Chiều 14-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính - trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (Ban Chỉ đạo COP26) - chủ trì phiên họp lần thứ 4 của Ban Chỉ đạo.
Theo Ban Chỉ đạo, đến nay Chính phủ và các bộ ngành đã ban hành nhiều chính sách liên quan, chủ động đàm phán với các đối tác và các định chế tài chính quốc tế nhằm thúc đẩy tiếp cận các nguồn lực tài chính, công nghệ, mở nhiều cơ hội hợp tác phát triển, hướng tới tăng trưởng phát thải carbon thấp.
Còn nhiều cơ chế, chính sách cần hoàn thiện
Việt Nam đã đàm phán thành công Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với các quốc gia G7. Đến nay, đề án triển khai JETP với 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm đã hoàn thành và trình Thủ tướng.
Bao gồm việc hoàn thiện thể chế; thúc đẩy chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính của ngành giao thông vận tải…
Tuy vậy, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ trong triển khai thực hiện vẫn còn những khó khăn cần tháo gỡ, những hạn chế cần rút kinh nghiệm để làm tốt hơn nữa.
Bao gồm việc xây dựng, hoàn thiện một số cơ chế, chính sách để ưu tiên cho chuyển đổi xanh, phát triển xanh còn chậm, như quy định liên quan tín chỉ carbon, năng lượng hydrogen…
Việc đàm phán, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để huy động nguồn lực xã hội, đặc biệt từ đối tác quốc tế còn chậm. Việc xây dựng báo cáo về chuyển đổi năng lượng công bằng trong từng lĩnh vực hầu như chưa được triển khai...
Trong xu thế chuyển đổi xanh không thể đảo ngược, Thủ tướng cho rằng đây là cơ hội để phát triển, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng xanh, bền vững. Do đó, cần phải có sự vào cuộc của các cấp ngành, người dân, doanh nghiệp.
Cơ hội tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng xanh, bền vững
Theo đó, các yêu cầu trọng tâm được Thủ tướng nêu ra như hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; huy động mọi nguồn lực, trong đó kết nối và vận động thu hút nguồn lực từ quốc tế, các dòng tài chính xanh.
Chuyển giao công nghệ, tri thức, kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế. Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ để sản xuất trang thiết bị, phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo. Hoàn thiện phương thức quản lý phù hợp, hiệu quả với phát triển xanh; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho phát triển xanh.
Để thực hiện, Thủ tướng giao các bộ ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật để huy động sự tham gia của toàn xã hội trong thực hiện cam kết COP26.
Người đứng đầu Chính phủ giao các bộ ngành liên quan sớm hoàn thiện các quy định liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu, phát thải khí nhà kính, quản lý tín chỉ carbon, tín chỉ carbon rừng.
Hoàn thiện và ban hành cơ chế thí điểm mua, bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn. Ban hành quy định khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời phân tán/áp mái; hoàn thiện chiến lược sản xuất hydrogen, đề xuất, xây dựng chương riêng về năng lượng tái tạo trong sửa đổi Luật Điện lực.
T.T (Theo TTO)