Tận cùng nỗi đau
Sản xuất đóng gói các sản phẩm quế vỏ bán thương mại trong nước và một số khách nước ngoài là hoạt động kinh doanh hiện đã rất thành công của chị. Hành trình hơn 20 năm gắn bó với công việc buôn bán quế được khởi nguồn từ những ngày đầu đầy gian khó.
Chị kể rằng: "Vốn xuất thân trong một gia đình thuần nông, để bắt nhịp được với môi trường kinh doanh, với tôi, thật sự là một hành trình dài đầy gian khổ. Tôi bắt đầu với nghề bằng một ý nghĩ kiếm đủ cơm ăn áo mặc cho con, chứ không dám nghĩ gì xa vời hơn. Tôi đã lặn lội vào làng, vào bản thu mua nhỏ lẻ quế vỏ rồi vận chuyển bằng xe máy đến các xưởng bán. Những ngày đó số tiền kiếm được cũng ít, không đủ để chi tiêu cho cả gia đình”.
Giữa lúc kinh tế gia đình còn eo hẹp, chị gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe sinh sản và phải phẫu thuật. Đó thực sự là cơn bạo bệnh. Chi phí cho ca mổ quá lớn, rồi chị phải nằm viện trong một thời gian dài. Để trang trải, chị đã phải bán tất cả những gì có trong nhà kể cả chiếc xe máy duy nhất dùng để kiếm sống nuôi con.
Cơn bạo bệnh qua đi nhưng khó khăn còn ngay trước mặt. Nhìn hai đứa con còn thơ dại, chị nung nấu quyết tâm phải phát triển kinh tế gia đình. Lại là những ngày tháng chăm chỉ, chịu khó thu mua, buôn bán quế vỏ. Kinh tế gia đình khá dần, những tưởng những ngày tháng khó khăn sẽ theo đó mà ở lại phía sau, nhưng chẳng ngờ, giông bão cuộc đời lại tìm đến, chồng chị mắc vào tệ nạn xã hội, trở thành người nghiện. Đau đớn hơn, chị chỉ phát hiện ra điều đó khi kinh tế gia đình đã trở nên sa sút, kiệt quệ vì anh, khi đến con chó cảnh của nhà anh cũng mang bán.
Năm 2017, ngày chồng phải thụ án tù không chỉ để lại nỗi đau đớn tinh thần cho chị mà còn cả gánh nặng nợ nần chất chồng mà anh đã vay mượn ngoài xã hội. Nhà cửa đến bộ bàn ghế cũng chẳng còn. Chủ nợ anh từng vay đến gõ nợ lên đầu chị không biết bao lần, bằng những hằn học, dọa dẫm đáng sợ; có lần còn hăm dọa, dùng bạo lực cả với con trai chị, khiến con chị nghỉ học cả tuần, trở nên im lặng. Người mẹ như chị càng quặn thắt cõi lòng. Khốn khổ, tủi nhục hơn cả là chị cảm nhận rõ lắm những khinh khi, dè bỉu của người đời, sự quay lưng, xa lánh của bạn bè.
Trong tận cùng của đớn đau, bế tắc đến tuyệt vọng, giây phút không nghĩ được nhiều, chị đã chọn cách rời bỏ cuộc sống bằng thuốc ngủ. Khi đó các con về ở với ông bà ngoại nên không một ai hay biết chị đang vật vã giữa lằn ranh sinh tử. Tỉnh lại sau hai ngày đêm li bì, chân tay không nhúc nhích nổi, chị gắng mãi rồi gọi được điện cho người nhà.
"không chết được thì phải sống cho ra sống!”
"Đã không chết được thì phải sống cho ra sống!” - một quyết tâm đứng dậy từ vực thẳm chợt mạnh lên trong chị sau lần từ cõi chết trở về. Trở lại công việc thu mua, buôn bán quế vỏ trong lúc chẳng còn đồng vốn nào, khó khăn chắn ngang như núi dựng. Nhưng rồi, may mắn cũng tìm đến với chị. Trên một chuyến xe khách, chị vô tình có được mối hàng bên Tuyên Quang, là một diện tích quế rất lớn mà chủ hàng để cho với giá 600 triệu đồng.
Nhìn thấy rõ tiềm năng lợi nhuận nhưng số tiền hàng khi đó là một thách thức chị chưa biết phải xoay sở thế nào. Quyết tâm bằng được, chị nhờ người thân bằng mọi giá vay mượn cho, nhưng cũng chỉ được một nửa số tiền cần có. May sao, chị được chủ hàng chấp nhận cho nợ một nửa. Thuê người từ Văn Yên sang Tuyên Quang khai thác, sau một năm rưỡi khai thác diện tích quế này, hơn 2 tỷ đồng là lợi nhuận chị thu về. Con đường đời rộng hơn đã được mở ra, tiếp thêm cho chị động lực bước tiếp, làm chủ cuộc đời mình.
Những ngày tháng lăn lộn từ trong tỉnh đến ngoài tỉnh, lên ngược về xuôi, có khi vào tới tận Quảng Trị, chị bảo: "Chẳng một ngõ ngách nào có quế mà mình không biết, bạn hàng khắp nơi”. Những khi ngày bốc hàng, đêm theo xe về xuôi bán, rồi lại ngược lên bốc hàng; những khi ăn ngủ triền miên trên xe hàng chỉ với mì tôm và nước trắng để những mối hàng cứ ngày một nhiều hơn, lợi nhuận có được ngày một lớn.
Viết trang đời mới
Trời không phụ công sức người bỏ ra, từ những nỗ lực không ngừng nghỉ, chị đã có trong tay xưởng quế với 30 - 40 công nhân, đưa sản phẩm quế Yên Bái bán thương mại cho các công ty trong nước và một số công ty lớn của nước ngoài như Ấn Độ, doanh thu hàng năm tính bằng tiền tỷ. Điều chị nghĩ và muốn, là sống cho ra sống, chị đã làm được, không chỉ vì mình mà quan trọng hơn là vì các con. Đứng lên sau giông bão, trang mới tươi sáng của cuộc đời, chị đã tự tay mình viết lên. Nhưng người phụ nữ nhỏ bé không "chịu” dừng lại ở đó. Những năm tháng một mình lăn lộn với thương trường rèn giũa thêm cho chị sự năng động, nhạy bén và bản lĩnh để tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới trong bước đường kinh doanh.
Năm 2021, có bạn bè trên Sa Pa nuôi cá tầm còn diện tích nước chưa nuôi hết, chị đã mượn để thử nghiệm. Sau một năm rưỡi nuôi và xuất bán, chị thấy được tiềm năng lợi nhuận lớn từ mô hình này. Chị nghĩ ngay đến một hướng làm kinh tế mới của mình. Tìm hiểu ở địa phương, được biết con cá tầm đã được nuôi quy mô rất nhỏ ở xã Đại Sơn (Văn Yên) và sinh trưởng, phát triển rất tốt. Chị hiểu, môi trường tự nhiên, nguồn nước ở đây là điều kiện lý tưởng để phát triển nuôi cá tầm.
Khu vực nuôi cá tầm giống được chị Nguyễn Thị Lân đầu tư quy mô.
Năm 2022, chị mạnh dạn dồn tất cả nguồn vốn có được quyết định đầu tư nuôi cá tầm ở khu vực Làng Bang, xã Đại Sơn. Đường lên Làng Bang khi đó chẳng dễ dàng gì. Vật liệu chở được lên điểm xây dựng trại cá giá đội lên mấy lần; không điện, không sóng điện thoại. Chị phải đầu tư từ máy phát điện và cả điện nước, kéo đường dây wifi từ dưới xã lên. Nhiều ngày tháng chị cùng anh em ở nhờ nhà dân để cải tạo mặt bằng, xây dựng trại… Không biết bao công sức và tiền của nhưng chị luôn nghĩ: "Càng khó khăn thì cơ hội cho mình càng lớn”. Sự quyết đoán và quyết tâm của chị đã hình thành nên trại nuôi cá quy mô lớn.
Đến giờ, nguồn vốn khoảng 30 tỷ đồng chị đầu tư vào đây, chủ yếu là nguồn lực đã có, số đi vay chỉ là phần nhỏ. Diện tích nuôi cá độ khoảng 1 ha đã được hình thành. Xây bể đến đâu, nuôi cá đến đó, cả cá giống, cá thịt và cá sinh sản. Sau lần thiệt hại đến cả hơn hai tỷ đồng do mưa lớn kéo theo đất đá gây tắc đường nước, trại cá càng được đầu tư quy củ hơn với hệ thống chắn lũ và bơm nước tuần hoàn, dự phòng khi có lũ xảy ra vẫn luôn có nguồn nước đảm bảo cho các bể cá.
Hiện nay, trại cá nuôi khoảng 4 - 5 vạn con, một năm là có thể xuất bán, ước sản lượng khoảng từ 100 - 120 tấn cá thịt một năm, giá bán giao động từ 180.000 đồng đến 220.000 đồng/kg. Cá tầm giống nuôi từ 70 - 80 vạn con. Lợi nhuận thu về trên chục tỉ đồng mỗi năm là trong tầm tay. Trại cá của chị còn tạo việc làm cho một số lao động với mức thu nhập ổn định.
Giờ đây, ở tuổi 41, vẫn bận rộn cả với xưởng quế và trại cá cùng cả những dự định còn ấp ủ mai này cho mô hình nuôi cá tầm ngày một phát triển, người phụ nữ ấy có quyền tự hào vì những điều đã làm được. Quan trọng hơn với chị, là các con có thể ngẩng cao đầu, tự hào vì người mẹ đơn thân của chúng đã mạnh mẽ, kiên cường đến nhường nào. Đứng lên sau giông bão cuộc đời, người phụ nữ ấy không chỉ viết lên những trang mới tươi sáng cho chính cuộc đời mình mà còn là điểm tựa vững vàng cho những đứa con.
Thu Hạnh