Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, tính đến 6h ngày 18/9, toàn tỉnh có 25.287 nhà bị thiệt hại, trong đó có 307 nhà sập đổ hoàn toàn, 386 nhà hư hỏng nặng, 270 nhà phải di dời khẩn cấp, 1.578 nhà bị sạt lở, taluy ảnh hưởng… Thiệt hại về nhà ở của nhân dân được đánh giá là vô cùng to lớn, gây rất nhiều khó khăn cho công tác ổn định cuộc sống sau này cũng như công tác dọn dẹp, đảm bảo vệ sinh môi trường sau mưa lũ. Trước tình hình đó, các địa phương đang khẩn trương tiến hành tổng lực các giải pháp đảm bảo tối đa nhu cầu chỗ ở an toàn cho người dân, không để trường hợp nào phải thiếu chỗ ở.
Thành phố Yên Bái là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất về nhà ở với hơn 1.000 ngôi nhà bị sập, hư hỏng, tốc mái (trong đó, 65 nhà của 265 nhân khẩu bị sập hoàn toàn); 14.000 hộ gia đình bị ngập, có nơi ngập sâu trên 8m nước; 743 nhà bị sạt lở đất đá với khối lượng trên 1 triệu mét khối đất đá và có 368 hộ có nguy cơ cao, buộc phải di dời đến nơi an toàn…
Trước tình hình đó, Thành ủy, UBND thành phố đã khẩn trương ra quyết định di dời khẩn cấp người dân với phương châm chỉ đạo "tính mạng con người là trên hết, trước hết”; huy động 100% nhân lực, vật lực và phương tiện cơ giới để hỗ trợ nhân dân di chuyển đến nơi an toàn.
Đã có 6.000 hộ gia đình với trên 20.000 nhân khẩu được di dời đến chỗ ở an toàn. Thành phố đã bố trí nơi ở tạm cho 100% người dân không còn nhà ở, người ở khu vực nguy hiểm bằng cách huy động 100% các khu nhà văn hóa tổ dân phố làm chỗ trú ẩn cho nhân dân. UBND thành phố cũng đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể trực tiếp lo cho cuộc sống nhân dân tại nơi ở tạm thời…
Đồng chí Đỗ Đức Minh - Bí thư Thành ủy cho biết: "Ngay sau khi xảy ra thiệt hại về người và nhà ở của nhân dân, thành phố đã khẩn trương triển khai các biện pháp tối ưu nhất để đảm bảo an toàn cho nhân dân. Hàng nghìn cán bộ, đảng viên, chiến sĩ đã được huy động; hàng trăm phương tiện cơ giới được bố trí tại các điểm ngập úng, sẵn sàng ứng cứu người dân. Đặc biệt, lực lượng vũ trang thành phố đã tiến hành gia cố một số ngôi nhà có nguy cơ sụp đổ trong nước lũ, hạn chế được rất nhiều thương vong cho nhân dân”…
Huyện Trấn Yên đã có tổng số 4.070 ngôi nhà bị thiệt hại; trong đó, 36 nhà bị sập đổ hoàn toàn; 82 nhà bị sạt taluy gây hư hỏng nặng; 52 nhà phải di dời khẩn cấp… Đối với các hộ mất nhà, phải di dời khẩn cấp, UBND huyện Trấn Yên đã chỉ đạo 100% các xã, thị trấn bố trí đầy đủ chỗ ở; tổ chức thăm hỏi, tặng quà, động viên nhân dân sớm vượt qua mất mát sau thiên tai.
Đến thời điểm này, sau khi nước lũ đã rút hết, rất nhiều các tuyến đường trên địa bàn huyện vẫn ngập sâu trong bùn đất, nhiều ngôi nhà đang phải khẩn trương nạo vét bùn đất, làm vệ sinh môi trường. Trước thực tế đó, UBND huyện Trấn Yên đã khẩn trương huy động trên 5.000 lượt người, bao gồm: Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện; Công an huyện; Ban Chỉ huy Quân sự huyện; Nhà máy Z183; lực lượng dân quân tự vệ các xã, thị trấn và cơ quan… tham gia hỗ trợ nhân dân về chỗ ở. Yêu cầu cấp thiết là khẩn trương dọn dẹp vệ sinh môi trường, vệ sinh nhà ở cho nhân dân.
Ngoài lực lượng "4 tại chỗ”, các xã, thị trấn của huyện Trấn Yên đã được hỗ trợ đắc lực của lực lượng cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị của Quân khu 2 và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cùng sự chung tay, giúp sức, hỗ trợ phương tiện, máy móc của các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn. Cùng với đó là hàng nghìn tình nguyện viên đến từ khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh…
Qua đó đã giúp rút ngắn rất nhiều thời gian hỗ trợ người dân quay về nơi ở. Bà Phạm Hồng Luật, người dân tại xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên xúc động bộc bạch: "Sự có mặt của các lực lượng, cơ quan chức năng và các tình nguyện viên đã giúp nhân dân chúng tôi rất nhiều, đặc biệt là công tác vệ sinh môi trường, nhà ở để chúng tôi có thể nhanh chóng quay về ngôi nhà của mình”.
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã thực hiện di dời và bố trí chỗ ở tạm thời đối với 307 nhà bị sập đổ hoàn toàn. Đối với những nhà phải di dời người và tài sản, các địa phương đã rất chủ động bố trí chỗ ở tạm thời cho các hộ gia đình tại các nhà văn hóa, trụ sở UBND xã và xen ghép vào các hộ gia đình không bị ảnh hưởng. Số còn lại, sau khi nước rút đều đã quay về nhà để dọn dẹp nhà cửa, sớm ổn định cuộc sống… Công tác khắc phục hậu quả thiên tai vẫn còn rất khó khăn, tuy vậy, tạm thời người dân đã có thể yên tâm tại nơi ở tạm, không có ai "bị bỏ lại phía sau”…
Thiên Cầm