Khởi động tuyến đường sắt trên cao đầu tiên ở Việt Nam
- Cập nhật: Thứ hai, 31/3/2008 | 12:00:00 AM
Ngày 31-3, tại Tokyo (Nhật Bản), Bộ Tài chính Việt Nam và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) chính thức ký hiệp định vay vốn để khảo sát, thiết kế kỹ thuật cho dự án đường sắt trên cao tại Hà Nội, đoạn Giáp Bát - Gia Lâm. Dự án sẽ chính thức khởi động từ tháng 4-2008 và dự kiến hoàn thành vào năm 2017.
Mô hình đường sắt trên cao tại Hà Nội.
|
Gần 20.000 tỷ đồng cho tuyến đường sắt trên cao
Năm 1998, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt về kế hoạch phát triển tổng thể thủ đô Hà Nội đến năm 2020. Theo đó, Hà Nội sẽ có 8 tuyến đường sắt nội đô. Trong đó, tuyến đường sắt trên cao Ngọc Hồi - Yên Viên là tuyến số 1 và cũng là tuyến được đặc biệt chú ý.
Tuyến đường sắt trên cao Yên Viên - Hà Nội - Giáp Bát - Văn Điển - Ngọc Hồi có tổng chiều dài 28km, sẽ đi qua 2 cầu lớn là Long Biên và Đuống. Về cơ bản tuyến đường sắt trên cao này vẫn đi theo tim đường sắt cũ. Mới đây, Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc việc tách dự án đường sắt trên cao Hà Nội, đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên thành 2 dự án đầu tư riêng biệt theo 2 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 1, sẽ xây dựng đoạn Giáp Bát - Gia Lâm với tổng đầu tư 19.553 tỷ đồng.
Theo ông Trần Văn Lục, Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt (Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam), tuyến Giáp Bát-Gia Lâm dài 15,36km với 10,57km đi trên cao và 4,79km đi trên mặt đất. Trên tuyến sẽ xây mới 9 nhà ga và cải tạo lại ga Gia Lâm. Trong số đó, có 4 ga lớn là Ngọc Hồi, Giáp Bát, Hà Nội, Gia Lâm, sẽ không chỉ là ga dành riêng cho đường sắt đô thị mà còn là ga dùng chung cho cả đường sắt quốc gia. Đây sẽ là trung tâm lưu chuyển hành khách của các chuyến tàu Bắc-Nam và các chuyến tàu từ các tỉnh phía Bắc xuống. Các ga nhỏ như: Phương Liệt, Bạch Mai, công viên Thống Nhất, Phùng Hưng… sẽ là những điểm đón khách đi lại trong nội đô.
Vận chuyển 150.000 hành khách/ngày
Hiện nay, Ban quản lý các dự án đường sắt đang gấp rút hoàn thành các thủ tục để có thể triển khai dự án ngay từ đầu tháng 4-2008. Ông Trần Văn Lục cho biết, với tổng chiều dài của giai đoạn 1, dự án sẽ đi qua 7 quận huyện của thành phố Hà Nội, 1.116 hộ dân sẽ phải di dời. Theo dự kiến, tổng chi phí giải phóng mặt bằng lên tới gần 3.000 tỷ đồng.
Các tiểu dự án di dời này sẽ được thành phố Hà Nội giao lại cho các địa phương thực hiện để đảm bảo cho hành lang an toàn phải đạt khoảng 5m. Chỉ trừ những vị trí quá đặc biệt có thể là 3m, nhưng trong quy hoạch không được cấp phép xây dựng các công trình kiên cố xung quanh. Vấn đề cảnh quan và môi trường cũng là một bài toán nan giải.
Ban quản lý các dự án đường sắt đã lập đánh giá tác động môi trường và đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường thông qua. Khi đi vào vận hành, tàu trên tuyến này sẽ sử dụng đầu máy tự hành chạy điện. Tiếng ồn cũng sẽ được giảm rất nhiều bởi công nghệ đường ray hàn liền và làm đường chống ồn. “Hành khách và các hộ dân xung quanh sẽ không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn khi đường sắt hoạt động” – ông Lục khẳng định.
Theo kế hoạch, sau khi hoàn thành, với 27 đoàn tàu gồm 3 toa, năng lực vận chuyển của tuyến đường sắt trên cao này vào khoảng 150.000 hành khách/ngày. Theo dự kiến, cứ 4 phút sẽ có một chuyến tàu chạy trên tuyến. Do chạy trên cao, nên loại hình vận tải này hạn chế những điểm giao cắt vốn dễ gây tai nạn và ách tắc giao thông. “Hy vọng điều này sẽ giúp cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội” – ông Lục nói.
(Theo SGGP)
Các tin khác
Ngày 28-3, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước VN và Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN đã ký hiệp định viện trợ trị giá 25 triệu USD cho dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông ĐBSCL.
YBĐT - Thực hiện “một cửa”, thông thoáng, giảm tối đa các thủ tục hành chính rườm rà kết hợp với những ưu đãi về thuế, đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, nguồn nhân lực...,huyện Văn Yên (Yên Bái) đang mở rộng cánh tay chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
YBĐT - Dự án đầu tư xây dựng kè chống sạt lở bờ sông Hồng, khu vực thành phố Yên Bái (Yên Bái) do Sở Nông nghiệp và PTNT làm chủ đầu tư có tổng dự toán là 36 tỷ 356 triệu đồng, trong đó chi phí xây dựng là 28 tỷ 405 triệu đồng đang được các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công theo kế hoạch đề ra.
Chiều 26–3, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, Tổng cục Du lịch cùng đại diện phái đoàn Ủy ban châu Âu (EU) tại Việt Nam đã tổ chức lễ bàn giao trang thiết bị thực hành nghề cho 10 trường du lịch tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Huế, Nha Trang, TP.HCM, Vũng Tàu.