Nỗi đau mang tên "sạt lở đất”
Đã gần 10 ngày sau vụ sạt lở đất kinh hoàng xảy ra tại thôn Át Thượng, song đến hôm nay, người dân xã Minh Xuân, huyện Lục Yên và cả những xã lân cận vẫn chưa hết bàng hoàng. Ông Hoàng Văn Cuộc - thôn Át Thượng nghẹn ngào kể lại: "Trong đêm có một tiếng nổ lớn và kéo dài làm rung chuyển toàn bộ khu vực, đất đá đã vùi lấp 5 hộ gia đình sinh sống phía dưới chân đồi, cướp đi sinh mạng của 9 người, trong đó có 5 người thân của tôi. Đau xót vô cùng".
Đã gần 1 tuần trôi qua song chị Nguyễn Thị Cẩm Huệ, tổ 1, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình vẫn chưa hết nỗi kinh hoàng khi ngôi nhà mà vợ chồng chị cố gắng chắt chiu, làm lụng bao năm nay chỉ trong tích tắc đã bị chôn vùi trong đống đất. Nhìn về ngôi nhà bị sập, chị Huệ nước mắt lưng tròng: "Chưa bao giờ tôi nghĩ được quả đồi sau nhà lại có thể sạt được. Giờ thì trắng tay, cả nhà tôi trở thành vô gia cư. Mấy hôm nay, gia đình tôi phải di chuyển ra ở nhờ nhà người quen. Ngày nào cũng nhìn về ngôi nhà bị vùi lấp trong đất mà không biết phải làm sao”.
Hoang mang, lo sợ, bất an là tâm trạng chung của nhiều hộ dân đang sinh sống ở tổ dân phố 5, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái bởi toàn bộ khu đồi phía sau các nhà dân đã nứt toác vệt dài, điểm sụt lún cao tới hơn 2m, liên tiếp sạt lở dù bão đã qua. Chị Đặng Thu Hằng - người dân tổ dân phố 5 xót xa: "Không thể nói thành lời, vô cùng sợ hãi. Hơn 50 hộ dân với gần 500 nhân khẩu của tổ dân phố bị ảnh hưởng đã phải di dời, đi ăn nhờ ở đậu mà chưa biết đến khi nào mới có thể trở về nhà mình”.
Cả đời chắt chiu, song chỉ trong tích tắc, sạt đất đã lấy đi tất cả, làm nhiều hộ gia đình trắng tay, không nhà cửa.
An toàn cho người dân vùng có nguy cơ sạt lở
Những ngày mưa bão vừa qua, Zalo nhóm tổ 2, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái liên tục được bác tổ trưởng cập nhật thông tin dự báo thời tiết, đưa ra cảnh báo cùng đề nghị người dân sống tiếp giáp với taluy cao khẩn trương sơ tán đến nơi an toàn. "Thông báo gấp. Tất cả các hộ đang sinh sống dưới ta luy dương đã bị sạt lở đều phải chủ động sơ tán, không ở lại nhà. Khi đến nơi ở mới, cần thông báo về cho tổ. Nếu không có chỗ ở thì thông tin để tổ báo cáo UBND phường giúp đỡ” là một trong rất nhiều những thông báo được phát đi.
Ông Trần Thanh Vân - Tổ trưởng tổ dân phố số 2 chia sẻ: "Tổ 2 có 72 hộ dân bị sạt lở đất do bão số 3 gây ra, trong đó có 6 hộ bị sập nhà hoàn toàn. Để đảm bảo an toàn về người và tài sản của nhân dân cũng như hạn chế tối đa rủi ro khi xảy ra sạt lở, chúng tôi lấy số điện thoại từng hộ dân ở các vùng nguy hiểm để cảnh báo, phối hợp sơ tán người dân tới nơi an toàn khi có dấu hiệu nguy hiểm”.
Là địa phương bị thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của bão số 3, thành phố Yên Bái đã có 24 người bị chết; 14 người bị thương do sạt lở đất, lũ cuốn; có 1.067 nhà dân bị sạt lở với trên 1 triệu mét khối đất và 368 hộ có nguy cơ cao bị sạt lở phải di dời để đảm bảo an toàn. Trọng điểm là các xã, phường: Âu Lâu, Văn Phú, Nguyễn Thái Học, Yên Ninh, Minh Tân, Nam Cường, Đồng Tâm.
Chủ tịch UBND thành phố Yên Bái Nguyễn Ngọc Trúc thông tin: "Trên địa bàn thành phố có trên 1.430 hộ phải di dời do sạt lở và nguy cơ sạt lở, hiện tại còn gần 570 hộ chưa thể trở về nhà do chưa khắc phục được đất sạt lở và nguy cơ sạt lở. Theo rà soát, thành phố vẫn còn nhiều điểm đang có nguy cơ tiếp tục sạt lở. Ở những nơi này, địa phương đã liên tục tuyên truyền để người dân di dời đến nơi an toàn”.
Sạt lở đất hiện cũng đang diễn ra hết sức phức tạp trên địa bàn huyện Yên Bình. Đó là các hộ sinh sống ven sông Chảy thuộc thị trấn Thác Bà, xã Vĩnh Kiên, Yên Bình đang có nguy cơ sập nhà xuống sông do nước sông rút kèm theo bị tụt đất. Tiếp đó là các xã có nhiều khu vực nhà ở gần đồi cao ở địa bàn các xã Tân Hương, Tân Nguyên, Phúc An và Yên Thành.
Ông Lã Tuấn Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết: "Đối với các hộ bị sập nhà mà còn đất ở thì huyện vận động các tổ chức xã hội hóa cùng với nguồn hỗ trợ của Nhà nước theo chính sách để các hộ sớm xây dựng nhà. Với những hộ có đất nông nghiệp, chưa phải đất ở, sẽ thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất những vị trí phù hợp với quy hoạch để các hộ sớm có đất ở.
Những hộ không còn đất ở và đất nông nghiệp, huyện sẽ báo cáo kiến nghị với cấp có thẩm quyền để xây dựng dự án di dân. Đến nay, huyện đã khảo sát xong dự án di dân ở thị trấn Thác Bà, dự kiến sẽ đề xuất với tỉnh quy mô khoảng 200 hộ dân cho các hộ ven sông Chảy đã bị sập nhà và có nguy cơ tiếp tục bị sập nhà gồm của 3 xã Yên Bình, Vĩnh Kiên, Hán Đà và thị trấn Thác Bà. Đồng thời, tiếp tục kiến nghị với tỉnh xây dựng dự án di dân tại các xã Phúc An, Tân Hương và Tân Nguyên”.
Trên những ngọn đồi bao quanh thành phố, hiện có hàng nghìn điểm sạt lở và nguy cơ cao sạt lở.
Trách nhiệm không của riêng ai
Nằm ở khu vực có địa hình đồi núi phức tạp, do đó gần như năm nào vào mùa mưa, các địa phương trên địa bàn tỉnh đều xảy ra tình trạng sạt lở đất. Sau bão số 3, toàn tỉnh hiện có 2.700 điểm sạt lở đất, 50 người chết do sạt lở đất trong số 54 người chết và mất tích; 307 nhà bị sập đổ hoàn toàn, 386 nhà bị hư hỏng nặng, 1.576 nhà bị sạt lở, taluy ảnh hưởng của bão số 3.
Với các hộ gia đình bị ảnh hưởng, tỉnh đã bố trí chỗ ở tạm thời tại các nhà văn hóa, trụ sở UBND các xã và xen ghép vào các hộ gia đình không bị ảnh hưởng. Đồng thời đang triển khai các giải pháp khẩn cấp, trong đó đánh giá nhanh mức độ thiệt hại về nhà. Nhà nào có mức độ thiệt hại nhỏ cần khẩn trương khắc phục để ổn định đời sống. Những nhà bị sập đổ hoàn toàn hoặc những khu vực lớn bị sạt lở, tỉnh đang có phương án rà soát, tìm kiếm quỹ đất để xây dựng, tái thiết.
Trong điều kiện thiếu nguồn đầu tư để xây dựng các khu tái định cư, tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khả năng phòng ngừa của người dân trước nguy cơ sạt lở đất trong mùa mưa bão. Hàng năm, tỉnh luôn có công điện khẩn yêu cầu các địa phương thông báo cho nhân dân các vùng có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất để chủ động phòng tránh; kiểm tra, rà soát các khu vực dân cư đang sống ở những vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất để có phương án di dời...
Tuy nhiên, về lâu dài, chính quyền địa phương và ngành chức năng cần thực hiện chặt chẽ hơn trong việc quản lý cấp phép xây dựng; tiến hành điều tra đánh giá địa chất, có những hướng dẫn cụ thể cho các hộ dân trong quá trình xây dựng nhà tại những khu vực có ta luy, trong đó cần yêu cầu các hộ gắn việc xây dựng với việc thực hiện các biện pháp an toàn, đáp ứng các quy định về kỹ thuật chống sạt lở.
Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành chức năng thì các hộ dân cũng cần thấy rõ trách nhiệm đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng với việc tự giác thực hiện nghiêm túc các biện pháp gia cố chống sạt lở để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do sạt lở đất gây ra, không để xảy ra cảnh "nhà mình ngay kia mà không thể về" vì nguy cơ sạt lở đất.
Thực hiện tốt khâu phòng ngừa sẽ góp phần quan trọng bảo vệ an toàn các công trình, tính mạng và tài sản khỏi sự cuồng nộ của thiên nhiên mỗi khi mùa mưa bão về. Đó là trách nhiệm không của riêng ai và không thể lơ là!
Thanh Chi