Sản phẩm của các làng nghề cũng vì chứa đựng sự tài hoa của người thợ, bí quyết trao truyền mà tạo nên giá trị đặc biệt cho khách hàng, thương hiệu cho sản phẩm gắn với bản sắc văn hóa truyền thống. Đây cũng chính là điều làm nên sức sống mãnh liệt của không ít làng nghề truyền thống ở Yên Bái.
"Thương hiệu” một làng nghề
Cuối tháng 3, cái rét nàng Bân khiến hơi lạnh của gió hồ Thác Bà có phần hanh hao. Tôi ngược con nước về Làng nghề đan rọ tôm thôn Đồng Tâm, xã Phúc An. Đây là làng nghề đầu tiên của tỉnh Yên Bái, cũng là làng nghề đầu tiên của huyện Yên Bình được UBND tỉnh công nhận. Là làng nghề thật đấy nhưng nghề đan rọ tôm không ồn ã như bao làng nghề thủ công khác. Thôn xóm yên bình. Đâu đó thấp thoáng dưới hiên nhà, trước thềm sân không khó để bắt gặp hình ảnh các bà, các mẹ cặm cụi đan rọ.
Tôi ghé qua gia đình chị Lê Thị Ngọc Thắm - hộ có thâm niên làm nghề và cũng một trong những chủ buôn chuyên thu mua rọ tôm ở vùng hồ với số vốn lưu động khoảng trên 1 tỷ đồng mỗi năm. Chị Thắm chia sẻ: "Hơn hai chục năm đan rọ tôm, cái nghề nó gắn với cuộc sống của người dân vùng hồ Thác Bà này từ bao đời rồi, không lo mai một, chỉ là trước kia vật liệu sẵn nên nhiều người làm, giờ thì ít hơn chút. Chịu khó làm, ngày cũng kiếm được tiền trăm, gia đình có thêm đồng ra đồng vào”.
Nói như chị Thắm có phần khiêm tốn lắm, bởi lẽ ở thôn Đồng Tâm này, chỉ độc có nghề đan rọ tôm mà chị Nguyễn Thị Yến - một mình nuôi 2 con học đại học, lại còn xây được ngôi nhà cấp 4 khang trang cỡ chừng vài trăm triệu. Trưởng thôn Đỗ Quang Tuyên nói như khoe: "Đây là gia đình rất tiêu biểu của thôn về nghị lực thoát nghèo. Trước đây, gia đình Yến nghèo lắm. 3 năm trước, chị Yến tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Nhiều nhà đủ vợ đủ chồng còn chưa làm được như nhà chị ấy”.
Quả đúng như lời Trưởng thôn Đỗ Quang Tuyên, trong căn nhà mới xây gọn gàng, ngăn nắp, chị Yến và cô cháu gái thoăn thoắt vắn nan, hình hài những chiếc rọ tôm xinh xắn hiện hữu.
Bộc bạch chuyện nghề, chuyện đời, chị Yến không giấu niềm xúc động, khóe mắt long lanh ánh lên niềm tự hào: "Chồng tôi bỏ đi khi con gái thứ 2 mới được 5 tuổi, nhà nát như cái chuồng trâu, khổ không biết nói sao cho hết… Cái nghề đan rọ tôm này đã cứu cánh tôi và 2 con thoát khỏi cảnh nghèo. Mình chẳng biết làm gì khác ngoài nghề đan rọ ông bà truyền dạy, thế rồi cũng nuôi được 2 con ăn học thành người, cũng làm được gian nhà gian cửa đàng hoàng vững chãi. Bỏ gì thì bỏ chứ không bỏ được nghề. Nói thật là nghề này chẳng lo không bán được sản phẩm, chỉ là mình không có đủ sức để làm…”.
Có từ đời cụ, kỵ xửa xưa, nghề đan rọ tôm được trao truyền qua các bà, các mẹ, các chị cho nhiều thế hệ ở Phúc An. Rọ tôm Phúc An trở thành mặt hàng bán chạy nhất ở các chợ phiên của đồng bào các dân tộc thiểu số trong vùng và là nghề cho thu nhập chính đối với nhiều hộ dân trong xã. Tháng 7 năm 2017, Làng nghề đan rọ tôm thôn Đồng Tâm, xã Phúc An được UBND tỉnh Yên Bái công nhận là làng nghề truyền thống. Cũng từ đó, giá trị sản phẩm rọ tôm thôn Đồng Tâm gắn liền với giá trị thương hiệu của thôn.
Anh Hoàng Văn Ba (bên trái) ở xã Phúc An, huyện Yên Bình có vốn lưu động thu mua rọ tôm mỗi năm ước chừng 3 tỷ đồng.
Anh Hoàng Văn Ba - chủ buôn rọ tôm lớn và có thâm niên ở đất Phúc An, vốn lưu động cỡ chừng vài tỷ đồng mỗi năm cho biết: "Rọ tôm thu mua nhiều nơi trong vùng và xuất đi các địa phương có hồ thủy điện như Na Hang - Tuyên Quang, Hòa Bình… Thế nhưng sản phẩm rọ tôm của Làng nghề rọ tôm thôn Đồng Tâm thì không thể lẫn được, nhìn là biết ngay. Bởi thế giá mua luôn cao hơn các sản phẩm rọ tôm của các địa phương khác trong vùng từ 1 - 2 nghìn đồng/chiếc. Giá thị trường có lúc lên lúc xuống nhưng cơ bản là bà con làm ra bao nhiêu đều tiêu thụ hết…”.
Du lịch Ngòi Tu ở Vũ Linh và du lịch cộng đồng ở Phúc An phát triển, Làng nghề đan rọ tôm thôn Đồng Tâm còn là điểm phục vụ hoạt động du lịch trải nghiệm thú vị của khách du lịch người nước ngoài… Rõ ràng, bí quyết và thương hiệu của làng nghề đã làm nên thương hiệu, giá trị gia tăng của sản phẩm. Cũng bởi lẽ đó mà nghề truyền thống luôn được người dân ở Phúc An ý thức trao truyền cho các thế hệ con cháu.
Phát huy giá trị làng nghề truyền thống
Đi qua những miền quê nông thôn mới - những miền quê đáng sống thực sự nơi mỗi địa phương của tỉnh Yên Bái, không thể phủ nhận nông thôn mới đã thổi làn gió mát lành tràn đầy sinh khí tiếp sức cho nghề truyền thống hồi sinh và phát triển. Cùng đó, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã làm sống dậy những giá trị văn hóa, nâng tầm cho nghề truyền thống và đưa các sản phẩm của làng nghề trở thành sản phẩm đặc trưng, đặc sản có giá trị kinh tế cao, đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái mà rượu thóc của Hợp tác xã (HTX) Làng nghề rượu thóc La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải; hay như cốm, gạo nếp Tú Lệ của Làng nghề trồng, sản xuất và chế biến sản phẩm từ nếp Tan Tú Lệ ở thôn Nà Lóng, thôn Phạ Dưới, xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn là một ví dụ.
Vùng đất Tú Lệ được ví như "miền gái xinh” và còn được thiên nhiên ban tặng khí hậu mát mẻ, nguồn nước thuần khiết cùng thổ nhưỡng giàu khoáng chất đã nuôi dưỡng nếp Tan Lả trở thành đặc sản với các sản phẩm như cốm Tú Lệ, gạo nếp Tú Lệ. Năm 2019, Làng cốm thôn Nà Lóng và thôn Phạ Dưới đã được công nhận là làng nghề truyền thống. Cả xã có khoảng gần 400 hộ sản xuất, kinh doanh cốm, liên kết sản xuất để tạo ra sản phẩm có số lượng lớn, chất lượng bảo đảm phục vụ nhu cầu thị trường.
Giá trị các sản phẩm làng nghề được nâng tầm khi HTX Dịch vụ tổng hợp Tú Lệ đã liên kết với hơn 200 hộ sản xuất nếp Tú Lệ theo tiêu chuẩn VietGAP quy mô trên 50 ha. Người dân Tú Lệ chẳng thể mường tượng, một sản vật vốn đơn thuần chỉ là lễ vật dâng cúng tổ tiên, nay cốm nếp Tan Lả và gạo nếp Tú Lệ đã trở thành đặc sản nổi tiếng một vùng của tỉnh Yên Bái, đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, đem lại nguồn thu ổn định và là niềm tự hào của người dân Tú Lệ.
Xã La Pán Tẩn của huyện Mù Cang Chải từ lâu đã nổi tiếng với sản phẩm rượu thóc của đồng bào Mông. Cả xã có tới gần 200 hộ sản xuất rượu thóc theo phương pháp truyền thống, trung bình trên 30.000 lít/năm. Xây dựng nông thôn mới La Pá Tẩn, HTX Làng nghề rượu thóc La Pán Tẩn được thành lập đã từng bước đưa nghề sản xuất rượu thóc truyền thống của đồng bào Mông trở thành sản phẩm mang thương hiệu của huyện vùng cao Mù Cang Chải.
Giám đốc HTX Hảng A Chay chia sẻ: "Ngoài 8 thành viên, hiện nay HTX đã liên kết sản xuất với một số hộ trong thôn để có sản phẩm chất lượng, đồng thời bảo đảm số lượng phục vụ nhu cầu thị trường Năm 2024, HTX sản xuất được khoảng 3 nghìn lít rượu, khách hàng chủ yếu ở Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội… Nghề truyền thống đang từng bước mở ra cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương”.
Đi qua những thăng trầm cùng thời gian, đứng trước nhiều cơ hội và thách thức trong bối cảnh hội nhập và phát triển kinh tế, nghề truyền thống và làng nghề ở Yên Bái đã và đang khẳng định được sức sống và khả năng cạnh tranh bằng những giá trị truyền thống, phù hợp với xu hướng tiêu dùng xanh. Chiến lược phát triển bền vững để bảo tồn và phát huy giá trị của các làng nghề được tỉnh quan tâm với nhiều giải pháp đồng bộ, mục tiêu năm 2025, khôi phục và bảo tồn công nhận phát triển mới 4 làng nghề gắn với du lịch, phấn đấu có 20% số làng nghề có sản phẩm được bảo hộ sở hữu thương hiệu, 40% số làng nghề có sản phẩm được phân hạng sản phẩm OCOP. Quan điểm của tỉnh là đẩy mạnh phát triển ngành nghề và dịch vụ ở nông thôn, tập trung phát triển làng nghề mới, ngành nghề mới từ những làng nghề thuần nông, làng nghề có các ngành nghề phi nông nghiệp; chú trọng liên kết chuỗi giá trị, phát triển làng nghề gắn với du lịch, góp phần phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay, toàn tỉnh Yên Bái có trên 250 làng nghề và làng có
nghề, trong đó 15 làng nghề và làng có nghề đã được công nhận. Các làng nghề đã
góp phần tạo việc làm cho khoảng 70 nghìn lao động trực tiếp, đóng góp tích cực
cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. |
Minh Thúy