Công ty cổ phần chè Liên Sơn: Trụ vững sau “cơn lốc” chè vàng

  • Cập nhật: Thứ ba, 10/7/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Thị trường chè vàng những tháng đầu năm biến động, giá chè nguyên liệu tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp chè ở Yên Bái phải đóng cửa. Nhưng sau "cơn lốc" chè vàng, Công ty cổ phần chè Liên Sơn ở thị trấn nông trường Liên Sơn (Văn Chấn) vẫn trụ vững phát triển, trở thành hiện tượng trong giới sản xuất, kinh doanh chè ở Yên Bái.

Công nhân Công ty cổ phần chè Nghĩa Lộ thu hái chè.
(Ảnh: Minh Hằng)
Công nhân Công ty cổ phần chè Nghĩa Lộ thu hái chè. (Ảnh: Minh Hằng)

Cổ phần - hướng đi đúng

Chuyển đổi sang Công ty cổ phần từ đầu năm 2000, Công ty cổ phần chè Liên Sơn có nhiệm vụ trồng, chế biến chè xuất khẩu với vốn điều lệ ban đầu trên 817 triệu đồng với 133 cổ đông tham gia. Công ty có 289 ha chè kinh doanh, một nhà máy sản xuất chè đen theo công nghệ ORTHODOX công suất 13 tấn/ngày, mỗi năm sản xuất từ 400 đến 500 tấn chè xuất khẩu.

Đến nay sau 7 năm cổ phần hoá, vốn điều lệ của Công ty đã nâng lên 1,8 tỷ đồng, công suất nhà máy chè đen đã nâng lên 20 tấn/ngày và một dây chuyền sản xuất chè xanh có công suất 6 tấn/ngày đang được hoàn thiện. Sản phẩm chè xuất khẩu của Công ty mỗi năm đạt trên 800 tấn, đạt doanh thu trên 13 tỷ đồng.  Công ty nộp ngân sách mỗi năm trên 1 tỷ đồng, thu nhập người lao động đạt 1,1 triệu đồng/người/tháng, lợi nhuận đạt trên 500 triệu đồng/năm, mức cổ tức năm 2006 đạt 14,4%.

Vươn lên bằng sự nhạy bén

Bước vào năm 2007, mặc dù trong những tháng đầu năm, có nhiều yếu tố bất lợi cho Công ty như: thời tiết khắc nghiệt, hạn hán nắng nóng kéo dài, sâu bệnh phát sinh không thuận lợi cho sinh trưởng và phát triển của cây chè, nên sản lượng chè đạt thấp so với cùng kỳ mọi năm. Đặc biệt, thị trường chè Trung Quốc biến động bất thường, có thời điểm chè vàng phơi tăng đột biến, đẩy giá chè nguyên liệu tăng cao. Nhiều tư thương Trung Quốc sang mua sản phẩm khiến cho vùng nguyên liệu bị cạnh tranh quyết liệt, dẫn tới việc sản xuất chè đen bị ngưng trệ do giá nguyên liệu quá cao.

Các chi phí đầu vào khác như: than, điện, xăng, dầu...cũng đều tăng khiến giá thành sản xuất tăng cao, trong khi giá chè đen tăng rất chậm. Thậm chí một số mặt hàng cấp thấp có nguy cơ tụt giảm, nếu doanh nghiệp không có biện pháp điều chỉnh sản xuất dễ dẫn tới nguy cơ thua lỗ.

Trong bối cảnh nguyên liệu khan hiếm, nhưng  6 tháng đầu năm Công ty vẫn thu mua được 618.407 kg chè búp tươi cho chế biến, trong đó có 97,770 kg chè tuyết Shan, 520,637 kg chè trung du và 39 tấn chè bán thành phẩm mua ngoài.

 Không chỉ đủ nguyên liệu sản xuất, Công ty còn tiêu thụ được 190.655,5 kg chè các loại với giá bán bình quân 16.766 đồng/kg chè đen và 60.000 đồng/kg chè xanh tuyết Shan, đảm bảo việc làm ổn định cho người lao động, sản xuất kinh doanh hiệu quả; tổng doanh thu của Công ty vẫn đạt trên 4 tỷ 372 triệu đồng;  thực hiện các khoản đóng góp nghĩa vụ gần 157 triệu đồng và nộp trên 136 triệu đồng bảo hiểm xã hội.

Kết quả trên là do Công ty đã thể hiện được sự nhạy bén trước cơ chế thị trường. Trong khi thị trường đầy biến động, giá chè đang giảm, khó tiêu thụ nên bên cạnh hoàn thiện dây chuyền công nghệ, quá trình chế biến chè đen, chè xanh Công ty thực hiện nghiêm ngặt các qui trình kỹ thuật đã nâng tỷ lệ mặt hàng cao cấp từ  35 % lên 60% năm 2006 và phấn đấu đạt 65% năm 2007. Nạn chè vàng do tư thương mua bán sang Trung Quốc những tháng đầu năm khiến nhiều công ty phải đóng cửa nhưng Công ty cổ phần chè Liên Sơn vẫn tổ chức sản xuất thu hút được sản phẩm chè búp tươi về nhà máy đảm bảo hiệu quả sản xuất.
Nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường, Công ty góp vốn liên doanh với Công ty Hiệp Thành tại Hà Nội đang có quan hệ với Trung Quốc đảm nhận việc bao tiêu sản phẩm; xúc tiến hoàn thiện xưởng chè xanh sản xuất nhiều loại chè xanh và chú trọng đến chè tuyết Shan được thị trường Trung Quốc ưa chuộng đang bán với giá 60 nghìn đồng/kg.

Được huyện Văn Chấn khoanh vùng nguyên liệu cho 6 xã vùng cao có chè Tuyết Shan cổ thụ, Công ty xây dựng vùng nguyên liệu sạch, lấy xã Sùng Đô làm  trọng tâm, liên kết với Công ty Sinh thái Việt Nam xây dựng vùng chè hữu cơ; thành lập nhóm hộ sản xuất chè để triển khai chương trình khuyến nông. Mới đây Công ty đã cử 3 cán bộ ở xã Sùng Đô (Văn Chấn) đi tập huấn tại Hà Nội làm hạt nhân cho chương trình khuyến nông tại xã.

 Để hoàn thành kế hoạch năm 2007, trong những tháng còn lại Công ty đặt ra mục tiêu thu mua 3.200 tấn chè búp tươi, 300 tấn chè bán thành phẩm; sản xuất và xuất khẩu 1000 tấn chè, đạt doanh thu 16 tỷ đồng/năm tăng gần 3 tỷ đồng so với năm trước, nộp ngân sách 1,2 tỷ đồng, lương bình quân đạt 1.200 nghìn đồng/ người/tháng, cổ tức bình quân đạt 14,4%/năm, lợi nhuận đạt trên 500 triệu đồng. Hiện Công ty đã và đang nghiên cứu, khảo sát tiếp cận thị trường Trung Quốc hướng tới sản xuất chè xanh duỗi, chè vàng cao cấp từ chè Shan tuyết để xuất mỗi năm 100 tấn chè Shan tuyết các loại.

Sau "cơn lốc" chè vàng, nói về chiến lược kinh doanh chè bền vững hiện nay, ông Phan Văn An - Giám đốc Công ty cho rằng: "Doanh nghiệp cần có sự liên kết chặt chẽ với nhà nông, nhanh nhạy nắm bắt tìm ra thị trường tốt, đầu tư công nghệ tốt sẽ có giá bán tốt, đó chính là bí quyết của sự thành công".  

Liên kết chặt chẽ với vùng nguyên liệu

Có thể khẳng định sự thiết lập mối liên kết chặt chẽ giữa Đảng bộ Công ty với Đảng bộ thị trấn Nông trường Liên Sơn và chính quyền, nhân dân các xã vùng lân cận trong tổ chức thu mua nguyên liệu chè tuyết Shan phục vụ cho chế biến các loại chè đặc sản cũng là một trong những yếu tố quan trọng làm nên thành công. Chính vì vậy, trong điều kiện cạnh tranh gay gắt, nhưng vùng nguyên liệu của Công ty vẫn ít bị ảnh hưởng.

Công ty đã xây dựng phương án liên kết với các xã, thị trấn trong vùng nguyên liệu, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với 638 hộ làm chè trong và ngoài địa bàn theo Quyết định 80/CP của Chính phủ, trong đó có 201 hộ nhận khoán vườn chè theo Nghị định 01/CP của Chính phủ. Đồng thời, cung ứng vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, thu hái cho nông dân nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng và còn đầu tư hỗ trợ cho các hộ có phân hữu cơ bón cho chè, xây dựng bể chứa nước trên đồi để có nước cho chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh.

Năm 2007, trong giai đoạn cạnh tranh về nguyên liệu Công ty vẫn mạnh dạn đầu tư gần 1 tỷ đồng phân bón và vật tư các loại cho nông dân chăm sóc chè, từ đó củng cố thêm mối quan hệ và lòng tin giữa nông dân với doanh nghiệp. Vì vậy, cơ bản sản phẩm chè búp tươi đều được nông dân thu hái về bán cho nhà máy theo giá thị trường. Doanh nghiệp còn liên kết với  thị trấn Nông trường Liên Sơn và xã Sơn Lương chuyển đổi cơ cấu giống chè, trồng, cải tạo diện tích chè giống cũ và trồng mới 116 ha chè Bát Tiên và Phúc Vân Tiên trong vòng 3 năm (từ 2004 đến 2006) theo chương trình hỗ trợ của tỉnh và huyện.

Hiện nay giá chè nguyên liệu đã ổn định, Công ty đang mua chè nguyên liệu cho nông dân với giá 2.300 - 2.800 đồng/kg chè trung du, 4000 đến 5000 đồng/kg chè Bát Tiên và Phúc Vân Tiên, 10.000 đến 12.000 đồng/kg chè tuyết Shan.

Minh Đức  (Bài hưởng ứng cuộc thi viết “Đất và người Yên Bái” trên Báo Yên Bái)

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục