Không để vốn đầu tư nằm chờ trong “túi” ngân sách
- Cập nhật: Thứ năm, 2/10/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Tiến độ giải ngân các dự án xây dựng cơ bản (vốn ngân sách Nhà nước) những tháng qua rất chậm, chỉ đạt trên 26,7%. Tiến độ giải ngân chậm cùng những diễn biến bất thường trong lĩnh vực xây dựng cơ bản (XDCB) đòi hỏi phải có những giải pháp tích cực hơn trong những tháng cuối năm. Nếu không, sẽ ảnh hưởng đến tới tốc độ tăng trưởng kinh tế của năm 2008 và cả năm 2009…
Cầu Ngòi Hút (Văn Yên) được đầu tư bằng vốn ADB đang được đẩy nhanh tiến độ.
|
Giải ngân chậm, do đâu?
Tổng vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước năm 2008 của Yên Bái là trên 897 tỷ đồng. Tốc độ giải ngân, tới nay, ước đạt 240 tỷ đồng, bằng 26,7% kế hoạch. Tại sao lại có tình trạng trên?
Về khách quan, biến động đột biến của giá nhiên liệu, nguyên liệu, vật liệu xây dựng khiến các dự án đều phải điều chỉnh lại, nhất là với các dự án thuộc diện phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật. Chưa hết, giá cả liên tục tăng, giá sau lại tăng cao hơn giá trước, điều chỉnh không kịp. Nên có tình trạng, các chủ đầu tư, tư vấn khi đang xác định giá dự toán hoặc thẩm tra, trình phê duyệt, phê duyệt phải tiến hành điều chỉnh lại cho sát thực tế.
Dẫn đến thời gian điều chỉnh dự toán, tổng dự toán, tổng mức đầu tư kéo dài, ảnh hưởng đến các bước tiếp theo của dự án. Những tháng đầu năm, Bộ Xây dựng ban hành nhiều văn bản điều chỉnh dự toán xây dựng công trình, giá và hợp đồng xây dựng, nhưng các thông báo giá của Liên bộ Tài chính-Xây dựng chậm, không theo kịp biến động của thị trường.
Chưa kể Thông tư số 09 ngày 17.4.2008 thay thế Thông tư số 05 ngày 22.4.2008 điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng còn nhiều điểm không rõ, làm chủ đầu tư khó xác định được mức độ trượt giá trên khối lượng thi công.
Chủ quan, năng lực của nhiều chủ đầu tư còn hạn chế, nhất là chủ đầu tư cấp huyện, xã; việc lập định mức đơn giá gặp khó khăn, mất nhiều thời gian, dẫn tới mở thầu, đấu thầu chậm và công trình chậm khởi công.
Phía nhà thầu, với các dự án chuyển tiếp nhiều nhà thầu chủ động “nằm chờ” thay vì chủ động thi công để nghe ngóng việc điều chỉnh giá. Đáng chú ý nhiều nhà thầu đã trúng thầu nhưng “bỏ” công trình do giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu tăng cao; số nhà thầu tham gia đấu thầu trong một gói thầu rất hạn chế, không còn “nhộn nhịp” như những năm trước, nhất là các công trình vốn ngân sách tập trung.
Có công trình nhiều lần mời thầu nhưng không bán được hồ sơ vì không có nhà thầu. Đây là những biểu hiện không bình thường trong lĩnh vực XDCB thời gian qua.
Năm 2008, vốn XDCB nguồn ngân sách tập trung là 357.710 triệu đồng, tiến độ giải ngân hiện đạt 40,8%. Nguồn trái phiếu Chính phủ, tổng vốn là 321.754 triệu đồng, giải ngân đạt 15,5%. Các nguồn khác, như: vốn chương trình 135, 134; chương trình mục tiêu quốc gia, tiến độ giải ngân đều đạt rất thấp so với kế hoạch giao.
Có dự án đã triển khai, như: Dự án bảo vệ và phát triển rừng, chương trình bố trí dân cư theo Quyết định 193 của Thủ tướng Chính phủ chưa giải ngân được một đồng nào… Rất bất hợp lý khi tiền đầu tư thì nằm chờ trong “túi” ngân sách, doanh nghiệp “khát” vốn nhưng không “lấy” được vì không đáp ứng khối lượng. Tình hình trên, đang tác động không tốt tới tăng trưởng chung của nền kinh tế địa phương.
Đẩy nhanh tiến độ bằng cách nào?
Trước hết, cần thực hiện tốt các giải pháp mà Chính phủ đưa ra trong Quyết định số 390/QĐ-TTg ngày 17.4.2008. Cụ thể, đình hoãn các dự án chưa thật sự cấp bách, thực hiện giãn tiến độ của một số dự án do bố trí vốn chưa đáp ứng nhu cầu, tập trung vốn cho các dự án để đẩy nhanh tiến độ thi công, đặc biệt là các dự án có khả năng hoàn thành trong năm nay.
Những tháng còn lại tập trung chỉ đạo thực hiện các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, nhất là các dự án đầu tư xây dựng bệnh viện đa khoa tuyến huyện, các dự án thuộc nguồn vốn kiên cố hoá trường lớp học, giai đoạn II.Đối với các dự án đầu tư theo Quyết định 171/QĐ-TTg ngày 24.7.2006 tập trung bố trí vốn cho những dự án có khả năng hoàn thành, có khối lượng thực hiện lớn để đẩy nhanh tiến độ, khẩn trương bàn giao đưa vào sử dụng.
Các dự án thuộc Chương trình 135 tiến hành phân bổ và giao phần vốn bổ sung từ ngân sách Trung ương để sớm tổ chức thực hiện. Các ngành liên quan, chủ đầu tư tập trung giải quyết nhanh các thủ tục về XDCB, bảo đảm đúng trình tự quy định để sớm khởi công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện; tiếp tục tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc trong áp dụng các văn bản hướng dẫn liên quan về điều chỉnh giá, về công tác lựa chọn nhà thầu…
Vấn đề được các nhà thầu quan tâm, kiến nghị là các chủ đầu tư cần mạnh dạn hơn nữa, đổi mới hơn nữa trong tạm ứng vốn, hỗ trợ nhà thầu theo Nghị định 99/NĐ-CP. Thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, thời gian qua, nhiều nhà thầu điêu đứng vì không vay được vốn từ các ngân hàng thương mại. Nghị định 99/CP được các nhà thầu hoan nghênh vì không khống chế mức tạm ứng vốn tối đa, cho phép nhà thầu có thể tạm ứng 100% vốn trong vốn ghi kế hoạch năm.
Trước những khó khăn trong XDCB thời gian qua, “mơ ước” của các nhà thầu là chủ đầu tư cho tạm ứng, có thể 90% vốn. Thực tế là, tiền nằm trong “túi” ngân sách không sinh lãi, nếu chủ đầu tư cho tạm ứng vốn theo Nghị định 99/CP thì nhà thầu sẽ bớt khó khăn, giảm vốn vay lãi ngân hàng, có thêm vốn để đẩy nhanh tiến độ thi công.
Vấn đề này nhiều địa phương khác, các chủ đầu tư đã mạnh dạn áp dụng trên cơ sở kiểm tra năng lực thực tế nhà thầu. Ở Yên Bái, các chủ đầu tư rất e dè, do lo ngại các nhà thầu không sử dụng vốn đúng mục đích. Cái chính là chưa mạnh dạn, tránh phiền phức, có tâm lý coi trọng an toàn, sợ rủi ro!
Các dự án kéo dài thời gian thi công, chậm triển khai, tiến độ giải ngân chậm, tình trạng vốn nằm chờ trong “túi” ngân sách, là những biểu hiện không tốt. Thực hiện đồng bộ các giải pháp của Chính phủ, điều hành của UBND tỉnh, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, mạnh dạn hỗ trợ nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án, có thể coi là nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm, nhằm bảo đảm mức tăng trưởng kinh tế 12,5% và tạo đà tăng trưởng cho những năm sau.
Tuấn Anh
Các tin khác
Trong năm 2008, Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ hơn 1.200 tỷ đồng cho bốn doanh nghiệp để phát triển 14 dịch vụ viễn thông cơ bản cho người dân.
Ngày 26/9, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Chính phủ Việt Nam đã ký khoản vay trị giá 1,1 tỷ USD để xây dựng đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, khoản vay lớn nhất từ trước đến nay của ADB cho một dự án.
Ngày 25/9, tại Khu Công nghiệp Dầu khí Long Sơn, Bà Rịa-Vũng Tàu, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã phát lệnh khởi công Dự án Tổ hợp Hoá dầu Long Sơn - tổ hợp hóa dầu lớn nhất Việt Nam hiện nay.
YBĐT - Yên Bái là tỉnh miền núi có nhiều tiềm năng, thế mạnh kinh tế, nhưng tỉnh còn nghèo, nguồn lực hạn hẹp. Để khai thác tốt các tiềm năng, tỉnh đã huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển, thông qua các chính sách thu hút và hỗ trợ doanh nghiệp. Các dự án đầu tư, thời gian qua, đã đóng vai trò là động lực thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển theo hướng bền vững…