Suối nguồn chảy mãi

  • Cập nhật: Thứ sáu, 19/11/2010 | 8:52:13 AM

YBĐT - Sau một đêm ở Trường Tiểu học An Lương (Văn Chấn), hôm sau, tôi theo chân thầy Hà Tý - Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Lương lên điểm trường Suối Dầm. Lên Suối Dầm, cảm nhận đầu tiên đó là thời tiết. Chỉ cách nhau không xa nhưng ở dưới trung tâm xã An Lương nóng bức, ngột ngạt thì ở đây gần 10 giờ sáng mà sương mù vẫn phủ kín, trời se lạnh cho dù đang mùa hè.

Một tiết học của học sinh vùng cao. (Ảnh: minh họa)
Một tiết học của học sinh vùng cao. (Ảnh: minh họa)

Gần đến giờ tan học, thầy và trò trên lớp đang tiết học cuối. Tiếng thầy đọc trước, tiếng học trò đồng thanh tiếp sau. Giọng đọc của các em còn ngọng quá!... Chúng tôi đành chờ. Tan học, học sinh ùa ra khỏi lớp. Những em bé dân tộc Mông váy áo sặc sỡ sau khi xếp hàng chào thầy tỏa các ngả đường như đàn chim non ríu rít về tổ.

- Trời ơi, quý hóa quá! Tôi biết chú lên công tác ở trường từ hôm qua, muốn xuống tận trường để đón chú lên trên này chơi với tụi anh nhưng việc bận quá còn chưa xuống được.

Tôi nắm chặt tay anh:

- Em đã vào đến An Lương thì không thể không lên Suối Dầm thăm anh và các bạn.

Là thầy giáo đã có gần 30 năm trong ngành, thầy Chung được anh em giáo viên trên bản gọi bằng "bố" xưng "con". Cùng xa nhà nên mọi người góp gạo thổi cơm chung như một gia đình thực sự. Anh phân công các thầy vào bếp chuẩn bị cho bữa trưa, tôi cùng mấy anh em xuống bếp. Nhìn bếp nấu cơm của các thầy giáo ở đây tôi lại liên tưởng đến cái "bếp Hoàng Cầm" trong kháng chiến: bếp của các thầy giáo Suối Dầm cũng được đào sâu vào trong ta luy sau nhà lợi dụng vách núi để làm vách bếp và 2 tấm phibrôximăng đặt trên nóc để thầy giáo sinh hoạt cho cả tuần xa nhà. Bữa cơm trưa nơi vùng cao thôi thì đủ món rau rừng mà các thầy mới kiếm được tối qua. Nào hoa chuối, rau cải đắng mà người Nghĩa Lộ gọi đó là cải mèo, cá khô, món mặn chủ đạo mà thầy giáo nào khi xuống núi đều phải mua lên để dự trữ làm thức ăn cho cả tuần trên núi.

- Chú lên đây với bọn anh là thượng khách đấy, chứ ở đây anh em chú cháu bọn tôi cả tuần không hề gặp mặt được một người khác ngoài mấy thầy trò, còn bà con thì đi nương tối ngày mới về, thậm chí vào mùa họ còn ở hẳn trên nương mấy ngày mới về nhà - thầy Chung tâm sự.

Thầy Vương, quê Thái Bình đã mấy năm công tác ở đây, tiếp lời:

- Đáng lẽ, theo kế hoạch giáo viên phải thay nhau lên nơi khó khăn của trường để dạy nhưng anh thấy đấy, đường sá khó khăn mà chị em lại còn con nhỏ đưa lên đây thì tội lắm nên con trai bọn em đành xung phong cắm lại. Khó khăn thì cùng nhau khắc phục, được cái bố con hiểu nhau nên nhiều khi cũng đỡ nhớ nhà.

Điểm trường là một dãy nhà mới xây với 2 phòng học khang trang nằm cheo leo giữa lưng chừng đồi, thay thế căn nhà tranh ọp ẹp trước đây dân bản dựng lên cho con em họ biết được cái chữ. Sau khi có dịp đi thăm thú quanh trường, thầy Tý, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Lương cho biết:

- Điểm trường này Nhà nước mới quan tâm đầu tư xây dựng, chỉ có 2 phòng học, 1 gian nhà công vụ cho giáo viên nhưng giá thành lên đến hơn 1,2 tỷ đồng đấy!

Cũng phải thôi, lên điểm trường này đường đi đã khó mà toàn bộ vật liệu xây dựng đều phải chuyển nhờ đường từ Văn Yên sang đến trung tâm còn từ trung tâm xã An Lương lên đến điểm xây trường toàn bộ bằng sức người mang vác, hơn thế nữa thợ xây vào đến đây thì công xây dựng trả cho họ cũng không hề rẻ.

Đường đến trường. (Ảnh: Văn Tuấn)

Với 2 gian phòng học nhưng với sự sáng tạo của các thầy, nó được sử dụng cho bốn lớp học từ lớp 1 đến lớp 4: một phòng rộng được dành cho lớp ghép 2 và 3, phòng kia còn lại được ngăn đôi bởi một tấm bạt một nửa cho lớp 1 còn một nửa dành cho lớp 4, phòng học cũng được trang trí đầy đủ như các lớp khác theo đúng yêu cầu của Phòng Giáo dục huyện.

Suối Dầm là một bản nghèo của An Lương, người dân ít có điều kiện giao lưu, học hỏi với bên ngoài. Khi cái ăn không đủ, không chỉ việc học của trẻ mà mọi vấn đề khác cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Chắc rằng người dân cũng đã phần nào nhận ra sự cần thiết của cái chữ, nhưng cuộc sống của họ còn bị ghìm quá chặt bởi nỗi lo sinh kế hàng ngày. Tuy nhiên, học sinh nghỉ học không chỉ vì nguyên nhân nghèo đói mà còn do những tập tục lạc hậu của cộng đồng.

Là điểm trường khó khăn trong các điểm trường ở An Lương, Suối Dầm thu hút trên 100 học sinh dân tộc Mông từ lớp 1 đến lớp 4 theo học, việc duy trì sĩ số không hề đơn giản.

Ba thầy cắm bản, một người dân tộc Mường ở Phúc Sơn, một dân tộc Thái ở xã Sơn Lương cùng ở huyện Văn Chấn, một thầy quê tận Thái Bình. Nhớ lại những ngày đầu đi vận động học sinh ra lớp, thầy Chung tâm sự: Chỉ có tình thương và sự tâm huyết với nghề mới giúp chúng tôi đứng vững ở nơi "rừng thiêng, nước độc" này. Khi mới nhận công tác trên bản, việc vận động các gia đình cho con em đến lớp thực sự vất vả. Đến từng gia đình có trẻ em trong độ tuổi đi học là mình lại kết hợp với trưởng thôn để thuyết phục phụ huynh, một lần không được thì hai, ba lần, mãi rồi họ cũng chịu đồng ý.

Thầy Thành lại pha trò: Bọn em ở đây tuy cuộc sống gặp khó khăn nhưng ở bản này với trung tâm An Lương cuộc sống không khác nhau là mấy, đôi khi bọn em còn sướng hơn ở trung tâm vì được cái không khí mát mẻ, mỗi lần về trung tâm họp trao đổi chuyên môn hay báo cáo cứ như mình ở Sa Pa về vùng thấp ấy chứ!

Cái khó khăn với các thầy ở đây chính là giao tiếp. Chỉ có thầy Chung là lão tướng nên có biết đôi chút tiếng Mông. Vậy, làm sao để giao tiếp với đồng bào và truyền đạt kiến thức cho các em một cách dễ hiểu nhất? Đó luôn là những trăn trở của thầy Thành trong những ngày đầu đến nhận công tác tại điểm trường Suối Dầm. Do vậy mỗi khi cần từ mới thì thầy Chung lại chính là trợ giảng đắc lực. Dần dà các thầy tự học nhau và học ở những người dân xung quanh nên cũng có được một số vốn tiếng Mông để giao tiếp với học sinh mới ra lớp...

Thầy Chung tâm sự:

- Học sinh khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, thương cho các em nhỏ mỗi ngày cứ phải trèo đèo lội suối để đến trường. Trời rét căm căm mà có em phong phanh một cái áo thậm chí chả có cái cúc nào, mặt mày tím tái. Đến trưa có em gục xuống bàn vì đói. Lúc đó, đứng trên bục giảng mà nước mắt mình cứ rơi. Thương các em, các thầy lên kế hoạch mỗi lần về nhà lên trường ai cũng phải góp một kiện mì tôm, số đó mình ăn thì ít còn úp cho học sinh ăn thì nhiều. Các em lên lớp không hề có sách, vở, bút, mực..., các thầy cũng mua từng hộp bút, từng tập vở cho. Con số cứu trợ này nếu chỉ tính một tuần thì chẳng là bao nhưng 9 tháng học cũng không phải là ít. Ngoài ra, mỗi thầy còn phải nhận đỡ đầu 2 học sinh đặc biệt khó khăn của Phân hiệu này.

Kỷ niệm với các thầy còn là những lần cắt tóc, tắm rửa cho các em với tình thương yêu, đùm bọc những con người có cuộc sống khó khăn nhưng hết mình vì nghề nghiệp vì các em nhỏ. Chính những tình cảm đó đã giúp các thầy vượt qua tất cả, dành trọn tâm huyết và nghị lực cho con chữ nơi bản nghèo.

Mấy anh em đang chuyện trò rôm rả thì câu chuyện bị đứt quãng bởi một chàng trai Mông đứng sững ngay cửa, anh ta giơ chiếc vỏ chai nước giải khát ra nói:

- Thầy giáo à, xe tao hết xăng rồi, thầy giáo cho tao vay để đi chợ, lúc về tao mua về cho!

Thầy Vương liền ra xe máy của mình dùng dây ti-ô nhựa hút xăng và không quên dặn phải mua về trả cho thầy giáo vì nếu không thì không đủ xăng để về Nghĩa Lộ vào ngày mai.

Những thầy giáo ở đây là thế, từ lâu họ đã như anh em một nhà với bà con dân bản. Thiếu thốn vật chất và các tiện nghi tinh thần, nhưng bù lại các thầy được an ủi bởi tình cảm mà bà con Suối Dầm đã dành cho. Thấy các thầy không có điện, bà con có điện nước cho các thầy một bóng, có hoa quả tươi khi ở rừng về, thậm chí là bát cơm mới bà con cũng không quên mời thầy giáo cùng ăn.

Khó khăn là thế nhưng tất cả giáo viên, những ai đã đến và gắn bó với Suối Dầm vẫn ngày đêm miệt mài gieo con chữ như suối nguồn tiếp sức cho thế hệ tương lai nơi vùng cao khó khăn này.

Xuân Tình

Các tin khác
Cây đậu tương trên đất Khai Trung.

YBĐT - Xe qua cầu Bến Lăn, con đường bê tông đưa chúng tôi ngược dốc "Ba quanh” chếch thẳng lên trời. Trên đỉnh dốc, một chiếc cổng hình vòm hiện ra với hàng chữ lớn nơi áp mái “Xã văn hóa Khai Trung”. Từ đây, con đường thoai thoải trườn xuống vùng đất bằng phẳng rồi mất hút trong màu vàng của lúa đang độ chín và màu xanh của rừng cùng sắc núi, sắc trời.

Sớm mai trên hồ Thác Bà.

YBĐT - “Chuyện làm ăn không có gì to tát, quá sức, đều là những cái mà Mỹ Gia đã có, đang có. Khó không bó khôn, ý chí của lãnh đạo địa phương cũng là ham muốn của bà con các dân tộc!”.

Vòng đại xoè đón chờ du khách.

YBĐT - Chúng tôi đến thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) giữa không khí sôi động của nhân dân các dân tộc với nhiều hoạt động chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2010 - 2015. Đâu đó, một vài gia đình vừa cất xong ngôi nhà mới cũng tổ chức liên hoan văn nghệ mời bà con đến mừng bằng những câu khắp, điệu xòe rộn rã...

YBĐT - Có một câu chuyện nghe như cổ tích, nhưng lại hiện hữu rất thật giữa đời thường. Đó là câu chuyện về bà cụ già đã 80 tuổi và hai đứa trẻ bị bỏ rơi trong rừng sâu do những hủ tục lạc hậu đã được sống trong vòng tay yêu thương, sự đùm bọc cưu mang của những người hảo tâm ở xã Lâm Giang, huyện Văn Yên. Sự hy sinh thầm lặng và tấm lòng cao cả của họ đã thắp lên ngọn lửa về lòng nhân ái, là tấm gương sáng cho mọi người noi theo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục