Bảo vệ vùng cá vật đẻ ở Minh Tiến: Khẩn cấp!
- Cập nhật: Thứ ba, 6/7/2010 | 10:41:54 AM
YBĐT - Điều đáng lo ngại nhất là đội quân kích điện lại xuất hiện, nguồn thủy sản của hồ Thác Bà lại một lần nữa đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Thực trạng này, YBĐT đã cảnh báo nguy cơ sử dụng mìn, kích điện, lưới vét nhằm tuyệt diệt nguồn lợi thủy sản hồ Thác Bà. Và lần này, mùa cá vật đẻ, những nỗi lo này lại càng “trầm trọng”.
Những chiếc thuyền có sử dụng kích điện bằng đầu nổ.
(Ảnh chỉ mang tính minh họa)
|
Hàng năm cứ vào độ tháng 6 - 8 những cơn lũ đổ về, là lúc cá trên hồ Thác Bà lũ lượt ngược dòng tìm về thượng nguồn vật đẻ, những ngư dân sống quanh hồ Thác Bà lại cùng nhau chài lưới tha hồ bắt cá. Thế nhưng, điều đáng buồn và lo ngại nhất là đội quân kích điện lại xuất hiện, nguồn thủy sản của hồ Thác Bà lại một lần nữa đứng trước nguy cơ cạn kiệt.
Đến hẹn lại lên
Sau cơn mưa tối ngày 28/6, đúng buổi chiều sau đó tôi cùng một số tay chài lưới thôn Làng Mang như anh Trường, anh Tuyển... có mặt tại khúc sông chảy qua địa bàn xã Minh Tiến (Lục Yên), nằm giữa 2 thôn Làng Ven và Làng Mang, đây là bãi cá vật đẻ lớn nhất trên hồ Thác Bà.
Đúng như nhận định và đó đã thành lệ, cứ hễ có lũ là những chiếc thuyền kích điện với công suất lớn lại được huy động tối đa và tập trung đánh bắt không kể ngày đêm. Trước mắt chúng tôi là con sông đục ngầu cuồn cuộn chảy, một vài tay chài lưới đang thần người ngồi bệt bên bờ sông.
Vừa nhìn thấy tôi cầm máy ảnh lên chụp thì mấy bác vội than :“ Mới đầu ra còn bắt được vài con cá diếc nhỏ, ấy vậy mà từ khi mấy chiếc kích điện đi qua là tịt hẳn. Đánh cả buổi không kiếm nổi mấy con cá nấu mẻ”, bác Tiệp, một người đi đánh cá mệt mỏi.
Bỗng từ đằng xa tiếng máy nổ ầm ầm tiến đến, bác Tiệp lại cất lời: “Đấy, mấy chiếc máy kích đó nó vừa dồn cá ngược dòng bây giờ chúng lại xuôi đấy”. Vừa dứt lời, 2 chiếc thuyền kích điện xuôi dòng và chạy qua ngay trước mặt chúng tôi. Dân chài phải cật lực quăng quật cả ngày cũng chẳng dính con cá nào nhưng những tay vợt đứng trên đầu 2 chiếc thuyền kích lại mắt trước mắt sau, quay ngang quay dọc luôn tay vớt những con cá bị dòng điện mạnh chạy qua làm chúng chết ngất và nổi phềnh lên. “Điện mạnh vậy, trâu cà còn chết nữa là cá” - anh Tuyển, cũng một dân chài nói. Đúng là đánh cá bằng kích hiệu quả gấp trăm lần các hình thức đánh bắt khác và đây chính là một sự huỷ diệt ghê gớm nhất đối với nguồn thuỷ sản của hồ Thác Bà.
Theo như lời những người dân, đây mới chỉ là thời điểm đầu của mùa lũ nên cá còn ít, chỉ vài tuần nữa thôi khi lũ to dồn dập làm nước hồ Thác Bà dâng lên ngập những cánh đồng cỏ này thì các loài cá trên hồ Thác Bà sẽ lại tụ hội về đây để vật đẻ, lúc đó số lượng thuyền kích sẽ còn xuất hiện nhiều hơn.
Theo phản ánh của người dân nơi đây thì những thuyền đánh cá bằng kích điện chủ yếu là của người dân thôn Làng Ven. Làng Ven là một trong những thôn khó khăn nhất của Minh Tiến, bởi toàn bộ đất nông nghiệp đều nằm trong diện tích ngập nước của hồ Thác Bà. Nơi đây, việc sản xuất nông nghiệp như những “canh bạc” với nước hồ, vụ thắng vụ mất.
Để đảm bảo cái ăn thì con tôm, con cá trên hồ Thác Bà đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của họ. Không những vậy, nơi đây giao thông vô cùng khó khăn, cũng là nguyên nhân kìm hãm và làm tăng thêm sự khó khăn cho cuộc sống của người dân.
Người đàn ông này đang săn cá bằng kích điện.
(Ảnh chỉ mang tính minh họa)
Cá tôm hết đường sống!
“Ngày xưa cá tôm nhiều, đánh chài, đánh lưới còn đủ sống, chứ từ ngày trên hồ Thác Bà xuất hiện mìn và kích điện thì ít lắm. Nếu chỉ trông vào chài lưới thì chỉ có đói nên chúng tôi đành liều sắm kích ra hồ bắt cá kiếm miếng vậy”, T., một dân kích nói trong buồn bã.
Chỉ vì mưu sinh mà trớ trêu thay, khi số lượng cá tôm càng giảm thì những hình thức khai thác cho sản lượng lớn xuất hiện ngày càng nhiều, thuyền kích lần lượt ra đời, theo nhẩm tính của người dân thì hiện tại thôn Làng Ven đã có gần 20 chiếc.
Vào mùa cá vật đẻ rộ những chiếc thuyền đó lại tập trung thành những hạm đội ra sức càn quét bắt sạch những con cá bố, mẹ và cả cá con. Nguồn giống bị đe dọa nghiêm trọng thì lượng cá tôm của hồ Thác Bà sẽ suy giảm trầm trọng. Ngày trước, vào mùa lũ người dân nơi đây chỉ cần cái chài, cái nơm là có thể bắt được vài chục cân cá to, đem về một khoản thu nhập hàng trăm nghìn đồng một ngày. Những năm gần đây, số lượng cá tôm đã kiệt dần. “Những năm trước cứ sắp đến mùa cá vật là chúng tôi lại thi nhau sắm chài, lưới, nơm để chuẩn bị bắt cá. Nhưng mấy năm nay hồ ít cá, đánh không được chán quá nên mấy năm nay nhà tôi chẳng sắm thứ gì để bắt cá, mà còn đâu cá để bắt...” - anh Trường bức xúc.
Mặc dù những năm gần đây, Trung tâm Thủy sản Yên Bái đã phối hợp với lực lượng Công an xã Minh Tiến để bảo vệ vùng cá vật đẻ này, nhưng vì miếng cơm manh áo, những ngư dân nơi đây vẫn bất chấp tất cả. Chỉ cần vắng bóng lực lượng quản lý là tất cả lại ra sức cày xới và cá tôm thật hết đường chạy! Một mùa cá vật đẻ nữa lại đến, những chiếc thuyền kích lại xuất hiện, một lần nữa nguồn thuỷ sản của hồ Thác Bà lại đứng trước nguy cơ tận diệt.
Để đảm bảo được nguồn thu lâu dài và bền vững cho người dân, thiết nghĩ các ngành chức năng cần có những biện pháp mạnh và quyết liệt hơn nữa. Bên cạnh đó, cần tích cực tuyên truyền để người dân tự nhận thức và có cách đối xử đúng mực nhất với nguồn thuỷ sản này. Không nên vì cái lợi trước mắt mà đang tâm hủy diệt cả một tương lai sau đó. Nếu cứ đà này, chắc chắn trong mỗi người đều phải tự hỏi rằng: Năm năm, mười năm sau nữa, hồ Thác Bà liệu có còn cá hay sẽ trở thành một “hồ chết”?
Việc cấp thiết và cũng là lâu dài là tìm giải pháp hỗ trợ phát triển ngành nghề để những người dân chài không còn phải sống bám vào mặt nước hồ. Nhưng trước hết, hãy dừng lại hành động hủy diệt này trước khi quá muộn!
Huấn Cao
Các tin khác
YBĐT - Chiếc xe đổ dốc, thời tiết vùng cao sớm hè thật mát mẻ, dễ chịu nhưng hình ảnh đám trẻ con bên nồi cơm nhà anh Vàng A Chu và chị Lù Thị Dê cứ ám ảnh mãi, cái sự đói nghèo như thể sẽ còn kéo dài phía chân trời mờ xa.
YBĐT - Hồ Thác Bà là một trong ba hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam với 16.500 ha mặt nước và 1.331 hòn đảo lớn nhỏ. Để nhường đất cho việc đắp đập ngăn sông xây dựng Thuỷ điện Thác Bà, hàng nghìn hộ dân vùng hồ đã hy sinh những mảnh đất “bờ xôi ruộng mật” để tới định cư trên những dải đất đồi gò ven hồ.
YBĐT - Trong bản chỉ cần có một đám cỗ là tất cả lũ trẻ lại bỏ học. Những ngày mưa hay vào mùa giáp hạt lớp học chỉ có vài em, đó là thực trạng của điểm trường Khe Mạ, thuộc Trường tiểu học và trung học cơ sở Tô Mậu, huyện Lục Yên (Yên Bái).
YBĐT - Vài năm trở lại đây, cứ vào mùa nước cạn, người dân ở nhiều nơi lại đổ về hồ Thác Bà đánh bắt cá, đặc biệt nghiêm trọng là họ sử dụng các phương tiện hủy diệt nguồn thủy sản trên hồ. Những người dân sống ở khu vực quanh hồ Thác Bà nói rằng, chỉ vài năm nữa nguồn thủy sản vùng hồ sẽ cạn kiệt...