Tạo dựng hình ảnh đẹp cho miền ban trắng

  • Cập nhật: Thứ ba, 19/10/2010 | 9:27:45 AM

YBĐT - Chúng tôi đến thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) giữa không khí sôi động của nhân dân các dân tộc với nhiều hoạt động chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010 - 2015. Đâu đó, một vài gia đình vừa cất xong ngôi nhà mới cũng tổ chức liên hoan văn nghệ mời bà con đến mừng bằng những câu khắp, điệu xòe rộn rã...

Vòng đại xoè đón chờ du khách.
Vòng đại xoè đón chờ du khách.

Chợ Mường Lò, một trung tâm thương mại lớn của khu vực phía tây tỉnh Yên Bái. Chợ thương mại ở đây có nét tương đồng với các chợ thời hiện đại của nhiều địa phương khác nhưng mang một nét riêng đậm đà bản sắc vùng miền không thể lẫn được. Đó là mái đình chợ nổi lên như kiến trúc một ngôi nhà sàn Tây Bắc, cổng chợ được in trang trọng hàng chữ Thái cổ phía trên dòng chữ Việt "Chợ Mường Lò”.

Vào trong chợ, mọi người được thỏa mãn trước nhiều gian hàng thổ cẩm; những hàng thuốc nam với đủ loại cây, lá hái trên rừng còn tươi nguyên hoặc mới được phơi nắng còn thơm mùi nhựa... Vào chợ nông sản, lại một nét văn hóa thương mại rất riêng của Mường Lò khiến du khách rất thích thú.

Đó là từng dãy hàng bán măng tươi theo từng bó; từng mớ hến lăn tròn trong những chiếc lá ngõa xanh non rồi bao nhiêu thứ hàng mà du khách cho là đặc sản như dế mèn, rau ban, tôm suối, cá sỉnh...

Gọi là chợ nhưng chẳng ồn ào, náo nhiệt của những câu chèo kéo khách, của những lời mặc cả đẩy đưa mà thật dễ chịu trong những câu mời chào nhẹ nhàng hoặc chỉ qua ánh mắt, nụ cười. Những người dân tộc Thái gặp bạn trong chợ vẫn giữ phong cách lịch thiệp bằng lời mời đến chơi nhà với chất giọng êm ái mà không kém nồng nhiệt: "Mứa dam cón nơ...ớ...!” (Nhớ về thăm nhau nhé!).

Tôi trộm nghĩ, có lẽ bởi cái dịu dàng của sóng lúa Mường Lò; cái thanh tao của ngòi Thia, ngòi Nung; sự bao dung của núi đồi và nét hồn hậu của người dân xứ núi đã hòa quyện làm nên bản sắc ấy trong văn hóa giao tiếp...

Làm việc với anh Nguyễn Văn Chiến - Phó phòng Văn hóa & Thông tin thị xã, tôi được biết, Thị ủy Nghĩa Lộ đã xây dựng chuyên đề về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc nằm trong tổng thể Đề án xây dựng thị xã văn hóa giai đoạn 2005 - 2015.

Đến nay, 100% thôn, bản, tổ dân phố duy trì tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Nhiều đội văn nghệ được các nghệ nhân truyền dạy để bảo tồn các giá trị văn hóa như 6 điệu xòe truyền thống, các điệu múa dân gian của dân tộc Thái, các điệu khắp nôm, khắp giao duyên, khắp mời bạn đến chơi nhà... và phối hợp mở lớp dạy chữ Thái cổ cho gần 100 cán bộ chủ chốt, thanh thiếu niên.

Góp phần khai thác, bảo tồn và phát huy vốn văn hóa đặc sắc của các dân tộc, hàng năm, thị xã thường tổ chức hội thi, hội diễn nhằm khuyến khích các nghệ nhân, những người am hiểu và say mê nghiên cứu văn hóa dân tộc; tổ chức phục dựng các lễ hội "Rằm tháng Giêng”, "Xên bản, xên mường”, "Hạn khuống”, "Síp sí” của đồng bào Thái...

Các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng, trong đó đối với các thôn, bản phải xây dựng nhà sàn văn hóa làm nơi sinh hoạt, hội họp; chỉ đạo bảo tồn, xây dựng các làng, bản dân tộc Thái với 100% làm nhà sàn truyền thống. Hầu hết các phường, xã đã bê tông hóa đường liên thôn, liên xã. Diện mạo cuộc sống mới đang từng ngày rạng rỡ trên khắp vùng Mường Lò.

Những năm tới, Thị ủy Nghĩa Lộ đề ra nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng xây dựng thị xã văn hóa. Bên cạnh các giải pháp về tăng cường nguồn lực phát triển kinh tế, Thị ủy tập trung chỉ đạo ban hành chính sách khuyến khích nhân dân sưu tầm, khai thác và phát triển vốn văn hóa dân gian truyền thống của các dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa và tham gia sáng tạo văn hóa của nhân dân.

Đặc biệt quan tâm đến một số nội dung cụ thể như: khuyến khích, động viên bảo tồn kiểu nhà sàn dân tộc Thái gắn với du lịch sinh thái tại bản làng; mở rộng giao lưu, tìm đầu ra cho sản phẩm hàng thổ cẩm, hàng thủ công mỹ nghệ gắn với mô hình làng nghề; tiếp tục gìn giữ, duy trì hình thức du lịch qua ẩm thực và tổ chức lễ hội, trò chơi dân gian trong các thôn, bản.

Đồng chí Lò Văn Ành - Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nghĩa Lợi, một trong ba xã của Nghĩa Lộ có gần 100% đồng bào Thái tỏ ý tán thành với mục tiêu, giải pháp của Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XII, nhiệm kỳ 2010 - 2015 về xây dựng thị xã văn hóa.

Vì thông qua việc bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống của dân tộc và văn hóa vùng miền sẽ góp phần loại bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thân thiện trong đồng bào các dân tộc; phòng, chống có hiệu quả các tệ nạn xã hội; tạo dựng hình ảnh con người và quê hương Nghĩa Lộ văn minh, nồng hậu, giàu lòng mến khách, có đổi mới tư duy văn hóa.

Ví dụ như ở xã Nghĩa Lợi, việc tổ chức đám cưới của dân tộc Thái đã thực sự loại bỏ một số hủ tục nặng nề như thách cưới bằng bạc trắng, bằng nhiều rượu, nhiều lợn; tục "ngái hua” được giản tiện (tức là không ăn linh đình ngày thứ ba giữa hai họ sau hai ngày cưới)... Các quy định đó đều được chỉ đạo từ Đảng ủy xã và ghi trong quy ước, hương ước của từng thôn, bản.

Đồng chí cũng mong muốn, tới đây, các tuyến du lịch đến thị xã Nghĩa Lộ sẽ được tổ chức thăm quan và sinh hoạt tại các thôn, bản. Đó chính là động lực để mỗi xã, mỗi bản đều phải cố gắng hết mình xây dựng bộ mặt nông thôn mới vừa đẹp vừa giàu và vừa được tự giới thiệu với bạn bè muôn nơi.

Tại Đại hội Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ lần thứ XII, đồng chí Đào Ngọc Dung - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái nhấn mạnh một số nhiệm vụ, trong đó mục tiêu và nhiệm vụ tổng quát là xây dựng Nghĩa Lộ trở thành một trung tâm văn hóa, thương mại và dịch vụ. Đồng thời nỗ lực xây dựng thành công thị xã Nghĩa Lộ văn hóa và thực sự là trục động lực phát triển của các huyện, thị phía tây của tỉnh Yên Bái.

Nghĩa Lộ là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc, nền văn hóa đặc sắc thể hiện đậm nét trong cuộc sống và luôn để lại trong lòng du khách những ấn tượng tốt đẹp. Với ý chí vươn lên của nhân dân cùng quyết tâm cao của cán bộ, đảng viên, việc xây dựng thành công thị xã Nghĩa Lộ văn hóa sẽ nhanh chóng trở thành hiện thực, đúng ý Đảng và hợp lòng dân.

Nguyễn Thị Thanh

Các tin khác

YBĐT - Có một câu chuyện nghe như cổ tích, nhưng lại hiện hữu rất thật giữa đời thường. Đó là câu chuyện về bà cụ già đã 80 tuổi và hai đứa trẻ bị bỏ rơi trong rừng sâu do những hủ tục lạc hậu đã được sống trong vòng tay yêu thương, sự đùm bọc cưu mang của những người hảo tâm ở xã Lâm Giang, huyện Văn Yên. Sự hy sinh thầm lặng và tấm lòng cao cả của họ đã thắp lên ngọn lửa về lòng nhân ái, là tấm gương sáng cho mọi người noi theo.

Lực lượng vũ trang tỉnh biểu diễn văn nghệ phục vụ đồng bào nhân dịp mở đường lên bản Làng Giàng.

YBĐT - Sau hơn một năm “cắm” bản Tà Ghênh xây dựng cơ sở chính trị, anh đã trở thành “người mang hai họ”. Lễ nhận bộ đội Giang làm con trong gia đình họ Sùng đơn giản nhưng đậm đà tình cảm quân dân và hết sức ý nghĩa.

YBĐT - Cuối tháng 7 Dương lịch, nhờ mấy trận mưa to thì dòng Thia mới có nhiều nước hơn. Còn trước đó, dòng suối cạn chưa từng thấy trong lịch sử. Già làng Lò Văn Nhe ở bản Xa, xã Nghĩa Lợi (thị xã Nghĩa Lộ) năm nay đã 80 tuổi, là chứng nhân của bao biến đổi trên dòng suối này nói về dòng Thia với một tâm trạng đầy tiếc nuối.

Ngày mùa ở Mường Lai. (Ảnh: Thu Trang)

YBĐT - Lục Yên là một huyện miền núi của tỉnh Yên Bái, một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hoá, có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế nông nghiệp, công nghiệp nhưng đến năm 2006, tỷ lệ hộ nghèo của Lục Yên vẫn chiếm tới 47,69%.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục