Khai Trung nơi bình nguyên xanh

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/11/2010 | 3:13:08 PM

YBĐT - Xe qua cầu Bến Lăn, con đường bê tông đưa chúng tôi ngược dốc "Ba quanh” chếch thẳng lên trời. Trên đỉnh dốc, một chiếc cổng hình vòm hiện ra với hàng chữ lớn nơi áp mái “Xã văn hóa Khai Trung”. Từ đây, con đường thoai thoải trườn xuống vùng đất bằng phẳng rồi mất hút trong màu vàng của lúa đang độ chín và màu xanh của rừng cùng sắc núi, sắc trời.

Cây đậu tương trên đất Khai Trung.
Cây đậu tương trên đất Khai Trung.

Nằm trên độ cao 700m so với mặt nước biển, xung quanh có núi đá bao bọc, xã Khai Trung (Lục Yên) trở thành một bình nguyên xanh giữa núi rừng trùng điệp. Điều đầu tiên có thể cảm nhận được ngay khi đặt chân đến đất này chính là khí hậu. Gió trời từ dưới thung lũng không thể thông thốc thổi vào Khai Trung. Trước khi đến với bình nguyên, nó phải hòa quyện với khí núi đá, tạo nên cái mát dịu luôn luôn thấp hơn 2-30C so với Lâm Thượng, Tân Lĩnh. Thế nên, có người bảo, khí hậu chính là mẹ đẻ ra màu xanh, sinh ra những làn da mịn màng của các cô gái Tày, cô gái Dao và làm nên tính tình hiền dịu của con người nơi đây.

Khai Trung còn có tên khác là Thủy Điều, nghĩa là nguồn nước điều tiết đi nơi khác. Phải chăng vì vậy mà các con suối Khai Trung - nguồn sinh thủy từ núi Măng, núi Diêm đều đổ ra Lâm Thượng, xuống Tân Lĩnh để nhập vào sông Chảy dự trữ thủy năng cho Nhà máy Thuỷ điện Thác Bà? Đến đây chỉ có hai con đường, đường mòn từ Lâm Thượng sang song phải đi bộ qua nhiều dốc, nhiều khe suối và đường từ Tân Lĩnh lên đã được bê tông hóa, ô tô có thể tới tận trung tâm xã. Ai đã đặt chân đến Khai Trung đều thán phục địa phương trong việc làm đường giao thông nông thôn.

Năm 1998, Khai Trung được Nhà nước hỗ trợ 80 triệu đồng mua thuốc nổ phá đá và bằng công sức của nhân dân mở con đường 16km từ cầu Bến Lăn vào xã. Rồi xã vận dụng phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã hoàn thành nhựa hóa cùng bê tông hóa 14km đường liên thôn. Câu chuyện lúc mới mở đường, xã trích tiền ngân sách mua 1 chiếc xe máy Minck, không với mục đích làm phương tiện đi lại mà chủ yếu lấy tiếng động cơ tác động vào giác quan mọi người để tạo niềm tin.

Nghe kể lại cứ như chuyện cổ tích... Bây giờ thì nhà nào cũng có xe máy, còn ô tô có thể chạy khắp 5 thôn, bản tựa đi trong khu du lịch sinh thái được đầu tư khá tốt về kết cấu hạ tầng. Vui chân, chúng tôi dạo qua các thôn Giáp Chảy, Khe Rùng rồi về Tác Én. Nghe bên tai, tiếng suối róc rách chảy giữa thảm lúa vàng. Những ngôi nhà sàn Tày ẩn hiện sau tán cọ trung du và những ngôi nhà của người Dao nép mình bên rừng quế tỏa hương thơm ngát. Hấp dẫn nhất vẫn là rừng sồi nguyên sinh diện tích khoảng 5 ha với những thân cây thẳng vút, lá to mỡ màng. Đây cũng là khu rừng duy nhất ở huyện Lục Yên và của tỉnh Yên Bái còn lưu giữ được nguồn gen quý hiếm.

Gặp Phùng Thừa Lâm - Bí thư Đảng bộ xã, anh có già hơn lần gặp trước nhưng tính tình vẫn hồn nhiên, cởi mở như xưa. Nắm chặt tay tôi, người cán bộ dân tộc Dao hồ hởi: “Thế là lại đến với Khai Trung rồi nhé, mọi người vẫn nhớ như in lời nhà báo hẹn Năm sau mùa măng đắng/Cho anh gửi cơi trầu đấy!”. Thời gian trôi nhanh thật, thoắt cái đã hơn chục năm trời. So với năm 1999, lần đầu đến đây thì cảnh sắc, con người đã đổi thay nhiều lắm. Khai Trung vẫn là nơi cư trú của đồng bào hai dân tộc Tày và Dao song dân số toàn xã bây giờ đã tăng lên 1.148 khẩu với 234 hộ.

Các thôn Giáp Luồng, Giáp Chảy, Giáp Cay, Khe Rùng, Tác Én đều có Chi bộ Đảng và ra mắt Làng văn hóa. Năm 2005, địa phương cũng ra mắt xây dựng Xã văn hóa, phấn đấu được công nhận đạt chuẩn cấp tỉnh vào thời gian tới. Vui mừng nhất là điện lưới quốc gia sớm về đến xã, ánh sáng văn minh thay thế cho ngọn đèn dầu, soi tỏ khắp sàn trên ngõ dưới.

Có điện, 100% số hộ mua sắm được phương tiện nghe nhìn để không bị “đói” thông tin. Rồi viễn thông cũng dựng cột, phủ sóng và trên 90% hộ gia đình hòa mạng thuê bao điện thoại bàn hoặc điện thoại di động. Ở thôn Giáp Luồng, một ngôi nhà sàn văn hóa được dựng lên làm nơi đón khách và giao lưu trong những ngày xuân hay ngày hội. Trước sân còn có cả khoảng đất rộng và phẳng là sân bóng đá, bóng chuyền đồng thời rộng mở vòng xòe đêm lửa trại dịp khai mạc “Tuần Văn hóa - Du lịch Khai Trung”.

Còn 5 thôn đều có nhà văn hóa, dẫu không cửa kính, sàn hoa cũng cột gỗ, tường xây chắc chắn. Bao nhiêu cuộc họp thôn, phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc hay sinh hoạt hè cho các cháu thiếu nhi đều được tổ chức tại nơi này. Hội thi văn hóa nghệ thuật quần chúng của huyện Lục Yên năm vừa qua, xã góp mặt bằng tiết mục hát đối của người Dao đỏ. Việc lưu giữ văn hóa truyền thống không chỉ ở duy trì các phong tục tốt, các lễ tiết cổ truyền mà còn làm cho bản sắc văn hoá không mai một. Chính vì vậy, một lớp hát dân ca dân tộc Dao đã được tổ chức cho 15 học viên là các cháu thanh, thiếu niên và tiến tới cũng khôi phục lại hát giao duyên của người Tày nữa.

Đến Khai Trung, điều mừng nhất là xã vùng ba đặc biệt khó khăn này đã ra khỏi Chương trình 135 từ kết thúc giai đoạn I. Thành tích này có được là do quyết tâm của Đảng bộ xã tập trung lãnh đạo bảo đảm cho kinh tế phát triển đúng định hướng, thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững. Đất của xã không rộng, tổng diện tích tự nhiên chỉ có 1.293,19 ha, trong đó đất nông nghiệp là 354,48 ha, còn lại là đất lâm nghiệp và đất khác.

Bên cạnh việc trồng và bảo vệ trên 800 ha rừng giữ cho màu xanh bình nguyên, xã còn mạnh dạn xóa ruộng 1 vụ, chuyển sang canh tác 2 vụ và có đến 6 - 7 ha hằng năm sản xuất 3 vụ. Diện tích gieo cấy lúa nước cả năm thường xuyên đạt 78 ha, ngô 60 ha và ngót 150 ha đậu tương, lạc cùng các loại cây màu khác. Khoa học kỹ thuật được áp dụng, năng suất cây trồng tăng lên và bình quân lương thực đầu người hiện nay là 452 kg. Cái tiến bộ của Khai Trung là sớm chuyển dần từ kinh tế tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa. Ngoài thóc, ngô, đậu tương là mặt hàng nông sản hấp dẫn người mua, địa phương cũng tận dụng lợi thế vùng cao để đẩy mạnh chăn nuôi gia súc và gia cầm. Tổng đàn trâu bò bây giờ trên 400 con, đàn lợn 850 con và gần 4.000 gà, vịt. Không ít nhà đã biết đắp đập, đào ao để nuôi loại cá bỗng đặc sản mang lại lợi nhuận cao.

Trong cộng đồng người Tày, người Dao xuất hiện nhiều hộ có thu nhập 30 - 40 triệu đồng/năm như hộ ông Bàn Văn Đức ở thôn Tác Én; ông Đặng Văn Châu ở thôn Khe Rùng; ông Nguyễn Văn Khuých, ông Hoàng Văn Chỉ ở thôn Giáp Chảy... So với nhiều xã vùng ba, tỷ lệ hộ nghèo của Khai Trung cũng giảm, đạt mức lý tưởng 12,23% và phấn đấu còn 6% vào năm 2015. Riêng xóa nhà dột nát cho hộ nghèo theo Quyết định 167 của Chính phủ thì tháng 10 - 2010 đã dựng xong ngôi nhà cuối cùng. Kinh tế phát triển, giáo dục và y tế càng được quan tâm. Vào năm 2005, xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế và phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở. Các tiêu chí luôn được duy trì và giữ vững đồng thời là chỉ tiêu chủ yếu được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XX để thực hiện.

Ở Khai Trung, qua một số lần khảo sát, người ta đã tìm thấy nhiều vật dụng liên quan đến niên đại nhà Trần. Phải chăng, nơi đây trước kia đã từng là nơi luyện binh của ông Hoàng Bẩy Trần Nhật Duật trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông? Cùng với những cảnh đẹp như: hang Sơn Dương, thác Nậm Rù, đỉnh Tắc Én... nơi cao xanh Thủy Điều đã được liên kết trong tua du lịch thăm chùa São, đền Đại Cại, hội chọi trâu hằng năm của huyện Lục Yên cùng Chương trình du lịch về cội nguồn giữa 3 tỉnh Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai. Khai Trung đang tiềm tàng nhiều cơ hội để phát triển. Hôm nay đây, ngồi nhấp chén rượu ngô dưới mái nhà sàn, nghe câu khắp Tày mà lòng vương vấn như buộc lạt: “Nếu anh không ngại lội qua mười ba dòng suối, không ngại vượt qua mười sáu ngọn núi, theo em về bên này, em sẽ làm mai cho”.

Và trong tôi, tứ thơ viết năm xưa bừng thức dậy:

"Năm sau mùa măng đắng
Cho anh gửi cơi trầu
Khai Trung đến lần đầu
Nghe rưng rưng lòng hát".

 Thế Quynh

Các tin khác
Sớm mai trên hồ Thác Bà.

YBĐT - “Chuyện làm ăn không có gì to tát, quá sức, đều là những cái mà Mỹ Gia đã có, đang có. Khó không bó khôn, ý chí của lãnh đạo địa phương cũng là ham muốn của bà con các dân tộc!”.

Vòng đại xoè đón chờ du khách.

YBĐT - Chúng tôi đến thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) giữa không khí sôi động của nhân dân các dân tộc với nhiều hoạt động chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010 - 2015. Đâu đó, một vài gia đình vừa cất xong ngôi nhà mới cũng tổ chức liên hoan văn nghệ mời bà con đến mừng bằng những câu khắp, điệu xòe rộn rã...

YBĐT - Có một câu chuyện nghe như cổ tích, nhưng lại hiện hữu rất thật giữa đời thường. Đó là câu chuyện về bà cụ già đã 80 tuổi và hai đứa trẻ bị bỏ rơi trong rừng sâu do những hủ tục lạc hậu đã được sống trong vòng tay yêu thương, sự đùm bọc cưu mang của những người hảo tâm ở xã Lâm Giang, huyện Văn Yên. Sự hy sinh thầm lặng và tấm lòng cao cả của họ đã thắp lên ngọn lửa về lòng nhân ái, là tấm gương sáng cho mọi người noi theo.

Lực lượng vũ trang tỉnh biểu diễn văn nghệ phục vụ đồng bào nhân dịp mở đường lên bản Làng Giàng.

YBĐT - Sau hơn một năm “cắm” bản Tà Ghênh xây dựng cơ sở chính trị, anh đã trở thành “người mang hai họ”. Lễ nhận bộ đội Giang làm con trong gia đình họ Sùng đơn giản nhưng đậm đà tình cảm quân dân và hết sức ý nghĩa.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục