Kiếm sống trên vùng “đất chết”

  • Cập nhật: Thứ tư, 27/6/2007 | 12:00:00 AM

Hơn 2 tháng qua, khu vực sân bay cũ tại phường 9, thị xã Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) trở thành “miền đất hứa” của hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người dân từ khắp nơi đổ về kiếm sống. Suốt ngày đêm, họ (có cả trẻ em và người già) dùng cuốc, xẻng, xà beng đào bới từng tấc đất để tìm phế liệu - là những vỏ đạn, viên đạn các loại còn nguyên, những trái bom, cánh máy bay cũ… Vì miếng cơm manh áo, họ đang “giỡn mặt” với tử thần!

Đua nhau đào đạn

Cơn mưa suốt mấy giờ liền vào chiều 20-6 vẫn không ngăn được dòng người vào khu vực sân bay đào tìm phế liệu. Quanh khu vực rộng hàng chục héc ta, nhiều nhóm người thi nhau đào bới những cái hố sâu hoắm vào lòng đất, có cái to như hố bom…

Dưới cái hố rộng hơn 10m2, sâu hơn 3m, cha con ông Bảy Lùn đang hì hục tát nước và xúc cát lên trên để lấy cho hết số phế liệu gồm vỏ đạn, đạn còn nguyên nằm sâu trong lòng đất… Rít một hơi thuốc rê thật dài, ông Bảy Lùn nhe hàng răng… sún cười khà khà khi tôi hỏi có sợ nguy hiểm không. Ông nói: “Trời mưa mà sợ gì, mấy viên đạn này nhỏ xíu mà. Tụi nó đào thấy đạn cối, đạn dây còn mừng rỡ nữa là khác. Mỗi viên đạn tiểu liên, AK  bán được 700đ. Đạn càng lớn thì càng nhiều tiền. Ai đào được cánh máy bay coi như trúng mánh vì bán được cả mấy triệu bạc”.

Nhiều người đào đạn ở đây quả quyết: Tệ lắm cũng kiếm được từ 40.000 - 50.000đ/người/ngày. Khi trúng mánh thì 300.000 - 400.000đ, thậm chí cả bạc triệu. 

Sau khi lôi lên mặt đất một đống ca Mỹ và đầu đạn loại nhỏ còn nguyên, ông Nguyễn Văn Tám ở phường 9, TX Vĩnh Long hớn hở: “Số này bán được khoảng 600.000đ. Trời mưa đào cực lắm chú ơi nhưng anh em tôi 4 người chia ra cũng kiếm được chút cháo. Còn hơn ở nhà nằm không”. Anh Tám cho biết: Lúc trời nắng, hàng trăm người dùng đèn pin, bình ắc-quy thậm chí mang đèn trên đầu như thợ mỏ vào đây đào phế liệu. Con nít, phụ nữ thì tập trung đào bới phần đất mà ban ngày các anh bộ đội công binh vừa rà phá bom mìn. Đàn ông, thanh niên lúc nào cũng sẵn sàng đào trên phần đất mà các công binh chưa rờ tới, dù bị nghiêm cấm.

Đùa giỡn với thần chết

Đại úy Trần Quốc Khánh - cán bộ Lữ đoàn Công binh 25, Quân khu 9, chỉ huy trưởng thi công rà phá bom mìn tại công trường - cho biết: “Công việc của chúng tôi bắt đầu từ cuối tháng 2-2007 đến nay. Dù rất tập trung cho công việc nhưng vẫn chưa làm được 50% diện tích của công trường rộng gần 56ha này”. Đáng lo ngại là qua công việc, các anh phát hiện đây là nơi tập trung đạn dược của địch thời chiến với mật độ dày đặc, hết sức nguy hiểm. Các anh đã thu được một quả bom loại 250kg và trên 5.000 quả đạn (có thể còn gây nổ và cháy). Nhiều nhất là loại đạïn M79 với khoảng 2.000 viên. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối, các anh đã phải cho kích nổ tại hiện trường trên 300 quả…

Nguy hiểm là thế nhưng cấm cản cách mấy cũng không ngăn được dòng người vào đào bới lên cả khu vực chưa rà phá bom mìn, đặc biệt nguy hiểm. Mấy thằng nhóc còn “tấn công” vào vùng cấm lấy trộm đạn có sức công phá lớn còn nguyên. Đại úy Khánh lắc đầu kể: “Cách nay mấy hôm, khi chúng tôi vừa thu được quả đạn DK57 thì bị một thằng nhỏ nhảy vào giật”. Nguy hiểm nhất và khiến các anh lo nhất là quả M72 - loại đạn hỏa lực thường được dùng để chống tăng, phá hủy công trình kiên cố hoặc “xử” máy bay bay ở tầm thấp - hiện vẫn đang “lưu lạc” đâu đó.

Đại úy Khánh kể: “Sáng hôm đó, tôi ra công trường thì phát hiện một cái vỏ súng bị cắt ra. Theo kinh nghiệm, tôi đoán biết là có người dân nào đó đã đào và phát hiện nguyên bộ súng đạn này nên đã cắt, xé để lấy quả đạn ra. Tôi đã báo cho chính quyền và lực lượng chức năng truy tìm. Loại này mà đem về nhà, chẳng may phát nổ thì hậu quả thật khó có thể lường hết!”. Một cán bộ UBND phường 9 cho biết: Cách nay gần 10 năm, chính bãi đạn này từng “ngốn” hết 4 mạng người khi họ lén vào đây đào được trái “cà nong” đem về nhà cưa.

Chúng tôi rời công trường “kho đạn”, trời đã sẩm tối, mưa không ngớt nhưng hàng chục người vẫn cố ở lại để kiếm thêm chút đỉnh… đạn đồng. Bốn, năm chiếc xe ba gác thu mua phế liệu vào tận công trường. Những bao tải chất đầy “chiến lợi phẩm” sau khi thỏa thuận giá cả được đổ rổn rảng lên xe ba gác chung với nhiều thứ kim loại phế liệu khác, nghe lạnh cả sống lưng!. 

(Theo SGGP)

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục