Cổ tích giữa đời thường

  • Cập nhật: Thứ hai, 11/10/2010 | 9:45:25 AM

YBĐT - Có một câu chuyện nghe như cổ tích, nhưng lại hiện hữu rất thật giữa đời thường. Đó là câu chuyện về bà cụ già đã 80 tuổi và hai đứa trẻ bị bỏ rơi trong rừng sâu do những hủ tục lạc hậu đã được sống trong vòng tay yêu thương, sự đùm bọc cưu mang của những người hảo tâm ở xã Lâm Giang, huyện Văn Yên. Sự hy sinh thầm lặng và tấm lòng cao cả của họ đã thắp lên ngọn lửa về lòng nhân ái, là tấm gương sáng cho mọi người noi theo.

Trong nắng vàng thu, chúng tôi tìm đến nhà chị Lương Thị Vân ở thôn 6 xã Lâm Giang. Ngôi nhà nhỏ ẩn sau những rặng nhãn tràn ngập tiếng cười đùa của con trẻ, trong nhà không có vật gì đáng giá ngoài bức tường được trang trí bằng những tấm giấy khen của hai chị em Lương Thị Ánh và Lương Tiến Dũng. Nhìn hai đứa trẻ đang chơi đùa vui vẻ cùng trẻ con hàng xóm, ít ai biết rằng các em là những đứa trẻ bất hạnh bị chính cha mẹ đẻ của mình chối bỏ. 

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình dân tộc Tày có 8 anh chị em ở xã Phong Dụ Hạ, huyện Văn Yên, cuộc sống nghèo khó đã khiến chị Vân phải gác bỏ chuyện riêng của mình để lo miếng cơm manh áo phụ giúp bố mẹ nuôi các em.  Năm 1996 trong một lần đi thăm họ hàng ở xã Gia Hội, huyện Văn Chấn, chị Vân  gặp một bé gái 6 tháng tuổi bị gia đình bỏ ở ven đường, người em lấm lem bùn đất, tiếng khóc đã khản đặc, Chị Vân thương, bế nó lên dỗ dành, chờ mãi đến tối không thấy có ai đến nhận con, chị Vân đã đem bé về nhà nuôi và đặt tên cho bé là Lương Thị Ánh.

Mặc dù đã chăm sóc bé Ánh rất tận tình, nhưng em cứ xanh xao, vàng vọt, đến năm 2000 chị Vân đem con đi viện nhi Trung ương khám mới phát hiện ra em bị bệnh thiếu máu. Tiếp theo đó là những tháng ngày gian khổ của người đàn bà nghèo, chị Vân phải nai lưng ra làm lụng vất vả kiếm tiền để đấu tranh với bệnh tật, giành sự sống cho con mình. Bé Ánh không chỉ bị thiếu máu, phải đi truyền máu thường xuyên mà còn bị sa lá lách phải đi phẫu thuật tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Số tiền ít ỏi tích cóp trong mấy năm trời đã nhanh chóng sạch nhẵn trước bệnh tật của con.

Khi bệnh tật của bé Ánh đã tạm ổn định thì năm 2003 trong một lần đi bóc quế thuê, chị Vân lại gặp một bé trai đỏ hỏn vừa mới chào đời còn chưa được cắt rốn bị bỏ rơi dưới một gốc cây trong rừng sâu, đứa trẻ sơ sinh được đặt trên 1 tàu lá chuối tím tái vì lạnh, kiến bu đầy người, khóc không ra tiếng. Chị Vân bế đứa trẻ về nhà và lên UBND xã Phong Dụ Hạ trình báo, làm giấy khai sinh đặt tên cho em là Lương Tiến Dũng. Bố mẹ chị phản đối quyết liệt bởi chị chưa xây dựng gia đình, nhưng người phụ nữ dân tộc Tày này đã vượt qua định kiến và dư luận, quyết định không lấy chồng mà ở vậy để nuôi hai đứa trẻ.

 Cả hai bé Ánh và Dũng đều rất khó nuôi do Ánh mang bệnh trọng trong người và Dũng bị bỏ rơi ngay từ lúc mới sinh ra nên các em ốm đau thường xuyên. Ngày mỗi ngày phải lo từng miếng ăn giấc ngủ cho hai đứa trẻ, không ít đêm chị Vân phải thức trắng khi các con bị ốm phải đi viện. Năm 2004, bé Ánh  lớn và đến tuổi đi học, chị Vân đã chuyển nhà từ Phong Dụ Hạ ra xã Lâm Giang, gom góp tiền của, vay mượn của họ hàng  mua 1 căn nhà xây để thuận tiện cho con ăn học. Cả gia đình trông vào gần một sào ruộng, mỗi vụ được hơn tạ thóc, cuộc sống của 3 mẹ con hết sức khó khăn.

 Để có tiền chữa bệnh cho con và nuôi con ăn học, chị Vân phải quần quật làm đủ nghề để kiếm tiền như cấy lúa, chăn nuôi, làm thuê, hàng đêm chị phải dậy từ 2 giờ sáng để tráng bánh cuốn đem vào làng đổi gạo. Một mình xuôi ngược làm lụng để trang trải cuộc sống gia đình, chị Vân vẫn dành thời gian để bảo ban con học hành, chăm sóc con từng miếng ăn giấc ngủ. Bé Ánh sức khoẻ yếu, năm 2009 em bị gẫy tay ba lần, trường học lại xa không thể tự đi học, hàng ngày chị Vân phải đạp chiếc xe đạp cà tàng cả đi lẫn về khoảng 40 km để đưa đón hai đứa con.

Thương mẹ vất vả, những khi chị Vân vắng nhà, bé Ánh và Dũng tự bảo ban  nhau học bài, đỡ đần mẹ những việc vặt trong gia đình, dù ốm đau thường xuyên nhưng bé Ánh vẫn cố gắng vươn lên trong học tập, nhiều năm liền đạt học sinh tiên tiến.  Khó khăn vất vả chồng chất, nhưng chị Vân không bao giờ quát mắng con, chị muốn dành hết những thiếu thốn, nhọc nhằn về mình để  cho các con được sống trọn vẹn với tuổi thơ trong sự no ấm và khoẻ mạnh.

Tấm lòng nhân hậu của chị Vân như nắng ấm lan toả, sưởi ấm hai trái tim thơ dại, tiếp sức cho hai đứa trẻ lớn khôn từng ngày. Năm nay chị Vân đã 48 tuổi và vẫn sống trong cảnh “chăn đơn, gối chiếc”. Dù chưa một lần làm mẹ, nhưng chị  đã dành cả tuổi trẻ, tình yêu, tiền bạc, tất tần tật mọi thứ để nuôi dạy hai đứa trẻ thiếu may mắn. Để chữa bệnh cho con, đến nay chị Vân đã vay trên 30 triệu đồng từ các nguồn quĩ, kinh tế gia đình kiệt quệ. Bà Hoàng Thị Liên, 73 tuổi ở thôn 6 xã Lâm Giang, là hàng xóm của chị Vân cho biết: Tôi thấy chị Vân nuôi hai đứa trẻ vất vả thế mà không bao giờ mắng con, không bao giờ to tiếng hay mâu thuẫn với hàng xóm, tôi thấy nhiều gia đình không làm được như vậy đâu.

Chia tay ba mẹ con chị Vân, chúng tôi tìm đến nhà chị Lê Thị Tuyến ở thôn Khe Sẻ xã Lâm Giang, tại đây chúng tôi được chứng kiến một câu chuyện cảm động khác về lòng nhân ái. Khác với hoàn cảnh của bé Ánh và bé Dũng, cậu bé Nam dân tộc Dao đỏ ở xã Kim Sơn, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai cũng đã từng có một mái ấm gia đình. Mẹ mất khi Nam được 2 tuổi, cuộc sống mưu sinh vất vả nên em phải theo bố nay đây mai đó làm thuê kiếm sống. Năm 2009, bố Nam mắc bệnh nặng và qua đời. Mồ côi bố mẹ khi còn quá nhỏ, Nam lang thang xuống xã Lâm Giang, kiếm sống, bữa đói bữa no, quần áo không có để mặc. Do không được đi học, không biết chữ, em cũng không biết mình bao nhiêu tuổi, họ của mình là gì nữa.

Thương cảm hoàn cảnh của Nam, đầu năm 2010 em được vợ chồng anh Đỗ Văn Tuấn và chị Lê Thị Tuyến ở thôn Khe Sẻ xã Lâm Giang đón về nuôi. Được sống trong mái ấm gia đình của những người có trái tim nhân ái, Nam được ăn uống đủ đầy, được mặc quần áo mới, được hoà nhập với các anh chị em trong gia đình, Nam thấy cuộc đời mình sang một trang mới, không còn những nhọc nhằn, lo âu.

Cũng trong mái ấm của vợ chồng anh Tuấn, chị Tuyến, còn sự hiện hữu của một bà cụ có hoàn cảnh đáng thương khác, đó là cụ Phạm Thị Sơn, đây là cái tên mà Hội Người cao tuổi xã Lâm Giang đặt cho cụ. Cụ Sơn không biết mình sinh ra ở đâu, tên là gì, bao nhiêu tuổi, trong ký ức mờ nhạt cụ chỉ biết mình ở dưới xuôi. Đã 22 năm qua, cụ già lẩn thẩn này được gia đình anh Tuấn và chị Tuyến cưu mang. Nhớ lại khi đó là năm 1988, chị Tuyến gặp một cụ già rách rưới, ốm yếu, khoác bị đi lang thang ngoài đường.

Vốn tính thương người, chị Tuyến đưa cụ về nhà cho ăn uống, tắm giặt. Một ngày, hai ngày rồi một tháng trôi qua, cụ già đói rách đã khoẻ mạnh nhưng không có ý định rời khỏi nhà chị Tuyến, không có giấy tờ tuỳ thân, hỏi quê quán, gia cảnh, con cái cụ chỉ lắc đầu không biết.

Thời gian lặng lẽ trôi, đến nay đã 22 năm cụ Sơn vẫn không nhớ được điều gì về quá khứ. Gia cảnh neo đơn lại đông con, nay phải nuôi thêm một người già lẩn thẩn, cuộc sống của gia đình chị Tuyến nhiều lúc khó khăn vô cùng, hai vợ chồng phải làm cật lực để nuôi 7 miệng ăn, nhiều người cho rằng vợ chồng chị Tuyến bị hâm, bố mẹ đẻ không nuôi đi nuôi người lang thang. Gạt bỏ dư luận, vợ chồng chị Tuyến đã dành tình yêu thương, chăm sóc cụ Sơn như mẹ đẻ của mình. Sống dưới mái nhà đầy tình yêu thương của vợ chồng chị Tuyến, cụ Sơn được nhập hộ khẩu, được vào hội người cao tuổi và được xã Lâm Giang làm hồ sơ hưởng chế độ người cô đơn không nơi nương tựa. Lúc khoẻ, cụ giúp con cháu rửa bát, quét nhà. Khi trái nắng, trở trời, ốm đau, mệt mỏi, cụ được cả nhà chăm sóc, phụng dưỡng.

Cuộc sống của gia đình chị Vân, chị Tuyến còn rất nhiều khó khăn, nhưng với tình yêu thương con người, họ đã tình nguyện gắn bó cuộc đời mình với những mảnh đời bất hạnh. Ngọn lửa nhân ái từ trái tim họ đã thắp sáng tâm hồn những con người có hoàn cảnh éo le như cụ Sơn, bé Nam, bé Ánh, bé Dũng, giúp họ vơi đi những nỗi đau, vượt lên số phận, tiếp tục hồi sinh giữa tình thương và lòng nhân ái. Việc làm của họ tuy thầm lặng nhưng đẹp như câu chuyện cổ tích hiện hữu giữa đời thường, có ý nghĩa hết sức lớn lao, có giá trị nhân văn sâu sắc, góp phần giáo dục cổ vũ mọi người sống tốt hơn, làm đẹp thêm cho xã hội.

Hồng Vân

Các tin khác
Lực lượng vũ trang tỉnh biểu diễn văn nghệ phục vụ đồng bào nhân dịp mở đường lên bản Làng Giàng.

YBĐT - Sau hơn một năm “cắm” bản Tà Ghênh xây dựng cơ sở chính trị, anh đã trở thành “người mang hai họ”. Lễ nhận bộ đội Giang làm con trong gia đình họ Sùng đơn giản nhưng đậm đà tình cảm quân dân và hết sức ý nghĩa.

YBĐT - Cuối tháng 7 Dương lịch, nhờ mấy trận mưa to thì dòng Thia mới có nhiều nước hơn. Còn trước đó, dòng suối cạn chưa từng thấy trong lịch sử. Già làng Lò Văn Nhe ở bản Xa, xã Nghĩa Lợi (thị xã Nghĩa Lộ) năm nay đã 80 tuổi, là chứng nhân của bao biến đổi trên dòng suối này nói về dòng Thia với một tâm trạng đầy tiếc nuối.

Ngày mùa ở Mường Lai. (Ảnh: Thu Trang)

YBĐT - Lục Yên là một huyện miền núi của tỉnh Yên Bái, một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hoá, có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế nông nghiệp, công nghiệp nhưng đến năm 2006, tỷ lệ hộ nghèo của Lục Yên vẫn chiếm tới 47,69%.

Đội du kích Khau Phạ.
(Tranh sơn mài của Đặng trần Sơn). (Ảnh: Đình Thi)

YBĐT - Hỏi chuyện ông, tôi còn biết chính tiểu đội ông giải viên quan tư, Chỉ huy trưởng Phân khu Nghĩa Lộ Ti-ri-ông và viên quan ba, Chỉ huy phó Boa-lô.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục