Tiếng xào xạc quen thuộc của rừng tre Bát độ vẫn ngân nga nhưng giờ đây, bản nhạc ấy đã hòa thêm những âm thanh mới: tiếng cười nói rộn rã của trẻ thơ, tiếng cười nói từ những khu vườn trĩu quả minh chứng cho một cuộc sống đang đổi thay. Con đường bê tông mềm mại như dải lụa vắt qua những triền đồi, dẫn tôi đến Khuôn Bổ, nơi câu chuyện về sự đổi đời bắt đầu.
Mười năm về trước, Hồng Ca trong ký ức của người dân nơi đây là gì? Một bức tranh buồn với những nương ngô, nương sắn cằn cỗi, những mái nhà xiêu vẹo, dột nát và những bữa cơm đạm bạc, thiếu thốn. Hơn 90% dân số của địa phương là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó người Mông chiếm phần lớn. Cuộc sống của họ quanh năm gắn liền với cái nghèo đeo bám, với những khó khăn tưởng chừng không lối thoát.
Nhưng rồi cây tre Bát độ như một luồng gió mới thổi đến, mang theo hơi thở của sự đổi thay, gieo mầm hy vọng và mang lại cuộc sống ấm no, đủ đầy. Sổng A Dũng - người làm kinh tế giỏi ở thôn Khuôn Bổ đón tôi bằng nụ cười hiền hậu, làn da rám nắng in hằn dấu vết của những tháng ngày vất vả. Bên chén trà nóng tỏa hương thơm dịu, anh kể về cái "ngày trước" - cái thời mà cuộc sống của người Mông ở Hồng Ca chỉ quanh quẩn với nương ngô, nương sắn, đói nghèo bủa vây.
"Ngày đó khổ lắm nhà báo ạ!" - giọng anh Dũng trầm xuống, ánh mắt xa xăm nhìn về phía triền núi. "Đường đi khó khăn, làm ra được mớ rau, con gà cũng chẳng biết bán cho ai. Cả nhà trông vào mấy sào nương, ăn còn chẳng đủ".
Bước ngoặt định mệnh đến với Hồng Ca vào năm 2006, khi cây tre Bát độ bén duyên với mảnh đất này. Anh Dũng là một trong những người đầu tiên dám tin vào lời cán bộ khuyến nông, mạnh dạn chuyển đổi. Những năm đầu, khó khăn chồng chất, măng tre nặng trĩu trên vai, những con dốc trơn trượt như muốn níu chân người. Nhưng trong gian khó, ý chí của người Mông càng thêm kiên cường.
"Giờ thì khác rồi" - anh Dũng cười tươi, nụ cười rạng rỡ như ánh bình minh xua tan màn sương núi. "Đường sá thuận tiện, thương lái tìm đến tận nhà. Mình chỉ việc chặt măng, họ tự lo hết. Cây tre này đã cứu cả thôn mình rồi". 3 ha tre Bát độ mỗi năm mang về cho gia đình anh hơn 150 triệu đồng. Số tiền ấy không chỉ xây nên ngôi nhà khang trang mà còn ắp đầy ước mơ học hành của con cái. Anh còn mạnh dạn trồng thêm cam, biến những sườn đồi dốc thành vườn cây trĩu quả, mỗi vụ thu hoạch mang về hàng trăm triệu đồng.
Hiện tại, Hồng Ca có khoảng 1.400 ha tre măng Bát độ với sản lượng măng hàng năm đạt xấp xỉ 1.000 tấn măng thương phẩm, đem về cho người dân trên 55 tỷ đồng. Con số này không chỉ là niềm tự hào mà còn là nguồn thu nhập ổn định, giúp hàng trăm hộ dân thoát khỏi cảnh nghèo khó. Nhận thấy tiềm năng to lớn từ cây tre măng Bát độ, chính quyền xã Hồng Ca đã chủ động khuyến khích người dân mở rộng diện tích đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật.
Nhờ đó, người dân ngày càng nắm vững quy trình thâm canh, chăm sóc, nâng cao năng suất và chất lượng măng. Xã cũng tạo điều kiện thuận lợi, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ, từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đến chế biến, giúp vùng nguyên liệu tre măng Bát độ phát triển ổn định, bền vững, từng bước nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân.
Chăn nuôi gà đen bản địa mang lại thu nhập cao cho người dân Hồng Ca.
Đi dọc những con đường trong thôn, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi kỳ diệu. Những ngôi nhà mới mọc lên san sát, xen lẫn những nếp nhà sàn truyền thống được sửa sang vững chãi. Tiếng cười nói của trẻ em vang vọng khắp các ngõ, những đôi mắt sáng ngời ánh lên niềm tin vào tương lai.
Trưởng thôn Khuôn Bổ Sổng A Cảnh không giấu được niềm tự hào khi chia sẻ về sự đổi thay của quê hương: "Trước đây, thu nhập của bà con chỉ đủ ăn qua ngày. Giờ đây, mỗi héc-ta tre có thể cho thu nhập 50 - 80 triệu đồng. Đây là thành quả mà trước đây chúng tôi chỉ dám hy vọng".
Nhưng câu chuyện về Hồng Ca không chỉ dừng lại ở cây tre. Tôi còn được nghe về những người tiên phong như anh Cháng A Vàng - người đã nuôi gà đen bản địa dưới những tán cây xanh mát. Từ vài chục con ban đầu, đàn gà của anh đã lên đến hàng trăm con, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. "Trước đây, tôi chỉ biết trồng ngô, trồng lúa, quanh năm thiếu đói. Từ khi có chương trình hỗ trợ nuôi gà đen, cuộc sống của gia đình tôi đã khấm khá hơn nhiều" - anh Vàng chia sẻ với ánh mắt đầy hy vọng.
Hồng Ca hôm nay không chỉ là những con số thống kê ấn tượng về diện tích tre, sản lượng măng. Điều quan trọng hơn cả là sự thay đổi trong tư duy, trong ý chí vươn lên của người dân. Họ không chỉ biết trồng và thu hoạch mà còn chủ động học hỏi kỹ thuật, tìm kiếm những mô hình kinh tế mới, bền vững hơn. Đến thăm vườn tre của anh Sổng A Sông khi anh đang tỉ mỉ chăm sóc từng khóm tre, học cách bón phân, khai thác củ giống để nhân rộng diện tích. Câu chuyện của anh là minh chứng cho sự chuyển mình mạnh mẽ trong nhận thức của người dân Hồng Ca.
Đặc biệt, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới, cùng với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của chính người dân, những con đường đất lầy lội, khó đi trước kia nay đã được bê tông hóa, rộng rãi và sạch đẹp. Nhà ở của người dân ngày càng khang trang hơn, không còn cảnh nhà tạm, nhà dột nát. Từ một xã vùng III đặc biệt khó khăn, Hồng Ca đã vươn mình trở thành một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế vùng cao của tỉnh Yên Bái, đạt chuẩn nông thôn mới, mang đến một diện mạo mới đầy sức sống.
Rời Hồng Ca, trong lòng tôi vẫn vẹn nguyên những ấn tượng sâu sắc về vùng đất này. Từ những nương ngô cằn cỗi, Hồng Ca đã "thay da đổi thịt", vươn mình trở thành một điểm sáng trong phát triển kinh tế vùng cao của Yên Bái. "Bản giao hưởng xanh trên triền núi sương" ấy không chỉ là "tiếng gọi bình minh” của tre mà còn là bản nhạc của sự đổi đời, của niềm tin và hy vọng vào một tương lai tươi sáng, nơi những vựa măng tỷ đồng sẽ tiếp tục mang đến cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ, xã Hồng Ca đã đạt được những thành tựu đáng tự hào. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 5,7%, giảm đáng kể so với trước đây. Thu nhập bình quân đầu người cũng có sự tăng trưởng vượt bậc, đạt 63 triệu đồng/năm - một con số ấn tượng đối với một xã vùng cao từng thuộc diện đặc biệt khó khăn. |
Văn Thông