Nghĩa Lợi mong nước sạch trở về

  • Cập nhật: Thứ ba, 18/12/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Mặc dù đã được sự đầu tư của Nhà nước thông qua các chương trình dự án, nhưng đến nay nhiều hộ dân tại xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) vẫn thiếu nước sạch sinh hoạt.

Trạm nước sạch nông thôn phục vụ 2 bản hiện ngừng hoạt động.
Trạm nước sạch nông thôn phục vụ 2 bản hiện ngừng hoạt động.

Tại nhà chị Lò Thị Dòm ở bản Phán Thượng, chiếc bể xây chứa nước đã khô cong. Dưới cái ao đã cạn, trước cửa nhà là một cái giếng nước mới đào được khoảng hơn một mét. Chị Dòm cho biết, từ ngày trạm bơm nước sạch bị hỏng, gia đình chị lại phải tiếp tục đi xin nước giếng ở các hộ khác về ăn, còn cái giếng mà gia đình đang đào này thì không thể sử dụng được do nguồn nước bị ô nhiễm, chỉ dùng vào việc tưới rau.

Trạm bơm nước sạch mà chị Dòm  nhắc đến chính là trạm nước sạch nông thôn do Trung tâm Nước sinh hoạt vệ sinh môi trường nông thôn đầu tư xây dựng tại bản Phán Thượng và Phán Hạ nhằm phục vụ nước sạch cho 131 hộ ở 2 thôn bản này. Ngoài đầu tư xây dựng nhà trạm, máy móc, thiết bị, dự án này còn đầu tư đường ống dẫn nước về tới từng hộ gia đình và xây bể chứa cho từng hộ.

Trạm bơm nước sạch này bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 12/2005. Niềm vui nước sạch của các hộ dân trong dự án chưa đầy hai năm thì đến tháng 7/2007 nguồn nước lọc của trạm bơm bắt đầu đục và không sử dụng được nữa. Trạm dừng hoạt động. Đến nay, máy móc bên trong đã có hiện tượng hoen rỉ mạnh.

Theo nhân viên quản lý trạm thì khi nước đục cũng đã dùng phèn để xử lý nhưng bình chứa nước xử lý bằng phèn quá nhỏ, chỉ chứa được 300 lít mà lượng nước bơm liên tục nên khi cho phèn vào chưa kịp xử lý thì đã cấp ra téc nước phân phối cho các hộ gia đình nên nước vẫn đục không thể sử dụng được.

Do ngừng hoạt động trong thời gian dài nên bể chứa nước ngoài suối không được quan tâm. Trải qua mưa lũ, bể bị vỡ nắp, đất cát tràn vào lấp đầy bể. Trong khi đó, từ khi hoạt động, trạm nước sạch đã tiêu tốn một lượng điện khá lớn mà số tiền đặt ra để thu đối với mỗi hộ sử dụng nước sạch tuy không nhiều nhưng vẫn chưa thu được. Vì vậy, hiện nay trạm vẫn nợ 2 triệu đồng tiền điện mà chưa có cách nào để trả. Trước sự cố của trạm bơm nước, xã Nghĩa Lợi - đơn vị được tiếp nhận, sử dụng cũng chỉ biết kiến nghị và chờ đợi.

Nhiều hộ dân ở Nghĩa Lợi vẫn phải lọc nước giếng thế này. 

Ông Hoàng Văn Xiếng - Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Lợi cho biết: "Xã cũng không biết chính xác công trình trị giá bao nhiêu? Sau khi ký biên bản bàn giao, xã chưa được nhận và giữ biên bản. Vì vậy, xã chỉ biết phân công nhân viên trực, quản lý và sử dụng. Qua đi khảo sát công trình, ước tính công trình trị giá từ 500 triệu trở lên". Một công trình với khoản đầu tư không nhỏ đang bị bỏ đó chưa biết khi nào mới hoạt động trở lại đuợc.

Trong khi đó, 131 hộ dân ở Phán Thượng và Phán Hạ lại đi xin nước ăn hoặc quay lại sử dụng nước từ những giếng nhiễm lưu huỳnh, sắt. Nhà có điều kiện thì làm bể lọc, có hộ lọc tạm bằng thùng, bằng xô. Như "bể lọc" của gia đình Trưởng bản Phán Thượng - Sầm Văn Ngân là một chiếc xô nhựa đựng cát. Nhiều nhà xin nước ăn thì thường chỉ dùng vào nấu nướng, còn các sinh hoạt khác thì thường ra suối.

Trước thực tế này, xã Nghĩa Lợi cũng đã đẩy mạnh chương trình nước sạch như hỗ trợ làm giếng từ chương trình 134. Trong đợt 1, xã đã triển khai và làm  xong 194 giếng, đợt 2 tiếp tục làm 50 giếng nhưng do thiếu xi măng nên chậm tiến độ. Mặc dù được sử dụng nước giếng nhờ chương trình 134 nhưng bà Lường Thị Lo ở bản Sang Đốm cho biết gia đình bà ở gần suối nên mùa mưa lũ giếng bị ngập, ô nhiễm không ăn được, mùa khô thì ít nước.

Nghĩa Lợi có 5 thôn bản với 350 hộ dân nằm dọc theo suối Thia và suối Nung. Việc nhiều giếng của các hộ này ngập và ô nhiễm vào mùa mưa lũ là không tránh khỏi. Ngoài ra, trong tổng số giếng của toàn xã có nhiều giếng bị nhiễm lưu huỳnh nặng. Mặc dù là làm giếng nước sạch nhưng cũng chưa có một sự kiểm nghiệm nào để biết được nguồn nước giếng ở đây có đảm bảo vệ sinh không? Mới đây, xã Nghĩa Lợi đã được triển khai thực hiện dự án nước sạch của Nhà máy nước Nghĩa Lộ với 165 hộ dân được sử dụng ở bản Nà Làng và bản Xa.

Vui mừng vì được sử dụng nước sạch và rất thuận lợi vì nước về đến từng gia đình, nhưng do kinh tế nhiều hộ còn khó khăn và quan niệm sử dụng nước sạch còn hạn chế và mới chỉ sử dụng nước sạch vào ăn uống, còn tắm giặt vẫn tranh thủ sử dụng nước suối, nên khối lượng nước sử dụng ít. Trong khi đó Nhà máy nước Nghĩa Lộ đang triển khai qui định mỗi hộ phải sử dụng từ 4m3 nước/tháng trở lên. Do vậy, các hộ còn nhiều lăn tăn trong việc sử dụng nước máy.

Theo Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lợi, thì mới chỉ có 20% số dân được sử dụng nước sạch của nhà máy cấp thoát nước Nghĩa Lộ, còn lại là sử dụng nước giếng chưa qua kiểm nghiệm, trong đó có tới 40% giếng bị ngập vào mùa mưa lũ. Khoảng 20% dân số được sử dụng nước sạch là quá thấp, việc sử dụng nước không đảm bảo vệ sinh ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, sức khoẻ của người dân. Điều đó lý giải cho một thực tế là trên địa bàn xã Nghĩa Lợi số người mắc bệnh đau mắt hột, các bệnh về da, đường tiêu hoá cao hơn so với các xã phường khác trên địa bàn.

Tiếp tục được sử dụng nước sạch từ những công trình đã được đầu tư để không lãng phí, hay được tạo điều kiện đầu tư để sử dụng nước máy cũng như xây dựng bể lọc đúng qui định, là những mong muốn của người dân Nghĩa Lợi. 

Huyền My

Các tin khác
Sản xuất gạch xây dựng ở Văn Chấn. (Ảnh: Thành Trung)

YBĐT - Ước năm 2007, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh Yên Bái đạt 2.479,6 tỷ đồng, bằng 102% kế hoạch dự kiến đầu năm, tăng 44,56% so với năm 2006.

Đồng bào Mông ở bản Thào Chua Chải, xã Chế Cu Nha (Mù Cang Chải) nhận tấm lợp từ Chương trình 134.(Ảnh: Ngọc Tú)

YBĐT - Sau khi Quyết định 134 của Chính phủ ban hành và triển khai, UBND huyện Mù Cang Chải đã thành lập Ban quản lý Chương trình để thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch được cấp hàng năm. Cơ sở để lập kế hoạch theo tiêu chí hộ nghèo của Bộ LĐTB-XH tại Qui định 1143/2000/QĐ và căn cứ vào vị trí địa lý, quy mô dân số, trình độ phát triển nông lâm nghiệp, điều kiện tự nhiên, điều kiện phát triển văn hoá - xã hội, trình độ dân trí, Ban quản lý Chương trình cũng có trách nhiệm triển khai xuống các xã, giúp các địa phương thực hiện đúng đối tượng, có hiệu quả.

Đường kè cầu Móc Tôm khu vực giáp ranh giữa hai xã Đào Thịnh và Báo Đáp (Trấn Yên) khi đang thi công, nay đã đưa vào sử dụng.

YBĐT - Chiều ngày 28/11/2007, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng và đoàn công tác của Bộ đã lên thăm và làm việc tại tỉnh Yên Bái. Dự buổi làm việc có các đồng chí: Hoàng Xuân Lộc - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Thương Lượng - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo một số ban, ngành trong tỉnh.

YBĐT - Trong năm 2007, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã thực hiện 38 dự án thủy lợi gồm chuyển tiếp 9 dự án, nâng cấp xây dựng mới 29 dự án; giá trị thực hiện ước đạt 107 tỷ 251 triệu đồng đồng thời chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai năm 2005 gồm 8 tiểu dự án.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục