Thủ tướng chỉ đạo tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ

  • Cập nhật: Thứ năm, 28/9/2023 | 1:58:11 PM

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện 898/CĐ-TTg ngày 28/9/2023 về việc tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ.

Mưa lũ gây ngập sâu ở huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An
Mưa lũ gây ngập sâu ở huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An

Từ ngày 25 tháng 9 đến nay, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, nhiều địa phương khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã có mưa to đến rất to, nhiều nơi tới trên 500mm, gây lũ, ngập lụt, sạt lở đất, một số tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng làm gián đoạn giao thông, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân tại nhiều địa phương, nhất là các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Dự báo trong những ngày tới có thể tiếp tục còn xảy ra mưa to đến rất to, nguy cơ xảy ra lũ chồng lũ, ngập sâu tại vùng trũng thấp, lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi.

Để bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của nhân dân và nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiến cứu nạn, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động chỉ đạo khẩn trương triển khai có hiệu quả công tác ứng phó và khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ theo phương châm "bốn tại chỗ", trong đó lưu ý một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh:

- Khẩn trương rà soát, sơ tán ngay những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, không đảm bảo an toàn, nhất là vùng trũng thấp có nhiều khả năng bị chia cắt, cô lập do ngập lụt sâu, các khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ quét, không để xảy ra chết người.

- Kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ thiếu đói, kiên quyết không để người dân nào bị thiếu đói.

- Tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc đi lại qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; có phương án đảm bảo an toàn cho học sinh tại các khu vực bị ngập lụt.

- Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn các cơ sở hạ tầng đang trong quá trình thi công, đê điều, hồ đập, nhất là các công trình xung yếu.

- Kịp thời huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ngay sau khi nước rút.

- Sẵn sàng lực lượng để cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

2. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức dự báo, cảnh báo mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo cho các cơ quan chức năng và địa phương theo đúng quy định để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó hiệu quả với mưa lũ.

3. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, hướng dẫn công tác tổ chức giao thông và bảo đảm an toàn giao thông tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, kịp thời huy động nhân lực, máy móc để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt, nhất là trên các trục giao thông chính.

4. Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Y tế theo chức năng quản lý nhà nước được giao phối hợp địa phương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ đập, nhất là các hồ thuỷ điện nhỏ, hồ thuỷ lợi xung yếu, vệ sinh môi trường, khẩn trương khôi phục lại sản xuất, ổn định cuộc sống cho người dân ngay sau mưa lũ, không để xảy ra dịch bệnh.

5. Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các Bộ: Quốc phòng, Công an chủ động chỉ đạo và phối hợp với các địa phương triển khai công tác ứng phó, tìm kiếm, cứu nạn, bảo đảm kịp thời, hiệu quả.

6. Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai.

(Theo Chinhphu.vn)

Các tin khác
Học sinh ở thị trấn Tân Lạc, huyện Qùy Châu dỡ mái nhà trọ thoát ra ngoài khi nước dâng cao.

Mưa lớn, nước dâng nhanh khiến 1.600 nhà dân bị ngập, 830 ngôi nhà bị cô lập, hàng trăm ha lúa, hoa màu bị nhấn chìm.

Mưa lớn làm sạt đường trục chính từ thôn Làng Nhì đi vào trụ sở UBND xã Làng Nhì gây nhiều khó khăn cho người dân đi lại.

Từ chiều tối 26/9 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có mưa vừa, mưa to đến rất to làm sạt taluy dương gây tắc đường trên một số tuyến đường ở 2 xã Làng Nhì và Bản Mù, huyện Trạm Tấu; làm 2 nhà dân sạt ta luy và tốc mái ở Trạm Tấu và Yên Bình; đặc biệt 1 cháu bé ở Trấn Yên đã bị thương vào đầu do nhà tốc mái, viên gạch chèn tấm nóc rơi vào đầu.

Sạt lở taluy đương tại khu vực huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia vừa phát đi thông tin cảnh báo trong chiều và tối 27/9, tại các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, nguy cơ cao sẽ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá.

Ngày 27/9, ông Đào Minh Đức, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu, Nghệ An cho biết, mưa lớn, nước về quá nhanh đã khiến thị trấn bị cô lập trong biển nước. Nhiều nhà dân bị nước lũ dâng cao chạm nóc nhà.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục