuộc sống và công việc ở trên này thì được biết: Công việc của người cán bộ trực phát sóng cũng chẳng có gì nhiều, vận hành mấy cái máy với mấy động tác đơn điệu nhưng giờ giấc thì rất chuẩn, từ 5 giờ 30 đến 23 giờ 30, chức năng của trạm là tiếp sóng đài Tiếng nói Việt Nam, sóng phát thanh của đài phát thanh truyền hình Yên Bái, Chương trình VTV1 đài Truyền hình Việt Nam và chương trình địa phương của đài Yên Bái.

 

Lên núi đã khổ, xuống núi cũng ghê về thu nhập thì không bàn tới, cái khổ nhất ở đây là tinh thần, 15 ngày trời hai anh em (một của đài, một của Bưu điện) chỉ loanh quanh mấy chục mét vuông, lấy ti vi, lấy radio làm bạn, cứ nhìn ti vi, nhìn nhau rồi leo lên cột ăng ten nhìn xuống Nghĩa Lộ cho đỡ nhớ nhà.

 

Quang thì kể: "Hồi mới vào nghề thì nhớ mẹ, nay trưởng thành thì nhớ người yêu lắm anh ơi." Còn Dương thì tâm sự: "Thằng cu nhà em nó kháu khỉnh lắm, hôm nào em lên núi nó cũng ôm bố thật lâu, lắm hôm trời quang mây, đứng ở Đài nhìn thấy nhà mình, nhớ con quá chỉ ước mình có cánh để bay về thơm cu tý một cái rồi lại lên". Nhớ thì rất nhớ nhưng chưa một cán bộ nào của trạm sao nhãng nhiệm vụ, tấm nội quy của trạm ghi rõ "Không ra khỏi trạm quá 10 phút..." và những tấm giấy khen, bằng khen của tỉnh và ngành đã nói lên điều đó.

 

Các bạn ở trạm cho biết thêm ở đây khổ nhất là thiếu tình cảm và sợ nhất là ốm, thiếu thốn thì hy sinh chịu đựng được, riêng ốm đau thì thật là khó, lỡ không may đổ bệnh, phải cấp cứu thì cũng chẳng thế nào... Giờ thì tôi hiểu trước khi đi mọi người đều chúc Dương "Lên đường may mắn nhé!". Có lẽ yếu tố may mắn cũng rất cần cho những người sống trong điều kiện khắc nghiệt thế này.

 

Theo lời khuyên, đã lên Suối Mạ thì phải xuống ngay, đã mệt tối về mệt một thể, nếu không phải ở đó hai, ba hôm cho khỏe hẳn mới xuống, tôi quyết định chia tay trạm Suối Mạ khi mặt trời đã đổ bóng, phút chia tay rất bịn dịn, cả tôi và Quang đều bắt tay Dương và anh Hưng rất chặt, không quên chúc họ khỏe và may mắn.

 

Bước từng bước xuống tôi mới hiểu thế nào là chùn chân, mỏi gối, đau đùi, long khớp, trên đường đi tình cờ gặp một bác Thái đi nương bên hông đeo chiếc đài radio phát ra âm thanh Mơ pị noong phăng đai phát thành thị xạ Nghia Lô, Quang quay lại nói với tôi: "Chương trình phát thanh tiếng Thái của Đài Nghĩa Lộ rồi đấy anh ạ! anh thấy giọng đọc của cô... có hay không.

 

Lê Phiên

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục