Nghĩa Lộ: Việc tổ chức cai nghiện của bà Trần Thị Bích là không phép, cần phải xử lý

  • Cập nhật: Thứ năm, 3/8/2023 | 7:28:15 AM

YênBái - Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Bà Trần Thị Bích.
Bà Trần Thị Bích.

Qua đơn, bà Trần Thị Bích cho biết: bà lấy chồng được 42 năm thì 42 năm chồng bà mắc nghiện, đến năm 2016, hai con trai của bà Bích đều mắc nghiện. Qua người quen giới thiệu, bà Bích gặp gỡ một giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ là phó giám đốc một bệnh viện lớn tại Hà Nội. Vị bác sĩ đã kê cho bà một loại thuốc cai nghiện do 12 nước lớn trên thế giới, toàn giáo sư, tiến sĩ đã hợp tác với nhau nghiên cứu ra… Nhờ có loại thuốc này, bà Bích đã cai cho 2 con trai, 1 người em cậu và 1 người hàng xóm; sau 15 ngày thì có kết quả. Kể từ đó, nhiều người tìm đến bà Bích để nhờ cai hộ… (Trích nội dung đơn của bà Trần Thị Bích). 

Để khẳng định cho những điều mình nói, trong đơn, bà Bích còn viện dẫn ý kiến của linh mục chính xứ Giáo xứ Nghĩa Lộ. Đặc biệt, bà Bích còn gửi kèm lá đơn nhiều biên bản kiểm tra, thử nước tiểu xác định chất ma túy trong cơ thể; giấy xin xác nhận xóa khỏi danh sách những đối tượng nghiện; thông báo chấm dứt điều trị tại cơ sở điều trị nghiện chất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái… của hàng chục người nghiện đến từ Hưng Khánh (Trấn Yên), Cao Phạ (Mù Cang Chải), Tú Lệ (Văn Chấn), Mỏ Vàng (Văn Yên). Bà Bích cũng gửi kèm bản thống kê danh sách những người đến cai nghiện từ năm 2018 đến năm 2023 (793 người)…

 
Lá đơn của bà Trần Thị Bích gửi Báo Yên Bái.

Sau khi nghiên cứu đơn của bà Trần Thị Bích, Ban Biên tập Báo Yên Bái nhận thấy: bài viết "Xung quanh việc bà Trần Thị Bích cai nghiện ma túy” hoàn toàn tuân thủ Luật Báo chí, không hề có sai sót; tác giả đã phản ánh đúng sự thật. Mấu chốt ở đây là: bà đã tổ chức cai nghiện không phép; gia đình của bà đã trở thành nơi tụ hội của nhiều người nghiện, đến từ nhiều địa phương trong tỉnh Yên Bái và nhiều tỉnh, thành khác. 

Như vậy là vi phạm và đó cũng là lý do mà chính quyền địa phương đã nhắc nhở bà nhiều lần. Lực lượng công an thị xã đã nhiều lần gặp gỡ bà để tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Đặc biệt, ngày 16/6/2023, bà đã bị UBND tỉnh ra quyết định xử phạt hành chính với số tiền lên tới 62 triệu đồng (trong đơn bà đã thừa nhận và bà đang xin khất ra hạn vì chưa lo đủ số tiền trên).

Chúng tôi thấu hiểu nỗi đau của người phụ nữ có chồng và con mắc nghiện; chia sẻ với bà khi những người thân đau đớn, vật vã rồi từ bỏ cõi đời vì ma túy. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận rằng, việc bà tổ chức cai nghiện mà không được sự cho phép của cấp có thẩm quyền; thứ thuốc mà bà trình bày (do một giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ kê; do 12 nước lớn với nhiều nhà khoa học nghiên cứu ra…) như trong đơn là không rõ ràng, chưa thể kiểm chứng. 

Danh sách những người đến cai nghiện từ năm 2018 - 2023 do bà Bích thống kê.  

Rất nhiều tài liệu bà Bích gửi đến Báo Yên Bái không thể chứng minh được những người có tên trong những tờ giấy đó đã từ bỏ được ma túy thực sự hay chưa (rất có thể lúc kiểm tra để lập biên bản thì trong người không có nghiện chất, nhưng sau đó lại có). Ngay cả khi có một người nào đó đã từ bỏ hoàn toàn được ma túy thì cũng chưa chắc chắn do đã uống thuốc của bà mà cai được.

Ma túy là vấn nạn mang tính chất toàn cầu; tội phạm ma túy là tội phạm của mọi loại hình tội phạm; đã không biết bao nhiêu con người, biết bao gia đình tan nát vì ma túy… Bản thân gia đình bà cũng là một thí dụ. Vì thế, nếu bà Trần Thị Bích tìm ra một loại thuốc, áp dụng được một phương pháp cai nghiện ít tốn kém, ít thời gian, an toàn và đặc biệt là hiệu quả thì bà nên tới Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế hoặc ít nhất là cấp chính quyền thị xã hoặc UBND tỉnh để thực hiện việc đăng ký bản quyền; công bố rộng rãi và áp dụng triệt để nhằm cứu vãn những mảnh đời khốn khổ… Nếu không đúng như vậy thì bà nên dừng lại những việc làm của mình. Quyết định xử phạt hành chính của Chủ tịch UBND tỉnh đã là lời cảnh báo đanh thép đối với việc làm của bà.

Báo Yên Bái

Tags Nghĩa Lộ cai nghiện Trần Thị Bích không phép xử lý

Các tin khác
Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Là một trong những huyện nghèo của cả nước, dựa trên tình hình thực tế và điều kiện đặc thù của địa phương, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mù Cang Chải lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định mục tiêu "quyết tâm xây dựng Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch - là điểm đến "bản sắc, an toàn, thân thiện”, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn là huyện nghèo, đến năm 2030 không còn là huyện nghèo”.

Mù Cang Chải - một trong 63 huyện nghèo nhất cả nước đang có cuộc cải cách toàn diện và hội nhập mạnh mẽ với những cơ hội phát triển mở ra cho người dân vùng cao, nhờ phát huy vai trò hạt nhân của tổ chức Đảng, của người đứng đầu cấp ủy.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục