Những ngôi nhà hạnh phúc

  • Cập nhật: Thứ năm, 3/4/2025 | 10:07:34 AM

YênBái - Thực hiện Phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”, Đề án triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2025, huyện Trạm Tấu đã phát động Phong trào thi đua "Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn.

UBND huyện Trạm Tấu khen thưởng 8 xã làm tốt công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn.
UBND huyện Trạm Tấu khen thưởng 8 xã làm tốt công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn.

Trên con đường quanh co, chênh vênh đá núi, hun hút vực sâu từ thị xã Nghĩa Lộ đi lên huyện Trạm Tấu - một trong những huyện nghèo nhất cả nước, chúng tôi không khỏi cảm thấy bồi hồi khi hướng mắt về phía xa xa, những ngôi nhà mới theo Đề án triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Yên Bái và Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát huyện Trạm Tấu năm 2025 đang được dựng lên, bên cạnh là những mảnh nương trồng ngô, khoai sọ của đồng bào Mông đang lên tươi tốt. 

Sau những vất vả mưu sinh, cuộc sống cực nhọc, thiếu thốn…, giờ đây, bà con đã có riêng cho mình một ngôi nhà kiên cố thay thế cho những mái nhà tạm đã không còn đủ sức chống chọi với gió mưa…

Căn nhà xây kiên cố vừa được xây dựng của gia đình anh Giàng A Trầu, thôn Tà Chử, xã Bản Công hôm nay đầy ắp tiếng nói cười. Bà con dân bản, họ hàng, làng xóm cùng nhau kéo đến chia vui ngày khánh thành ngôi nhà mới, không khí vui mừng, phấn khởi lan rộng khắp bản làng. Gia đình anh Trầu thuộc diện hộ nghèo của xã. Ngoài công việc làm nương, làm rẫy, thu nhập của cả gia đình chỉ trông chờ vào việc có người mướn anh đi làm thuê. Lúc thì đi cấy, đi gặt, lúc lại đào ao, xúc đất… Tuy thế, nơi thôn bản vùng cao, công việc không phải lúc nào cũng sẵn. 

Vậy nên, việc tích cóp được một khoản tiền để làm nhà mới là điều "không tưởng”. Từ khi được hưởng chính sách của tỉnh, của huyện, anh Trầu đã tranh thủ sức lao động, nhờ anh em họ hàng góp công xây dựng được ngôi nhà mới này. Anh chia sẻ: "Nhà mình nghèo quá, đi làm cũng chỉ đủ nuôi bản thân và gia đình chứ không tiết kiệm được mấy. Cảm ơn Đảng, Nhà nước đã hỗ trợ để mình có được căn nhà kiên cố như thế này. Mình biết ơn lắm!”… 

Còn đối với gia đình chị Hảng Thị Dinh, thôn Sáng Pao, xã Xà Hồ thì: "Ngôi nhà mới được hỗ trợ xây dựng chính là niềm mơ ước bao lâu nay của gia đình tôi. Từ giờ, các con tôi không còn phải chịu gió mưa, rét mướt nữa. Người dân chúng tôi không biết nói gì hơn, chỉ biết cảm ơn các cán bộ đã nhiệt tình giúp đỡ, động viên để có cuộc sống đỡ khó khăn. Ngôi nhà này sẽ là động lực để chúng tôi tích cực lao động, học tập làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo”…

Thực hiện Phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”, Đề án triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2025, huyện Trạm Tấu đã phát động Phong trào thi đua "Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn. Năm 2025, huyện phấn đấu xây mới và sửa chữa 253 nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách; trong đó có 225 nhà xây mới và 28 nhà sửa chữa. Để hoàn thành mục tiêu này, huyện đã thành lập các đoàn kiểm tra, xem xét việc rà soát của các xã, thị trấn bảo đảm đúng đối tượng, quy trình; đề ra các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà các địa phương gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện. 

Cùng với đó, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn huy động tổng lực các nguồn lực để hoàn thành việc làm nhà cho các đối tượng; phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng tổ chức, cá nhân phụ trách đến từng hộ gia đình để hỗ trợ các hộ dân trong quá trình triển khai làm và sửa chữa nhà cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng hộ. 

Anh Lại Trọng Nghĩa - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Trạm Tấu cho biết: "Thực hiện chủ trương lớn của Nhà nước, tỉnh Yên Bái và huyện Trạm Tấu, cơ quan chuyên môn chúng tôi đã lên kế hoạch chi tiết, cụ thể những công việc liên quan đến hỗ trợ làm nhà cho người dân; phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn trong việc rà soát, triển khai xây dựng, bàn giao nhà…, bảo đảm khách quan, minh bạch, đúng đối tượng”… 

Trong 253 nhà thì xã Bản Mù 27 nhà (nhà hộ nghèo); xã Bản Công 16 nhà (nhà hộ nghèo); xã Xà Hồ 16 nhà (15 nhà hộ nghèo, 1 nhà hộ cận nghèo); xã Trạm Tấu 72 nhà (70 nhà hộ nghèo, 2 nhà hộ cận nghèo); xã Túc Đán 68 nhà (67 nhà hộ nghèo, 1 nhà hộ cận nghèo)... 

Quá trình triển khai, huyện Trạm Tấu bảo đảm thực hiện đầy đủ, toàn diện, kịp thời, có hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo. Mặt khác, huy động, lồng ghép các nguồn lực để giải quyết tình trạng khó khăn về nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, giúp các hộ giảm bớt khó khăn, ổn định và nâng cao đời sống, giải quyết những thiếu hụt về nhà ở cho các hộ được hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện, góp phần giảm nghèo nhanh, nâng cao tính bền vững của hoạt động giảm nghèo. 


Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo xây mới nhà ở, huyện triển khai hỗ trợ lần đầu 70% mức hỗ trợ xây mới nhà ở sau khi hoàn thành phần móng trên cơ sở biên bản xác nhận hoàn thành theo giai đoạn; 30% còn lại sau khi các hộ nghèo, hộ cận nghèo hoàn thành công trình xây mới nhà ở trên cơ sở biên bản xác nhận hoàn thành công trình. 

Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo sửa chữa nhà ở, huyện hỗ trợ lần đầu 70% mức hỗ trợ sửa chữa nhà ở sau khi hộ hoàn thành từ 30% khối lượng công việc trên cơ sở biên bản xác nhận hoàn thành theo giai đoạn; 30% còn lại giải ngân sau khi hộ hoàn thành công trình sửa chữa nhà ở trên cơ sở biên bản xác nhận hoàn thành công trình. Đặc biệt, UBND huyện Trạm Tấu giao các xã, thị trấn chủ động vận động các nguồn lực xã hội hóa để có thể hỗ trợ thêm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo làm nhà ở trên địa bàn. 

Đối với các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có khả năng tự tổ chức làm nhà, UBND huyện giao trực tiếp cho các địa phương có trách nhiệm huy động hệ thống chính trị, tăng cường sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và cộng đồng dân cư nơi đối tượng cư trú để tổ chức làm nhà cho các đối tượng. Đồng thời, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình tích cực tham gia, chung tay, đóng góp, hưởng ứng phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát với phương châm "Ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu xóa hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 30/6/2025”… 

Đồng chí Vũ Lê Chung Anh - Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu khẳng định: "Việc xóa nhà tạm, nhà dột nát là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Đảng, Nhà nước ta, thể hiện sự biết ơn, "đền ơn đáp nghĩa” với người có công, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, "tương thân, tương ái,” "tình dân tộc, nghĩa đồng bào”; là trách nhiệm với nhân dân, nhất là những người yếu thế, khó khăn ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa... Với trách nhiệm chung, UBND huyện đã chỉ đạo quyết liệt, huy động sự vào cuộc của toàn xã hội theo tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi” của Thủ tướng Chính phủ, với quyết tâm "không để bất kỳ người dân Trạm Tấu nào phải ở nhà tạm, nhà dột nát”…

Là một địa phương nghèo, đối với huyện Trạm Tấu, các nguồn lực xã hội hóa là rất khó khăn. Vì vậy, UBND huyện đã kêu gọi sự chung tay của các tầng lớp nhân dân trong công tác này. Đối với cá nhân cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, căn cứ nhiệm vụ được giao, UBND huyện giao trực tiếp từng đầu công việc cho mỗi cá nhân. 

Cụ thể, yêu cầu mỗi người nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tham mưu cho cơ quan, đơn vị xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành hướng dẫn, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc thực hiện cơ chế, chính sách để thực hiện các chương trình mục tiêu đạt hiệu quả; gương mẫu tích cực hưởng ứng phong trào thi đua, chung tay, góp sức, ủng hộ, đóng góp thiết thực, hiệu quả trong chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát; phối hợp tuyên truyền, lan tỏa những hoạt động thiết thực, ý nghĩa của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân trong thực hiện các chương trình về xóa nhà tạm, nhà dột nát... tạo phong trào sâu rộng, thực chất, hiệu quả tại địa phương. 

Tính đến ngày 1/4/2025, huyện Trạm Tấu đã có 65/253 hộ hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát. Trong đó, có 49 nhà xây mới và 16 nhà sửa chữa. 100% số hộ còn lại đã tiến hành khởi công làm mới hoặc sửa chữa nhà. Với quyết tâm chính trị cao nhất, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, Trạm Tấu chắc chắn sẽ hoàn thành việc làm nhà cho các đối tượng xong trước ngày 30/6 năm nay theo kế hoạch. Đây chắc chắn sẽ trở thành những ngôi nhà hạnh phúc, giúp giảm bớt gánh nặng trong cuộc sống cho người dân trên mảnh đất vùng cao Trạm Tấu còn nhiều gian khó.

Thiên Cầm

Tags Yên Bái ngôi nhà hạnh phúc nhà tạm nhà dột nát Trạm Tấu

Các tin khác
Hoa sơn tra nở trắng một vùng trời Lùng Cúng.

Mỗi độ tháng Ba về, khi hoa sơn tra trắng muốt bung xòe khoe sắc cũng là lúc đỉnh Lùng Cúng khoác lên mình một tấm áo mới rực rỡ, thanh tao. Ẩn mình sâu trong lòng xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, Lùng Cúng là bức tranh thiên nhiên sống động, nơi văn hóa và thiên nhiên hòa quyện, tạo nên sức hút mãnh liệt, điểm đến yêu thích của những du khách đam mê chinh phục gần xa.

Công an xã Hát Lừu thường xuyên xuống cơ sở tuyên truyền pháp luật cho người dân.

Trong những năm gần đây, huyện vùng cao Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái đã có những bước chuyển mình rõ nét, những bản, làng đã được khoác lên mình những chiếc “áo mới”, người dân được sống cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong những ngôi nhà mới, hạnh phúc trong sự bình yên; khắp các bản làng sôi nổi thi đua xây dựng nông thôn mới.

Công an xã Túc Đán xuống từng thôn, bản để gặp gỡ, tiếp xúc tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Xuống địa bàn bám cơ sở, gần dân, dựa vào dân để làm việc, phương châm này của lực lượng Công an xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái đã và đang phát huy hiệu quả; các loại tội phạm từng bước được đẩy lùi, người dân yên tâm lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Các anh luôn là điểm tựa vững chắc của quần chúng nhân dân, được nhân dân tin yêu, quý mến.

Các thành viên Đoàn khảo sát vui mừng khi tìm thấy cây chè cổ.

Từ thông tin của người đi rừng, chính quyền địa phương, Đoàn khảo sát đã vượt núi, băng rừng để đến bên cây chè cổ trên đỉnh núi Tam Đảo thuộc địa phận xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Tham gia Đoàn, PGS. TS Hà Duy Trường, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu giống cây trồng và vật nuôi (Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên), đã khảo sát, đánh giá và phân tích tỉ mỉ quần thể cây chè cổ và đưa ra nhận định ban đầu: Đây là một giống chè Shan quý.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục