Yên Bái: Huy động tốt các nguồn vốn làm đường giao thông
- Cập nhật: Thứ năm, 10/4/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Giao thông vận tải có vai trò cực kỳ quan trọng, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của địa phương. Mặc dù đã được quan tâm đầu tư, song nguồn vốn để phát triển giao thông các tỉnh miền núi trong đó có Yên Bái chưa đáp ứng được nhu cầu, hệ thống giao thông xuống cấp, tỷ lệ đường so với diện tích còn thấp phần nào đã hạn chế sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhân dân xã Minh Quán (Trấn Yên) làm đường giao thông ở thôn 1 bằng nguồn vốn Kích cầu.
|
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương cùng sự nỗ lực của tỉnh, cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã được quan tâm và đầu tư xây dựng. Đến nay, 180/180 xã phường của tỉnh đã có đường ô tô đến trung tâm. Tuy nhiên, số tuyến đường đi lại thuận lợi trong 4 mùa chỉ chiếm 70% đây là các tuyến đã được cứng hoá mặt đường và xây dựng công trình thoát nước hoàn chỉnh, số còn lại chỉ đi lại được trong mùa khô. Làm thế nào để nhân dân có thể vận chuyển được hàng hoá trong mùa mưa luôn là vấn đề quan tâm mang tính thường nhật từ tỉnh đến cơ sở.
Bằng nhiều nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia 135, vốn xây dựng trung tâm cụm xã, vốn chương trình 134, vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB) và các nguồn vốn được huy động ngoài ngân sách Nhà nước, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 5506,3 km đường giao thông, trong đó đường huyện là 735,9 km, đường dân sinh xã 2296,8 km, đường thôn bản 2473,5 km. Mạng lưới giao thông nông thôn miền núi trên địa bàn tỉnh phân bổ tương đối hợp lý, phù hợp với địa hình nhưng còn chưa hoàn chỉnh về mật độ, cấp hạng. Kỹ thuật đường huyện, đường xã chủ yếu là đường ô tô cấp A cấp B với 1935,8 km, chiếm 63,8%; đường chưa được vào cấp là 1.096,9 km chiếm 36,2%, đường dân sinh; đường thôn bản cho người, ngựa và xe thồ đi lại rộng từ 0,5m- 2,5m là 2.473,5 km.
Bằng nhiều hình thức, năm 2007, toàn tỉnh đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng mới được 34 km, cải tạo nâng cấp 140 km đường giao thông nông thôn, trong đó xây dựng mặt đường bê tông xi măng 35,2 km, mặt đường đá dăm láng nhựa 35 km, mặt cấp phối 69,9 km đầu tư xây dựng 15 cầu bê tông cốt thép, 10 cầu treo ô tô đi, 127 chiếc cống các loại và 57 đập tràn với tổng vốn đầu tư 142.265 triệu đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước 90.837 triệu đồng, vốn WB 8.024 triệu đồng, vốn ADB 2.199 triệu đồng, JIBIC 16.000 triệu đồng, vốn do nhân dân đóng góp 25.205 triệu đồng.
Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh Yên Bái có nhiều biện pháp để huy động các nguồn lực tham gia xây dựng giao thông nông thôn bằng cách ban hành các chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia đóng góp xây dựng hạ tầng giao thông được tham gia đấu thầu các dự án trên địa bàn tỉnh theo qui định của pháp luật.
Ông Đỗ Văn Dự - Phó giám đốc Sở GTVT cho biết: "Để huy động nhân dân cùng làm đường giao thông tốt thì cần có sự thống nhất, chỉ đạo của chính quyền địa phương. Đồng thời, có biện pháp tuyên truyền giáo dục để nhân dân thấy được lợi ích và nghĩa vụ đóng góp công ích của việc xây dựng hạ tầng giao thông. Bằng cách làm này, trong năm 2007, toàn tỉnh đã huy động 1.250.000 ngày công lao động tham gia xây dựng đường giao thông, điển hình như tuyến đường Mậu A- Tân Nguyên nối Yên Bình với Văn Yên, đường Gia Hội- Phong Dụ Thượng nối Văn Chấn với Văn Yên". Ngoài ra, các công trình giao thông có khối lượng lớn đòi hỏi thời gian thi công nhanh tỉnh đã huy động nhân dân các huyện, dân quân địa phương, lao động các cơ quan trên địa bàn, lực lượng vũ trang cùng tham gia.
Tuy nhiên, để các nguồn lực tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới, các cấp lãnh đạo cần phải chú trọng công tác vận động, tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng đường giao thông; có chính sách phù hợp trong việc huy động nguồn lực; có hình thức quản lý hợp lý, tăng cường phân cấp quản lý cho các địa phương được hưởng lợi từ dự án; tạo điều kiện và cơ chế để nhân dân tham gia, quản lý, giám sát quá trình đầu tư xây dựng ....
Quang Thiều
Các tin khác
12 triệu euro cho dự án phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam, trong số này EU tài trợ 10,8 triệu, vốn đối ứng của Việt Nam là 1,2 triệu.
YBĐT - Với mục tiêu nâng cao đời sống cho người dân địa phương một cách bền vững, các hộ nghèo được tiếp cận tốt với các nguồn lực xoá đói giảm nghèo, Dự án Chia Sẻ tỉnh Yên Bái được thực hiện ở 18 xã, 156 thôn, bản của huyện Văn Chấn và Mù Cang Chải.
Ngày 8/4, tại Hà Nội, các hợp đồng nhằm thực hiện dự án Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương 4.400MW và cảng trung chuyển nước sâu tại quần đảo Nam Du với tổng vốn đầu tư khoảng 7,7 tỉ USD được ký kết...
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa chỉ đạo tỉnh Phú Thọ làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để triển khai cụ thể việc tìm nguồn ODA hỗ trợ cho các danh mục dự án quan trọng của tỉnh, xây dựng thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về cội nguồn.