Dự án Chia Sẻ: Cải thiện đời sống người nghèo
- Cập nhật: Thứ tư, 26/12/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Dự án Chia Sẻ tỉnh Yên Bái là một trong ba dự án tỉnh trong khuôn khổ chương trình hợp tác Việt Nam - Thụy Điển về xóa đói giảm nghèo giai đoạn 2003 - 2008. Dự án được triển khai tại 14 xã với 119 thôn, bản của huyện Văn Chấn, Mù Cang Chải với 47.081 người, trong đó có 2.691 hộ nghèo được tham gia. Qua 4 năm thực hiện, Dự án đã phát huy hiệu quả rõ rệt, đời sống người dân trong vùng dự án được cải thiện một cách bền vững.
Ông Dương Văn Tiến - Giám đốc Ban Thư ký Dự án Chia Sẻ tỉnh Yên Bái vui mừng: "Quá trình thực hiện Dự án ban đầu cũng gặp không ít khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của Ban quản lý, lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền từng bước đã phát huy hiệu quả. Đây là một dự án phân cấp, trao quyền mạnh cho cơ sở huyện, xã, thôn; việc lập kế hoạch có sự tham gia trực tiếp của người dân; công khai, minh bạch nguồn vốn đầu tư, các hoạt động và do nhân dân giám sát.Dự án đã nâng cao năng lực cán bộ, người dân trong quản lý tài chính, sản xuất, kinh doanh hiệu quả, góp phần quan trọng xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp nông thôn. Người dân được tiếp cận với các ứng dụng khoa học, tự chủ vươn lên trong sản xuất, cuộc sống".
Chỉ tính riêng trong năm 2007, tổng nguồn vốn của Dự án Chia Sẻ là trên 41 tỉ đồng được đầu tư vào các hạng mục; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng và tổ chức được 5 khóa đào tạo, tập huấn trồng trọt chăn nuôi, thú y thôn bản, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho hơn 300 lượt cán bộ Dự án và người dân. Trình độ của cán bộ, người dân đã ngày càng được nâng lên, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, đầu tư cải thiện môi trường sống và chăm sóc sức khỏe nhân dân thông qua tập huấn, xây dựng trạm y tế, nhà vệ sinh, làm chuồng trại chăn nuôi trâu, bò...; hỗ trợ 25.426m ống dẫn nước sinh hoạt, 162 téc nước gia đình và xây mới 6 công trình cấp nước tập trung. Dự án còn giúp người dân xây dựng mô hình sản xuất lạc, đậu tương, trồng nấm; xây 5 bể chứa bi-ô-ga khai hoang 564ha ruộng nước, thâm canh 5ha chè, trồng 45ha cỏ voi; mua 83 máy xay xát, tuốt lúa, máy đốn chè...
Một trong những hoạt động hiệu quả nhất là khai hoang ruộng nước. Trước đây, các gia đình gặp khó khăn do thiếu diện tích đất canh tác, hàng năm vẫn thiếu đói từ 8 - 10 tháng. Từ khi có hoạt động hỗ trợ khai hoang ruộng nước kết hợp với hỗ trợ ống dẫn nước vào ruộng, người dân đã có đất để trồng lúa và canh tác rau màu, bảo đảm an ninh lương thực.
Nhằm cải thiện cơ sở vật chất cho người nghèo, Dự án đã xây dựng 12 hội trường thôn; 10 công trình đường liên thôn, đường dân sinh và sửa chữa nhiều công trình đường cấp thôn. Đến nay, 100% số thôn của các xã đã có hội trường thôn, đường giao thông liên thôn giúp việc đi lại, liên lạc thuận lợi, đồng thời cũng thúc đẩy giao thương phát triển. Xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải là một xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo cao nhất huyện, trên 68%. Nhưng từ khi thực hiện Dự án Chia Sẻ, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 53%; năng lực cán bộ xã và thôn bản được nâng lên.
Với sự hỗ trợ của Dự án, nhân dân đã khai hoang được hàng chục héc-ta ruộng bậc thang, cung cấp thêm hơn 40 tấn lương thực mỗi vụ, góp phần quan trọng giảm số hộ gia đình thiếu đói lúc giáp hạt. Song song, Dự án còn hỗ trợ một số hoạt động xóa đói giảm nghèo khác như: xây dựng công trình thủy lợi, chăn nuôi gia súc, làm đường liên thôn... Quan trọng hơn, cách nghĩ cách làm có những chuyển biến tích cực, nâng cao ý thức của người dân tự vươn lên thoát nghèo. Hàng trăm phụ nữ dân tộc Mông nhờ tham gia các lớp xóa mù mà nay đã đọc thông viết thạo.
Rõ ràng, Dự án Chia Sẻ đã góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp nông thôn miền núi. Nhân dân các xã trong vùng dự án đều mong muốn được tiếp tục hỗ trợ nhiều hơn nữa, đó chính là cơ hội học hỏi, nâng cao mức sống cũng như nhận thức để tiến kịp với sự phát triển của xã hội.
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Từ năm 2005 tới nay, các huyện thị phía Tây của tỉnh Yên Bái được đầu tư, sửa chữa 206 công trình thuỷ lợi với năng lực tưới 12.350 ha. Trong đó, huyện Văn Chấn có 110 công trình, Thị xã Nghĩa Lộ 9 công trình, huyện Trạm Tấu 48 công trình và huyện Mù Cang Chải 39 công trình. Các công trình có tổng vốn đầu tư 115 tỷ 434 triệu đồng, vượt 15% Đề án phê duyệt trong cả giai đoạn 2005 - 2010.
YBĐT - Mặc dù đã được sự đầu tư của Nhà nước thông qua các chương trình dự án, nhưng đến nay nhiều hộ dân tại xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) vẫn thiếu nước sạch sinh hoạt.
YBĐT - Ước năm 2007, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh Yên Bái đạt 2.479,6 tỷ đồng, bằng 102% kế hoạch dự kiến đầu năm, tăng 44,56% so với năm 2006.
YBĐT - Sau khi Quyết định 134 của Chính phủ ban hành và triển khai, UBND huyện Mù Cang Chải đã thành lập Ban quản lý Chương trình để thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch được cấp hàng năm. Cơ sở để lập kế hoạch theo tiêu chí hộ nghèo của Bộ LĐTB-XH tại Qui định 1143/2000/QĐ và căn cứ vào vị trí địa lý, quy mô dân số, trình độ phát triển nông lâm nghiệp, điều kiện tự nhiên, điều kiện phát triển văn hoá - xã hội, trình độ dân trí, Ban quản lý Chương trình cũng có trách nhiệm triển khai xuống các xã, giúp các địa phương thực hiện đúng đối tượng, có hiệu quả.