Con người của đam mê và khát vọng
- Cập nhật: Thứ năm, 12/5/2011 | 9:20:59 AM
YBĐT - Ngồi trước mặt chúng tôi, trong căn phòng đủ tiện nghi làm việc của thời đại công nghệ thông tin phát triển là Giám đốc Nguyễn Hồng Quang - người sáng lập ra doanh nghiệp Quang Thịnh nổi tiếng ở vùng núi phía tây của tỉnh Yên Bái.
Giám đốc Nguyễn Hồng Quang tại buổi lễ trao tặng giải thưởng “Doanh nhân Văn hóa”.
|
Không hiểu sao con người và doanh nghiệp của anh cứ ám ảnh mãi đối với tôi để trong cái ngày mưa mù trời tôi phải phóng xe vượt hơn ba mươi cây số đường đèo quanh co nguy hiểm để đến với anh.
Ngồi trước mặt chúng tôi, trong căn phòng đủ tiện nghi làm việc của thời đại công nghệ thông tin phát triển là Giám đốc Nguyễn Hồng Quang - người sáng lập ra doanh nghiệp Quang Thịnh nổi tiếng ở vùng núi phía tây của tỉnh Yên Bái.
Trong vòng mười năm kể từ ngày doanh nghiệp tư nhân Hồng Quang thành lập và chính thức đi vào hoạt động (ngày 30/4/2001), đến năm 2004 chuyển thành Công ty cổ phần Quang Thịnh, doanh nghiệp đã được tặng thưởng hầu hết các giải thưởng dành cho giới doanh nhân từ "Cúp vàng doanh nghiệp tiêu biểu Việt Nam", "Siêu cúp thương hiệu mạnh và phát triển bền vững" đến giải Vàng "Doanh nghiệp nổi tiếng thời mở cửa và hội nhập" rồi giải Vàng "Lãnh đạo xuất sắc", "Doanh nhân cựu chiến binh xuất sắc trên mặt trận kinh tế"...
Một doanh nghiệp và doanh nhân như thế đã là thành đạt, nhưng cho mãi đến tận bây giờ tôi vẫn chưa lý giải được đầy đủ làm sao trong con người anh lại có những khát vọng và đam mê dữ dội đến như thế bởi lẽ gặp nhau lần nào cũng thấy từ con người anh toát ra sự "cuồng nhiệt" làm kinh tế và cả những hăm hở tiến về phía trước.
Và cũng bằng mọi cách vẫn không thể nào lý giải nổi vì sao một người như anh còn đang phải căng sức để học (mặc dù anh đã có được tấm bằng trung cấp quản lý kinh tế, trung cấp kỹ thuật và cả bằng lý luận chính trị) để làm ăn lại biết trân trọng và tin vào khả năng sáng tạo, nghị lực cùng nỗi nhọc nhằn đầy tự nguyện của gần bốn trăm con người để có được tầm nhìn và bước đi mạnh bạo đến nhường ấy.
Nhớ có một lần nào đó anh nói với tôi rằng: Đời tôi, đời vợ tôi, con tôi cũng đã từng có một thời nếm trải cay đắng đói khổ chẳng thể nào quên. Năm 1971, anh Nguyễn Hồng Quang và chị Nguyễn Thị Quý (vợ anh bây giờ) là công nhân quốc phòng thuộc binh trạm 17 Quảng Trị làm nhiệm vụ chiến đấu, mở đường, cáng thương cho quân chủ lực tiến vào giải phóng miền Nam. Cũng những năm chiến đấu ác liệt ấy anh chị đã bén duyên nhau. Năm 1973, hoàn thành nhiệm vụ được giao phó hai người trở về quê cưới nhau.
Xây dựng gia đình được 6 tháng thì bố anh Quang ở chiến trường C được phục viên về quê. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giải phóng miền Nam vẫn đang diễn ra ác liệt, tháng 8/1973 Nguyễn Hồng Quang lại tình nguyện nhập ngũ. Anh được phiên chế vào đơn vị C4 D54 F320 sau đó anh được cử đi học Trường sỹ quan Pháo binh.
Ra trường anh lại trở về đơn vị và được cấp trên giao trọng trách trung đội trưởng trung đội pháo binh và được trực tiếp tham gia chiến đấu trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam. Cuộc kháng chiến thần thánh chống Mỹ cứu nước thắng lợi hoàn toàn, đất nước thống nhất, năm 1977, Nguyễn Hồng Quang được chuyển ngành và theo học Trường trung cấp Kỹ thuật I thuộc Bộ Công nghiệp.
Năm 1982 về công tác ở Xí nghiệp chè Trần Phú (huyện Văn Chấn). Đây là năm đất nước ta khó khăn nhất kể từ ngày chiến tranh kết thúc. Những năm tháng "gạo châu" "củi quế" mọi thứ chi dùng cho cuộc sống hàng ngày đều phải phân chia theo tem, phiếu. Những tháng ngày thiếu đói cơ cực cứ bám lấy vợ chồng anh như một định mệnh. Một câu hỏi cứ lật đi lật lại mãi trong anh: ta đã hy sinh tất cả kể cả máu và nước mắt để giành lấy độc lập và hòa bình thống nhất, nhưng có độc lập thống nhất rồi lại cứ cam chịu đói khổ mãi sao?
Sinh ra và lớn lên trên vùng đất lam lũ Thái Bình, chàng thanh niên Nguyễn Hồng Quang đã theo cha anh vật lộn với nhiều nghề, nhiều việc để mưu sinh và tồn tại. Phải chăng cái hồn của đất sa bồi nghìn năm lấn biển, cái mộc mạc chắt chiu tần tảo đã thấm vào huyết mạch của anh từ thuở ấy. Khi được người anh em cùng xí nghiệp nhường cho một mảnh đất đồi để vợ chồng làm cái nhà lấy chỗ chui ra, chui vào ở cái thung lũng khuất nẻo phía sau Quang đã tìm ra được lời giải cho câu hỏi vẫn lật đi, lật lại trong đầu anh tự hôm nào.
Chao ôi đất này, củi này, than này ta lại không biến nó thành gạch, thành tiền để mà sống, để làm được cái nhà mà ở hay sao? Thế là anh trở thành đội trưởng sản xuất gạch của Xí nghiệp Trần Phú và là người thợ đốt lò ngày ấy.
-Vâng, tôi là anh thợ đốt lò ngày ấy.
Anh thừa nhận điều đó với một niềm tự hào không hề che giấu bởi đội sản xuất của anh đã ăn nên làm ra cho xí nghiệp. Nhưng có một điều mà hình như anh chưa chịu thừa nhận về mối liên quan máu thịt giữa cái lò gạch năm ấy với cái cơ ngơi hoành tráng của doanh nghiệp Quang Thịnh hôm nay.
Hẳn anh hiểu điều tôi muốn nói không phải là những viên gạch trong cái lò thủ công hôm nào ở Xí nghiệp chè Trần Phú với viên gạch được sản xuất bằng dây chuyền công nghệ tiên tiến hôm nay. Dù anh có thừa nhận hay không thì tôi vẫn quả quyết sự thành công của cái lò gạch thủ công ở thời điểm khó khăn nhất đã thai nghén cho những ý tưởng mới sau này của anh, nó như một thứ men say cất lên từ những tinh túy của một dân tộc biết chịu đựng và hy sinh, giàu lòng bao dung nhân hậu, đắm say trong khát vọng trường tồn và phát triển, không chịu thua kém một dân tộc nào trên cõi đời này.
Lần này thì khác quá rồi, trụ sở của Công ty đã là khu nhà 5 tầng sừng sững mọc lên giữa bốn bề núi non trùng điệp khiến cho không chỉ tôi mà bất cứ ai đi qua vùng núi này cũng phải chiêm ngưỡng và thán phục. Anh bạn đi cùng nói rằng cho đến thời điểm hiện nay chưa có một Công ty nào trong tỉnh (Yên Bái) có được cái cơ ngơi như của Công ty Quang Thịnh (Văn Chấn). Đó không chỉ là nơi làm việc điểm giao dịch, là biểu tượng của sự phát triển và tăng tiến của doanh nghiệp mà còn là biểu tượng của khát vọng và sự đam mê của những con người ở đây. |
Mốc lịch sử trong cuộc đời doanh nhân của vợ chồng Nguyễn Hồng Quang và Vũ Thị Quý bắt đầu từ tháng 6 năm 2001 khi anh quyết định thành lập Doanh nghiệp tư nhân Quang Phú với ngành nghề sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, tư vấn thiết kế thi công các công trình dân dụng giao thông, thủy lợi.
Nhưng cái mốc quan trọng hơn lại là điều anh chị nhận ra từ mặn mòi của những giọt mồ hôi bên cái lò gạch thủ công, từ nỗi đau khi chạm vào lòng tự trọng của anh, của dân tộc đã từng làm cho thế giới phải kinh ngạc và ngợi ca về lòng quả cảm và đức hy sinh để giải phóng đất nước mình mà lại phải vác rá đi vay từng hạt ngô về cầm lòng khi đói bụng, của những chiều ngồi nhìn vợ đói khi vừa mới sinh con. Phải chăng ấy là điều ta có thể làm được tất cả những điều ta vẫn khát khao bằng chính tâm lực và trí tuệ của ta nếu ta có đủ quyết tâm, nghị lực và sự đắm say.
Anh nhớ đến từng con số lẻ 409 triệu đồng, chắt chiu, vay mượn để khởi nghiệp, 5 năm sau, Doanh nghiệp tư nhân Quang Phú đã có lưng vốn và tên tuổi. Cái mốc lịch sử thứ 2 đó là năm 2005 anh quyết định chuyển doanh nghiệp tư nhân Quang Phú thành Công ty cổ phần Quang Thịnh. Cuối năm ấy anh lập dự án xây dựng dây chuyền sản xuất gạch tuy nen với công suất 15 triệu viên năm vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng.
Trong căn phòng làm việc, Nguyễn Hồng Quang dẫn chúng tôi đi từ miền xa ngái nhọc nhằn đến vị thế đầy kiêu hãnh hôm nay. Anh đưa cho xem biểu tổng hợp 10 năm hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty khiến tôi phải thán phục vì một doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn một huyện miền núi doanh thu năm 2002 mới có 533.000.000 đồng, năm 2010 đã nâng lên 48 tỷ 550 triệu đồng, nộp ngân sách từ 86 triệu năm 2005 lên 2 tỷ 550 triệu đồng năm 2010.
Điều quan trọng nữa là tạo công ăn việc làm cho gần 400 người với mức thu nhập bình quân 2 triệu 200 nghìn đồng một tháng. Những hiệu quả kinh doanh như thế ở nơi nào đấy đã là mừng lắm, còn ở vào một địa bàn miền núi, không ít nơi còn đượm vẻ hoang sơ như địa bàn của anh thì những con số ấy thật sự tỏa sáng lung linh.
- Năm 2006 suy tính thế nào mà anh dám quyết định vay hàng chục tỷ đồng để đầu tư cho dự án xây dựng dây chuyền sản xuất gạch tuy nen. Có phải là cú chơi mạo hiểm không? Hay cũng bởi từ viên gạch ở lò thủ công anh đã đam mê ngày nào mà anh nghĩ đến viên gạch lò tuy nen? Vốn là một con người sôi nổi, hăng hái, luôn hướng về phía trước anh trả lời rằng có tất cả những cái đó nhưng hoàn toàn không có chút nào mạo hiểm mà đó là cái đầu của nhà doanh nghiệp, cái mánh lới của thương trường.
Có thể anh cũng giống như tôi đã từng lắng nghe rồi tấm tắc khen mãi cái ông Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp ngày nào trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội ở Hội trường Ba Đình về chuyện mấy cái lò gạch thủ công. Thấp thỏm lo cho ông, làm sao lại bắt một ông Bộ trưởng phải trả lời về mấy cái lò gạch thủ công. Thế mà ông trả lời thật suôn sẻ, người chất vấn thì hởi lòng hởi dạ.
Lãnh đạo huyện Văn CHấn và Công ty thăm quan dây chuyền sản xuất của Nhà máy gạch Tuynel II.
Trả lời được vì khói của cái lò gạch thủ công nó làm hỏng mất lúa của dân, nó ô nhiễm môi trường, ông đã đến đó vì lời ca thán của nông dân đã đến tai ông. Và phải chăng từ chuyện ông Bộ trưởng ở Quốc hội anh đã nghĩ đến là một ngày nào đó những chiếc lò gạch thủ công kia phải được thay thế, những ngọn khói âm âm bay ra những cánh đồng mỗi sáng mỗi chiều phải ngừng lại và những gia đình nông dân kia đến ngày nào đó họ sẽ không cam chịu ở trong những mái nhà tranh lụp xụp ấy là chưa nói đến nhu cầu đô thị hóa, nhu cầu xây dựng đất nước. Dây chuyền sản xuất gạch bằng lò tuy nen tuy đầu tư có lớn nhưng không phải là mạo hiểm mà chính là tầm nhìn của người chủ doanh nghiệp. Gọi là mẹo thương trường cũng phải nhưng đúng hơn đó là nắm được qui luật của thị trường hàng hóa, của cạnh tranh.
Sản xuất và kinh doanh không thể làm theo người khác. Mình phải làm cái gì người khác chưa làm hoặc không dám làm, phải làm những cái mà sớm muộn xã hội có nhu cầu, làm cái có chất lượng cao hơn. Ấy là sức cạnh tranh của thương trường. Mười lăm triệu viên gạch tuy nen mỗi năm hết bay vì chất lượng cao hơn, giá cả hợp lý hơn. Thị trường của Công ty không chỉ bó hẹp trong phạm vi 100 km2 của huyện mà đã vươn tới các tỉnh lân cận như: Điện Biên, Lai Châu.
Năm 2008, Công ty anh lại vay 20 tỷ đồng để xây dựng dây chuyền sản xuất gạch tuy nen thứ hai đến đúng 2/9 năm 2009 đã khánh thành đi vào sản xuất. Như thế là doanh nghiệp Quang Thịnh cho ra lò tới 30 triệu viên gạch có chất lượng cao mỗi năm để chiếm lĩnh thị phần ở một vùng Tây Bắc rộng lớn. Công ty Quang Thịnh còn hoạt động rất thành công trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế, thi công, xây dựng các công trình dân dụng, giao thông, thủy lợi.
Buổi chiều hôm ấy anh đưa chúng tôi đến xem cơ sở sản xuất đồ mộc, vào siêu thị thương mại dịch vụ tổng hợp với hàng nghìn mặt hàng thật phong phú. Siêu thị lớn của Công ty bắt đầu khai trương cuối năm 2008 hàng ngày thu hút một lượng lớn khách hàng trong khu vực mà đa phần là đồng bào các dân tộc. Như thế doanh nghiệp Quang Thịnh không chỉ có gạch mà còn có gỗ, có siêu thị thương mại dịch vụ, có khả năng tư vấn thiết kế, thi công các dự án công trình lớn đòi hỏi kỹ thuật cao với đội ngũ kỹ sư trẻ tài ba và nhiều ngành nghề khác làm ăn có hiệu quả. Khi tôi và anh bạn bước chân vào siêu thị thương mại tôi lại nhớ đến cái nhận xét lần đầu khi gặp anh, đó là một con người của đam mê và khát vọng. Những cảm nhận ban đầu ấy đang được củng cố bằng những công việc anh làm.
- Anh có còn khát vọng gì?
Dường như câu hỏi ấy đã lặp đi lặp lại đôi ba lần. Tôi thấy ái ngại cho anh. May sao là một người nhiệt tình và hăng hái với câu hỏi rất đỗi chân tình ấy anh đã không ngần ngại bộc bạch những đam mê và khát vọng của mình. Anh bảo: Thương trường là một dòng xoáy lớn, đã đằm mình vào dòng xoáy đó anh không được phép dừng lại, dừng lại là bị tan biến nhấn chìm mà phải bơi chải cho đến đích, đến bờ. Anh cũng không giấu diếm một hoài bão lớn là đến một ngày nào đó anh muốn biến cái Công ty Quang Thịnh này trở thành một tập đoàn kinh tế mạnh trong vùng, khát vọng làm giàu cho mình cho đất nước đang cháy bỏng trong con người anh và cả những người đang đồng hành cùng anh. Những bí ẩn của men say ấy theo anh không phải tìm kiếm ở đâu nó nằm ngay trong ta hồn hậu, dung dị, chỉ cần ta biết châm lửa cho nó bùng cháy lên thành ánh sáng.
Còn có một điều chưa khi nào anh nói ra và tôi cũng chưa hỏi cặn kẽ xem có phải với vai trò vừa là Giám đốc vừa là Bí thư chi bộ mà anh đã để công để sức xây dựng cơ sở Đảng vững mạnh, thành lập Đoàn thanh niên, tổ chức Công đoàn làm hạt nhân chính trị cho Công ty? Có phải vì cương vị của mình mà anh không ngừng nghiên cứu, học hỏi cả lý luận, chuyên môn lẫn thực tiễn và quan tâm sâu sắc đến việc đào tạo, bồi dưỡng con người? Gần 400 lao động đã có 8 người có trình độ đại học, 3 người có trình độ cao đẳng, 27 người trung cấp, 316 công nhân có trình độ tay nghề từ bậc 1 đến bậc 7 - đây là bước đi cần thiết để doanh nghiệp của anh đứng vững và tỏa sáng trên thương trường hay cũng là bước chuẩn bị cho một tập đoàn kinh tế mạnh như anh hằng ấp ủ. Ta tin vào điều đó cũng như ta đã tin vào những gì anh đã làm được đang chói sáng ở vùng trời miền núi phía Tây.
H.Đ
Các tin khác
YBĐT - Sự vào cuộc không đồng bộ, công tác tuyên truyền, vận động yếu kém của các cơ quan chức năng địa phương cùng với việc thiếu hiểu biết về pháp luật và cuộc sống khó khăn của người dân... đang là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tảo hôn hiện nay vẫn còn tồn tại ở xã Gia Hội, huyện Văn Chấn.
YBĐT - Các xưởng chế biến gỗ pơ mu "mọc" lên ở Nậm Có (Mù Cang Chải) hơn một năm trở lại đây đã làm nảy sinh nhiều vấn đề cần tháo gỡ cho chính quyền địa phương.
YBĐT - Cùng với sự phát triển chung của tỉnh, diện mạo thành phố Yên Bái đã có những bước tiến đáng ghi nhận trong kiến trúc đô thị.
YBĐT - Đến giờ ở Đại Minh, không còn đất để mở rộng diện tích trồng bưởi. Trên địa bàn có tới 500/780 hộ dân trồng bưởi và ở Yên Bái chưa có nơi nào có vườn bưởi rộng như ở đây, trên tám chục hécta.